Joseph V. Micallef
Kể từ những năm 1960, Hoa Kỳ và Liên Xô, và sau này là Hoa Kỳ và Nga, đã hợp tác để hạn chế tổng lượng vũ khí hạt nhân cũng như chủng loại vũ khí hạt nhân mà mỗi bên khai triển. Tiến triển vẫn đều đặn, dù hay được mô tả là cứ tiến hai bước thì lại lùi một bước.
Những mối lo ngại của Hoa Kỳ – việc tuân thủ các hiệp ước kiểm soát vũ khí trong quá khứ của Nga, kế hoạch mở rộng kho vũ khí hạt nhân trên quy mô lớn của Trung Quốc, liên minh bán quân sự đang phát triển giữa Nga và Trung Quốc, và sự phát triển của công nghệ hỏa tiễn siêu thanh — hiện đang đe dọa khiến các thỏa thuận trong quá khứ có khả năng bị đảo ngược và sẽ khiến cho việc đàm phán các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai trở nên khó khăn hơn nhiều.
Các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô-Nga
Từ năm 1972 đến năm 2011, Hoa Kỳ đã đàm phán tám hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân với Liên Xô và sau năm 1989, là với Nga. Hiệp ước Xô-Mỹ về Hạn chế Vũ khí Tấn công Chiến lược Giai đoạn 1 (SALT I) và Hiệp ước Xô-Mỹ về Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Giai đoạn 1 (START I) giới hạn số lượng phương tiện mang đầu đạn hạt nhân mà mỗi bên có thể khai triển.
Hiệp ước SALT I cũng giới hạn số lượng hỏa tiễn chống hỏa tiễn đạn đạo (anti-ballistic missile, ABM) mà mỗi bên có thể sở hữu, mặc dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước Xô-Mỹ về Hạn chế Hệ thống phòng thủ Chống hỏa tiễn (hay gọi tắt là Hiệp ước ABM) vào năm 2002. Hiệp ước Xô-Mỹ về Hạn chế Vũ khí Tấn công Chiến lược Giai đoạn 2 (SALT II) đã được đề xướng và chưa từng được thông qua nhưng về căn bản cả hai bên đều đã hành động theo các điều khoản của hiệp ước này.
Bắt đầu với START I và sau đó tiếp tục với START II, Hoa Kỳ và Liên Xô cũng chuyển sang giới hạn số lượng đầu đạn. Số lượng đầu đạn tối đa được giảm dần xuống 6,000 và sau đó xuống mức 3,000-3,500 trong START II. Hiệp ước START III được đề xướng được dự đoán sẽ đưa số lượng đầu đạn được khai triển xuống còn 2,000-2,500, nhưng các cuộc đàm phán về hiệp ước này vẫn còn bỏ ngỏ.
Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược (SORT) và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START), lần lượt được chính phủ của cựu Tổng thống Bush và chính phủ cựu Tổng thống Obama đàm phán, nhằm cắt giảm số lượng hệ thống bệ phóng chiến lược xuống còn 700 phương tiện và giảm số lượng đầu đạn xuống còn 1,550. Vào ngày 03/02/2021, chính phủ Tổng thống Biden đã đồng ý gia hạn hiệp ước New START thêm năm năm, đến ngày 05/02/2026.
Ngoài ra, năm 1987, hai nước đã đồng ý loại bỏ tất cả các hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tầm trung đất đối đất được trang bị hạt nhân (Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, INF), có tầm bắn từ 300 đến 3,300 dặm. Ngoài Hoa Kỳ và Nga, các quốc gia thuộc Liên bang Xô viết cũ gồm Belarus, Kazakhstan, Ukraine, Turkmenistan, và Uzbekistan cũng là các bên tham gia hiệp ước INF này.
Chính phủ Tổng thống Trump đã rút lại sự tham gia của Hoa Kỳ trong Hiệp ước INF vào ngày 02/02/2019, và chính thức ra khỏi Hiệp ước vào ngày 02/08/2019, dựa trên các cáo buộc về sự không tuân thủ của Nga như việc gian lận, cũng như lo ngại về việc phát triển vũ khí hạt nhân tầm trung của Trung Quốc.
Cụ thể, các nhà phê bình đã cáo buộc, hỏa tiễn hành trình tầm trung đất đối đất 9M729 (định danh của NATO là SSC-X-8 “Screwdriver”) mà Nga bắt đầu thử nghiệm vào năm 2014 và khai triển vào năm 2018, có tầm bắn dao động trong khoảng 300 đến 3,400 dặm. Hỏa tiễn này có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Kể từ đó, Moscow đã thông báo rằng họ đang phát triển một hỏa tiễn hành trình trang bị hạt nhân, được đặt tên là 9M730 Burevestnik (từ Mòng Biển trong tiếng Nga), có tầm bắn hầu như không giới hạn.
Tháng 07/2021, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng tiến hành một bản Đánh giá Vị thế Hạt nhân (NPR). Việc thực hiện các bản NPR bắt đầu từ thời chính phủ cựu Tổng thống Clinton và tiếp tục diễn ra ở các thời tổng thống tiếp theo. Bản đánh giá này mất khoảng một năm để thực hiện và được Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì. Dự kiến sẽ sớm có kết quả NPR của chính phủ Tổng thống Biden. Trong thời gian đó, Đội ngũ của ông Biden đã phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc hứa từ bỏ việc dẫn đầu sử dụng vũ khí hạt nhân và tăng cường nỗ lực với Nga để cắt giảm vũ khí hạt nhân hơn nữa.
Trung Quốc đã không tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân do Hoa Kỳ tiến hành với Liên Xô và sau đó là với Nga. Cho đến khoảng 10 năm trước, theo một báo cáo của Liên đoàn Khoa học gia Mỹ (FAS), người ta ước tính rằng Trung Quốc có khoảng 200-250 đầu đạn hạt nhân; trong đó 75-100 đầu đạn là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, một nửa trong số đó có thể với tới Hoa Kỳ, và số còn lại là hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn được dự kiến sử dụng làm vũ khí hạt nhân tại chiến trường. Các hỏa tiễn này chủ yếu sẽ được khai triển nhắm vào các mục tiêu ở khu vực Thái Bình Dương và các khu vực Á Châu, cụ thể là nhắm vào lực lượng Hải quân Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Khi chính phủ cựu Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước INF, họ đã làm rõ quan điểm rằng bất kỳ hiệp ước nào tiếp theo về việc hạn chế vũ khí hạt nhân tại chiến trường sẽ phải bao gồm cả Trung Quốc. Trung Quốc đáp lại bằng tuyên bố rằng họ không có nhã hứng với việc tham gia vào các cuộc đàm phán như vậy.
Kho vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc
Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang dàn xếp công phu một cuộc mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Hình ảnh vệ tinh năm ngoái cho thấy Trung Quốc đang xây dựng khoảng 250 hầm chứa hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới tại ba địa điểm mới: 229 hầm chứa mới ở Ngọc Môn và Hami, tây bắc Trung Quốc, và 29 hầm chứa mới khác tại Hàng Cẩm kỳ ở Nội Mông.
Theo ước tính mới nhất của Ngũ Giác Đài, Trung Quốc có thể đang sở hữu khoảng 100 hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một số trong số đó có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV). Lực lượng ICBM hiện có vừa đặt tại hầm chứa vừa có thể di động. Theo các nguồn tin của Ngũ Giác Đài, đến năm 2025, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi lực lượng ICBM của mình và đến năm 2030 có thể sở hữu 1,000 đầu đạn hạt nhân.
Đáng lo ngại hơn nữa là các cuộc thử nghiệm một loại vũ khí lướt siêu thanh mới đây của Trung Quốc. Hồi tháng 07/2021, Trung Quốc đã phóng lên quỹ đạo một phương tiện lướt siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, mà sau đó đã tái nhập bầu khí quyển với tốc độ bay gấp năm lần tốc độ âm thanh, khoảng 3,800 dặm một giờ, và có thể tự động điều hướng đến mục tiêu được chỉ định. Nga đã thử nghiệm một phương tiện dẫn hướng tương tự, mang tên Avantgard. Chương trình [vũ khí siêu thanh] của Hoa Kỳ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và được thiết kế để mang các đầu đạn thông thường.
Mặc dù tên gọi thì là vậy, nhưng là các phương tiện lướt siêu thanh không di chuyển với vận tốc nhanh hơn quá nhiều so với ICBM thông thường. Mối đe dọa mà loại phương tiện này gây ra là chúng có khả năng tự điều hướng cao hơn và có khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo tốt hơn. Về căn bản, loại phương tiện này là sự kết hợp giữa tốc độ của hỏa tiễn đạn đạo với tính cơ động của hỏa tiễn hành trình.
Hơn nữa, bằng cách đi thẳng vào quỹ đạo tầm thấp của trái đất rồi sau đó quay trở lại bầu khí quyển, phương tiện lướt siêu thanh có thể tấn công bằng bất kỳ quỹ đạo nào. Hầu hết các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo của Mỹ đều cho rằng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Hoa Kỳ sẽ xuất phát từ phía bắc, qua Bắc Cực, và được định hướng theo [giả định] đó.
Hợp tác quân sự Nga-Trung
Nga và Trung Quốc chưa bắt tay cho một liên minh quốc phòng chính thức và khó có khả năng làm như vậy. Tuy nhiên, các chính sách ngoại giao và quân sự của họ đang thể hiện một mức độ phối hợp và hợp tác ngày càng tăng.
Năm 2018, Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận quốc phòng thường niên của Nga. Năm 2019, họ đã thực hiện các cuộc tuần tra chung bằng oanh tạc cơ gần Nhật Bản và Bán đảo Triều Tiên. Cuối năm đó, hải quân hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở vùng Biển Nhật Bản. Kể từ đó, nhịp độ của các cuộc tập trận chung này liên tục gia tăng.
Ví dụ, tháng 08/2021, quân đội của Nga và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở khu tự trị Ninh Hạ, trung bắc Trung Quốc theo một cấu trúc chỉ huy và kiểm soát chung giữa Nga và Trung Quốc. Cuộc tập trận này có sự tham gia của hơn 13,000 binh lính, hàng ngàn phương tiện, hàng trăm chiến đấu cơ cũng như pháo cơ động. Tháng 10/2021, hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung ở bờ biển Thái Bình Dương của Nga.
Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Bắc Kinh. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã mua hệ thống hỏa tiễn phòng không chống khí cụ bay S-400 mới nhất của Nga. Trung Quốc cũng đã đặt hàng chiến đấu cơ phòng không SU-35 (định danh của NATO là Flanker-E) do Nga sản xuất.
Theo một bản tin của Wall Street Journal, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận rằng Nga đang hỗ trợ Trung Quốc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm chống hỏa tiễn và hai nước cũng đang hợp tác trên một bản thiết kế tàu ngầm tiên tiến.
Đổi lại, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp chính của Nga về vi mạch bán dẫn cho máy điện toán tiên tiến, theo sau việc Moscow bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế vì chiếm Bán đảo Crimea. Tháng 10/2021, sau nhiều năm giữ thái độ trung lập dè chừng về chủ đề này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố “Đài Loan là một phần của Trung Quốc.”
Không gian đã trở thành một lĩnh vực hợp tác đang phát triển khác, một vài phần trong đó có những tác động về mặt quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Năm 2019, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã thông báo họ sẽ phối hợp thực hiện các sứ mệnh Mặt Trăng là Hằng Nga (Chang’e) của Trung Quốc và Luna-Resurs-1 của Nga.
Công nghệ vũ trụ của Nga đang ngày càng lỗi thời, và Moscow đang cần đến sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong quá trình hiện đại hóa của mình. Hai nước đang cùng hợp tác để phát triển một công nghệ hỏa tiễn hạng nặng mới. Họ cũng đang chung tay phát triển vũ khí chống vệ tinh, ngay cả khi những vũ khí này đe dọa đến mạng lưới vệ tinh của mỗi nước.
Vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc và Glonass của Nga bổ trợ lẫn nhau ăn ý và cùng nhau tạo thành một hệ thống với 59 vệ tinh có khả năng cạnh tranh với Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Hoa Kỳ.
Có rất nhiều mối bất hòa giữa Moscow và Bắc Kinh. Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho cả Ấn Độ lẫn Việt Nam, hai quốc gia đang ngày càng có nhiều mâu thuẫn hơn với Trung Quốc. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á, và thu hút các quốc gia đó vào quỹ đạo kinh tế của mình, đi ngược lại với các mục tiêu kinh tế và chính trị của Moscow trong khu vực. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không thể loại trừ khả năng các hành động quân sự của Nga ở các nước cộng hòa Baltic hoặc Ukraine có thể được phối hợp với các hành động tương tự của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc hành động chống lại Đài Loan.
Tương lai của các hiệp ước kiểm soát vũ khí
Sự phát triển của các phương tiện dẫn hướng siêu thanh sẽ làm xói mòn năng lực của các hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn vào thời điểm mà phạm vi kho vũ khí hạt nhân mà Hoa Kỳ phải đối diện lớn hơn so với quy mô kho vũ khí trong một thế hệ trước.
Mặc dù Bắc Kinh và Moscow không chính thức là đồng minh của nhau, nhưng cả hai đều đang cố gắng gia tăng đòn bẩy chống lại Hoa Kỳ bằng cách nhấn mạnh sự sẵn sàng hợp tác quân sự và hỗ trợ lẫn nhau về mặt chính trị và kinh tế. Không rõ liệu sự hợp tác này có nâng lên thành mức phối hợp các hành động quân sự hay không, nhưng giả định này cũng khá khả thi.
Đứng trên cơ điểm kiểm soát vũ khí hạt nhân, Hoa Thịnh Đốn sẽ ngày càng phải cân nhắc tình thế tiến thoái lưỡng nan rằng sự sánh ngang về hạt nhân với Nga và Trung Quốc sẽ khiến Hoa Kỳ ở trong một tình thế bất lợi rõ rệt nếu hai nước đó hành động đồng loạt, tuy nhiên kịch bản đó khó có thể xuất hiện vào lúc này.
Cả Nga và Trung Quốc đều không có khả năng chấp nhận một thỏa thuận cho phép lực lượng của Hoa Kỳ ngang bằng với các lực lượng hạt nhân của họ hợp lại. Tương tự như vậy, Mỹ sẽ không từ bỏ mục tiêu ngang bằng hạt nhân, vốn là nền tảng của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân trước đây, bằng cách cho phép Nga và Trung Quốc có lực lượng hạt nhân chung lớn hơn của Hoa Kỳ. Dưới những điều kiện này, khó có thể thấy tiến triển trong việc cắt giảm hơn nữa vũ khí hạt nhân có thể đạt được như thế nào.
Ông Joseph V. Micallef là một nhà sử học, tác giả sách bán chạy nhất, người viết bài cho chuyên mục tổng hợp, phóng viên chiến trường, và nhà đầu tư cổ phần tư nhân. Ông lấy bằng Thạc sĩ từ Viện Công nghệ Massachusetts và là một Nghiên cứu viên Fulbright tại Viện Quan hệ Quốc tế Ý. Ông từng là bình luận viên cho nhiều trường quay phát sóng và hãng thông tấn và cũng đã viết một số cuốn sách về lịch sử quân đội và các vấn đề thời sự quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông, “Leadership in a Opaque Future” (“Lãnh Đạo trong một Tương Lai Mờ Mịt”) sắp xuất bản. Ông Joseph cũng là một nhà giám định nổi tiếng về rượu vang và rượu mạnh và là tác giả của một cuốn sách bán chạy nhất về rượu whisky của Scotland.
Hồng Ân biên dịch