Venus Upadhayaya
Theo truyền thông địa phương đưa tin, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm 54 ứng dụng di động của Trung Quốc mà họ cho là gây ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Hành động này là nước đi mới nhất trong một loạt lệnh cấm tương tự được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp biên giới kéo dài giữa hai bên.
Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ban hành một tuyên bố hôm 13/02 cho biết 54 ứng dụng này có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng thông qua camera và microphone của điện thoại để thực hiện các hoạt động gián điệp và giám sát.
Ông Pathikrit Payne, một nhà tư vấn nghiên cứu về các vấn đề địa chính trị và chiến lược có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times rằng: “Ấn Độ hiện đang đặt nặng vấn đề an ninh mạng hơn do nền kinh tế số hóa ngày càng tăng của nước này và mối đe dọa như các ứng dụng Trung Quốc, cũng như thiết bị viễn thông của Trung Quốc, gây ra.”
Ấn Độ bắt đầu cấm các ứng dụng của Trung Quốc sau một cuộc giao tranh đẫm máu hồi tháng 06/2020 với lực lượng Trung Quốc ở khu vực biên giới Himalaya đang tranh chấp khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ đó, quốc gia này đã cấm 267 ứng dụng bao gồm TikTok, Baidu, và WeChat Work.
Các ứng dụng được bổ sung vào danh sách cấm trong tuần này trải rộng từ trò chơi di động đến trò chuyện video và những ứng dụng chụp ảnh selfie của các công ty Trung Quốc như Tencent, Alibaba, và NetEase. Theo bản tin từ các hãng thông tấn địa phương, một số ứng dụng là bản sao hoặc đổi thương hiệu của các ứng dụng bị cấm trong lệnh cấm trước đó.
Ứng dụng phổ biến nhất bị cấm theo lệnh là Free Fire, một trò chơi bắn súng battle royale (bắn súng sinh tồn) thuộc sở hữu của đại công ty game Sea có trụ sở tại Singapore. Cổ đông lớn nhất của công ty này là đại công ty công nghệ Trung Quốc Tencent.
Những lo ngại của Ấn Độ về các rủi ro an ninh do công nghệ Trung Quốc gây ra lặp lại những lo ngại của các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ, những người đã cảnh báo rằng các ứng dụng như vậy có thể bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng cho mục đích gián điệp, khi viện dẫn luật ở nước này buộc các công ty phải hợp tác với các cơ quan tình báo khi được yêu cầu làm như vậy.
Ông James Lee, cựu giám đốc quỹ đầu cơ, người có hai thập kỷ kinh nghiệm đầu tư vào ngành công nghiệp game ở Hoa Kỳ và Hồng Kông, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng dữ liệu thu thập từ các ứng dụng của Trung Quốc được đưa vào các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) do chế độ này phát triển.
Ông Lee nói, “Đó là những trò chơi và ứng dụng đã thực sự thu thập rất nhiều siêu dữ liệu của công dân trên khắp thế giới, sau đó họ đưa nó vào máy AI của ĐCSTQ. Và chúng ta đều biết AI chủ yếu bị hạn chế bởi dữ liệu: Quý vị càng có nhiều dữ liệu, AI càng mạnh. Một khi Trung Quốc tự kiểm soát siêu dữ liệu cũng như các kênh, họ có thể điều chỉnh tâm lý con người, hoặc đơn thuần là những gì mọi người đang nghĩ đến, thông qua chiến tranh mạng.”
Ứng dụng đang ngụy trang
Ông Abhishek Darbey, một cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times rằng nhiều ứng dụng mà chính phủ Ấn Độ đã cấm từ năm 2020 đã được khởi chạy lại hoặc đổi tên để dùng cho thị trường Ấn Độ dưới [sự quản lý của] các công ty khác nhau.
Ông lấy dẫn chứng về mối liên hệ với Trung Quốc trong ứng dụng chơi game bị cấm Free Fire do Sea sở hữu. Công ty này được thành lập tại Singapore bởi những người sáng lập gốc Hoa, những người sau này trở thành công dân Singapore. Trong khi một số người có thể không biết về mối liên hệ này, thì trường hợp của Free Fire “cho thấy rằng Trung Quốc sử dụng mọi kẽ hở có thể để thâm nhập thị trường Ấn Độ vì dân số tiêu dùng khổng lồ của họ.”
Đại diện của Sea đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bài báo này.
Theo ông Darbey, sự hiện diện của các ứng dụng Trung Quốc ở Ấn Độ mang lại lợi thế cho ĐCSTQ, cho phép ĐCSTQ khai phá thị trường Ấn Độ và đồng thời để cho người dân Ấn Độ tiếp xúc với hoạt động gián điệp, trong khi thị trường Trung Quốc vẫn đóng cửa với các ứng dụng di động ngoại quốc.
Ông nói, “Trung Quốc không khuyến khích các ứng dụng mạng xã hội ngoại quốc hoặc bất kỳ ứng dụng di động nào khác có mặt trong đất nước của họ, và họ làm điều này để giữ cho mình an toàn hơn trước bất kỳ hình thức giám sát hoặc hoạt động gián điệp nào.”
Tại Trung Quốc, một loạt các trang web và nền tảng phương Tây đã bị chặn, bao gồm Facebook, Twitter, và Google.
Ông Darbey nói, “ĐCSTQ không muốn người dân Trung Quốc của mình giao tiếp qua lại với phần còn lại của thế giới này bằng bất kỳ hình thức liên lạc nào. Tất cả các quy định này đã được ĐCSTQ áp đặt rất nghiêm ngặt ở Trung Quốc, do đó đảng này cố thủ an ninh nội bộ của họ mà không cho bất kỳ cơ hội trao đổi thông tin dưới bất kỳ hình thức nào.”
Theo một báo cáo thị trường năm 2020 được công bố trên Grand View Research, cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường chính cho các ứng dụng di động mang đến cơ hội tăng trưởng lớn cho tất cả những người tham gia vào hệ sinh thái này.
Theo ông Darbey, trong khi Trung Quốc muốn tham gia và kiểm soát thị trường đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ, họ muốn giữ thị trường nội địa độc quyền cho riêng mình.
Bà Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều vấn đề. Lĩnh vực chuyên môn của bà là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Bà đã đưa tin từ tình hình biên giới Ấn Độ-Pakistan rất biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập kỷ. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và lãnh đạo vẫn là những lĩnh vực quan tâm chính của bà.
Bình Hòa biên dịch