Huyền Anh
Hôm thứ bảy (19/2), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi một danh sách trừng phạt để ngăn chặn các hành vi xâm lược tiềm tàng của Nga, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng của Ukraine cũng như thị trường năng lượng EU trong trường hợp đường ống Nord Stream 2 bị sử dụng như một vũ khí.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm thứ Bảy (19/2) đã kêu gọi một danh sách trừng phạt để ngăn chặn sự xâm lược tiềm tàng của Nga.
Ông nói trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 58: “Xây dựng một gói trừng phạt phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn các hành vi xâm lược. Đảm bảo an ninh năng lượng của Ukraine, đảm bảo sự hội nhập vào thị trường năng lượng EU trong trường hợp đường ống Nord Stream 2 bị sử dụng như một vũ khí”.
Trong một phát biểu với đài CNN, ông không tán thành với ý kiến cho rằng, các lệnh trừng phạt chỉ nên được liệt kê sau khi một cuộc xâm lược đã xảy ra.
“Chúng tôi không cần các biện pháp trừng phạt của quý vị sau khi vụ bắn phá đã xảy ra, sau khi đất nước của chúng tôi đã bị oanh tạc, hay sau khi chúng tôi không còn biên giới, hoặc giả như sau khi nền kinh tế của chúng tôi đã hoàn toàn sụp đổ… Tại sao chúng tôi lại cần những lệnh trừng phạt đó?” ông nói.
Căng thẳng tại biên giới Nga – Ukraine đã leo thang trong những tuần gần đây sau khi Nga chuyển hơn 100.000 binh sĩ và vũ khí hạng nặng đến biên giới Ukraine.
Hoa Kỳ và các đồng minh khác của Ukraine tuyên bố sẽ trừng phạt Nga nếu nước này xâm lược Ukraine.
Các ngoại trưởng G-7 hôm thứ Bảy tái khẳng định rằng, Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính.
“Trong khi chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết các lo ngại an ninh, thì Nga nên lưu ý rằng bất kỳ hành động xâm lược quân sự nào đối với Ukraine sẽ kéo theo những hậu quả rất lớn, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với một loạt các mục tiêu ngành, cũng như áp đặt chi phí khắt khe chưa từng có đối với nền kinh tế của Nga. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế phối hợp trong trường hợp xảy ra sự kiện như vậy”, các ngoại trưởng cho biết.
Ông Zelensky cũng tỏ ra thất vọng về tiến độ Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Việc Ukraine tìm cách gia nhập NATO đã trở thành tranh chấp chính trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Ukraine – Nga.
Tổng thống Ukraine khi đó là ông Petro Poroshenko, đã ký sửa đổi hiến pháp vào tháng 2/2019, cam kết nước này trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu sau khi quốc hội thông qua dự luật.
Ông Zelensky mới đây đã tái khẳng định rằng gia nhập NATO vẫn là mục tiêu của đất nước ông.
Về phía Nga, Điện Kremlin từ chối giảm leo thang với Ukraine, nói rằng Hoa Kỳ và NATO đã không giải quyết được các lo ngại an ninh cơ bản của Moscow: NATO ngừng mở rộng về phía đông và vũ khí tấn công không được triển khai gần biên giới Nga, theo một tuyên bố do Truyền thông Nhà nước Nga TASS cung cấp.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng, những vấn đề này sẽ là trọng tâm trong đánh giá của chúng tôi về các tài liệu nhận được từ Mỹ và NATO, chúng sẽ được thông báo cho các đồng nghiệp của mình”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với Ngoại trưởng Antony Blinken trong một cuộc gọi vào thứ Bảy (19/2).
Washington và NATO có quan điểm cởi mở về việc Ukraine gia nhập NATO.
“Từ quan điểm của chúng tôi, không thể rõ ràng hơn — cánh cửa của NATO vẫn mở – và đó là cam kết của chúng tôi”, ông Blinken phát biểu vào hồi cuối tháng 1/2022, mặc dù ông đã gia hạn đề nghị về các biện pháp “có đi có lại” để giải quyết các mối quan ngại về an ninh chung giữa Nga và NATO, bao gồm cả việc cắt giảm tên lửa ở châu Âu.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times