Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 khai mạc giữa làn sóng tẩy chay quốc tế. Trong số 91 quốc gia tham dự, chỉ có 25 nước cử quan chức tới Bắc Kinh. Điều này cho thấy rõ vị thế thật sự của chính quyền Trung Quốc trên trường quốc tế và mối quan hệ căng thẳng của chế độ này với các nước phương Tây.
Các quốc gia tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh
Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức thông báo vào ngày 6/12 năm ngoái rằng sẽ tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Trước những hành vi vi phạm nhân quyền và hành vi tàn bạo kinh hoàng của Trung Quốc ở Tân Cương, phái đoàn ngoại giao hoặc quan chức của Hoa Kỳ không thể coi Thế vận hội lần này bình thường như trước kia”.
Các đồng minh chính của Hoa Kỳ, gồm Vương quốc Anh, Úc và Canada, đã theo gót Mỹ và tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tại Hạ viện vào ngày 8/12 năm ngoái rằng, sẽ không có bộ trưởng nào trong chính phủ Anh tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Ông nói rằng đây là một cuộc tẩy chay ngoại giao “trên thực tế”. Ngoài ra, Scotland cũng thông báo sẽ không cử phái đoàn chính phủ tới tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Cùng ngày, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết việc các quan chức Úc không tham gia Thế vận hội Mùa đông là điều “không có gì ngạc nhiên”, vì Bắc Kinh đã không chấp nhận yêu cầu thảo luận về các vấn đề như vi phạm nhân quyền, v.v. mà phía Úc đưa ra. Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã bị đóng băng trong bối cảnh chính phủ Canberra lên án cuộc đàn áp nhân quyền ở Tân Cương và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19. “Tôi làm như vậy vì điều này phù hợp với lợi ích quốc gia của Úc và đó là cách làm đúng đắn”, Thủ tướng Morrison nói.
Canada, quốc gia có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, cũng tuyên bố sẽ không cử đại diện ngoại giao tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, “Chúng tôi vô cùng lo lắng trước các hành vi liên tục chà đạp nhân quyền của chính phủ Trung Quốc”.
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố vào ngày 24/12 năm ngoái rằng họ sẽ tham gia hoạt động tẩy chay cùng các đồng minh Hoa Kỳ và Anh, và sẽ không cử quan chức chính phủ đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Nhưng Nhật Bản không sử dụng thuật ngữ “tẩy chay ngoại giao”.
Trên thực tế, quốc gia đầu tiên công khai tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh không phải là Mỹ mà chính là Lithuania (Litva). Vào ngày 3/12 năm ngoái, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nói rằng ông và các bộ trưởng trong nội các của ông sẽ không tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Mối quan hệ giữa Cộng hòa Kosovo, Lithuania với Trung Quốc xấu đi đáng kể do mối quan hệ chặt chẽ của họ với Đài Loan. Vào ngày 9/12 năm ngoái, cố vấn báo chí của Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani nói với giới truyền thông ở Pristina rằng, bà Osmani cũng gia nhập hàng ngũ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vì những vi phạm nhân quyền của chế độ Trung Quốc.
Ngày 14/1 năm nay, Đan Mạch thông báo sẽ không cử phái đoàn ngoại giao tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết: “Đan Mạch rất lo ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, đây không phải là điều gì bí mật. Chính phủ đã quyết định không tham gia Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc”.
Ấn Độ tuyên bố ngay trước ngày Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc rằng sẽ không cử bất kỳ quan chức nào tới tham dự. Nguyên nhân là vì một chỉ huy quân đội Trung Quốc, người có liên quan đến cuộc xung đột biên giới Trung – Ấn, đã tham gia hoạt động rước đuốc của Thế vận hội năm nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi thông báo quyết định này hôm 3/2: “Thật đáng tiếc khi Trung Quốc lại chọn cách chính trị hóa một sự kiện như Thế vận hội”.
Các quốc gia khác nêu lý do không cử chức sắc tới tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh
Bên cạnh những quốc gia đã chính thức tuyên bố tẩy chay ngoại giao, một số quốc gia khác cũng nêu lý do không cử quan chức tới Thế vận hội.
Các quốc gia như New Zealand, Áo, Bỉ, Thụy Điển, Latvia, Hà Lan, v.v. đã quyết định không cử quan chức chính phủ hoặc quan chức cấp cao tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, với lý do bất tiện vì dịch bệnh.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông hôm 2/2 rằng ông sẽ không tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, nhưng không nói rõ lý do.
Tổng thống Estonia Alar Karis nói với truyền thông rằng ông sẽ không tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vì “lý do chính trị”.
Thông thường, Hoàng gia của Na Uy và Thụy Điển đều tham dự các Thế vận hội Mùa đông, nhưng năm nay các thành viên của hoàng gia hai nước sẽ không tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Thụy Sĩ là một quốc gia có thế mạnh về các môn thể thao mùa đông, nhưng các nhà lãnh đạo của nước này cũng cho biết họ sẽ không tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Điều đáng nói là đồng minh Triều Tiên của Trung Quốc cũng không cử phái đoàn đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vì dịch bệnh và những lý do khác.
Khoảng 1/2 số chính trị gia tham dự Thế vận hội Mùa đông đến từ các quốc gia chuyên chế
Theo danh sách chính thức do chính quyền Trung Quốc công bố, chỉ có 25 quan chức chính phủ, thành viên hoàng tộc và người đứng đầu 7 tổ chức quốc tế tới tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 4/2. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow dường như chặt chẽ hơn vào thời điểm cả Trung Quốc và Nga đang phải đối mặt với những chỉ trích và áp lực từ phương Tây. Ngoài ra, năm 2014, ông Tập Cận Bình cũng bay tới Sochi, Nga để dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông. Chuyến đi lần này của ông Putin có thể coi là có qua có lại.
Serbia bị các nước phương Tây chỉ trích vì vấn đề nhân quyền, và họ đang ngày càng thân thiết hơn với Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh đã cung cấp cho Serbia máy thở và vaccine trong đại dịch, vì vậy mà Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić gọi ông Tập Cận Bình là “anh em” của mình.
Các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia Trung Á cũng đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông, họ cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, vào ngày 25/1, ông Tập Cận Bình đã hứa cung cấp 500 triệu đô-la Mỹ và 50 triệu liều vaccine cho 5 quốc gia Trung Á tại “Hội nghị thượng đỉnh qua video nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao” với 5 nước này. Ngày hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận rằng, nguyên thủ của 5 quốc gia Trung Á sẽ tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Tờ The Wall Street Journal đưa tin ngày 3/2, rất nhiều quốc gia tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm nay đều là các nước không được Tổng thống Mỹ Joe Biden mời tham dự hội nghị thượng đỉnh dân chủ được tổ chức vào tháng 12/2021, giống như Trung Quốc và Nga. Và nguyên thủ các quốc gia Trung Đông và Trung Á tới tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh là vì các nước này đang ngày càng phụ thuộc vào thương mại của Trung Quốc.
Ngoài ra, 6 quốc gia gồm Campuchia, Singapore, Ai Cập, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Papua New Guinea đều không có vận động viên tới tranh tài tại Thế vận hội lần này nhưng nguyên thủ 6 nước kể trên lại tới tham dự lễ khai mạc. Điều này đã thu hút sự chú ý từ dư luận.
Truyền thông Hong Kong HK01 bình luận hôm 2/2 rằng, kiểu “hành động ngoại giao không liên quan đến Thế vận hội Mùa đông” này là điều “đáng chú ý”.
Bên cạnh đó, còn có 7 người đứng đầu các tổ chức quốc tế tới tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, v.v. Nhiều người trong số họ có lập trường thân Bắc Kinh.
Pháp đã cử Bộ trưởng Thể thao Roxana Mărăcineanu đến Bắc Kinh. Vì Pháp là nước chủ nhà của Thế vận hội tiếp theo nên phải cử quan chức đến dự lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Đông Phương
Theo NTD tiếng Trung