Theo Tổ chức nhân quyền Human Rights in China, trước áp lực của cộng đồng quốc tế về cách hành xử tàn bạo của Bắc Kinh đối với nhân quyền, chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không những không tỏ ra chùn bước mà còn ngày càng thể hiện sự coi thường đối với công luận.
Vào thời điểm diễn ra Thế vận hội Mùa hè 2008 ở Bắc Kinh, Human Rights in China đã xuất bản bộ lịch mang tên “Năm Thế vận hội Nhân quyền Trung Quốc 2008”, liệt kê hơn 300 nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến đã bị giam giữ trong các nhà tù Trung Quốc vào thời điểm đó.
Tuần này, khi Bắc Kinh lại đăng cai Thế vận hội, nhiều người có tên trong bộ lịch năm đó như Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), Quách Phi Hùng (Guo Feixiong) vẫn chưa được trả tự do. Các tổ chức nhân quyền nói rằng sau 14 năm, “chính quyền Trung Quốc không còn quan tâm đến thể diện, và cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với bộ mặt thật của mô hình nhân quyền ‘kiểu Trung Quốc’”.
“Việc ĐCSTQ đăng cai Thế vận hội thực sự đã mang lại nỗi đau lớn cho gia đình chúng tôi”, bà Cảnh Hoà, vợ của luật sư nhân quyền Trung Quốc Cao Trí Thịnh, nói với VOA.
Trong gần 14 năm, từ Thế vận hội Mùa hè 2008 cho đến Thế vận hội Mùa đông 2022, ông Cao Trí Thịnh về cơ bản đã bị chính quyền Bắc Kinh giam giữ, tra tấn, mất tích hoặc quản thúc tại gia.
Bà Cảnh Hoà cho biết chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa công ty luật Cao Trí Thịnh trước khi đăng cai Thế vận hội 2008. Trước đó, vào tháng 9 năm 2007, ông Cao Trí Thịnh đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh, và ngay sau đó, ông đã bị tra tấn trong gần hai tháng. Bà Cảnh Hoà nói: “Ônh ấy – cùng một cách cũ – không bị cực hình thì cũng bị hành hạ hoặc đội mũ trùm đầu màu đen”.
Năm 2009, bà Cảnh Hoà cùng hai con trốn khỏi Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á và đến Mỹ xin tị nạn. “Vào năm 2016, khi ông Cao Trí Thịnh mãn hạn tù và trở về quê nhà ở phía bắc Thiểm Tây, ông ấy đã có vài cuộc điện thoại ngắn với con gái và con trai”. Sau đó, vào năm 2017, “ông Cao Trí Thịnh lại bị cưỡng chế mất tích và cho đến hôm nay, 4 năm 5 tháng 9 ngày”, bà Cảnh Hoà nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA vào ngày 29/1.
Cuộc khủng bố như một cơn ác mộng
Bà Cảnh Hoà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, “Cuộc khủng bố này đối với gia đình chúng tôi như một cơn ác mộng. Nỗi đau và sự bất lực của chúng tôi, chúng tôi phải sống và làm việc trong tình trạng áp bức này đã trở thành trạng thái bình thường của chúng tôi”.
“[Vì] mối quan hệ với gia đình tôi mà khiến chị gái của ông Cao Trí Thịnh tự tử bằng cách nhảy xuống sông, anh rể tôi tự tử bằng cách nhảy lầu, phòng khám tư của em gái tôi phá sản và chuyển đi, và gia đình tôi đã trở nên căng thẳng. Tôi thậm chí không thể liên lạc với gia đình của mình”, bà Cảnh Hoà nói.
Bà Cảnh Hoà cho biết chính quyền đã không cho gia đình bà ở phía bắc Thiểm Tây liên lạc với bà. “Tất cả các thẻ căn cước của gia đình chúng tôi đều bị tịch thu, và sau đó người nhà của chúng tôi phải đến đồn cảnh sát để ký và trình báo hàng tháng. Khi gia đình lên trình báo, họ chỉ cho xem mặt trước của tờ trình và nói rằng tôi và con tôi là tội phạm bị truy nã”, bà Cảnh Hoà nói.
“Lý do duy nhất tôi có thể kiên trì cho đến bây giờ là muốn có một lời giải thích cho ông Cao Trí Thịnh”, bà Cảnh Hoà nói. Lịch trình làm việc của bà Cảnh dày đặc, “Tôi đang làm một số công việc, nhưng tôi không cảm thấy công việc đó quá vất vả đối với tôi, tôi muốn công việc lấp đầy thời gian của mình và để tôi bớt suy nghĩ về hoàn cảnh của chồng mình”, bà Cảnh Hoà cho biết.
Ông Cao Trí Thịnh đã có cơ hội được nói trong 10 năm đầu tiên bị cầm tù, và thậm chí còn trả lời phỏng vấn độc quyền của hãng thông tấn AP vào năm 2010. Nhưng 4 năm rưỡi qua, tin tức về ông ấy hoàn toàn bị phong tỏa. “Gia đình chúng tôi luôn cảm thấy rằng ông ấy đã chết”, bà Cảnh Hoà nói.
Tổ chức nhân quyền Human Rights in China đã đưa ra một tuyên bố vào tuần trước lưu ý rằng 14 năm trước, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008 đã nêu cao khẩu hiệu “Một thế giới, một giấc mơ”, vào thời điểm đó, “các nhà chức trách Trung Quốc cũng cam kết sử dụng Thế vận hội như một cơ hội để cải thiện tình hình nhân quyền của đất nước”.
Nhưng tổ chức Human Rights in China cho hay tình hình đã hoàn toàn khác, chính quyền Trung Quốc hiện tại “đã hoàn toàn coi thường sự lên án của quốc tế về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của họ”.
Bà Đàm Cạnh Thường (Tan Jingchang), giám đốc điều hành tổ chức Human Rights in China cho biết: “Chính quyền Trung Quốc không còn quan tâm đến thể diện, và cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với bộ mặt thật của mô hình nhân quyền ‘kiểu Trung Quốc’”.
Nhà hoạt động bị bỏ tù ngày càng tăng
Quách Phi Hùng, Hồ Thạch Căn (Hu Shigen) và Lữ Cảnh Tùng (Lu Gengsong) cũng nằm trong danh sách mà tổ chức này kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Ông Quách Phi Hùng, tên thật là Dương Mậu Đông (Yang Maodong) đã bị chính quyền Trung Quốc chặn ở sân bay và bắt đi khi ông đang trên đường sang thăm bà Trương Thanh, người vợ đang bị bệnh hiểm nghèo vào năm 2021, bà Trương qua đời ở Maryland vào ngày 10/1/2022. Vào ngày 12/1/2021, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông Quách Phi Hùng vì tình nghi “kích động lật đổ chính quyền quốc gia”.
Ông Hồ Thạch Căn bị kết án 20 năm tù vào năm 1992 vì tội “kích động và tuyên truyền phản cách mạng” và được trả tự do sớm sau 16 năm rưỡi ngồi tù. Sau khi được trả tự do, ông tham gia bảo vệ quyền lợi và công việc của nhà thờ tư gia. Ông bị bắt trong vụ “truy bắt lớn” năm 2017 và bị kết án 7 năm rưỡi vì tội “lật đổ chính quyền quốc gia”, ông vẫn đang thi hành án.
Ông Lữ Cảnh Tùng bị kết án 4 năm tù vào tháng 2 năm 2008 vì “kích động lật đổ chính quyền quốc gia” và được trả tự do vào năm 2011; vào tháng 8 năm 2014, ông bị kết án 11 năm tù vì “lật đổ chính quyền quốc gia”.
Người thụ án lâu nhất trong danh sách là ông Vương Bính Chương (Wang Bingzhang), một nhà tiên phong của phong trào dân chủ ở nước ngoài của Trung Quốc. Ông bị bắt vào năm 2002 và bị kết án tù chung thân với tội danh “gián điệp”, “tổ chức và cầm đầu một tổ chức khủng bố”, ông đã phải ngồi tù 20 năm.
“Cảm xúc chính của tôi là tức giận với chế độ”, con trai của ông Vương Bính Chương là anh Vương Đại Thời (Wang Daishi) nói với VOA. “Chúng tôi có bằng chứng cho thấy chính phủ đã ngụy tạo bằng chứng”. Anh Vương Đại Thời là một luật sư người Mỹ hành nghề tại Công ty Luật North River ở Washington D.C.
Anh Vương Đại Thời cho biết: “Trong hoàn cảnh bình thường của một xã hội được cai trị bởi luật pháp, các sự kiện sẽ cho phép một người được tự do, và chúng ta có thể chứng minh điều đó, nhưng trong xã hội đó [xã hội Trung Quốc], chuyện đúng hay sai dường như không quan trọng”.
Anh Vương Đại Thời sinh năm 1985 tại New York, “Tôi lớn lên ở Montreal. Tôi ít nhiều bị cha ghẻ lạnh vì mẹ tôi và ông ấy chia tay nhau khi tôi mới 6 tuổi”, anh Vương Đại Thời nói.
Nhưng anh Vương Đại Thời cho biết khi nhìn thấy ông bà, những người thân thiết với anh khóc thương đứa con trai lớn của họ là điều khó khăn nhất đối với anh. “Họ không giỏi thể hiện cảm xúc của mình. Nhưng sau khi bố tôi vào tù, bà tôi đã khóc nhiều lần trong ngày, điều đó khiến tôi không thể chịu đựng được. Ông tôi thì cổ hủ hơn một chút. Nhưng dì tôi nói rằng bà chỉ thấy ông tôi khóc hai lần trong đời, lần thứ nhất là khi ông bị Hồng vệ binh bắt giam trong thời Cách mạng Văn hóa, và lần thứ hai khi ông nghe tin bố tôi bị kết án tù chung thân”.
Trong danh sách của tổ chức Human Rights in China còn có nhà vận động nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti, người bị kết án tù chung thân vì “chia rẽ quốc gia” vào năm 2014. Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Kỳ (Huang Qi) bị bắt vào năm 2016 và sau đó bị kết án 12 năm tù về tội “cố ý làm rò rỉ bí mật quốc gia” và “cung cấp trái phép bí mật quốc gia ra nước ngoài”. Trình Uyên (Cheng Yuan), một nhà bảo vệ quyền lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương, đã bị kết án 5 năm tù vì tội “lật đổ chính quyền quốc gia”. Trương Triển (Zhang Zhan), một cựu luật sư và nhà báo công dân, bị kết án 4 năm tù vì “gây gổ và gây rối”. Sau khi bị bắt, anh đã tuyệt thực và bị bức thực, sức khỏe của anh hiện đang rất đáng lo ngại. Những người ủng hộ cải cách như Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) và Đinh Gia Hy (Ding Jiaxi) bị buộc tội “lật đổ chính quyền quốc gia” vì tụ tập với những người khác để thảo luận về cải cách xã hội. Nhà thơ Vương Tàng (Wang Zang) và vợ của ông là bà Vương Lệ (Wang Li) đều bị bắt vì tội “kích động lật đổ chính quyền quốc gia”. Hoàng Tuyết Cầm (Huang Xueqin), một nhà báo độc lập và nhà hoạt động trong phong trào #MeToo, đã bị bắt vì tình nghi “kích động lật đổ chính quyền quốc gia”.
Giả Đằng Bưu (Teng Biao), một học giả nghiên cứu về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, cho biết đây chỉ là một số nhà hoạt động nhân quyền và nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng mà giới truyền thông tập trung chú ý.