Aldgra Fredly
Hôm thứ Hai (31/01), Hoa Kỳ đã phối hợp với Anh Quốc và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với bảy cá nhân và hai tổ chức có liên quan đến chế độ quân sự Miến Điện trước ngày đánh dấu một năm cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai (diễn ra vào ngày 01/02/2021) ở Miến Điện, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết.
Trong số những người bị trừng phạt có Tổng Chưởng lý Liên minh Thida Oo, Chánh án Tòa án Tối cao Tun Tun Oo, và Chủ tịch Ủy ban Chống Tham nhũng Tin Oo, vì vai trò của họ trong việc truy tố “có động cơ chính trị” của chế độ quân sự này đối với người đạt giải Nobel Aung San Suu Kyi, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
“Chúng tôi đang phối hợp các hành động này với Anh Quốc và Canada để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với người dân Miến Điện và thúc đẩy hơn nữa việc truy cứu trách nhiệm cho cuộc đảo chính và bạo lực do chế độ này gây ra,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết.
Ba quốc gia này cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Công ty TNHH Dịch vụ và Hậu cần K.T., Giám đốc Điều hành Jonathan Myo Kyaw Thaung của công ty này, và ban giám đốc thu mua của quân đội vì cáo buộc cung cấp hỗ trợ tài chính cho chế độ quân sự này.
Hoa Thịnh Đốn cũng trừng phạt ông Tay Za, chủ sở hữu của “nhiều công ty được biết đến là cung cấp thiết bị và dịch vụ, bao gồm cả vũ khí, cho quân đội Miến Điện” cùng với hai con trai lớn của ông, những người “đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch kinh doanh của ông Tay Za với quân đội Miến Điện.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm đến những người chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính và bạo lực đang diễn ra, những người gây ra sự đàn áp tàn bạo của chế độ này, và những người ủng hộ tài chính cho họ,” Bộ trưởng Ngân khố về Khủng bố và Tình báo Tài chính Brian E. Nelson cho biết trong một tuyên bố.
Các cá nhân bị trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài sản tại Hoa Kỳ và sẽ bị cấm kinh doanh với người Mỹ.
Chế độ quân sự này đã lật đổ chính phủ dân sự được bầu cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào ngày 01/02/2021, gây ra các cuộc biểu tình và đụng độ giữa quân đội và quân nổi dậy dân tộc thiểu số ở Miến Điện, đất nước còn được gọi là Myanmar.
Ít nhất 1,500 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát chính quyền. Khoảng 11,787 người khác đã bị bắt giữ tùy tiện vì chống lại quân đội thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa và các hoạt động trực tuyến, trong đó 8,792 người vẫn bị giam giữ và ít nhất 290 người đã thiệt mạng do bị tra tấn, theo Liên Hiệp Quốc.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, cho biết đã có các báo cáo về “hoạt động đàn áp thẳng tay” của chế độ quân sự này nhắm vào dân làng, cũng như các cuộc tấn công bừa bãi bằng các cuộc không kích và sử dụng vũ khí hạng nặng ở các khu vực đông dân cư.
“Một năm sau khi quân đội nắm giữ chính quyền, người dân Myanmar – những người đã phải trả giá đắt về cả sinh mạng lẫn mất đi sự tự do – tiếp tục vận động không mệt mỏi cho nền dân chủ của họ,” bà Bachelet nói trong một tuyên bố.
Hôm thứ Hai (31/01), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Miến Điện đã công bố một tuyên bố chung của Đại diện cao cấp của Liên minh Âu Châu và Ngoại trưởng của chín quốc gia, kêu gọi chế độ quân sự Miến Điện tham gia đối thoại mang tính xây dựng với tất cả các bên liên quan và ngừng bạo lực.
Chín quốc gia bao gồm Albania, Úc, Canada, New Zealand, Na Uy, Nam Hàn, Thụy Sĩ, Anh Quốc, và Hoa Kỳ.
“Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi về việc chế độ quân sự chấm dứt ngay Tình trạng Khẩn cấp, cho phép tiếp cận nhân đạo không bị cản trở, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện, kể cả người ngoại quốc, và nhanh chóng đưa đất nước trở lại tiến trình dân chủ,” bản tuyên bố chung cho biết.
Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Nguyễn Lê biên dịch