Tội ác khó tha thứ

Đỗ Duy Ngọc

30-1-2022

Giúp đỡ người đang hoạn nạn, đang gặp cảnh khó khăn vốn là đạo lý làm người. Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn xử sự như vậy. Thế nhưng, đến thời nay, người ta quên mất đạo ấy, người ta quên mất câu “Lá lành đùm lá rách”, người ta ngoảnh mặt đi khi “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Khốn nạn nhất những người đó là kẻ có đủ phương tiện để giúp người, có trách nhiệm để giải quyết công việc, có quyền hành để thực hiện. Nhưng họ đã biến quyền lực để hút máu và khai thác trên nỗi đau của đồng bào. Thế thì gọi cái thời ta đang sống đây là thời kỳ gì nhỉ?

Trong khi người dân nghèo chia nhau miếng cơm, con cá để sống qua cơn đại dịch. Trong khi ở trong những con hẻm sâu người lao động thất nghiệp sống qua ngày bằng hộp cơm từ thiện, bữa đói, bữa no. Trong khi hàng trăm ngàn người lũ lượt đội mưa bão, vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số đường xa mong được trở về quê. Trong khi hàng chục ngàn người lìa đời trong cô đơn giữa mùa dịch bệnh. Lại có một nhóm người bàn mưu túc kế, bóp cổ dân đen để làm giàu, thu lợi hàng ngàn tỷ đồng qua cái kit test giả hiệu. Chia nhau hàng trăm tỷ, dùng mọi thủ đoạn và biện pháp để thu tiền.

Nhẫn tâm, tàn nhẫn, đốn mạt, khốn nạn… đã có biết bao từ ngữ để lên án chúng nhưng cũng không thể có từ ngữ nào để thể hiện hết bản chất của việc làm này. Cả một hệ thống cấu kết với nhau, chúng không chỉ “sắm dù sơn kiệu” như giai cấp phong kiến ngày xưa nữa. Chúng sắm biệt phủ, vi la, lâu đài trong và ngoài nước, chúng mua sắm hàng tiêu dùng cao cấp, chúng thưởng thức những món ăn đắt tiền chỉ riêng dành cho bậc đại phú, chúng vơ vét đô la, hột xoàn, xe hơi đắt tiền, phung phí như đại tư bản. Và mua thẻ xanh chờ lúc nguy biến là bay, chờ khi tàu chìm là chạy. Chúng hút máu có giấy phép chứ chẳng cần lén lút. Chúng công khai vì đã có chỗ dựa lưng. Ngân sách tài chính quốc gia bị lũng đoạn, người dân phải è cổ đóng thuế và trả những khoản tiền vô lý.

Cháy nhà ra mặt chuột, cả một bầy từ trên xuống dưới, dân biết tin ai bây giờ. Nó không chỉ là tay Tổng Giám đốc một công ty chỉ 10m2 với chục nhân công chẳng có chuyên môn. Nó không chỉ là tay vô danh tiểu tốt bỗng một chiều nhận được huân chương. Còn cả một hệ thống mà y chỉ chỉ là bình phong, là con chốt thí. Nhân dân phẫn uất, muốn cả tập đoàn của chúng phải được phơi bày ra ánh sáng. Bởi tội ác của chúng không thể dung tha.

Khi cơn đại dịch lan tràn khắp thế giới, rất nhiều người Việt bị kẹt ở xứ người vì nhiều lý do. Nhiều nước đã thực hiện nhiều phương tiện để giúp công dân của họ trở về cố quốc. Chính phủ Việt Nam cũng tổ chức những chuyến bay gọi là “giải cứu”, báo chí, truyền thông ca ngợi hết lời. Xét cho đúng, chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, có hoàn cảnh khó khăn về nước là một chủ trương đúng đắn, nhân đạo của nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Thế nhưng những kẻ thừa hành, những người có chức vụ, những cán bộ miệng lúc nào cũng nói đạo đức cách mạng, hô hào vì nước, vì dân lại là những con bạch tuộc khát máu, khát tiền bóp cổ dân đen. Hèn chi chúng giàu có quá?

Trong giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 9-2021, đã có hơn 274.200 người nhập cảnh qua đường hàng không và hơn 200.000 người nằm trong danh sách “giải cứu”. Nhưng thực chất là gì? Muốn được ngồi trên chuyến bay để trở về quê hương, họ phải chi ra một số tiền rất lớn.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia về du lịch và hàng không, nêu vấn đề có đơn vị nhân danh chống dịch mà trục lợi trên nỗi khốn khó của đồng bào. Ông Nam dẫn chứng trường hợp người bạn vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu đồng, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3, 4-2020, chuyến bay Vietnam Airlines “giải cứu” từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD; từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội.

Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, bà con Việt Kiều chia sẻ kinh nghiệm về nước bằng cách “lách” sang Campuchia. Hành khách bay từ châu Âu về Phnom Penh chỉ với giá 630 Euro, đi ô tô mất 100 Euro lên cửa khẩu Mộc Bài, trình hộ chiếu Việt Nam ra chắc chắn sẽ được vào Việt Nam và sau đó, cách ly 1 tuần ở Tây Ninh.

Như vậy số tiền chênh lệch đó đã vào két sắt của các cán bộ có trách nhiệm. Người ta tạo rất nhiều khó khăn cho người muốn trở về, và dựa vào những quy chế đó để bóc lột đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Những tiếng kêu cứu đã được bật lên. Những tâm tư của người con xa xứ đã phản ảnh. Và những kẻ bất lương, khốn kiếp với những chức vụ và quyền hạn đã bị bắt. Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 4 bị can để điều tra cùng về tội “Nhận hối lộ”: Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng; Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh; Phó Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) Lưu Tuấn Dũng.

Hãy thử làm một bài tính đơn giản, mỗi người bị kẹt ở nước ngoài muốn bước được vào chuyến bay “giải cứu” phải bị mất thêm ít nhất 4.000 đô la. Hãy nhân với 200.000 người, con số sẽ là bao nhiêu?

Từ chuyện Kit Test không biết chất lượng tệ lậu thế nào giá mua không đến 1 đô la về bán 470.000 đồng và một vé về nước chênh lệch 4.000 đô la. Toàn là những con số khủng. Và chính vì những đồng tiền khủng khiếp dơ bẩn ấy người ta quên mất đạo lý, quên mất nhân phẩm, quên mất nhiệm vụ của mình là lo cho dân.

Ừ nhưng mà giờ này nói chuyện lo cho dân lại thấy mơ hồ và chẳng có thực tế. Giờ kẻ có quyền chỉ biết lo cho hầu bao của mình. Dân là cái quái gì mà phải lo cho chúng nhỉ!

Khi chuyện vỡ lở mới thấy các cán bộ ấy lâu nay được tặng không biết bao huân chương, không biết bao nhiêu lời khen ngợi, thăng quan tiến chức đều đều và họ đều đang sống trong sự giàu sang dù lương bổng chẳng là bao nhiêu. Họ kiếm ăn lâu rồi, nhưng lần này thì bất nhẫn quá, khốn kiếp quá. Cái đau của xã hội bây giờ là kiểu ăn khốn nạn như thế này lại hiện diện khắp nơi, cơ quan ban ngành nào cũng có. Cả một hệ thống nhốn nháo tìm mọi cách để kiếm tiền. Và nạn nhân cũng chỉ là người dân đen khốn khổ.

Những hiện tượng dơ bẩn của các cán bộ như thuốc giả, kit test, hối lộ trắng trợn có mặt khắp nơi và liên tục như thế này. Thử hỏi dân bây giờ biết tin ai? Mà mất lòng tin thì khó mà gầy dựng lại được. Hoá ra dịch Covid khiến cho mấy chục ngàn người đã chết oan, hàng triệu người lâm vào đói khổ, hàng ngàn gia đình tan nát, hàng ngàn đứa con mồ côi lại là lúc có lắm kẻ nắm bắt cơ hội để làm giàu trên xương máu của đồng bào mình. “Tất cả vì chúng ta, kệ cha con em chúng nó” giờ đây trở thành tôn chỉ của kẻ có quyền. Tao có chức, tao có quyền, tao phải thu lợi. Bi kịch của thể chế nằm ngay chỗ đấy.

Những đồng tiền dơ bẩn ấy vẫn tiếp tục thúc đẩy lòng tham và có lẽ tội lỗi sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Tội ác này khó mà tha thứ.

Related posts