Lần cuối cùng ông Tập Cận Bình đi ra khỏi Trung Quốc là hơn hai năm trước trong một chuyến công du ngoại giao tới Miến Điện. Ít ngày sau đó, Tập ra lệnh phong toả Vũ Hán, mở đầu cho “thanh linh chính sách” (zero-Covid policy) đầy tham vọng của Bắc Kinh. Ở nhà không đi đâu, Tập sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn corona và đồng thời gửi đi thông điệp rằng chính ông ta cũng chấp hành đúng luật lệ trong lúc có đại dịch như tất cả mọi công dân Trung Quốc khác.
Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tập và Putin diễn ra trong bối cảnh của lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Ðông Bắc Kinh cũng vào hôm Thứ Sáu và việc Nga tăng cường áp lực quân sự tại khu vực biên giới với Ukraine, và kết quả của cuộc gặp gỡ là hai bên đạt được một số thỏa thuận về dầu khí và cùng cam kết để đưa tới một tập hợp lãnh đạo mới vào thời điểm khi mà quyền lực và sức mạnh trên thế giới đang có sự chuyển dịch, như trong bản tuyên bố chung của hai nước.
Khác với những tuyên bố gián tiếp trong các hội nghị thượng đỉnh trước đây, bản tuyên bố chung lần này, dài hơn 5,000 chữ, đã trực tiếp nêu đích danh và chỉ trích Hoa Kỳ sáu lần, đặt vấn đề về sự liên minh giữa Hoa Kỳ với Úc và một số quốc gia châu Á khác, cũng như các chính sách về kiểm soát vũ khí và một số chính sách khác của Hoa Kỳ. Bản tuyên bố chung cũng bày tỏ sự phản đối đối với bất kỳ sự mở rộng nào của Tổ chức Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) – cũng là đòi hỏi chính mà phía Nga đưa ra trong các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc tranh chấp với phương Tây về vấn đề Ukraine.
Việc phản đối NATO đánh dấu sự ủng hộ rõ ràng nhất của Trung Quốc từ trước đến nay dành cho Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây và điều này cũng cho thấy tham vọng của Bắc Kinh để có tiếng nói trong vấn đề an ninh của châu Âu, và là sự liên kết chặt chẽ nhất với Nga kể từ những năm đầu của cuộc chiến tranh lạnh giữa khối cộng sản với phương Tây trước khi xảy ra bất đồng về ý thức hệ đưa tới xung đột biên giới giữa hai nước.
Giai đoạn hiện tại của mối quan hệ nói trên thực ra đã manh nha bắt đầu kể từ khi Nga ngang nhiên xua quân đánh chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Khối Liên Âu và Hoa Kỳ phản ứng lại bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga buộc nước này phải quay sang giao thương nhiều hơn với châu Á. Trung Quốc bèn nhập cuộc, mua dầu của Nga, đầu tư vào các công ty Nga và một số hợp tác kinh tế khác.
Trong mấy năm gần đây Nga đã trả ơn lại bằng cách mua dụng cụ và máy móc từ Huawei, một đại công ty kỹ thuật Trung Quốc, sau khi chính quyền Donald Trump tìm cách cô lập công ty này.
Theo nhận định của Steven Lee Myers, trưởng phòng báo chí của tờ New York Times tại Bắc Kinh, trong ý nghĩa rộng nhất của sự hợp tác qua lại nói trên, Nga và Trung Quốc đang thành lập một thứ “liên minh chuyên chế.” Ðương nhiên là họ không sử dụng cụm từ trên và thậm chí còn nói rằng chính quốc gia của họ mới dân chủ. Như trong bản tuyên bố chung có nói, “Dân chủ là giá trị chung của nhân loại chứ không phải là đặc quyền giới hạn cho một số quốc gia. Chỉ có người dân trong nước mới quyết định xem quốc gia của họ có phải là một quốc gia dân chủ hay không.”
Tuy nhiên, thông điệp mà Nga và Trung Quốc gửi tới cho các quốc gia khác thì đã rõ – và đương nhiên là nó không có một chút giá trị dân chủ nào. Theo mô hình của Tập và Putin, một chính phủ chuyên chế có thể mang lại đủ an ninh về kinh tế và kích thích lòng tự hào dân tộc để giảm thiểu sự phản đối của công chúng – và sẵn sàng đè bẹp bất kỳ cuộc chống đối nào nổi lên.
Mối nguy Nga xâm lăng Ukraine lại trải thêm một lớp keo vào mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh. Mối đe dọa trên phản ảnh quan điểm của Putin – mà cũng là quan điểm của Tập – rằng một quốc gia hùng mạnh có quyền áp đặt và sai khiến những quốc gia mà họ cho là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Một quốc gia hùng mạnh thậm chí có quyền lật đổ một chính phủ lân bang yếu hơn mà không cần thế giới can thiệp. Dĩ nhiên ngoài Ukraine, một thí dụ điển hình khác là Ðài Loan.
Mặc dù với tất cả những quyền lợi chung nói trên, Nga và Trung Quốc vẫn có những căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước. Trong nhiều thập niên, cả hai nước vẫn cạnh tranh nhau để giành ảnh hưởng tại châu Á. Cuộc cạnh tranh trên vẫn tiếp tục cho đến thời điểm hiện tại, với Trung Quốc nay giữ vai trò mạnh hơn, và nhiều chính khách Nga, mặc dù có quan điểm chính trị khác nhau, đều lo ngại về một tương lai bá chủ của Trung Quốc tại châu Á.
Trong khi sự hợp tác giữa Moscow-Bắc Kinh mang lại một số lợi ích về kinh tế – năng lượng cho Trung Quốc, thương mại và đầu tư cho Nga – các phân tích gia về thương mại và ngoại giao quốc tế vẫn cho rằng quan hệ giữa hai nước còn khá mong manh và những ràng buộc trong quan hệ đối tác Tập-Putin vẫn chưa trải qua thử thách của thời gian, đặc biệt là về an ninh toàn cầu.
Trong nỗ lực để nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc – và cũng là để kiềm chế Nga không phá rối sự ổn định toàn cầu – chính quyền Biden rất có thể sẽ phải tìm cách lợi dụng bất kỳ sự căng thẳng nào giữa Trung Quốc và Nga để gây chia rẽ và nghi kỵ, như tại Kazakhstan và một số nơi khác.
Cho đến thời điểm hiện tại, “liên minh chuyên chế” Nga-Trung Quốc vẫn chưa chính thức thành hình. Nhưng đó là điều thực tế, và sẽ còn mở rộng ra ngoài phạm vi Trung Quốc và Nga để bao gồm thêm một số quốc gia khác – như Venezuela, Iran, và thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn – cùng hợp tác với nhau để giảm thiểu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt kinh tế và áp lực ngoại giao mà phương Tây áp đặt lên họ. Các quốc gia dân chủ trên thế giới trong tương lai sẽ phải đối mặt với một thử thách ngày càng lớn về một mô hình chính trị rất khác so với bất kỳ mô hình nào trước đây.