Phóng viên Hà Lan: Việc gián đoạn đưa tin ở Bắc Kinh không phải là ‘một sự cố cá biệt’
Kelly Song
Sau khi nhân viên an ninh Trung Quốc làm gián đoạn chương trình phát sóng trực tiếp của một phóng viên Hà Lan trong đêm khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã tuyên bố đây là một sự cố “lần đầu cũng là lần cuối,” nhưng sau đó phóng viên này đã lên Twitter nói rằng “thật khó để xem sự cố đêm qua là một sự cố cá biệt.”
Trong video này, trên một vỉa hè cạnh một con phố có vẻ là đang được kiểm soát giao thông ở Bắc Kinh, phóng viên người Hà Lan Sjoerd den Daas vừa bắt đầu nối máy quay nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp của mình ở Hà Lan thì một nhân viên an ninh Trung Quốc mặc thường phục, cùng một chiếc băng tay màu đỏ, đã xuất hiện trong khung hình máy quay và nói to bằng tiếng Trung, “Nào nào anh nhích lên chỗ đằng trước kia đi” trong khi túm lấy vai áo của ông den Daas và đẩy ông về phía sau. Ông den Daas đã giải thích với người đàn ông này bằng tiếng Trung rằng ông đang đưa tin, nhưng điều đó không giúp ích được gì. Người đàn ông Trung Quốc nói, “Lùi ra đằng kia đi, ở đây không được phép đâu.”
Vài phút sau, sau khi phóng viên này di chuyển đến một vị trí vỉa hè khác, ông mới có thể tiếp tục phóng sự của mình.
Ngày hôm sau, hôm 05/02, Giám đốc Truyền thông của IOC, ông Mark Adams, nói với báo chí, “Những điều này đã thực sự xảy ra và tôi nghĩ đó là trường hợp bất khả kháng, sẽ không xảy ra lần thứ hai. Tôi hy vọng chuyện này xảy ra lần đầu cũng là lần cuối và chúng tôi sẽ bảo đảm với quý vị rằng trong vòng khép kín này, quý vị sẽ có thể tiếp tục công việc của mình.”
Ông Adams cho biết, “Thực tế chúng tôi đã liên lạc với NOS, đài truyền hình của nước này, và đó là một tình huống đáng tiếc.”
Tuy nhiên, một người đại diện phát ngôn của đài truyền hình NOS đã phủ nhận việc IOC liên lạc với đài này. “Cả ban quản lý NOS, cũng như tổng biên tập của News and Sport, ban lãnh đạo đội Olympic của chúng tôi ở Bắc Kinh, hay bản thân phóng viên của chúng tôi đều không nói chuyện với bất kỳ ai từ IOC về sự cố ngày hôm qua.”
Phóng viên Sjoerd den Daas của đài NOS Hà Lan cũng đã làm rõ trên Twitter. “Trong những tuần gần đây, chúng tôi cũng như một số đồng nghiệp ngoại quốc, đã nhiều lần bị cảnh sát nơi đây cản trở hoặc ngăn chặn trong quá trình đưa tin về các chủ đề liên quan đến Thế vận hội này.
“Do đó, khó có thể coi sự cố đêm qua là một sự cố cá biệt, như IOC tuyên bố, mặc dù sự can thiệp như vậy hiếm khi xảy ra trực tiếp trên chương trình phát sóng. Và giờ tiếp tục quay lại công việc nào.”
Ông den Daas cũng nhắc lại trên Twitter về những gì đã xảy ra vào đêm khai mạc. Ông bắt đầu quay phim quanh Sân vận động Quốc gia này trước 7 giờ tối nhưng đã được cảnh sát chỉ đến một khu vực khác.
“Tuy nhiên, ngay sau khi chúng tôi phát trực tiếp, tôi đã bị một người đàn ông mặc thường phục đeo băng tay màu đỏ có nội dung “Tình nguyện viên An toàn Công cộng” dùng lực kéo ra khỏi khung hình mà không có bất kỳ lời cảnh báo nào.”
Ông den Daas viết trên Twitter: “Cùng lúc đó, một người đàn ông khác đã lấy thiết bị chiếu sáng của chúng tôi. Khi được hỏi, họ không thể nói được chúng tôi đã làm gì sai.”
Cô Kelly Song là một tác gia của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch
Chính quyền Biden chế tài thêm nhiều công ty Trung Quốc
Thanh Trúc
Hoa Kỳ hôm thứ Hai (7/2) đã liệt 33 công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và yêu cầu các công ty Mỹ muốn làm ăn với họ phải cẩn trọng hơn, theo AP.
Bộ thương mại Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng 33 thực thể được thêm vào danh sách là vì Văn phòng Công nghiệp và An ninh Mỹ không thể xác nhận sự trung thực của họ.
Matthew Axelrod, quan chức phụ trách vấn đề xuất khẩu của bộ Thương mại Hoa Kỳ, cho biết, quyết định đối với 33 công ty Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ thẩm định và đánh giá rủi ro giao dịch, đồng thời cảnh báo chính phủ Trung Quốc về tầm quan trọng của sự hợp tác.
Động thái trên của Hoa Kỳ được đưa sau khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Christopher Wray hồi tuần trước cảnh báo rằng không có quốc gia nào đặt ra mối đe dọa an ninh lớn hơn Trung Quốc.
Mỹ nói nỗ lực chọn VĐV rước đuốc của Bắc Kinh không thể đánh lạc hướng dư luận
Ánh Xuân
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Hai (7/2) cho biết, việc Trung Quốc chọn một vận động viên người Duy Ngô Nhĩ để mang ngọn đuốc Olympic không thể đánh lạc hướng dư luận khỏi tội ác diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương của Bắc Kinh
Hai vận động viên Trung Quốc đã được chọn thắp sáng ngọn đuốc Olympic mùa đông. Một trong hai vận động viên này là người Duy Ngô Nhĩ, có tên Dinigeer Yilamujiang, 20 tuổi và sinh ra ở Tân Cương.
Bà Psaki nói: “Chúng tôi không thể cho phép điều này diễn ra như một sự đánh lạc hướng. Chúng ta đang nhìn thấy ở một phần của Trung Quốc những hành vi lạm dụng nhân quyền, nạn diệt chủng. Đó là lý do tại sao chúng tôi không gửi một phái đoàn ngoại giao ngay cả khi chúng tôi đang cổ vũ cho các vận động viên Hoa Kỳ”.
Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đã tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội vì Bắc Kinh đã vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương.
Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh đã diễn ra vào ngày 4/2 khi trên khán đài thiếu vằng hầu hết các nguyên thủ của các quốc gia phương Tây.
Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại ở Mỹ
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) hôm thứ Hai (7/2) đã đưa ra cáo buộc liên bang đối với một công ty công nghệ Trung Quốc vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ.
Trong một bản cáo trạng chưa niêm phong gồm 21 tội danh từ Tòa án Quận phía Bắc của Illinois, DOJ cáo buộc Hytera, một nhà sản xuất công nghệ vô tuyến của Trung Quốc, âm mưu tiếp cận các cựu nhân viên của Motorola để đánh cắp công nghệ “radio di động kỹ thuật số” (DMR) từ công ty có trụ sở tại Chicago. Âm mưu này bị cáo buộc kéo dài từ năm 2007 đến năm 2020.
DOJ tuyên bố, theo các tài liệu của tòa án, “Motorola Solutions đã phát triển công nghệ DMR thông qua nhiều năm nghiên cứu và thiết kế. Motorola Solutions đã tiếp thị và bán bộ đàm, đôi khi được gọi là ‘máy bộ đàm’ tại Hoa Kỳ và những nơi khác. Bản cáo trạng cáo buộc rằng [Hytera] đã tuyển dụng và thuê nhân viên của Motorola Solutions và chỉ đạo họ lấy thông tin độc quyền và bí mật thương mại từ Motorola mà không được cho phép.”
Tuyên bố giải thích thêm, những nhân viên này đã tham gia Hytera khi vẫn còn làm việc cho Motorola. Họ được cho là đã truy cập thông tin bí mật từ cơ sở dữ liệu nội bộ của công ty và gửi email cho Hytera, đi kèm đó là giải thích về cách triển khai công nghệ cho Hytera. Những bí mật thương mại bị đánh cắp này được sử dụng “để đẩy nhanh sự phát triển của các sản phẩm DMR của Hytera, đào tạo nhân viên của Hytera và tiếp thị và bán các sản phẩm DMR của Hytera trên khắp thế giới.”
Bản cáo trạng buộc tội Hytera với tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, còn có tội tàng trữ hoặc cố gắng sở hữu bí mật thương mại bị đánh cắp. Nếu bị kết tội, hình phạt dành cho Hytera có thể bao gồm mức tiền phạt hình sự lên đến gấp ba lần giá trị của bí mật thương mại bị đánh cắp.
Các công tố viên liên bang Melody Wells, Steven Dollear và Vikas Didwania tại Tòa án Quận phía Bắc của Illinois hiện đang dẫn đầu vụ truy tố đối với Hytera và các cựu nhân viên Motorola. Luật sư biện hộ Nic Hunter của Bộ phận Kiểm soát Xuất khẩu và Phản gián của Cơ quan An ninh Quốc gia cũng tham gia hỗ trợ vụ việc.
Có trụ sở tại Thâm Quyến và được thành lập vào năm 1993, Hytera là một công ty lớn trong ngành công nghệ vô tuyến. Công ty này cũng đứng thứ hai trên toàn thế giới với tư cách là nhà sản xuất các sản phẩm thiết bị đầu cuối vô tuyến, theo Hiệp hội Vô tuyến Di động Kỹ thuật số và cũng là nhà cung cấp chính cho Bộ Công an Trung Quốc.
Năm 2017, Hytera đã kiện Motorola vì lý do chống độc quyền, cáo buộc công ty này độc quyền thị trường radio hai chiều. Đến năm 2019, Motorola đã yêu cầu bãi bỏ vụ kiện này vì thiếu bằng chứng.
Minh Ngọc (Theo Newsweek)
Bành Soái tuyên bố giải nghệ, trả lời phỏng vấn dưới sự tháp tùng của quan chức ĐCSTQ
Ngày 7/2, nữ cầu thủ quần vợt nổi tiếng Trung Quốc Bành Soái đã thu hút sự chú ý khi trả lời phỏng vấn của truyền thông dưới sự tháp tùng của quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tuyên bố giải nghệ, đồng thời tiếp tục phủ nhận bản thân bị cựu thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ Trương Cao Lệ xâm hại tình dục.
Theo hãng tin AFP đưa tin, ngày 7/2, khi Bành Soái trả lời phỏng vấn của tờ báo thể thao L’Equipe của Pháp đã tiết lộ rằng cô đã gặp mặt ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Bành Soái nói: “Chúng tôi đã dùng bữa tối vào thứ Bảy (ngày 5/2). Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện và trao đổi vui vẻ.” Trong cuộc phỏng vấn, Bành Soái còn tuyên bố việc cô sẽ giải nghệ.
Theo AFP, Bành Soái dưới sự tháp tùng của quan chức Ủy ban Olympic Trung Quốc Vương Khản (Wang Kan), đã nói với 2 phóng viên của tờ L’Equipe tại một khách sạn trong “Bong bóng khép kín Olympic”: “Ông ấy (Thomas Bach) hỏi tôi liệu có dự định tiếp tục ra sân thi đấu, kế hoạch của tôi là gì, tôi dự định làm gì, v.v.”
Tờ L’Equipe tiết lộ, thủ tục cho cuộc phỏng vấn lần này phức tạp, tất cả các câu hỏi đều phải đệ trình trước. Hơn nữa, mặc dù Bành Soái có thể nói tiếng Anh, nhưng quan chức Ủy ban Olympic Trung Quốc vẫn kiên trì cử một “phiên dịch” đi theo, Bành Soái nói tiếng Trung trong toàn bộ quá trình trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Tờ L’Equipe cho biết, ngoài Vương Khản tháp tùng Bành Soái ra, còn có một người phụ nữ khác không tiết lộ danh tính đi cùng Vương Khản.
Các biên tập viên của L’Equipe nói rằng họ ý thức được rủi ro khi phỏng vấn Bành Soái, biết được cuộc gặp mặt lần này sẽ vướng phải “hạn chế và ràng buộc“. Hơn nữa, Bành Soái sẽ chỉ lặp lại những lời của truyền thông nhà nước. Tuy nhiên, các biên tập viên của tờ báo vẫn muốn phỏng vấn để xem tình hình sức khỏe của Bành Soái có tốt hay không.
Bành Soái nói trong cuộc phỏng vấn, cô chưa bao giờ cáo buộc bất cứ ai xâm hại tình dục mình. Cô cũng đã xóa bài đăng được cho là có tuyên bố như thế do chính cô đã đăng lên mạng xã hội vào tháng 11 năm ngoái. Cô còn cho biết mình chưa từng “bốc hơi khỏi thế giới”.
Ngày 7/2, IOC ra thông cáo cho biết Bành Soái và ông Bach đã ăn tối tại Câu lạc bộ Olympic Bắc Kinh vào ngày 5/2. Cựu chủ tịch Ủy ban vận động viên và là thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế Kirsty Coventry cũng tham dự. Thông cáo đề cập rằng Bành Soái đã xem trận đấu khúc côn cầu trên băng giữa Trung Quốc và Na Uy.
Tuyên bố không đề cập đến cáo buộc tấn công tình dục của Bành Soái hay khả năng ông Bach yêu cầu mở cuộc điều tra.
Bành Soái, người đã tham gia 3 kỳ Thế vận hội, vào đầu tháng 11 năm ngoái, đã đăng bài viết trên Weibo ở Trung Quốc Đại Lục tiết lộ rằng ông Trương Cao Lệ 76 tuổi đã ép cô quan hệ tình dục và hai người có mối quan hệ bất chính. Sau 20 phút, bài đăng đã bị xóa và Bành Soái đã mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Sau đó, cộng đồng quốc tế hết sức chú ý đến tự do và an toàn cá nhân của Bành Soái. Chính quyền ĐCSTQ buộc phải để Bành Soái “lộ diện”, nhưng sự xuất hiện của cô có nhiều nghi vấn. Sự kiện Bành Soái mất tích sau bài đăng trên Weibo cũng dấy lên làn sóng tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh trên quốc tế.
Ngày 18/11 năm ngoái, truyền thông chính thức của ĐCSTQ là kênh CGTN (Kênh Quốc tế CCTV) đã công bố ảnh chụp màn hình một email tự cho là do Bành Soái viết. Sau đó, các phóng viên của CGTN và Global Times đã đăng một loạt ảnh của Bành Soái trên các mạng xã hội ở nước ngoài. Kể từ ngày 21/11, Chủ tịch IOC Thomas Bach đã có hai cuộc gọi điện video với Bành Soái, tuy nhiên không có bản ghi hình hoặc bản ghi âm cuộc trò chuyện liên quan nào được cung cấp.
Vào ngày 19/12, Bành Soái đã xuất hiện tại vòng chung kết của “Giải trượt tuyết xuyên quốc gia (FIS) 2021 – Trạm Dương Phố thành phố Thượng Hải”, cô nói chuyện với cựu vận động viên bóng rổ Diêu Minh (Yao Ming) và cũng nhận lời phỏng vấn video ngắn với tờ “Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao) của Singapore.
Mỗi lần Bành Soái phát biểu và lộ diện đều có một quan chức ĐCSTQ tháp tùng, vì vậy người ta nghi ngờ rằng đó là do ĐCSTQ sắp đặt. Ngoại giới vẫn lo lắng về an toàn của Bành Soái, cho rằng cô chưa được tự do.
Cựu ngôi sao bơi lội Trung Quốc Hoàng Hiểu Mẫn (Huang Xiaomin) từng nói với Epoch Times rằng ở Trung Quốc, các vận động viên không có giá trị thực sự, dưới thể chế của ĐCSTQ, họ bị lợi dụng xong là xong. Cũng giống như Bành Soái, cô ấy đã đạt được thành tích tốt nhất trong làng quần vợt thế giới, nhưng cuối cùng lại chỉ là số phận như vậy.
Truyền thông Mỹ bị chặn tín hiệu khi đưa tin về Bành Soái
Đài CNN của Mỹ từng phân tích rằng ĐCSTQ gần như không thể khuất phục trước áp lực quốc tế để tiến hành một cuộc điều tra minh bạch cáo buộc liên quan đến ông Trương Cao Lệ và công bố kết quả điều tra với thế giới. Mặc dù ông Trương không phải là đồng minh của ông Tập Cận Bình, mà là nhân vật của phe cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, nhưng nếu ĐCSTQ buộc phải xử lý ông Trương dưới áp lực quốc tế, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của ĐCSTQ.
Theo CNN đưa tin, khi phóng viên của đài đưa tin xoay quanh tranh cãi về Bành Soái, tín hiệu của CNN tại Trung Quốc đã tạm thời bị gián đoạn, màn hình xuất hiện các đường sọc màu.
ĐCSTQ luôn kiểm duyệt việc đưa tin của truyền thông nước ngoài, trong chủ đề về Bành Soái cũng như các chủ đề khác mà ĐCSTQ cho là nhạy cảm, truyền thông phương Tây như CNN, BBC, v.v, nhiều lần bị che màn hình.
Phóng viên Marc Ventouillac của tờ L’Equipe nói với CNN rằng mặc dù anh “không cảm thấy bất cứ sự kiểm duyệt nào” trong cuộc phỏng vấn, hơn nữa thần sắc Bành Soái có vẻ thư thái, khi nói đến các môn thể thao cô còn “cười”. Tuy nhiên, anh cũng nói, khi hỏi Bành Soái về cáo buộc xâm hại tình dục đối với ông Trương Cao Lệ, Bành Soái biểu hiện “cẩn thận”.
Trí Đạt (t/h)