Rita Li
Nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ trong năm 2021, nhờ xuất cảng công nghệ mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19 để đáp ứng cho xu hướng làm việc và học tập tại nhà đang thịnh hành.
Theo dữ liệu sơ bộ (pdf) do cơ quan thống kê của chính phủ hôm 27/01 công bố, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm vào năm 2021 đã vượt qua dự báo trước đó là 6.1% lên 6.3%, được thúc đẩy bởi mức tăng 4.9% so với cùng kỳ năm trước trong quý IV.
Con số này hóa ra là kết quả mạnh nhất kể từ mức tăng 10.3% vào năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2020 Nền kinh tế Đài Loan ghi nhận mức tăng 3.1%.
Bloomberg đưa tin, quan chức thống kê cấp cao Wu Pei-hsuan cho biết tại một cuộc họp sau khi phát hành kết quả trên: “Nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, vị trí công nghiệp mạnh mẽ của chúng ta và tranh chấp công nghệ Mỹ-Trung có nghĩa là một số doanh nghiệp có cơ sở ở ngoại quốc đã chuyển hoạt động sản xuất trở lại Đài Loan.”
Là một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu cho những đại công ty như Apple Inc, nền kinh tế Đài Loan đã vượt trội so với nhiều quốc gia cùng khu vực do nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm công nghệ cao của mình. Năm 2021, xuất cảng của Đài Loan tăng 29.4% lên mức cao kỷ lục, do cơn khát chất bán dẫn dai dẳng trên toàn cầu cũng đã lấp đầy sổ đơn đặt hàng của các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn tại Đài Loan, làm thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đài Loan sẽ công bố số liệu GDP điều chỉnh vào ngày 24/02, bao gồm cả ước tính tăng trưởng cho cả năm.
Trung Quốc suy thoái
Là đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng GDP chậm lại trong suốt cả năm.
Trung Quốc công bố GDP của họ đã tăng 4% trong quý cuối cùng của năm 2021 so với một năm trước đó, ít hơn mức tăng 4.9% trong quý thứ 3 và giảm tốc hơn nữa so với mức tăng trưởng 7.9% trong quý thứ 2 và 18.3% trong quý đầu tiên. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố GDP của họ đã tăng 8.1% trong năm 2021, nhưng các nhà theo dõi thị trường vẫn nghi ngờ độ tin cậy.
Ông Edward Huang, một nhà bình luận và người dẫn chương trình thảo luận người Đài Loan chuyên về kinh tế Trung Quốc, cho biết những người bên ngoài khó có thể tin tưởng vào số liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc.
Ông nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Tôi nghĩ rằng con số này có thể hơi quá cao. Nguyên nhân chính dẫn đến sự hoài nghi rộng rãi về con số này là do tình hình chung kém lý tưởng ở Trung Quốc vào năm ngoái,” đồng thời nêu rõ các tác động của cuộc khủng hoảng nguồn điện trong nước, sự hạn chế của các cơ quan quản lý, và các đợt bùng phát COVID-19 lẻ tẻ.
Chủ khách sạn Li Hua (bút danh) đã đóng cửa hoạt động kinh doanh ở miền nam Trung Quốc vào tháng trước. Ông nói với The Epoch Times rằng, “Tôi biết nhiều cửa hàng đã đóng cửa và đổi chủ, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết,” và lo lắng về việc mất niềm tin kinh doanh.
Giáo sư Frank Tạ Điền từ Đại học Nam Carolina, Aiken, cho biết: “Hầu hết các ngành công nghiệp thực sự đang sa thải một lượng lớn lao động. Tiêu dùng của người Trung Quốc đang rất bị dồn nén và yếu ớt.”
Ông Tạ nói, bên cạnh việc tiêu thụ trong nước chậm chạp, nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm Trung Quốc sẽ giảm bớt khi nhiều chuỗi sản xuất của ngoại quốc chuyển ra khỏi lãnh thổ.
Bà Rita Li là ký giả của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2018.
Bình Hòa biên dịch