Nguyên Hương
Ukraine đã kêu gọi một cuộc họp với Nga và các thành viên khác của một nhóm an ninh quan trọng của châu Âu về tình hình căng thẳng leo thang ở biên giới của họ, với 130 ngàn quân đội Nga đang bao vây và tập trận.
Đài BBC đưa tin, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Nga đã phớt lờ các yêu cầu chính thức giải thích về việc Nga tăng cường quân đội bao vây 3 phía của Ukraine.
Ông cho biết, bước tiếp theo là yêu cầu một cuộc họp trong vòng 48 giờ tới để Nga đưa ra lời giải thích minh bạch về kế hoạch của họ.
Nga đã phủ nhận mọi kế hoạch xâm lược Ukraine, mặc dù đã điều động khoảng 100.000 binh sĩ túc trực ở biên giới Ukraine và 30 ngàn quân mới được tăng cường.
Nhưng với việc Mỹ nói rằng, Moscow có thể bắt đầu bằng các cuộc không kích “bất cứ lúc nào”, hơn một chục quốc gia đã kêu gọi công dân của họ rời khỏi Ukraine. Quân nhân Hoa Kỳ từ các quốc gia Đồng minh được triển khai đến Romania ngày 11/2/2022.
Đại sứ Ukraine tại London, Vadym Prystaiko, đã đưa ra những bình luận với BBC, rằng Ukraine sẵn sàng “linh hoạt” đối với tham vọng gia nhập NATO và điều này sẽ là một nhượng bộ lớn đối với Nga.
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông Prystaiko nói rằng Ukraine có một cam kết theo hiến pháp để gia nhập NATO và điều đó phụ thuộc vào “sự sẵn sàng của chính Khối liên hiệp Bắn Đại Tây Dương”.
Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey cho biết Anh sẽ hỗ trợ Ukraine trong mọi quyết định Ukraine lựa chọn.
Thông qua Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), Ukraine đã đưa ra yêu cầu Nga giải thích về việc xây dựng quân đội của họ. Theo Văn kiện Vienna mà Nga tham gia, các thành viên OSCE có thể chất vấn thông tin về các hoạt động quân sự của một thành viên.
Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nói: “Nếu Nga nghiêm túc khi nói về tính không thể tách rời của an ninh trong không gian OSCE, thì nước này phải thực hiện cam kết minh bạch quân sự để giảm căng thẳng và tăng cường an ninh cho tất cả các bên”.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người chỉ trích “cơn hoảng loạn” có thể lan rộng từ những tuyên bố như vậy, cho biết ông không thấy bằng chứng nào cho thấy Nga đang lên kế hoạch xâm lược trong những ngày tới.
Vào Chủ nhật (13/2), ông đã nói chuyện gần một giờ qua điện thoại với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và cả hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về “tầm quan trọng của việc tiếp tục theo đuổi biện pháp ngoại giao và răn đe”.
Tuyên bố của Ukraine về cuộc gọi cho biết tổng thống của họ đã cảm ơn Mỹ vì “sự ủng hộ vững chắc” của họ và cuối cùng, Tổng thống Zelensky đã mời nhà lãnh đạo Mỹ đến Ukraine. Chưa có bình luận nào về lời mời từ Nhà Trắng.
Một cuộc gọi kéo dài một giờ giữa Tổng thống Biden và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin một ngày trước đó đã không mang lại đột phá. Tổng thống Nga Putin đã cử hơn 100.000 quân Nga tới biên giới Ukraine.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, Thủ tướng Đức Olaf Scholz có các cuộc gặp với Tổng thống Zelensky ở Kyiv vào cuối ngày thứ Hai (14/2) và với Tổng thống Putin tại Moscow vào thứ Ba (15/2).
Tân Thủ tướng Đức, người kế nhiệm Angela Merkel vào tháng 12, đã cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với Nga nếu nước này tiến hành bất kỳ cuộc xâm lược nào. Ông Scholz lặp lại tuyên bố của các quốc gia phương Tây khác và các thành viên của liên minh quân sự Nato.
Nhưng các quan chức Berlin đã hạ thấp bất kỳ kỳ vọng nào về một bước đột phá.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao mới trên khắp châu Âu để đẩy Nga “ra khỏi bờ vực chiến tranh”.
Tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden Jake Sullivan cho biết một cuộc xâm lược có thể bắt đầu “bất cứ ngày nào”. Hiện đang có 130.000 quan Nga bao vâu Ukraine từ 3 phía.
Ông Sullivan cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động “cờ giả” của Moscow, vốn để Moscow lấy cớ cho một cuộc xâm lược toàn diện với tuyên bố rằng, họ đang đáp trả hành động gây hấn của Ukraine.
Nga cho rằng việc xây dựng quân đội dọc theo biên giới Ukraine là mối quan tâm của chính Nga và được thực hiện trong lãnh thổ của Nga. Hôm Chủ nhật (13/2), quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại Nga Yuri Ushakov đã mô tả cảnh báo của Hoa Kỳ về cuộc xâm lược sắp xảy ra là “sự cuồng loạn đã lên đến đỉnh điểm”.
Theo tin từ Aljazeera, Thứ Hai (14/2), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã khuyên Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục đàm phán với phương Tây về các yêu cầu an ninh của Nga trong bối cảnh căng thẳng về Ukraine.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Moscow nên duy trì đối thoại với Washington và các đồng minh NATO mặc dù họ đã từ chối yêu cầu chính của Nga – rằng liên minh quân sự sẽ không được tiếp nhận Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ vào NATO, đồng thời phải rút lực lượng của mình khỏi Đông Âu.
AP cho hay, Ba Lan, quốc gia lớn nhất của Liên minh châu Âu có đường biên lớn nhất với Ukraine, đang chuẩn bị để tiếp nhận người tị nạn từ nước nàye trong trường hợp Nga một lần nữa xâm lược quốc gia này. Nhưng chính phủ Ba Lan hy vọng rằng điều tồi tệ nhất có thể được ngăn cản.
Các hoạt động tương tự cũng được thực hiện trên toàn khu vực, đặc biệt là ở những quốc gia có chung biên giới với Ukraine.
Khi các quốc gia khác cắt giảm nhân viên ngoại giao của họ tại Ukraine, Ba Lan cho biết họ đang duy trì các hoạt động ngoại giao của mình trong trường hợp cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh quy mô lớn của người Ukraine.
Nguyên Hương