Đông Phương
Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh kéo dài 17 ngày đã chính thức bế mạc vào ngày 20/2. Trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao quốc tế này, các cuộc tranh tài khốc liệt không phải là tâm điểm chú ý duy nhất của công chúng trong và ngoài Trung Quốc, một tâm điểm chú ý khác của dư luận chính là “người phụ nữ bị xích cổ, bị giam cầm và bị ngược đãi ở huyện Phong, thành phố Từ Châu”.
Vào lúc 21h37 ngày 20/2 theo giờ địa phương, Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đã bế mạc tại Sân vận động Quốc gia “Tổ chim”. Na Uy đứng đầu bảng tổng sắp huy chương với 16 vàng, 8 bạc và 13 đồng; Đức đứng thứ hai với 12 vàng, 10 bạc và 5 đồng. Ngoài ra, đội Trung Quốc đã giành được 9 vàng, 4 bạc và 2 đồng; Hoa Kỳ giành được 8 vàng, 10 bạc và 7 đồng.
Các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tuyên truyền rầm rộ về 9 huy chương vàng của đội nhà; đồng thời ra sức tán dương Cốc Ái Lăng (Eileen Gu), một vận động viên trượt tuyết sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ nhưng đã đại diện thi đấu cho đội Trung Quốc. Về vấn đề này, Hãng tin AP đã chỉ ra rằng mặc dù các kênh truyền thông Trung Quốc đã cố gắng hết sức để quảng bá cho Cốc Ái Lăng, nhưng điều mà một lượng lớn người dùng mạng xã hội Trung Quốc quan tâm và bình luận lại là người phụ nữ 8 con bị xích cổ và sống trong một căn nhà tồi tàn lạnh lẽo ở huyện Phong thuộc thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô.
Truyền thông chính thống Trung Quốc đồng loạt im lặng về vụ ‘bà mẹ 8 con bị xích’
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cũng bày tỏ rằng, chính quyền Trung Quốc vốn cho rằng họ có thể sử dụng Thế vận hội Mùa đông này để khoe khoang về thể chế và thành tích của mình với toàn thế giới, nhưng vụ “bà mẹ 8 con bị xích cổ” nổ ra ở huyện Phong, Từ Châu, Giang Tô lại liên tục thu hút sự quan tâm của hàng tỷ người ở Trung Quốc và trên thế giới. Ánh sáng của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đã bị lu mờ bởi bóng đen của vụ “người phụ nữ bị xích cổ”.
Bài báo của VOA cho biết, kể từ khi đoạn video về tình trạng bi thảm của “bà mẹ 8 con bị xích cổ ở huyện Phong” bị phanh phui vào ngày 28/1, nó đã không ngừng lên men trên Internet và trùm bóng đen lên Thế vận hội Bắc Kinh. Nhưng truyền thông của chính quyền Trung Quốc lại “giữ im lặng tập thể, ngậm miệng không nói”. Mãi đến ngày 17/2 họ mới đưa tin rằng Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Giang Tô đã thành lập tổ điều tra và quyết định tiến hành điều tra toàn diện vụ việc “người phụ nữ sinh 8 con ở huyện Phong”.
Đây là nạn nhân của nạn bắt cóc buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc; chính quyền địa phương có ý đồ che giấu vụ việc
Bài báo viết rằng, mặc dù “người phụ nữ bị xích ở huyện Phong” chỉ là một người phụ nữ trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc, nhưng những điều mà cô phải chịu đựng đã khơi dậy sự giận dữ và lo lắng của hàng trăm triệu người. Bởi vì cô thực sự là một trong vô số phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc và buôn bán ở Trung Quốc. Cư dân mạng Trung Quốc lo lắng rằng họ có thể trở thành “người phụ nữ đeo xích sắt ở huyện Phong” tiếp theo bất cứ lúc nào vì “chỉ cần một ngụm thuốc mê là có thể bị đưa đi”.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ cũng đề cập trong bài báo rằng, các quan chức Từ Châu và huyện Phong đã đưa ra 4 thông báo không nhất quán về vụ việc “người phụ nữ đeo xích”; các cư dân mạng đến huyện Phong để điều tra thực địa đã bị chặn đường, bị đuổi và thậm chí bị giam giữ. Ngoài ra còn có hiện tượng các tin tức liên quan trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc bị xóa và chặn. Bài báo chỉ ra: “Ý đồ cố tình che giấu và phong tỏa sự thật của chính quyền địa phương là hết sức rõ ràng”.
Đông Phương