Đại Minh
“Tháng 12 năm 1978, trong chuyến thăm một số nước Đông Nam Á, Đặng Tiểu Bình đã nói một số điều mà tôi thấy không thích hợp với tư cách nhà lãnh đạo của một quốc gia văn minh. Ông Đặng nói rằng, Việt Nam là một kẻ lưu manh, chúng ta cần phải dạy cho nó một bài học. Tôi thấy ông ta nói những lời thô lỗ trên TV. Những lời ác độc của ông ta, tôi mãi mãi không thể nào quên”.
Vây Ngụy cứu Triệu: Giải nguy cho Khmer Đỏ
Lý do chính thức của Trung Quốc đưa ra biện hộ cho cuộc tấn công xâm lược Việt Nam là các vấn đề lãnh thổ và Hoa Kiều. Mặc dù cả Trung Quốc và Việt Nam vào thời điểm đó đều là “Phe Cộng sản”, nhưng vẫn còn một số tranh chấp biên giới đất liền, Vịnh Bắc Bộ và cả Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng là một vấn đề không thể tránh khỏi giữa nhiều quốc gia giáp ranh, tuy nhiên, thường các tranh chấp như thế này có thể được giải quyết thông qua đàm phán mà không cần đến chiến tranh. Hơn nữa, vì cả hai bên không có kế hoạch khai thác dầu, hoặc các nguồn tài nguyên khác trên biển vào thời điểm đó, trong khi diện tích đất tranh chấp trên đất liền không vượt quá 100 km vuông. Vậy nên, việc Trung Quốc tuyên bố họ đánh Việt Nam là cuộc “phản kích tự vệ” thực sự không ai có thể chấp nhận được.
Việt Nam khi đó vừa mới ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô cũ, cảm thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phản bội “cách mạng”, vì Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trước đó, khoảng 160.000 Hoa Kiều đã bị Hà Nội trục xuất khỏi Việt Nam trước khi chiến tranh nổ ra, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lúng túng phát hiện ra họ không đủ khả năng sắp xếp cho những người tị nạn trở về. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, tuyên bố rằng chiến tranh để bảo vệ Hoa Kiều vẫn không thuyết phục được dư luận, bởi vì ít nhất 200.000 Hoa Kiều ở Campuchia đã bị tàn sát dưới sự cai trị của Khmer Đỏ cũng vào thời điểm đó, nhưng Bắc Kinh đã không có một lời bảo vệ họ, nói gì đến hành động quân sự.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công Việt Nam để giải quyết nguy cơ diệt vong của Khmer Đỏ, được coi là một trong những yếu tố chính trong việc phát động chiến tranh. 40 ngày trước khi chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra, Việt Nam, với sự hỗ trợ của Liên Xô cũ, đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ theo đuổi chủ nghĩa Mao Trạch Đông ở Campuchia. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp nhất của chiến tranh biên giới Việt – Trung. Chiến lược của Bắc Kinh đối với Việt Nam vào thời điểm đó là chiến lược “vây Ngụy cứu Triệu”, hy vọng một cuộc tấn công vào Việt Nam sẽ làm giảm bớt các cuộc tấn công của Việt Nam đối với Khmer Đỏ, kẻ đã thất bại và bị buộc phải chuyển sang chiến tranh du kích.
Đặng Tiểu Bình: Muốn dạy Việt Nam một bài học
Việt Nam phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Campuchia vào ngày 25 tháng 12 năm 1978, và chiếm được Phnom Penh sau hai tuần. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ ngay từ đầu. Ông Dương Danh Di, được bổ nhiệm là Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh từ tháng 9 năm 1977, nhớ lại: “Tháng 12 năm 1978, trong chuyến thăm một số nước Đông Nam Á, Đặng Tiểu Bình đã nói một số điều mà tôi thấy không thích hợp với tư cách nhà lãnh đạo của một quốc gia văn minh. Ông Đặng nói rằng, Việt Nam là một kẻ lưu manh, chúng ta cần phải dạy cho nó một bài học. Tôi thấy ông ta nói những lời thô lỗ trên TV. Những lời ác độc của ông ta, tôi mãi mãi không thể nào quên”.
Vào thời điểm đó, trong chiến tranh lạnh, Liên Xô và Hoa Kỳ có xung đột lợi ích rộng lớn trên toàn thế giới, trong khi Bắc Kinh bị cô lập tương đối ở Đông Á vì các chiến lược đối đầu với Mát-xcơ-va và xuất khẩu các cuộc cách mạng trước đó của Bắc Kinh. Để cạnh tranh với Liên Xô về vai trò lãnh đạo trong thế giới Cộng sản, thừa cơ các đồng minh của Việt Nam đang bận rộn chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh chống lại Afghanistan, và Trung Quốc bắt đầu nối lại quan hệ với Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã phát động chiến tranh biên giới Việt Trung.
Trong những năm 1970, các nước công nghiệp lớn của phương Tây đã bắt đầu suy thoái sau thời kỳ bùng nổ khá dài sau Thế chiến thứ 2, do đó phương Tây chuyển đầu tư sang các nước đang phát triển một cách có chọn lọc, để thực hiện thay thế ngành nghề, và tận dụng lao động giá rẻ để duy trì tính cạnh tranh. Đây là bối cảnh lịch sử của quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung. Nhìn từ chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình đến Hoa Kỳ vào tháng 1, và phát động chiến tranh vào tháng 2 năm 1979, rõ ràng là chiến tranh Trung-Việt có ý định dạy cho Liên Xô bài học, và lấy lòng Washington. Trước đó không lâu, Hoa Kỳ đã thất bại và mất thể diện trong cuộc chiến ở Việt Nam. Sau chiến tranh Trung-Việt, quan hệ Trung-Mỹ bước vào thời kỳ hoàng kim gần 10 năm, mãi cho đến tháng 6 năm 1989.
Kích động chủ nghĩa dân tộc thông qua chiến tranh
Ngoài ra, ở Trung Quốc, Cách mạng Văn hóa vừa kết thúc, một tập thể lãnh đạo mới bắt đầu cầm quyền. Do cuộc Cách mạng Văn hóa khiến các tầng lớp nhân dân mất đi sự tín nhiệm với sự thống trị của ĐCSTQ, các chính trị gia hàng đầu của ĐCSTQ cho rằng, cần phải phát động một cuộc chiến tranh “chống lại những kẻ xâm lược”, để kích động tình cảm chủ nghĩa dân tộc của người dân.
Sau chiến tranh biên giới Việt-Trung, Đặng Tiểu Bình đã thành công giành được quyền lực trong Đảng, và khiến Hoa Quốc Phong mất chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, để rồi Đặng nắm được đại quyền. Có thể thấy, Đặng biết rõ sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc suy yếu sau Cách mạng Văn hóa, nhưng Đặng vẫn quyết tâm khai chiến với Việt Nam, mục đích chính là thông qua phát động chiến tranh để đánh đổ các đối thủ trong Đảng, và củng cố quyền lực của mình. Vậy nên, Đặng coi các sĩ quan, binh lính bình thường chỉ là bia đỡ đạn cho mình.
Một số người cho rằng, cuộc chiến biên giới Trung-Việt là một biểu hiện tập trung của cuộc đối đầu Đông-Tây trong khu vực, bởi vì bản thân chiến tranh không có kết quả ngoại trừ tổn thất. Nhưng cuộc chiến này sau đó đã mở ra 10 năm chiến tranh biên giới Vị Xuyên, mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn. Hải quân Trung Quốc và Việt Nam nổ ra nhiều cuộc xung đột quân sự trên biển ở Quần đảo Hoàng Sa vào đầu những năm 1980. Việt Nam cho Liên Xô mượn Vịnh Cam Ranh, địa điểm chiến lược để làm căn cứ hải quân, không quân, khiến Trung Quốc trước bụng và sau lưng đều thọ địch. Đây thực sự là điều mà Bắc Kinh bất ngờ. Chiến tranh cũng khiến Hoa Kiều ở Việt Nam bị phân biệt đối xử nhiều hơn, và bị buộc phải di cư. Việt Nam đến nay vẫn duy trì một trong những quân đội lớn nhất thế giới, một phần vì những lo ngại đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đại Minh
Theo Visiontimes