Đông Phương
Vận động viên (VĐV) trượt băng tốc độ người Đài Loan Hoàng Úc Đình (Huang Yu-ting) đã gây ra tranh cãi khi đăng một video tập luyện mặc đồng phục của đội tuyển Trung Quốc lên mạng xã hội trước khi tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Hiện cô chưa phản hồi về việc này và đã đóng trang Fanpage Facebook.
Trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Hoàng Úc Đình đã chia sẻ trên mạng xã hội đoạn video ghi lại cảnh cô tập luyện trong bộ đồng phục của đội tuyển Trung Quốc khi chuẩn bị cho trận đấu ở thành phố Salt Lake, Mỹ. Hình ảnh này vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ cư dân mạng Đài Loan. Sau đó, cô đáp trả rằng “Các bạn có thể không cần cổ vũ cho tôi” và “Thể thao không có phân chia quốc tịch”. Sau trận đấu cô lại nói với truyền thông Trung Quốc đại lục rằng, “sự nhiệt tình của khán giả [khiến cô cảm thấy] giống như đang thi đấu tại sân nhà”. Lời nói này như đổ thêm dầu vào lửa.
Hành chính Viện Đài Loan yêu cầu điều tra xử phạt, Phủ Tổng thống tuyên bố ủng hộ
Hãng thông tấn Trung ương (CNA) Đài Loan đưa tin vào ngày 19/2 rằng, phát ngôn viên La Bỉnh Thành (Lo Ping-cheng) của Hành chính Viện (tương đương Quốc hội) đã đưa ra một tuyên bố rằng, Viện trưởng Hành chính Viện Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) cho rằng hành vi của cô Hoàng Úc Đình là “cực kỳ không thích đáng”. Ông Tô đã yêu cầu Cục Quản lý Thể thao, cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Trung Hoa Dân Quốc, điều tra những hành động và phát ngôn không phù hợp của cô Hoàng và đưa ra hình phạt thích đáng. Đồng thời, cần xem xét lại việc thiết lập cơ chế và các yêu cầu về ngôn từ và hành động để làm chuẩn mực cho các thành viên đội Đài Loan khi ra trường quốc tế.
Ông La Bỉnh Thành cho biết, chính phủ Đài Loan sử dụng tiền thuế của dân chúng để tài trợ cho việc tập luyện và thi đấu của các thành viên đội tuyển quốc gia Đài Loan. Trên trường quốc tế, các tuyển thủ đội tuyển quốc gia thi đấu đại diện cho đất nước, họ là những người gánh vác sự kỳ vọng của người dân Đài Loan. Do đó, nhất cử nhất động đều nên cẩn thận và bảo vệ sự tôn nghiêm của đất nước, không nên có bất kỳ lời nói và việc làm gây tranh cãi nào làm tổn hại đến “danh dự quốc gia”.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Trương Đôn Hàm (Xavier Chang) cũng cho biết, các sự kiện liên quan đến Thế vận hội Mùa đông đã kết thúc và Phủ Tổng thống ủng hộ Hành pháp Viện tiến hành cuộc điều tra, xem xét và trừng phạt cần thiết. Ông Trương nhấn mạnh rằng, ngoài việc theo đuổi thành tích thi đấu cá nhân, các vận động viên của đội Đài Loan “còn đại diện cho đất nước khi ra bên ngoài, lời nói và việc làm đều sẽ bị quan sát”.
Hình phạt nặng nhất là hủy tư cách tuyển thủ quốc gia, trường hợp của VĐV Hoàng Úc Đình còn cần xem xét
Theo FTV News của Đài Loan đưa tin, ông Trần Sĩ Khôi (Chen Shyh-kwei), Trưởng đoàn Đài Loan tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, đã trả lời rằng trong sổ tay thành viên của đoàn quốc gia có quy định về lời nói và việc làm dành cho các tuyển thủ. Nếu không tuân thủ quy định hoặc dính vào các vấn đề như dùng doping, v.v. thì mức phạt nặng nhất là hủy bỏ tư cách vận động viên quốc gia, sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận vận động viên quốc gia và bị đưa trở về Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Trần cũng đề cập đến việc VĐV Hoàng Úc Đình đã mặc đồng phục của đội tuyển Trung Quốc trước khi gia nhập đoàn thể thao Đài Loan tham dự Olympic lần này. Nếu thực sự bị phạt thì hình thức xử phạt như thế nào, thời gian thu hồi giấy chứng nhận là bao lâu, ông nói cần thời gian thảo luận. Mặt khác, trước khi xuất phát, đội thể thao đều có buổi họp nhắc nhở các tuyển thủ những điều cần chú ý, nhưng lại không có yêu cầu rõ ràng về những phát ngôn của VĐV trên mạng xã hội và cũng không nhắc đến việc không được mặc trang phục của đội tuyển khác.
Hiện tại, VĐV Hoàng Úc Đình đã đóng Fanpage Facebook của mình và xóa các bài viết gây tranh cãi trước đó trên Weibo. Cô vẫn chưa phản hồi về việc điều tra và xử phạt của Hành chính Viện.
Các nhà lập pháp Đài Loan đưa ra ý kiến trái chiều
Tờ NOW News dẫn lời bà Ngô Tư Dao (Rosalia Wu), nhà lập pháp thuộc Đảng Dân tiến, cho biết các thành viên của đội tuyển Đài Loan được nhà nước đầu tư cho huấn luyện và trợ cấp thông qua công quỹ, vậy nên họ chính là những người phát ngôn đại diện cho hình ảnh quốc gia được toàn dân tài trợ. Người được hưởng quyền lợi cũng phải thực hiện nghĩa vụ bảo vệ danh dự của đất nước.
Nhà lập pháp này nói rằng, bất kể cô Hoàng Úc Đình vô tình hay hữu ý, vụ việc này có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy vui mừng và sử dụng nó như một kiểu mẫu để tiến hành Mặt trận Thống nhất nhằm đẩy nhanh sự thâm nhập vào ngành thể thao Đài Loan. Bà Ngô ủng hộ việc chính phủ thiết lập tiêu chuẩn về lời nói và hành động cho VĐV để tránh những rắc rối trong tương lai.
Tuy nhiên, bà Diệp Dục Lan (Yeh Yu-Lan), một nhà lập pháp thuộc Quốc dân Đảng, lại chất vấn rằng, đúng là VĐV Hoàng Úc Đình đã mắc lỗi trang phục trước Thế vận hội Mùa đông, nhưng tại sao Bộ Giáo dục và Ủy ban Olympic Đài Loan không đưa ra hướng dẫn rõ ràng trước khi thi đấu, vì vậy các cơ quan hữu trách càng phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Theo bà, trước đó không có chỉ đạo, ngay khi sự việc xảy ra cũng không có cảnh cáo, nhưng bây giờ lại đòi xử phạt, như vậy là không công bằng hợp lý.
Đông Phương