Ngân Hà
Trung Quốc vẫn duy trì việc neo đậu tại vùng nước tranh chấp ở biển Đông thông qua các đội tàu đánh cá quy mô với hàng trăm tàu thuyền, một việc làm kiên quyết để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà nước này lập kế hoạch sẽ bao phủ toàn cầu vào năm 2049.
Vào tháng 3/2021, Philippines đã kêu gọi chú ý tới một đội tàu Trung Quốc đang chiếm cứ Rạn San hô Đá Ba đầu, nơi cả Trung Quốc và Philippine đều tuyên bố chủ quyền. Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines đã thông báo về hơn 200 tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu tại đó.
Ngư dân Philippines đã nhiều thế hệ phụ thuộc vào vùng biển giàu có quanh Đá Ba đầu để kiếm sống. Họ hiện đang ở nơi tuyến đầu có tầm quan trọng quyết định tới cuộc xung đột quốc tế.
“Đó là vùng biển của riêng chúng tôi, nhưng thay vì đánh bắt cá, chúng tôi rất sợ phải quay trở lại đó vì ai đó có thể tấn công chúng tôi,” Diomesio Cabacungan, một ngư dân tại cảng Sisiman, Philippines nói với Đài châu Á Tự do. “Họ cố gắng bắn vào chúng tôi. Họ đã bắn ba lần,” ông nói.
Một tờ báo do Bộ Quốc phòng Cộng hòa Philippines xuất bản đã bày tỏ quan ngại lớn về sự có mặt của những tàu thuyền này.
“Đây là một hành động khiêu khích rõ ràng nhằm quân sự hoá khu vực,” Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng hành động xâm phạm này và lập tức triệu hồi các tàu thuyền đang vi phạm quyền hàng hải và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi.”
Các quan chức Trung Quốc thừa nhận sự hiện diện của các tàu thuyền nhưng tuyên bố chúng chỉ trú tránh thời tiết xấu, hoàn toàn phủ nhận sự hiện diện của một đội tàu đánh cá có vũ trang.
Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy tàu thuyền Trung Quốc đã neo đậu quanh rạn san hô từ tháng 12 và không rời đi trong hơn ba tháng.
“Tôi cho rằng đó là một âm mưu kéo dài để xem Philippines sẽ làm gì,” Rockford Weitz, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Hàng hải Đại học Tufts, nói với Newsweek.
Ông Weitz nhận định vụ việc tại Đá Ba đầu là bằng chứng đáng tranh luận về việc lực lượng phòng vệ biển Trung Quốc bắt đầu nhận ra tiềm năng của họ, một mối đe dọa thực tế đối với Mỹ và các nước ở biển Đông.
“Không có cuộc xung đột vũ trang nào. Nhưng họ đã hiện diện, họ phớt lờ mọi mệnh lệnh. Họ tạo nên mối lo ngại,” ông Weitz nói. “Về bản chất, họ gửi đi thông điệp, chúng tôi ở đây, và chúng tôi có vô số tài sản để ở đây vĩnh viễn.”
Trung Quốc có cả lực lượng phòng vệ biển lẫn đội tàu đánh cá thương mại lớn nhất thế giới. Là nước tiêu thụ hải sản hàng đầu thế giới, Trung Quốc có lý do chính đáng để đầu tư vào các tàu thuyền đánh cá của họ.
Ông Weitz lưu ý rằng các đội tàu cá thương mại của thế giới, dù là của Trung Quốc, Nga, Mỹ, hay Nhật, đều có khả năng trở thành lực lượng phòng vệ biển. Trung Quốc là một trong những cường quốc đầu tiên vũ khí hoá ngành đánh bắt cá của họ trên quy mô lớn, và nó là một mối quan tâm toàn cầu.
Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực chiến lược để trang bị cho cộng đồng đánh bắt cá của nước mình các con tàu với thiết bị tiên tiến, có thể trang bị vũ khí, tạo ra một “đội các tàu dân sự được vận hành và tổ chức có khả năng vừa khai thác nguồn tài nguyên biển vừa chiếm giữ các vùng biển tranh chấp,” Jay Batongbacal, phó giáo sư và giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật pháp trên Biển tại Đại học Philippine, nói với Đài Châu Á Tự do.
Ông Batongbacal giải thích rằng vì Trung Quốc về cơ bản đã làm cạn kiệt tất cả vùng đánh cá ven bờ, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư đáng kể cho đội tàu đánh cá. Việc cung cấp hỗ trợ tài chính để hiện đại hoá các con tàu, cung cấp các thiết bị radio, thiết bị đánh cá và bộ thu tín hiệu GPS là nhằm bảo đảm tàu thuyền có khả năng đánh bắt xa bờ hơn.
Sức mạnh của đội tàu là không thể phủ nhận. Vì Trung Quốc phủ nhận các con tàu là tàu quân sự, các quan chức Trung Quốc có thể coi bất cứ hành động nào của hải quân nước ngoài hay lực lượng canh gác bờ biển nước ngoài chống lại họ cũng là nhằm tấn công các dân thường Trung Quốc.
Việc sử dụng các tàu đánh cá quân sự hoá để thực hiện sức mạnh trên biển xa bờ đã trở thành một đặc tính thường xuyên của hoạt động hải quân của Trung Quốc, và nó phù hợp hoàn toàn với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thiết lập Sáng kiến Vành đai và Con đường đầu tiên vào năm 2013 nhằm mở rộng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lan rộng từ Đông Á tới châu Âu. Sáng kiến hiện bao phủ hơn 70% nước trên thế giới, về cơ bản đang khuếch đại sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Biển Đông, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có nhiều ngư trường, là khu vực được săn lùng trong hơn nửa thế kỷ. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều tranh giành tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong khi Trung Quốc cho rằng phần lớn vùng nước khổng lồ thuộc chủ quyền của họ.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần 90% biển Đông với “đường lưỡi bò” – một sáng tạo của chính phủ Trung Quốc dù nó vi phạm quyền hàng hải của nhiều vùng đặc quyền kinh tế.
Bất chấp phán quyết về ranh giới của công ước Hague quyết định rằng những tuyên bố về phạm vi quyền lợi của Trung Quốc tại biển Đông là không có cơ sở pháp lý, có vẻ như những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc chưa bị đe dọa. Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết, tiếp tục tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển là lãnh thổ của họ.
Nhưng những tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về kiểm soát 90% một trong những đại dương đánh cá dồi dào nhất tiếp tục làm trầm trọng và gia tăng căng thẳng khu vực, đồng thời phớt lờ thỏa thuận hàng hải biển quốc tế mà Bắc Kinh là một bên tham gia.
Ngân Hà (theo Newsweek)