Eva Fu
Các bữa ăn không thể nuốt nổi và phòng ở không hợp vệ sinh chưa phải là dấu chấm hết cho những khoảnh khắc đáng quên bên trong bong bóng Olympic của Bắc Kinh.
“Cứu tôi với!” là câu nói mà cô Katri Lylynpera, vận động viên trượt tuyết Olympic người Phần Lan đã viết trên Instagram khi nước thấm qua trần nhà, rỏ xuống làm ngập khu ký túc xá của đội sau một sự cố rò rỉ đường ống.
Một đoạn video mà cô đăng tải vào đầu tuần cho thấy ít nhất chín chỗ bị thấm dột nước: từ đèn chiếu sáng trên trần nhà, vòi phun nước, và gần một chiếc camera. Nước tích tụ thành vũng bao phủ toàn bộ sàn của khu ký túc dành cho đoàn thể thao Phần Lan và đang tràn ra bên ngoài cửa ra vào làm bằng kính của tòa nhà này.
“Thác nước này cũng đẹp đấy,” vận động viên này nói đùa khi cô và các thành viên khác trong đội đang ở bên ngoài chờ các nhân viên làng thể thao trong trang phục bảo hộ kín mít đến ngăn dòng nước này.
Sự cố rò rỉ nước này góp thêm vào một loạt cảnh tượng đáng xấu hổ của chính quyền Bắc Kinh, trong bối cảnh đảng cộng sản cầm quyền phải đối mặt với sự giám sát về hồ sơ nhân quyền của mình và về việc liệu có hành động thiên vị cho các tuyển thủ Trung Quốc tại Thế vận hội hay không.
Olympic Bắc Kinh chỉ mới khai mạc được một tuần, mà các vận động viên đã phàn nàn về điều kiện ăn uống nghèo nàn và các quy tắc cách ly khủng khiếp — trong đó có cả một vận động viên bị bắt dậy lúc 3 giờ sáng để đưa vào khu cách ly.
“Tôi đã khóc như mưa vì không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi không cảm thấy an toàn chút nào,” vận động viên trượt băng tốc độ đường ngắn người Ba Lan Natalia Maliszewska nói, nhớ lại những cảm xúc căng thẳng khi cô ngồi một mình ở phía sau xe cứu thương. “Tôi khóc đến cạn nước mắt.”
Cô Maliszewska, người bị loại ra rồi lại được cho vào Thế vận hội nhiều lần và bị rút khỏi danh sách tập luyện [để được đủ điều kiện tham dự] vào phút chót, đã không phải là người duy nhất phải rớt nước mắt. Một vận động viên bơi lội người Nga cho biết cô đã trở nên gầy guộc xanh xao và sụt cân trong khách sạn cách ly của Olympic sau khi cô bị buộc phải ăn mì ống luộc và thịt cháy trong nhiều ngày liên tục, nhưng cô cố ăn để sống qua ngày. Tương tự, một tay đua skeleton (trượt băng nằm sấp) người Bỉ đã bấn loạn đến phát khóc khi cô thấy mình được chuyển đến một cơ sở cách ly khác ngay khi nghĩ mình cuối cùng cũng đã không còn phải cách ly vì virus.
Trong cuộc họp báo hôm 12/02, ban tổ chức Olympic Bắc Kinh đã được hỏi về lựa chọn của đội tuyển Nam Hàn là không lui tới các nhà ăn của làng Olympic và thay vào đó thành lập một khu phục vụ bữa ăn của riêng mình.
Ông Trầm Thiên Phàm (Shen Qianfan), giám đốc Bộ phận Làng Olympic của Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, thừa nhận rằng họ không có “hiểu biết đầy đủ về sự phức tạp” trong việc đáp ứng chế độ ăn uống của các vận động viên trong khi nhấn mạnh rằng ẩm thực Trung Hoa rất được ưa chuộng.
“Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các vận động viên có khẩu vị và nhu cầu riêng của mình,” ông nói và cho biết thêm rằng thực đơn của các vận động viên là thành quả của hai năm làm việc.
Như để phản bác những lời chỉ trích, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tung ra những câu chuyện về những vận động viên ủng hộ các món ăn Trung Hoa được phục vụ.
“Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh — một yến tiệc mỹ vị dành cho các vận động viên,” nhan đề của một bài viết được đăng trên tờ báo khổ nhỏ theo chủ nghĩa dân tộc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) cho hay.
Đối với nhiều vận động viên ngoại quốc, việc đưa nỗi bức xúc của họ công khai trên các nền tảng mạng xã hội phương Tây đã chứng tỏ là một phương thức nhanh chóng để cải thiện các điều kiện sống của mình. Nhưng tự do internet như vậy sẽ là một thứ xa xỉ ở những nơi khác ở Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cấp cho các vận động viên tại Thế vận hội quyền truy cập đặc biệt vào Instagram, Twitter, và Facebook, trong khi các trang này vẫn bị chặn đối với 1.4 tỷ công dân Trung Quốc.
Sự tương phản hoàn toàn đó được làm nổi bật trong cuộc trao đổi giữa một người dùng Instagram với Cốc Ái Lăng (Eileen Gu), vận động viên trượt tuyết sinh ra ở Mỹ, người đã trở thành nhân vật được yêu thích của công chúng ở quê nhà Trung Quốc vì đã giành được huy chương vàng cho nước này.
“Tại sao cô lại có thể sử dụng Instagram trong khi hàng triệu người Trung Quốc từ đại lục không thể, tại sao cô lại được đối xử đặc biệt với tư cách một công dân Trung Quốc,” người dùng Cilla Chan viết cho cô Cốc, người đã tránh xa các chủ đề gây tranh cãi chính trị trong các lần xuất hiện trên truyền thông. “Điều đó là không công bằng, liệu cô có thể lên tiếng cho hàng triệu người Trung Quốc không có tự do internet [?]”
“Bất kỳ ai cũng có thể tải xuống VPN,” cô Cốc đáp. Cô nói thêm rằng nó “miễn phí theo đúng nghĩa đen trên App Store,” kết thúc câu nói của mình bằng biểu tượng thumb-up.
Một bức ảnh chụp màn hình về cuộc trò chuyện này đã được lan truyền trên Weibo, mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc, đã làm dấy lên tranh luận sôi nổi.
“Theo đúng nghĩa đen, tôi không phải là ‘ai đó’, và theo đúng nghĩa đen, việc tôi vượt Vạn lý Trường Thành trên mạng là bất hợp pháp,” một người dùng càu nhàu, trích dẫn tên gọi không chính thức của hệ thống kiểm duyệt internet của chế độ Trung Quốc.
Minh Ngọc biên dịch