IMF hạ mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc
Phụng Nghi
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hôm 28/1, đã giảm mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 từ 5,6% xuống còn 4,8%, theo SCMP.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 30/1 cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 1/2022 là 50,1, giảm so với mức 50,3 ở tháng cuối cùng của năm 2021.
Chỉ số ở mức 50 là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Một số chỉ số khác của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 1/2022 cũng phát đi tín hiệu đáng lo ngại. Ví dụ như chỉ số về tổng đơn hàng mới tiếp tục đà suy giảm từ 49,7 xuống 49,3. Chỉ số về tổng đơn hàng xuất khẩu dù tăng lên 48,4 nhưng vẫn nằm trong phạm vi suy giảm. Chỉ số về hoạt động sản xuất nhà máy là 50,9 giảm so với mức 51,4 của tháng 12/2021.
Chỉ số PMI Caixin, thiên về đo lường hoạt động của doanh nghiệp tư nhân nhỏ, của nền kinh tế Trng Quốc đã giảm xuống còn 49,1. Theo SWJ, chỉ số này là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Sự sụt giảm trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang tiếp tục các biện pháp chống dịch theo chính sách “0- Covid” bị chỉ trích là cực đoan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế.
Khó có khả năng quân đội Anh tham chiến ở Ukraine: Ngoại trưởng Anh
Xuân Hoa
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết “rất khó xảy ra” trường hợp quân đội Anh tham gia chiến đấu ở Ukraine, mặc dù chính phủ Anh tin rằng việc Nga xâm lược Ukraine là “rất có thể xảy ra”.
Khi được hỏi trong chương trình “Sunday Morning” của BBC liệu bà Truss có loại trừ kịch bản binh lính Anh sẽ tham chiến ở Ukraine trong một cuộc xung đột có thể xảy ra với Nga, bà Truss đã nói: “Điều đó [việc quân đội Anh chiến đấu ở Ukraine] rất khó xảy ra”. Bà nói thêm Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace “luôn rõ ràng về điều đó”.
“Chúng tôi đảm bảo rằng các lực lượng Ukraine sẽ nhận được tất cả sự hỗ trợ mà chúng tôi có thể cung cấp cho họ, cho dù đó là hỗ trợ tình báo, cho dù đó là hỗ trợ không gian mạng, cho dù đó là vũ khí phòng thủ, những thứ mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết liên minh “không có kế hoạch” triển khai binh lính tác chiến của NATO tới Ukraine.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh sự khác biệt giữa đồng minh NATO và đối tác của NATO khi nói đến việc bảo vệ các quốc gia trước các mối đe dọa cụ thể.
“Đối với tất cả đồng minh NATO, chúng tôi cung cấp 100% đảm bảo an ninh, có nghĩa là nếu một đồng minh bị tấn công, điều đó sẽ kích hoạt phản ứng từ cả liên minh. Một vì tất cả, tất cả vì một, đó là thông điệp cốt lõi của NATO”, ông Stoltenberg nói với BBC.
Ông nói thêm: “Đối với Ukraine, một đối tác, chúng tôi cung cấp sự hỗ trợ và cũng gửi đi thông điệp rằng sẽ có các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nếu Nga sử dụng vũ lực một lần nữa”.
Bà Truss nói với BBC, chính phủ Anh tin rằng “rất có thể” Tổng thống Nga Vladimir Putin đang muốn xâm lược Ukraine. Do đó, bà nói, Vương quốc Anh đang “làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, thông qua các biện pháp răn đe và ngoại giao, để thúc giục ông Putin từ bỏ ý định”.
Bà cho biết Anh cũng đang “cung cấp và hỗ trợ thêm” cho các nước Baltic, nhấn mạnh rằng Anh “là nước đóng góp lớn nhất cho NATO ở châu Âu” và “thành viên NATO ở châu Âu gửi đi nhiều quân đội và lực lượng phòng thủ nhất”.
Bà Truss tiết lộ thêm, Anh đang củng cố các lệnh trừng phạt của mình. “Chúng tôi sẽ đề xuất luật mới để có thể nhắm vào các mục tiêu, bao gồm những đối tượng chủ chốt” thúc đẩy những dự định của Điện Kremlin và của Nga.
Trao đổi với Sky News trước đó, bà Truss cho biết dự án Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt theo kế hoạch sẽ chạy từ Nga đến châu Âu qua Biển Baltic, sẽ bị dừng lại nếu Nga xâm lược Ukraine.
“Chúng ta không thể ưu tiên lợi ích kinh tế ngắn hạn hơn sự tồn tại lâu dài của tự do và dân chủ ở châu Âu. Đó là quyết định khó khăn mà tất cả chúng ta phải đưa ra”, bà Truss nói trong chương trình “Trevor Phillips On Sunday”.
Xuân Hoa
Theo The Epoch Times
Bắc Hàn tiếp tục tập trận, phóng tên lửa mạnh nhất trong nhiều năm
Xuân Hoa
Tiếp nối các cuộc thử nghiệm vũ khí gần đây, Triều Tiên vào hôm Chủ nhật (30/01) đã bắn thử tên lửa mà các nhà phân tích cho là mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Các quan chức của chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết tên lửa trong vụ phóng thử lần thứ bảy vào tháng 1/2022 này của Bình Nhưỡng đã đi xa 1.242 dặm (gần 2.000 km) và hạ cánh xuống đại dương cách đó khoảng 500 dặm (800 km). Không có thiệt hại hay thương tích nào được báo cáo.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nói với hãng thông tấn Yonhap rằng họ đã phát hiện ra tên lửa được bắn từ tỉnh Jagang, vào khoảng 7:52 sáng theo giờ địa phương. Cơ quan quân sự này cũng xác nhận khoảng cách và độ cao mà tên lửa bay được, đồng thời cho biết thêm rằng tên lửa đạt tốc độ tối đa Mach 16, tức 16 lần tốc độ âm thanh.
“Quân đội chúng tôi đang theo dõi và giám sát các động thái liên quan từ phía Triều Tiên, đồng thời duy trì tư thế sẵn sàng chiến đấu”, Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nói với các phóng viên.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố Bình Nhưỡng có thể đã phá vỡ cam kết năm 2018 của Triều Tiên về việc ngừng thử nghiệm tên lửa tầm xa và các thiết bị hạt nhân.
Lập luận rằng vụ thử hôm Chủ nhật đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Moon Jae-in khẳng định hành động của Bình Nhưỡng là một “thách thức đối với nỗ lực quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, ổn định hòa bình và tìm ra giải pháp ngoại giao” đối với bế tắc hạt nhân giữa Triều Tiên và phần còn lại của thế giới.
Chế độ của Kim Jong Un “nên dừng các hành động gây căng thẳng và áp lực, cũng như đáp ứng các đề nghị đối thoại của cộng đồng quốc tế gồm Hàn Quốc và Mỹ”, ông Moon nói thêm.
Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng và nói rằng “chúng tôi đánh giá sự kiện này không gây ra mối đe dọa tức thời cho người dân và lãnh thổ của Mỹ và của các đồng minh”, “chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”.
Cuộc thử nghiệm hôm Chủ nhật là đợt phóng thử lần thứ bảy của Triều Tiên trong tháng này. Tần suất bất thường của các cuộc thử nghiệm cho thấy ý định của Bình Nhưỡng trong việc gây áp lực với chính quyền Tổng thống Biden. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên với các bên đã bị đình trệ trong thời gian dài. Trong khi đó, những khó khăn liên quan đến đại dịch đã tạo thêm nhiều căng thẳng cho kinh tế Triều Tiên – một nền kinh tế vốn kiệt quệ bởi nhiều thập kỷ quản lý yếu kém và tê liệt bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cũng nói với các phóng viên rằng tên lửa này là tên lửa tầm xa nhất mà Triều Tiên đã thử nghiệm kể từ vụ thử nghiệm tên lửa ICBM Hwasong-15 vào tháng 11/2017.
Năm ngoái, ông Kim Jong Un đã công bố kế hoạch 5 năm mới trong việc phát triển vũ khí, đồng thời đưa ra danh sách đầy tham vọng bao gồm vũ khí siêu thanh, vệ tinh do thám, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết vào hôm thứ Sáu (28/01) rằng ông Kim Jong Un đã đến thăm một nhà máy sản xuất vũ khí không xác định. Nhà máy này chế tạo một “hệ thống vũ khí” quan trọng, và các công nhân cam kết trung thành với nhà lãnh đạo của họ – người đã “đánh bại những thách thức từ đế quốc Mỹ và các lực lượng chư hầu của Mỹ”.
Xuân Hoa
Theo The Epoch Times
Sản xuất Trung Quốc bị thu hẹp, thấp nhất trong 23 tháng vì phong toả khắc nghiệt
Thanh Đoàn
Ngành sản xuất ở Trung Quốc không chỉ nếm mùi khó khăn vì khủng hoảng thiếu điện, mà sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, các biện pháp đóng cửa khắc nghiệt do theo đuổi chính sách ‘zero Covid’ đã tác động tiêu cực tới sản xuất. Sản xuất bị thu hẹp trở lại, ở mức thấp nhất trong 23 tháng qua, khi đơn hàng của nhà sản xuất (chỉ số PMI) ở mức 49,1 điểm, dưới 50 điểm, thể hiện sản xuất đang bị thu hẹp.
Chỉ số PMI đo lường kỳ vọng mở rộng (trên 50 điểm) hay thu hẹp (dưới 50 điểm) trong sản xuất chung của Caixin Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 23 tháng là 49,1 vào tháng 1/2022 từ mức 50,9 vào tháng 12/2021 (theo Trading Economics).
Kết quả mới nhất cho thấy hoạt động của khu vực sản xuất Trung Quốc đã giảm lần thứ 2 trong ba tháng, trong bối cảnh bùng phát COVID-19 và sự kiểm dịch cực đoan theo phương pháp ‘Zero Covid’ của Bắc Kinh.
Cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm mạnh nhất kể từ tháng 8, đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm với tốc độ cao nhất kể từ tháng 5/2020 và mức mua cũng giảm trong bối cảnh nhu cầu thị trường giảm. Đồng thời, số liệu việc làm giảm tháng thứ 6 liên tiếp với tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 4/2020. Lượng công việc tồn đọng giảm lần đầu tiên trong 11 tháng với tốc độ cạn kiệt nhanh nhất kể từ tháng 7/2013.
Về giá cả, lạm phát chi phí đầu vào đạt mức cao nhất trong 3 tháng nhưng tốc độ tăng nhẹ, trong khi giá bán tăng nhẹ trong tháng 1/2022 sau khi giảm nhẹ vào tháng 12/2021. Cuối cùng, niềm tin được cải thiện, dựa trên dự báo cải thiện điều kiện thị trường và nới lỏng các vấn đề chuỗi cung ứng.
Nền kinh tế Trung Quốc năm ngoái khởi đầu mạnh mẽ, hồi sinh sau đợt sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu mất đà phục hồi vào mùa hè, do vấn đề nợ nần trên thị trường bất động sản đè nặng. Thêm vào đó, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.
Chi phí nguyên vật liệu tăng và nhu cầu yếu cũng đã làm xói mòn biên lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc. Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp sản xuất tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm rưỡi qua tại tháng 12/2021.
Với nguy cơ suy giảm tăng trưởng mạnh, nợ xấu ở ngân hàng tăng cao do thị trường BĐS xuống dốc, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải cắt giảm lãi suất, bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính để giảm bớt chi phí đi vay cho doanh nghiệp, đồng thời hy vọng dòng tiền rẻ sẽ giúp mở rộng khu vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các biện pháp đóng cửa nền kinh tế cũng như cuộc khủng hoảng điện năng ở nhiều thành phố cấp 3 ven biển chưa được giải quyết triệt để khiến khu vực sản xuất khó có thể phục hồi tích cực.
Trước thềm Đại hội Đảng cộng sản lần thứ XX (cứ mỗi 5 năm một lần), diễn ra vào cuối năm nay, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh cần thành tích tăng trưởng, ổn định trên thị trường. Họ sẽ làm mọi thứ, nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá, chưa để các phát triển BĐS phá sản… để tạo ổn định, tăng trưởng và việc làm.
Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh sản xuất suy yếu, thị trường BĐS rủi ro rơi vào đóng băng là một giải pháp tồi, hết sức rủi ro; đặc biệt khi ngân hàng Trung ương các nền kinh tế khác như Mỹ, ECB đang rục rịch tăng lãi suất. Lợi thế cạnh tranh hấp dẫn về lãi suất của Trung Quốc đang mất đi, dòng vốn đầu tư FDI, FII có thể chảy ra khỏi nền kinh tế này; điều này sẽ tác động tiêu cực tới ổn định tài chính và tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Tư đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2022 xuống 4,8%, từ mức 5,6% trước đó, phản ánh thảm họa bất động sản và ảnh hưởng đến tiêu dùng từ các quy định nghiêm ngặt về COVID-19.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Hoạt động công nghiệp chậm lại do nhu cầu trong nước yếu. “Khu vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng bất lợi do dịch bùng phát ở nhiều thành phố”, theo Reuters.
“Chỉ số PMI yếu cho thấy các biện pháp nới lỏng chính sách từ chính phủ vẫn chưa được truyền tải đến nền kinh tế thực … Chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách trong những tháng tới, đặc biệt là thông qua chi tiêu tài khóa nhiều hơn”, ông Zhiwei cho biết.
Trong khi số ca nhiễm COVID-19 mới của Trung Quốc (theo báo cáo của Bắc Kinh) thấp so với nhiều quốc gia khác, thì sự gia tăng các ca nhiễm bệnh kể từ cuối tháng 12 tại trung tâm sản xuất Tây An đã buộc nhiều nhà sản xuất ô tô và chip phải đóng cửa hoạt động. Hoạt động sản xuất đã dần trở lại bình thường khi thành phố thoát khỏi tình trạng bị đóng cửa.
Samsung Electronics Co Ltd (005930.KS) tháng trước đã tạm thời điều chỉnh hoạt động tại các cơ sở sản xuất chip NAND flash NAND của họ, nhưng hôm thứ Tư, họ cho biết hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, theo Reuters.
Sản lượng ở Thiên Tân, nơi phải đối mặt với sự bùng phát của biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao, cũng bị ảnh hưởng.
Đồng thời, chính phủ đang cố gắng hạn chế mức độ ô nhiễm không khí công nghiệp trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, bắt đầu vào thứ Sáu. Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy thép ở các khu vực phía Bắc cắt giảm sản lượng cho đến giữa tháng Ba.
Một cuộc khảo sát về lĩnh vực dịch vụ rộng lớn của Trung Quốc cũng cho thấy tăng trưởng chậm lại trong tháng Giêng, do các biện pháp ngăn chặn vi rút ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,0% trong quý IV so với một năm trước đó, mức tăng trưởng yếu nhất trong một năm rưỡi.
Thanh Đoàn
Đại học Yale điều tra về các khoản đầu tư vào Trung Quốc vì các lo ngại về nhân quyền
Michael Washburn
Theo báo cáo của Bản tin Hàng ngày của Yale hôm 26/01, một ủy ban tại một trong những học viện uy tín nhất thế giới, Đại học Yale, đã tiến hành một cuộc điều tra về việc đầu tư các quỹ từ nguồn tài trợ 42.3 tỷ USD của trường này vào các công ty hoạt động ở Trung Quốc có thể đồng lõa với đàn áp và vi phạm nhân quyền ở đó.
Theo một báo cáo năm 2020 từ văn phòng đầu tư của trường đại học này, 6.5% danh mục đầu tư của trường là vào các thị trường mới nổi và Trung Quốc cũng nằm trong danh mục đó. Người ta không biết chính xác số tiền này được chuyển vào các công ty Trung Quốc là bao nhiêu.
Một báo cáo của New York Times chỉ ra rằng danh mục đầu tư vào các thị trường mới nổi của trường đại học này vào năm 2015 đã bắt đầu bao gồm các khoản đầu tư vào JD.Com và Tencent, những công ty mà tự bản thân đã là mục tiêu của các cuộc đàn áp giám sát gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Chủ tịch Đại học Peter Salovey nói với tờ báo này của sinh viên rằng việc thoái vốn bảo đảm sẽ được thực hiện ở công ty tích cực tham gia vào việc gây thương tổn cho xã hội.
Đánh giá này được đưa ra trong bối cảnh giám sát tăng cao đối với các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc hỗ trợ cho quân đội của nhà cầm quyền cộng sản này hoặc hỗ trợ các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và các khu vực khác trên khắp Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm đầu tư của Mỹ vào hàng chục công ty Trung Quốc hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Cộng.
Vào tháng 08/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới các trường đại học kêu gọi họ thoái vốn khỏi các công ty cổ phần của Trung Quốc vì lo ngại qui tắc của Trung Cộng ngày càng tăng tính độc đoán, lá thư cảnh báo qui tắc này có tác động lan tỏa đến môi trường tự do trí tuệ trong các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ.
Bức thư này đã nêu rõ: “Các hội đồng quản trị quỹ tài trợ của tổ chức của quý vị có nghĩa vụ đạo đức, và thậm chí có thể là nghĩa vụ ủy thác, để bảo đảm rằng tổ chức của quý vị có các khoản đầu tư sạch và các quỹ tài trợ sạch.”
Trước đây, Đại học Yale đã có những quan điểm mạnh mẽ chống lại việc hỗ trợ các công ty hoạt động tại các quốc gia có vấn đề về nhân quyền. Để đáp lại với các cuộc biểu tình nhiệt thành của sinh viên và việc dựng các lều [ngay] trong khuôn viên trường vào đầu những năm 1990, Yale đã thoái vốn khỏi Nam Phi vì các chính sách phân biệt chủng tộc của quốc gia đó. Gần đây hơn, trường đại học này đã cắt các khoản đầu tư của mình vào một công ty dầu khí hoạt động ở Sudan vì vụ diệt chủng ở Darfur.
Đại học Yale cũng không ngại rút tiền ra khỏi các công ty có hành vi không phù hợp với quan điểm chính trị và xã hội do chính phủ (Hoa Kỳ) ủng hộ. Vào tháng 04/2021, một lần nữa trước áp lực cao của các sinh viên, trường đại học này đã công bố một bộ hướng dẫn mới nhằm loại trừ việc đầu tư vào các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây thiệt hại cho môi trường và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.
Cuộc điều tra do ủy ban thoái vốn thực hiện trong tháng này có phần bắt nguồn từ một bài báo ẩn danh đăng trên tờ Yale Daily News về số phận của ngôi sao quần vợt Bành Soái, người đã biến mất khỏi công chúng vào cuối năm 2021 sau khi cô công kích hành vi sai trái về tình dục của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ. Những lo ngại liên tục về an sinh của cô Soái, ngay cả sau khi cô đã trở lại với công chúng, đã khiến Hiệp hội Quần vợt Nữ hủy bỏ các giải đấu sẽ được tổ chức tại Trung Quốc trong năm nay, làm mất đi khoảng 1 tỷ USD doanh thu.
Tờ Yale Daily News đã công bố bức thư ẩn danh của sinh viên – một sự khác biệt với chính sách tiêu chuẩn về biên tập – với lý do rằng những sinh viên có gia đình ở Trung Quốc có thể phải chịu sự trừng phạt dưới bàn tay của Trung Cộng nếu các danh tính của họ bị lộ ra.
Tác giả của bài báo này chỉ trích Văn phòng Đầu tư Yale đã không xem xét các tác động về mặt đạo đức của các khoản đầu tư vào Trung Quốc và không công bố công khai chính sách đầu tư có đạo đức dành riêng cho đầu tư vào Trung Quốc. Không cân nhắc đến những cáo buộc của cô Bành Soái là đúng hay sai, tác giả này đưa ra một trường hợp sử dụng việc thoái vốn như một đòn bẩy để gây áp lực lên ĐCSTQ về những vi phạm nhân quyền của Đảng này.
Tác giả này nêu, “Nếu không có áp lực quốc tế liên tục và mạnh mẽ, chúng ta sẽ không bao giờ lại nghe thấy điều cô ấy [Peng Shuai] phải nói, bởi vì chỉ có một ngôn ngữ duy nhất mà ĐCSTQ hiểu được: ngôn ngữ của quyền lực.”
Tác giả cho biết thêm: “Các quỹ tài trợ của Yale cần phải thoái vốn khỏi Trung Quốc. Hồ sơ theo dấu ĐCSTQ đã cho thấy rõ ràng rằng mỗi USD đầu tư vào Trung Quốc là phi đạo đức, cho đến khi ĐCSTQ sẵn sàng phản ứng tích cực, và hành động theo các cáo buộc của Cô Peng Shuai và nhiều người khác.”
Ông Michael Washburn là một ký giả tự do có trụ sở tại New York chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp lý và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Sách của ông bao gồm “Những câu chuyện đã mất gốc và những câu chuyện khác,” “Khi chúng ta trưởng thành” và “Người lạ, người lạ”.
Lưu Đức biên dịch
Pháp sẽ gửi ‘vài trăm quân’ đến Rumania trong bối cảnh lo ngại Nga xâm lược Ukraine
Hôm 29/1, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cho biết Pháp có kế hoạch gửi vài trăm binh sĩ tới Rumania như một phần trong kế hoạch triển khai tiềm năng ở sườn phía đông của NATO, trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ xâm lược của Nga vào Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã bày tỏ “sự sẵn sàng của Pháp để tiến xa hơn và cam kết thực hiện các sứ mệnh mới trong khuôn khổ NATO… đặc biệt là ở Rumnai”.
Bà Parly nói với đài phát thanh France Inter rằng bà đã đến thăm Rumania hôm thứ Năm để thảo luận về vấn đề này.
Bà cho biết Rumania là một “khu vực có sự căng thẳng cao độ” và phải được “trấn an”.
Bà nói: “Sớm thôi, chúng tôi sẽ có một cuộc họp với các thành viên NATO,” và nói thêm rằng Paris đã lên kế hoạch cử“ vài trăm quân ”đến Rumani như một phần của“ liên minh phòng thủ”.
Theo phương Tây, Điện Kremlin đã triển khai hơn 100.000 quân và thiết giáp hạng nặng dọc theo biên giới của Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng Điện Kremlin sẽ tiến hành một cuộc xâm lược.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian hôm thứ Bảy cho biết ông sẽ thăm Ukraine từ ngày 7-8/2 với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock.
Ông nói: “Tôi đã trấn an Dmytro Kuleba [Ngoại trưởng Ukraine] về sự ủng hộ và đoàn kết của chúng tôi với Ukraine.”
Moscow đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với phương Tây, bao gồm việc Ukraine không bao giờ được phép gia nhập NATO.
Những yêu cầu đó là chủ đề của các cuộc đàm phán gay gắt, với việc phương Tây cảnh báo về những hậu quả sâu rộng nếu ngoại giao thất bại và Nga tấn công Ukraine.
Cũng trong ngày 29/1, Văn phòng số 10 phố Downing đã công bố “lời đề nghị lớn nhất có thể” của Anh Quốc cho NATO, cho biết việc triển khai quân sự lớn này là cần thiết để ngăn chặn một nguy cơ xâm lược gia tăng của Nga ở châu Âu nói chung và ở Ukraine nói riêng.
“Việc điều động này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Điện Kremlin: Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hoạt động gây bất ổn của họ và chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng các đồng minh NATO của mình khi đối mặt với sự thù địch của Nga”, ông Johnson tuyên bố.
“Tôi đã ra lệnh cho Các lực lượng vũ trang của chúng tôi chuẩn bị triển khai khắp châu Âu vào tuần tới, đảm bảo chúng tôi có thể hỗ trợ các đồng minh NATO trên bộ, trên biển và trên không,” Thủ tướng Anh tiếp tục.
Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn “một con đường đổ máu và hủy diệt”, ông Johnson nói, nó sẽ dẫn đến một “thảm kịch” cho cả lục địa châu Âu.
Đề nghị của Anh cho NATO có thể liên quan đến việc gửi “vũ khí phòng thủ tới Estonia” cũng như tăng gấp đôi số lượng quân đội Anh trên bộ. London cũng đang xem xét cử các chuyên gia quân sự, tàu chiến và “máy bay phản lực tốc độ cao” để củng cố các đồng minh NATO của mình.
Lê Vy