Trục Bắc Kinh-Havana sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng Cuba khác hay không?

Khinh hạm Type 054A 548 Ích Dương của Hải quân Trung Quốc neo đậu tại cảng Havana vào ngày 10/11/2015. (Ảnh: Yamil Lage/AFP/Getty Images)

Việc Trung Quốc bành trướng đến vùng Caribe hiện đã vươn tới sân sau của Mỹ.

Trục Trung Quốc-Cuba đang phát triển đe dọa thay đổi địa chính trị của lưu vực Caribe và báo trước tình trạng cạnh tranh quyền lực quyết liệt đang trở lại một khu vực vốn là một phần quan trọng trong phòng thủ lục địa của Mỹ.

Nước cờ thí quân của Bắc Kinh ở Caribbe là một thách thức nghiêm trọng đến mức nào đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ?

Tầm quan trọng của trục Trung Quốc-Cuba đã được nhấn mạnh gần hai tuần trước khi Havana ký kết Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Khi làm như vậy, họ đã gia nhập cùng với Bahamas, Antigua và Barbuda, Barbados, Dominica, Grenada, Trinidad và Tobago, Cộng hòa Dominica và Jamaica với tư cách là những nước vùng Caribe tham gia vào trong chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Theo một báo cáo năm 2020, Cuba, Bahamas, Antigua và Barbuda, Barbados, Trinidad và Tobago và Jamaica đã nhận được những cam kết của Trung Quốc viện trợ và cho vay hơn 7 tỷ USD cho các dự án phát triển khác nhau.

BRI là một chương trình do chính quyền Trung Quốc tài trợ, còn được biết đến là “Một Vành đai, Một Con đường,” theo đó các công ty và tổ chức tài chính Trung Quốc tìm cách xây dựng đường xá, mua lại, mở rộng, hoặc tạo các cơ sở hạ tầng cảng biển, phát triển đường sắt, cũng như đường ống, nhà máy điện, 5G, và mạng cáp quang.

Các dự án phát triển này chủ yếu được tài trợ bằng các khoản vay nhưng cũng có thể bao gồm các khoản viện trợ toàn bộ từ Bắc Kinh. Những người chỉ trích chương trình này đã chỉ ra rằng các điều khoản cho vay có thể gây khó khăn và một số quốc gia đã vỡ nợ và buộc phải trao cho các công ty Trung Quốc quyền kiểm soát các tài sản trọng yếu.

Tại vùng Caribe, các dự án bao gồm từ Sân vận động Cricket [Bóng gậy] Quốc gia ở Grenada đến khu nghỉ mát Baha Mar ở Bahamas, đến bến cảng [container] Kingston Freeport Terminal ở Jamaica, cho đến việc mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng cảng biển ở Santiago de Cuba.

Việc bổ sung Cuba vào BRI của Trung Quốc tăng cường mối quan hệ kinh tế đang phát triển nhanh chóng giữa hai nước. Trung Quốc đã thay thế Nga trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Cuba, và đổi lại, Cuba là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Caribe.

Các quan chức cao cấp của chính quyền Trung Quốc đã đến thăm Cuba hơn hai mươi lần kể từ năm 1995, và các quan chức Cuba đã đáp lại với số lượng các chuyến thăm tương đương. Một tàu bệnh viện của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã đến thăm Cuba trong năm 2011, và ba tàu chiến của PLAN đã đến thăm trong 5 ngày từ ngày 10/11/2015, để kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Hải quân Cuba.

Lực lượng đặc biệt của Cuba, được gọi là Mũ nồi Đen, đứng chụp ảnh bên cạnh các huấn luyện viên Trung Quốc của mình từ một đơn vị bán quân sự, tại một trường đào tạo do chính phủ điều hành ở Cuba, trong một bức ảnh không đề ngày tháng. (Ảnh do ADN Cuba cung cấp)

Trung Quốc cũng được cho là đã tham gia vào việc xây dựng và đang vận hành một vòm radar mới, được thiết kế để ngăn chặn liên lạc của Hoa Kỳ tại cơ sở tình báo tín hiệu của Cuba ở Bejucal, mặc dù chưa chứng minh chắc chắn được về sự dính líu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cũng như Ủy ban Chọn lọc về Tình báo của Thượng viện, đã tuyên bố rằng từ năm 2016 Trung Quốc đã hậu thuẫn cho vòm radar mới này.

Các công ty Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và internet của Cuba, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn [Hoa Kỳ] tiếp cận những người biểu tình Cuba khi các cuộc biểu tình nổ ra vào tháng 07/2021.

Cuba đang ở vị trí độc nhất trong việc kiểm soát các phương thức tiếp cận hàng hải tới các cảng quan trọng của Hoa Kỳ – đặc biệt là Miami, New Orleans và Houston. Hai cảng New Orleans và Houston là đặc biệt quan trọng đối với ngành năng lượng Hoa Kỳ vì hơn một nửa tổng lượng dầu và khí xuất nhập cảng của Hoa Kỳ đi qua hai cảng này. Ngoài ra, khoảng một phần ba xuất cảng nông sản của Hoa Kỳ đi qua New Orleans.

Về mặt địa chiến lược, Caribe có vai trò tương tự đối với Hoa Kỳ giống như vai trò của Biển Đông và Hoa Đông đối với Trung Quốc. Năng lực quân sự dựa vào Cuba sẽ mang lại cho Trung Quốc một số đặc quyền tương tự trong việc có thể đe dọa vận chuyển hàng hải của Hoa Kỳ giống như sự đe dọa của Hoa Kỳ đối với vận chuyển hàng hải của Trung Quốc tại các vùng biển gần Trung Quốc.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền các khu vực rộng lớn ở Biển Đông và Hoa Đông là lãnh hải — một tuyên bố chủ quyền mà Hoa Kỳ cũng như tất cả các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc, không công nhận. Mặc dù Hoa Kỳ là cường quốc quân sự thống trị ở Caribe, nhưng họ đã không mở rộng bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào trên bất kỳ vùng biển nào của Caribe ngoài những vùng biển đã được các hiệp ước quốc tế hiện hành công nhận.

Liệu điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ tìm kiếm một căn cứ hải quân ở Cuba hay tìm kiếm sự hiện diện hải quân lâu dài ở Caribe hay không? Điều đó chắc chắn có thể. Chưa có bằng chứng nào cho thấy sự hiện diện thường xuyên của hải quân ở Caribe là mục tiêu của Bắc Kinh, nhưng xem xét các hành động của Trung Quốc ở những nơi khác – đặc biệt nhất là ở Djibouti và Equatorial Guinea – thì không thể loại trừ điều này.

Cả hai khả năng – đặc biệt là nếu các khả năng này bao gồm việc trú đậu các tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo, như Kiểu 094 (Hạng Jin), ở vùng biển Caribbe với khả năng tiếp cận các cơ sở hải quân của Cuba – sẽ là lằn ranh đỏ đối với Hoa Kỳ.

Liệu Bắc Kinh có phạm phải những sai lầm tương tự như Moscow đã mắc phải khi cố gắng đặt hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba?

Điều có nhiều khả năng hơn là việc Trung Quốc nhìn thấy ở Caribe cơ hội thu thập các ‘mảnh địa chiến lược’ để thương lượng với Hoa Kỳ về vị thế của họ ở Biển Đông và Hoa Đông. Điều đó hầu như không thể tránh khỏi sự hiện diện của hải quân PLAN ở Caribe sẽ tăng lên trong tương lai, ngay cả khi lực lượng này ngừng khai triển thường xuyên.

Vị thế của Trung Quốc ở Caribê đã tăng lên đáng kể trong thập niên qua — và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Hơn nữa, vị thế kinh tế và ngoại giao đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong khu vực này và quy mô quân sự tiềm năng của Trung Quốc có nghĩa là cho dù ở hai phía đối diện của địa cầu, nhưng vùng Biển Đông và Hoa Đông và vùng biển Caribê ngày càng có mối liên hệ địa chiến lược.

Lại càng có thêm nhiều lý do hơn để Hoa Kỳ không được coi nhẹ vị thế của mình ở Caribe. Đã đến lúc Hoa Thịnh Đốn phải làm mới lại các cam kết với các quốc gia ngay tại sân sau của chính mình!

Ông Joseph V. Micallef là một nhà sử học, tác giả sách bán chạy nhất, người viết bài cho chuyên mục tổng hợp, phóng viên chiến trường, và nhà đầu tư cổ phần tư nhân. Ông lấy bằng Thạc sĩ từ Viện Công nghệ Massachusetts và là một Nghiên cứu viên Fulbright tại Viện Quan hệ Quốc tế Ý. Ông từng là bình luận viên cho nhiều trường quay phát sóng và hãng thông tấn và cũng đã viết một số cuốn sách về lịch sử quân đội và các vấn đề thời sự quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông, “Leadership in a Opaque Future” (“Lãnh Đạo trong một Tương Lai Mờ Mịt”) sắp xuất bản. Ông Joseph cũng là một nhà giám định nổi tiếng về rượu vang và rượu mạnh và là tác giả của một cuốn sách bán chạy nhất về rượu whisky của Scotland.

Yến Nhi biên dịch

Related posts