Julia Ye
Ngày càng có nhiều quốc gia Âu Châu và Israel bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19, bao gồm giấy thông hành vaccine và quy định bắt buộc về khẩu trang an toàn. Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn bám trụ với chiến lược zero COVID của mình với mục đích khai thông hoạt động đi lại không cần cách ly đến Trung Quốc đại lục.
Hồi cuối tháng Một, Hồng Kông bước vào đợt bùng phát COVID-19 lần thứ năm. Hôm 27/01, Hồng Kông đã lập kỷ lục 188 ca nhiễm COVID-19 trong một ngày, tiếp theo là trung bình mỗi ngày có hơn 80 ca nhiễm trong bảy ngày liên tiếp. Đợt bùng phát mới này buộc các quan chức phải đối mặt với tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của họ.
Theo tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post, SCMP), vào tối hôm 27/01, đặc khu Trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), đã rút ngắn thời gian cách ly 21 ngày nổi tiếng ngặt nghèo đối với du khách của thành phố này xuống còn 14 ngày, mở rộng việc sử dụng giấy thông hành vaccine để vào các nhà hàng và địa điểm vui chơi giải trí, đồng thời công bố quy định bắt buộc chích ngừa cho người cao tuổi xin vào các cơ sở dưỡng lão.
Những người làm ăn kinh doanh có khuynh hướng rời đi
Báo cáo Khảo sát Ý kiến Doanh nghiệp năm 2022 do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông công bố hôm 19/01 đề cập đến một loạt các vấn đề mà Hồng Kông phải đối mặt, hướng đến tinh thần kinh doanh từ cả góc độ cá nhân và công ty.
Báo cáo cho thấy rằng các vấn đề hàng đầu của thành phố này là các biện pháp đi lại chậm tiến so với thông lệ quốc tế, bang giao Mỹ-Trung căng thẳng, và những thách thức không ngừng của đại dịch virus Trung Cộng.
Khi được chất vấn về những [biện pháp] hạn chế đi lại khét tiếng của thành phố, có hơn 40% người được hỏi cho biết họ có xu hướng rời thành phố đứng từ góc độ cá nhân và có hơn 25% công ty được khảo sát cho biết họ có dự định rời đi, và Singapore dự kiến sẽ là nơi dừng chân lý tưởng.
Theo báo cáo trên, các công ty đang trì hoãn nhiều khoản đầu tư mới và gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài điều hành đến Hồng Kông do các quy định cách ly và biện pháp hạn chế đi lại gây khó khăn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoại quốc cho biết họ cảm thấy ít được chào đón hơn ở thành phố này, và có gần 60% số người được hỏi cho rằng chính quyền thành phố tỏ ra không quan tâm và bất cần.
Ngành du lịch và dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nhất
Theo các bản tin địa phương, hôm 27/01, cùng ngày với cuộc họp báo của bà Lâm, công ty du lịch nổi tiếng nhất Hồng Kông, Morning Star, đã tuyên bố giải thể sau 50 năm hoạt động. Công ty sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên với bên cho vay vào ngày 16/02 sắp tới.
Một số lượng lớn các công ty du lịch ở Hồng Kông đã phá sản kể từ khi đại dịch bùng phát, bao gồm Eastrip Travel và Wee Travel, hai trong số các công ty điều hành tour du lịch hàng đầu của thành phố.
Ngoài ra, triển vọng ngành phục vụ ăn uống của Hồng Kông có vẻ bi quan.
Theo một báo cáo của SCMP hôm 04/02, Chủ tịch Liên đoàn Nhà hàng Hồng Kông, ông Simon Wong Ka-wo, đại diện cho hơn 8,000 quán ăn, cho biết hoạt động kinh doanh trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay đã giảm 50% so với dịp lễ Tết trước đó.
Theo tờ Nhật báo Liên Hiệp của Đài Loan, hôm 25/01, ông Wong cho biết sau khi chính quyền thành phố quyết định gia hạn lệnh cấm đối với dịch vụ dùng bữa tại chỗ trong các nhà hàng, hoạt động kinh doanh trong ngành ăn uống đã giảm 40% trong tháng Một. Ông cũng lường trước về một làn sóng đóng cửa nhà hàng vào tháng Ba và tháng Tư tới đây.
Du lịch tạo ra hơn 800,000 việc làm tại Hồng Kông, cả trực tiếp và gián tiếp. Nhưng do các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của Hồng Kông, những thiệt hại mà các ngành liên quan đến du lịch như bán lẻ và ăn uống phải gánh chịu là không thể tính toán được.
Hôm 27/01, Sở Di trú Hồng Kông đã công bố bản đánh giá công việc cho năm 2021, cho thấy khoảng 90,000 khách du lịch đã đến Hồng Kông năm 2021, giảm 97.4% so với năm ngoái (2020).
Theo tờ China News do nhà nước điều hành, Giám đốc Điều hành của Ủy ban Du lịch Hồng Kông, ông Dane Cheng, từng mô tả ngành du lịch của thành phố là “đóng băng”.
Chính sách ‘zero COVID động’
Kể từ cuối tháng Một, cũng chính là đợt bùng phát COVID-19 lần thứ năm ở Hồng Kông, các quan chức thành phố đã theo đuổi cái mà họ gọi là chiến lược “không lây nhiễm động” phù hợp với Trung Quốc đại lục. Nhiễm bệnh cũng vẫn được chấp nhận miễn là có thể kiềm chế việc bùng phát càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn nhằm mục đích giảm các trường hợp nhiễm COVID-19 mới về không.
Khi được phóng viên hỏi thế nào là chính sách không lây nhiễm linh động, bà Lâm cho biết đây là một chiến lược phòng chống và kiểm soát đại dịch theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, bà Lâm cho biết bà không phải là “người khởi xướng” chính sách này và không thể giải thích từ “động” thực sự có nghĩa là gì trong phạm vi của chính sách.
Chuyên gia về vấn đề thời sự Ji Da nói với The Epoch Times rằng các biện pháp ngăn chặn COVID của Hồng Kông là tấm gương phản chiếu chính sách của Bắc Kinh, khiến nền kinh tế của thành phố này chịu áp lực rất lớn. Ông Ji cho là tuyên bố của bà Lâm đã thừa nhận rằng Hồng Kông giờ đây sẽ hoàn toàn tuân theo chỉ thị của Bắc Kinh thay vì xây dựng định hướng cho riêng mình.
Cô Julia Ye là ký giả người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Cô chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và là phóng viên từ năm 2003.
Tịnh Nhi biên dịch