Tân TT Honduras nói muốn duy trì quan hệ với Đài Loan
Thanh Trúc
Sau cuộc gặp với phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, Tổng thống mới đắc cử của Honduras, bà Xiomara Castro, hôm thứ Tư (26/1) cho biết đất nước bà rất biết ơn sự ủng hộ của Đài Loan và hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ này.
Honduras là một trong 14 quốc gia còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Castro đã đưa ra ý tưởng từ chuyển quan hệ từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.
Trong các bình luận với truyền thông Đài Loan sau cuộc gặp với Phó Tổng thống Lại Thanh Đức, bà Castro đã cảm ơn Đài Loan.
Bà nói trong một video clip do Hãng thông tấn Trung ương chính thức của Đài Loan thực hiện:
“Người dân Honduras luôn biết ơn người dân Đài Loan vì sự ủng hộ mà họ đã luôn dành cho chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm và hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ này”.
Ông Lại đã đăng một bức ảnh trên Twitter về việc ông gặp Castro kèm dòng chữ: “Rất vinh dự được tham dự buổi lễ chuyển giao quyền lực vào ngày mai, và giúp tăng cường tình hữu nghị giữa các nước dân chủ của chúng ta”.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng sẽ đến dự lễ nhậm chức của bà Castro, có khả năng ông Lại sẽ gặp bà Harris, mặc dù các quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng sẽ không có một cuộc gặp chính thức giữa hai người.
Vào tháng 11, khi cuộc bầu cử tổng thống Honduras sắp diễn ra, một phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm Honduras đã nói rõ rằng họ muốn quốc gia Trung Mỹ này duy trì quan hệ với Đài Loan.
Thứ trưởng Mỹ: Ông Tập không vui nếu Nga-Ukraine xung đột khi Olympic diễn ra
Phụng Nghi
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Wendy Sherman, cho biết, Olympic Mùa đông Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến quyết định Nga tấn công Ukraine, đồng thời cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không vui nếu Nga và Ukraine xung đột trong khi Olympic đang diễn ra.
Bà Sherman nói, bà không biết liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có đưa ra quyết định xâm lược Ukraine hay không, nhưng những dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công có thể xảy ra từ nay đến giữa tháng Hai.
Bà Sherman nói: “Tất cả chúng ta đều biết rằng lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh sẽ bắt đầu vào ngày 4 tháng 2, và Tổng thống Putin được mong đợi sẽ có mặt ở đó. Tôi nghĩ rằng có lẽ Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không vui, nếu ông Putin chọn thời điểm đó để xâm lược Ukraine. Vì vậy, điều đó có thể ảnh hưởng đến thời gian và suy nghĩ của ông ấy [Putin]”.
Hôm thứ Ba (25/1), Tổng thống Putin đã lên tiếng về việc Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh với lý do chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Ông Putin nói rằng, ông phản đối “chính trị hóa thể thao”.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã cảnh báo Nga về các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nếu nước này xâm lược Ukraine.
Hiện Nga đang duy trì khoảng 100.000 quân gần biên giới Ukraine.
Thứ trưởng Sherman cho biết, Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho tất cả các loại kịch bản, bao gồm cả kịch bản Nga thực hiện “cuộc xâm lược toàn diện” Ukraine.
Ukraine lo ngại việc rút lui ‘vội vã’ của công dân ngoại quốc sẽ làm ‘gia tăng căng thẳng’
Victoria Kelly-Clark
Phát ngôn viên của chính phủ Ukraine nói rằng Đức và các đồng minh AUKUS – Úc, Hoa Kỳ, và Anh Quốc – không cần thiết phải yêu cầu công dân của họ rời khỏi Ukraine và rằng hành động này có thể sẽ bị kẻ thù lợi dụng để chống lại quốc gia Âu Châu này.
Ông Oleg Nikolenko, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine, cho biết trên Twitter rằng “điều rất quan trọng là phải tránh các hoạt động có thể bị sử dụng trong không gian thông tin để làm gia tăng căng thẳng trong xã hội và gây mất ổn định an ninh kinh tế và tài chính của Ukraine.”
Các bình luận này được đưa ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho biết hôm 25/01 rằng quyết định kéo công dân ra khỏi [Ukraine] là một bước quan trọng trong việc bảo vệ người Úc cũng như gia đình của các nhân viên ngoại giao của nước này ở Ukraine.
Bà Payne nói, “Chúng tôi đã đưa ra quyết định thận trọng và có tính toán kỹ khi đưa những thân nhân trở lại Úc. Và tôi nghĩ đó là điều dễ hiểu khi ở trong hoàn cảnh đó.”
“Đó là điều mà chúng tôi đã thảo luận với những quốc gia có cùng chí hướng, đặc biệt là Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, nhiều đại diện Âu Châu cũng đảm trách các chức vụ ngoại giao ở Ukraine,” bà nói, và cho biết thêm rằng bà đã bàn luận với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Kubela Dmytro về điều đó hồi tuần trước.
Bà Payne đã lưu ý về quyết định đưa thân nhân của các nhân viên ngoại giao [ra khỏi Ukraine] miễn không làm thay đổi cam kết của Úc đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine.
“Chúng tôi đã kêu gọi Nga giảm leo thang,” bà Payne cho biết. “Chúng tôi đã kêu gọi Nga tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán ngoại giao đã và đang diễn ra đó, và chúng tôi sẽ tiếp diễn hành động này. Đây là một vấn đề cần thận trọng và tính toán kỹ lưỡng để bảo vệ cho sự an toàn của người Úc và đặc biệt là những thân nhân của các nhân viên ngoại giao, nhưng nó không làm giảm đi tính cam kết tuyệt đối của chúng tôi đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Bà Payne đã nói rằng Úc sẽ không gửi bất kỳ viện trợ quân sự trực tiếp nào cho Ukraine trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược. Tuy nhiên, nước này sẽ cung cấp cho Ukraine sự trợ giúp về an ninh mạng.
Trong một email gửi tới The Epoch Times, Đại sứ Ukraine tại Úc, ông Volodymyr Shalkivskyi, lưu ý rằng hai vị Bộ trưởng Ngoại giao của Ukraine và Úc đã có một cuộc thảo luận sâu rộng về tình hình an ninh dọc theo biên giới Ukraine và trong lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine.
Ông Shalkivskyi nói rằng, “Họ cũng thảo luận về những nỗ lực của các đối tác Ukraine nhằm xây dựng một bộ biện pháp toàn diện để ngăn chặn Nga gây hấn thêm nữa. Trong đó bao gồm hỗ trợ chính trị, các biện pháp trừng phạt đối với Nga và hỗ trợ an ninh. Với kinh nghiệm thành công trong việc cung cấp hỗ trợ an ninh mạng của Úc cho Ukraine vào năm 2021, các quan chức của cả hai nước sẽ thảo luận về các khả năng sẵn có để củng cố năng lực bảo vệ [đất nước] trên không gian mạng ở Ukraine.”
Đại sứ Úc về các Vấn đề Mạng và Công nghệ Trọng Yếu, Tiến sĩ Toby Feakin, đã tương tác với [cơ quan phụ trách] hệ thống [mạng] của Ukraine để thảo luận về các vấn đề mà họ hiện đang phải đối mặt sau khi Ukraine trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng quan trọng trong năm vừa qua.
Bà Payne lưu ý rằng Úc trước đây đã từng làm việc với Ukraine trong các vấn đề mạng và an ninh mạng, bao gồm cả việc huấn luyện đào tạo vào năm 2021.
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên người Úc tập trung vào chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.
Thanh Tâm biên dịch
Anh gỡ bỏ các hạn chế phòng ngừa biến thể Omicron
Ngày 27/1, Anh đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Với quyết định này, người dân sẽ không còn phải đeo khẩu trang tại những không gian kín, cũng như không cần xuất trình “hộ chiếu vắc-xin” khi đến một số địa điểm nhất định.
hạn chế
Cụ thể, việc gỡ bỏ những hạn chế này được thực hiện sau khi hơn 37 triệu người đã tiêm liều vắc-xin ngừa COVID-19 bổ sung. Số ca mắc cũng đã giảm mạnh trong 2 tuần qua và mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng đã duy trì theo chiều hướng ổn định trong những ngày gần đây.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, chiến dịch tiêm mũi bổ sung đã cho phép gỡ bỏ các hạn chế. Ông nhận định rằng các loại vắc-xin, xét nghiệm và thuốc kháng virus giúp cho nước Anh có được một số “lá chắn phòng thủ” mạnh nhất châu Âu cũng như cho phép quốc gia này có thể trở lại “Kế hoạch A” một cách cẩn trọng, qua đó khôi phục cuộc sống tự do hơn.
Ngoài ra, cũng kể từ ngày 27/1, hành khách vẫn phải đeo khẩu trang khi tham gia giao thông tại London, nhưng quy định này đã được gỡ bỏ tại các trường trung học cơ sở.
Trước đó, vào ngày 8/12/2021, Chính phủ Anh đã đưa ra các biện pháp hạn chế có tên là “Kế hoạch B”, sau khi Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo về một “làn sóng thủy triều” do biến thể Omicron gây ra. Theo đó, người dân nước này bắt buộc phải đeo khẩu tại những không gian kín, đồng thời phải xuất trình chứng nhận đã tiêm vắc-xin COVID-19 khi tới những nơi như hộp đêm, sân vận động và các sự kiện có quy mô lớn.
Phan Anh, theo AFP
Nhật Bản chấm dứt 40 năm viện trợ “uổng phí” hàng chục tỷ USD cho Trung Quốc
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất giỏi trong việc đánh lạc hướng sự chú ý của người dân trong nước bằng cách thao túng tình cảm dân tộc chống Nhật Bản hay chống Hoa Kỳ mỗi khi lâm vào khủng hoảng cầm quyền, và cách này rất hiệu quả. Do đó, Nhật Bản vẫn luôn là mục tiêu chuyển hướng thường xuyên được ĐCSTQ lựa chọn, mặc dù nước này viện trợ cho Trung Quốc hàng chục tỷ USD.
Theo báo chí Nhật Bản gần đây đưa tin, Nhật Bản đã cấp vốn “Hỗ trợ Phát triển Chính thức” (ODA) cho Chính phủ ĐCSTQ trong 40 năm liên tục, kỳ thực là 40 năm “uổng phí”. Tại Trung Quốc, người ta thường nghe nói rằng người Nhật rất tinh ranh. Người Nhật xảo quyệt như vậy, nhưng cuối cùng vẫn bị ĐCSTQ lừa dối, và bị lừa suốt 40 năm!
Nhật Bản quyết định chấm dứt hoàn toàn viện trợ kinh tế ODA cho Trung Quốc từ tháng Ba
Theo một bài báo được đăng bởi tờ “Nikkei” Nhật Bản ngày 14/1, nước này là nhà tài trợ lớn nhất của Trung Quốc trong 40 năm qua, chiếm 66,9% tổng viện trợ của thế giới dành cho Trung Quốc; đồng thời, Trung Quốc cũng là nước nhận viện trợ lớn nhất của Nhật Bản. Nhưng người Trung Quốc, đặc biệt là những người dân thường, hầu như không biết gì về điều này, bởi việc Nhật Bản viện trợ cho ĐCSTQ chưa bao giờ được báo cáo công khai.
Khoản viện trợ này đã đóng một vai trò đáng kể trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, và đại đa số người dân Trung Quốc không hề hay biết về điều đó. Tuy nhiên, vào tháng Ba năm nay, Nhật Bản đã quyết định chấm dứt viện trợ hoàn toàn.
Bài báo có tiêu đề “ODA của Nhật Bản cho Trung Quốc đã phá bỏ bức màn lịch sử.” ODA là “Hỗ trợ Phát triển Chính thức” của Nhật Bản dành cho Chính phủ Trung Quốc bắt đầu từ tháng 12/1979.
Các hình thức hỗ trợ cụ thể gồm tài trợ vốn, công nghệ và đào tạo nhân sự. Các dự án chính liên quan gồm Sân bay Quốc tế Bắc Kinh, Sân bay Phố Đông Thượng Hải, Sân bay Thiên Hà Vũ Hán, Nhà máy điện Bảo Sơn Thượng Hải, Bệnh viện Hữu nghị Trung – Nhật, Tuyến tàu điện ngầm số 2 Bắc Kinh, v.v.
Viện trợ kinh tế vượt quá hàng chục tỷ USD, nhưng ĐCSTQ luôn coi Nhật Bản là kẻ thù
Tính đến năm 2015, viện trợ lũy kế của Nhật Bản dành cho Trung Quốc lên tới khoảng 32,2 tỷ USD, gồm 29 tỷ USD vốn vay ưu đãi, hơn 1,35 tỷ USD viện trợ miễn phí và hơn 1,62 tỷ USD hỗ trợ kỹ thuật.
Tháng 10/2018, khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm Trung Quốc, ông đã tuyên bố sẽ chấm dứt 40 năm viện trợ cho nước này. Đáp lại điều này, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, thừa nhận viện trợ của Nhật Bản đóng một vai trò tích cực trong việc xây dựng kinh tế của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng không quên nhấn mạnh rằng “Nhật Bản đã thu được những lợi ích thực tiễn từ việc này.”
Vào thời điểm đó, ông Dương Trung Mỹ, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách So sánh Mỹ-Trung-Nhật, nói với VOA rằng đây là cách nói của ĐCSTQ nhằm bảo vệ thể diện của chính mình; bởi vì họ chưa bao giờ làm tốt việc công khai viện trợ kinh tế của Nhật Bản, mà luôn quy công những thành tựu của cải cách và mở cửa là do “sự lãnh đạo đúng đắn” của chế độ ĐCSTQ.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 21/1, ông Bokudo Mizoguchi, Giám đốc Viện Văn hóa, Lịch sử và Chính trị Châu Á, cho biết rằng ĐCSTQ từ chối cho người dân Trung Quốc biết về những đóng góp của Nhật Bản đối với sự phát triển của Trung Quốc là điều rất đáng tiếc.
Ông nói: “Tôi tức giận vì sự dối trá của ĐCSTQ. Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã giúp đỡ những kẻ coi chúng ta là kẻ thù.” “Kể từ khi ĐCSTQ được thành lập vào năm 1949 đến nay, mọi tuyên truyền của ĐCSTQ đều sai sự thật. Chế độ của họ được xây dựng bằng sự dối trá. Nhật Bản có tôn giáo và tự do, vì vậy ĐCSTQ sẽ luôn coi chúng ta là kẻ thù.”
Ông Mizoguchi nói thêm: “Chừng nào ĐCSTQ còn tồn tại, thì đây chính là một nút thắt sẽ không bao giờ được tháo gỡ.”
Lý Lâm / Vision Times