Ngoại trưởng Blinken sẽ thăm Úc, Fiji, và Hawaii để đẩy lùi sự khuếch trương của Trung Quốc

Aldgra Fredly

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói về Nga và Ukraine trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 26/01/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/Pool/AFP/Getty Images)

Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có chuyến công du đến Úc, Fiji, và Hawaii vào tuần tới (07-13/02) để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, duy trì vị thế trọng tâm của khu vực này bất chấp khủng hoảng Nga-Ukraine đang leo thang.

Bộ Ngoại giao cho biết ông Blinken sẽ tham dự cuộc họp Hội nghị Ngoại trưởng của Bộ Tứ tại Úc từ ngày 09/02 đến ngày 12/02 để đàm phán với các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương — Úc, Nhật Bản, và Ấn Độ — để thảo luận về an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, và hợp tác để chiến đấu với đại dịch virus corona.

Ông Blinken sẽ tham dự “một số cuộc hội đàm song phương quan trọng” với giới lãnh đạo Úc, với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, trong chuyến thăm Úc của mình.

Bộ Ngoại giao cho biết, “Thông qua liên kết đối tác [Bộ Tứ] này, chúng tôi đang củng cố môi trường an ninh trong khu vực để đẩy lùi hành động xâm lược và chèn ép. Và thông qua liên kết đối tác này, chúng tôi sẽ giúp hỗ trợ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.”

Ông Blinken sau đó sẽ đến Fiji để gặp Thủ tướng Fiji Bainimarama và các nhà lãnh đạo của các đảo Thái Bình Dương để thảo luận về hợp tác khu vực. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng tới Fiji kể từ năm 1985.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ kết thúc chuyến công du của mình tại Hawaii, nơi ông sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên với những người đồng cấp Nhật Bản và Nam Hàn để thảo luận về những thách thức toàn cầu và “việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.”

Bộ Ngoại giao cho biết thêm: “Bộ trưởng sẽ thể hiện sức mạnh và sự đáng tin cậy trong cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là đối với các đối tác và đồng minh dân chủ quan trọng nhất của chúng tôi trong khu vực này.”

Các nhà phân tích chính sách tuyên bố rằng ông Blinken đang thực hiện chuyến công du này bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang — khi hơn 100,000 quân Nga tập trung gần biên giới của nước này — để thể hiện sự ủng hộ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tập trung vào việc đẩy lùi sự khuếch trương ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trước những nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm tạo sức ép lên chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc về những hành vi vi phạm nhân quyền, cũng như tạo sức ép lên Nga về hoạt động tăng cường quân đội gần biên giới Ukraine, hai nhà lãnh đạo của các quốc gia này đã tuyên bố một tình hữu nghị “không giới hạn” vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa Đông hôm thứ Sáu (04/02). Họ cũng đã ký các hợp đồng khí đốt và dầu mỏ trị giá khoảng 117.5 tỷ USD.

Thể hiện một mặt trận thống nhất, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố dài hơn 5,000 từ sau cuộc họp, nêu bật sự phản đối của họ đối với cái mà họ gọi là “sự can thiệp vào công việc nội bộ” của “các quốc gia khác”, có ý ám chỉ đến Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh của Hoa Kỳ.

Theo tuyên bố trên, Nga công nhận Đài Loan là “một phần không thể xâm phạm của Trung Quốc” và bác bỏ quyền độc lập của hòn đảo tự trị này “dưới mọi hình thức”, Bắc Kinh cũng đồng thời ủng hộ sự phản đối của Nga đối với việc mở rộng NATO.

Hai quốc gia này cũng “lên án mạnh mẽ” liên kết đối tác an ninh ba bên giữa Úc, Hoa Kỳ, và Anh Quốc — cụ thể là hiệp ước AUKUS — theo đó Hoa Kỳ và Anh sẽ giúp Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hồng Ân biên dịch

Related posts