Alexander Zhang
Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, Âu Châu đang đương đầu với “thời khắc nguy hiểm nhất” trong “cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất” trong nhiều thập niên, trong bối cảnh Nga dồn quân ở biên giới với Ukraine.
Hơn 100,000 quân Nga được cho là đang đóng quân ở biên giới của nước này với Ukraine, nhưng chính phủ Nga khẳng định rằng họ không có kế hoạch xâm lược. Trình bày tại cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels hôm 10/02, Thủ tướng Johnson cho biết ông không nghĩ rằng chính phủ Nga đã đưa ra quyết định về việc liệu có xâm lược Ukraine hay không.
“Tôi e rằng tình báo của chúng ta vẫn còn u ám,” ông nói. “Chúng ta đang chứng kiến sự tập trung đông đảo của các nhóm tiểu đoàn chiến thuật ở biên giới với Ukraine.”
“Đây có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất, trong vài ngày tới, trong cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất mà Âu Châu phải đối mặt trong nhiều thập niên.”
Ông Johnson cảnh báo Nga rằng ý tưởng về một Âu Châu “toàn vẹn và tự do” và chính sách mở cửa của NATO cho phép Ukraine mong muốn trở thành thành viên là “miễn bàn”.
Anh Quốc đã đưa 1,000 binh sĩ vào lực lượng dự phòng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nhân đạo ở phía đông, nếu việc xây dựng quân đội hiện tại của Nga dẫn đến chiến tranh, mặc dù trước đó chính phủ nước này đã chỉ ra rằng không có khả năng quân đội Anh sẽ tham chiến.
Anh cũng đã cung cấp khoảng 2,000 hỏa tiễn chống tăng cho Ukraine.
Khi được hỏi liệu ông có thể cho phép hỗ trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy ở Ukraine trong trường hợp xảy ra cuộc xâm lược hay không, Thủ tướng Johnson nói, “Chúng tôi sẽ xem xét những gì chúng tôi có thể cung cấp thêm trong tầm cân nhắc.”
Ông nói rằng người Ukraine đã “chuẩn bị tốt” và một cuộc xâm lược sẽ là “một thảm họa tuyệt đối.”
Sau cuộc hội đàm tại Brussels, Thủ tướng Johnson đã đến Ba Lan để hỗ trợ các đồng minh NATO ở Đông Âu. Trong một lần xuất hiện chung với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ở Warsaw, ông Johnson cho biết Anh Quốc và Ba Lan sẽ không chấp nhận một thế giới mà một “nước láng giềng hùng mạnh có thể bắt nạt hoặc tấn công” nước khác.
“Chúng ta cần làm việc cùng nhau ngay bây giờ để giảm leo thang, thuyết phục ông Vladimir Putin giảm căng thẳng và rút lui,” ông nói.
Chuyến thăm này là một phần trong nỗ lực ngoại giao của chính phủ Anh nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Nga.
Cũng trong ngày 10/02, Ngoại trưởng Anh Quốc Liz Truss đã hội đàm tại Moscow với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Bà Truss yêu cầu Nga từ bỏ “luận điệu Chiến Tranh Lạnh” và đi theo con đường ngoại giao để xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Vẫn còn thời gian để Nga chấm dứt hành động gây hấn với Ukraine và theo đuổi con đường ngoại giao,” bà nói. “Nhưng NATO đã nói rất rõ ràng rằng nếu con đường đó không được lựa chọn, sẽ có những hậu quả nặng nề đối với Nga, Ukraine, và toàn bộ Âu Châu.”
Bản tin có sự đóng góp của PA Media
Việt Phương biên dịch