Bảo Nguyên
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gọi kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” của ông Biden là “kinh tế học trọng cung hiện đại” và đánh giá chính sách này ưu việt hơn chính sách trọng cung truyền thống. Tuy vậy lịch sử kinh tế Mỹ đã chứng minh, các kế hoạch “cấp tiến” không hề mang lại thịnh vượng cho người Mỹ. Dù chúng được gọi bằng cái tên nào đi nữa, bất cứ khi nào nước Mỹ áp dụng các chính sách tăng chi tiêu liên bang, tăng điều tiết và thuế suất, thì kết quả đều là sự thất bại của nền kinh tế. Đã đến lúc nước Mỹ quay lại chính sách trọng cung truyền thống.
Các chính sách trọng cung (phát triển kinh tế bằng cách phát triển bên cung: tăng cường sản xuất hàng hóa và dịch vụ) truyền thống đã kích thích sự tăng trưởng của nước Mỹ. Tới năm 1906, người lao động Mỹ đã trở nên giàu có vào hàng bậc nhất thế giới, một xu hướng kéo dài cho đến ngày nay.
Cách đây vài tuần, bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đề xuất gọi kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn (Build Back Better)” của Tổng thống Biden là “kinh tế học trọng cung hiện đại”. Bà Yellen nói: “Kinh tế học trọng cung hiện đại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng cường nguồn cung lao động và nâng cao năng suất, đồng thời giảm bất bình đẳng và thiệt hại đối với môi trường”.
Bà Yellen đã sai lầm khi tuyên bố rằng chiến lược trọng cung hiện đại của ông Biden ưu việt hơn kinh tế học trọng cung truyền thống – vốn đề cao hạn chế chi tiêu chính phủ, giảm điều tiết từ chính phủ, và cắt giảm thuế. Theo bà Yellen, các chính sách trọng cung truyền thống đã không đem lại những lợi ích như mong đợi.
Chúng ta hãy cùng xem xét lịch sử của kinh tế học trọng cung truyền thống và xem xét mức độ “không đem lại những lợi ích như mong đợi” của chiến lược này. Sau đó, chúng ta hãy nhìn vào kế hoạch “cấp tiến” mà chính quyền Biden đang áp dụng – những chính sách đã được bà Yellen gọi là “kinh tế học trọng cung hiện đại”.
Lịch sử của chính sách trọng cung truyền thống và chính sách cấp tiến
Nước Mỹ được thành lập dựa trên các chính sách trọng cung truyền thống, qua đó cung cấp cho các cá nhân sự tự do tối đa về mặt kinh tế. Đây là những chính sách được ủng hộ bởi Adam Smith, nhà kinh tế học cổ điển thế kỷ 18 và là tác giả của cuốn “Sự giàu có của các quốc gia”. Adam Smith cho rằng các quốc gia sẽ đạt được sự thịnh vượng lớn nhất khi họ áp dụng mức thuế suất thấp; hạn chế chi tiêu và điều tiết của chính phủ; cho phép thị trường hoạt động một cách tự do theo quy luật cung cầu; đảm bảo một chính sách tiền tệ ổn định; và tuân theo quy định của pháp luật để bảo vệ con người và tài sản của họ trước những người khác, kể cả chính phủ.
Chính những chính sách này đã khiến người lao động Mỹ vượt qua người lao động Anh để trở thành lực lượng lao động giàu có nhất thế giới vào năm 1906. Trong 115 năm từ năm 1900-2015, lương thực nhận (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) của người lao động Mỹ tăng 211%. Ngày nay, lực lượng lao động Mỹ vẫn là những người lao động giàu có nhất, giàu hơn người lao động ở bất kỳ quốc gia lớn nào trên thế giới. Các quốc gia có ít tự do kinh tế hơn Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản, Trung Quốc và hầu hết các nước châu Âu đều có mức sống thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Các quốc gia với ít tự do kinh tế nhất phải hứng chịu tình trạng nghèo đói trầm trọng. Nhiều người sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình nhằm tìm đến sự tự do và thịnh vượng tại Mỹ.
Mặc dù có mức độ tự do kinh tế tương đối cao, nước Mỹ đã trở nên khác xa với lý tưởng của Adam Smith về mức thuế suất thấp và sự hạn chế tối đa can thiệp từ chính phủ. Việc rời bỏ các nguyên tắc kinh tế cổ điển về thị trường tự do diễn ra không liên tục, vào các thời điểm khác nhau.
Cuốn sách “Quốc gia giàu, quốc gia nghèo (Rich Nation, Poor Nation)” của tác giả bài viết này, ông Robert Genetski, trình bày lịch sử các chính sách kinh tế của nước Mỹ từ năm 1900-2015. Từ năm 1900, chỉ có 50 năm các chính sách kinh tế của Mỹ tuân theo kinh tế học trọng cung truyền thống một cách rõ ràng. Trong khi đó, đã có 52 năm các chính sách kinh tế rời xa nguyên tắc cổ điển của thị trường tự do. Những năm còn lại, khoảng thời gian 1940-1953, chính sách thay đổi qua lại để đáp ứng với điều kiện thời chiến; kết quả là, chính sách trong thời gian này không tuân theo một xu hướng rõ ràng nào.
Bà Yellen đã tuyên bố các chính sách trọng cung truyền thống không mang lại lợi ích như đã cam kết. Tuy nhiên, trong suốt 50 năm khi các chính sách của Mỹ ‘quyết liệt’ tuân theo nguyên tắc cổ điển về thị trường tự do, nước Mỹ đã đạt được những tiến bộ lớn nhất. 87% của mức tăng 211% trong lương thực nhận trung bình của người lao động Mỹ đều xảy ra trong 50 năm này. Phần còn lại xảy ra từ năm 1940-1953, khi các chính sách không tuân theo xu hướng rõ ràng.
Ông Genetski gọi các động thái rời xa chính sách trọng cung truyền thống là chính sách kinh tế “cấp tiến”. Trong những năm thi hành chính sách “cấp tiến” này, việc chi tiêu và điều tiết của liên bang gia tăng nhanh chóng; chính phủ tăng cường kiểm soát thị trường và tăng thuế suất.
Giai đoạn cấp tiến đầu tiên diễn ra từ năm 1913-1920. Tổng thống Woodrow Wilson, cha đẻ của các chính sách cấp tiến, cam kết sẽ thay thế thị trường tự do bằng can thiệp chủ động từ phía chính phủ. Mục đích mà ông tuyên bố là làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn, thịnh vượng hơn và giảm bất bình đẳng. Các chính sách của ông Wilson bao gồm: tăng mạnh nguồn cung tiền, tăng nhanh chi tiêu của chính phủ, đặt ra thêm các quy định điều tiết, kiểm soát tiền lương và giá cả, cũng như tăng thuế đối với doanh nghiệp và người giàu.
Lương thực nhận (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) từ mức tăng gần 2%/năm; sau thử nghiệm “cấp tiến” của ông Wilson đã tăng chỉ 0,07%/năm, 0,5% trong 7 năm. Các chính sách đã gây ra nhiều tai hại. Năm 1920, công chúng Mỹ đã phản ứng bằng cách bãi nhiệm những người phải chịu trách nhiệm .
Các nhà lãnh đạo mới được bầu đã phục hồi các nguyên tắc kinh tế cổ điển. Từ năm 1920–1929, đã có những cắt giảm lớn về thuế, chi tiêu liên bang và các quy định của chính phủ. Tiền lương trung bình thực nhận tăng 1,7%/năm. Thời kỳ này được biết đến với cái tên “Những năm 20 bùng nổ (Roaring Twenties)”.
Theo quy luật, thời kỳ tiếp theo tại Mỹ là sự chuyển hướng sang các chính sách cấp tiến, bắt đầu vào năm 1929 dưới thời Tổng thống Herbert Hoover của Đảng Cộng hòa. Ông Hoover say mê với những ý tưởng “cấp tiến” như tăng chi tiêu chính phủ và kiểm soát nền kinh tế bằng sự can thiệp từ chính phủ. Những động thái của ông như áp mức thuế cao đối với thương mại quốc tế, tăng chi tiêu liên bang và tăng thuế đã tạo ra thảm họa kinh tế. Vào năm 1932, các cử tri đã phản ứng bằng cách đưa những người “cấp tiến” thực sự trở lại nắm quyền (thành viên Đảng Dân chủ). Các chính sách của họ đã kéo dài thời kỳ suy thoái đến cuối thập kỷ. Mặc dù tiền lương thực nhận sau thuế tăng 1,4%/năm trong khoảng thời gian 1929-1940, tỷ lệ đói nghèo đã tăng mạnh do tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời kỳ hiện được gọi là Đại suy thoái.
Các giai đoạn còn lại áp dụng chính sách “cấp tiến” cũng rất đáng thất vọng. Những động thái kinh tế “cấp tiến” vào các năm 1965–1981, 1988–1995 và 2004–2015 đều thất bại. Mức thay đổi hàng năm của lương trung bình thực nhận của người lao động lần lượt là -0,7%, -0,5% và 0,06%.
Nước Mỹ cần quay trở lại chính sách trọng cung truyền thống
Trong suốt 52 năm khi các chính sách “cấp tiến” được áp dụng một cách triệt để, mức lương trung bình thực nhận của người lao động không tăng. Đó là khoảng thời gian dài duy nhất trong lịch sử nước Mỹ khi quốc gia vĩ đại nhất thế giới này không thể mang lại cho người lao động một sự gia tăng về mức sống. Dù là với Mỹ, khi được áp dụng các chính sách tương tự như những chính sách ở các quốc gia kém phát triển, nền kinh tế của Mỹ đã hoạt động giống như nền kinh tế của một quốc gia kém phát triển.
Việc thay đổi tên của các chính sách không thành công không làm thay đổi các chính sách đó. Điều ấy cũng giống như tô son lên một con lợn để làm cho nó trở nên xinh đẹp. Dữ liệu từ lịch sử là rõ ràng. Dù chúng ta có gọi chúng bằng cái tên gì đi nữa, bất cứ khi nào nước Mỹ áp dụng các chính sách tăng chi tiêu liên bang, tăng điều tiết và thuế suất, kết quả đều là sự thất bại của nền kinh tế. Chừng nào các chính sách của Mỹ vẫn đi theo hướng được ủng hộ bởi chính quyền Biden, thì sự sụt giảm tiền lương thực nhận gần đây sẽ tiếp diễn, và dẫn đến kinh tế đình trệ và suy thoái.
Để đánh thức tiềm năng của nước Mỹ, các chính sách cổ điển về thị trường tự do cần được áp dụng trở lại. Cụ thể, chúng ta phải giảm tốc độ tăng chi tiêu của chính phủ và giảm việc điều tiết; loại bỏ kiểm soát của chính phủ đối với thị trường năng lượng, lao động và sức khỏe; áp dụng một chính sách tiền tệ ổn định hơn và giảm thuế.
Lịch sử hàng trăm năm qua đem đến nhiều khích lệ cho chúng ta. Các chính sách kinh tế tiêu cực hiện nay đã từng được áp dụng trong quá khứ. Người Mỹ đã từng phải chịu đựng những tác động xấu từ những chính sách tương tự. Lần nào người Mỹ cũng đều vượt qua. Người Mỹ sẽ vượt qua những khó khăn này một lần nữa. Các chính sách trọng cung truyền thống đã vượt qua thử thách của thời gian. Hiệu quả đã qua kiểm chứng của những chính sách này sẽ chấm dứt tình trạng hỗn loạn kinh tế hiện tại, nâng cao mức sống và cho phép nước Mỹ viết tiếp lịch sử thịnh vượng chưa từng có của mình.
Ông Robert J. Genetski là một nhà kinh tế học, nhà tư vấn, giảng viên, nhà báo và diễn giả. Trong 25 năm qua, với tư cách là người đứng đầu công ty tư vấn của riêng mình, ông đã cung cấp cho khách hàng những hiểu biết sâu sắc về tác động tài chính của các chính sách. Là người đi đầu ủng hộ cho các nguyên tắc cổ điển của thị trường tự do, ông đã viết 5 cuốn sách về chủ đề này, bao gồm: Giành chiến thắng bằng tiền (Winning With Money) (cùng với Beryl W. Sprinkel), Các nguyên tắc kinh tế cổ điển & Sự giàu có của các quốc gia (Classical Economic Principles & the Wealth of Nations), Loại bỏ tà thuật khỏi kinh tế học (Taking the Voodoo Out of Economics), Quốc gia triệu phú (A Nation of Millionaires) và Quốc gia giàu, Quốc gia nghèo (Rich Nation, Poor Nation).
Bảo Nguyên
Theo The Epoch Times