Minh An
Mối quan hệ giữa tình yêu và hôn nhân là gì? Mặc dù cảm tình đương nhiên là quan trọng, nhưng làm thế nào quản lý tốt hôn nhân còn quan trọng hơn
Rốt cuộc, mối quan hệ giữa tình yêu và hôn nhân là gì? Có thể có rất nhiều người đã tự hỏi câu này mà chưa có câu trả lời xác đáng. Nhiều người yêu say đắm, nhưng chưa chắc đã đi được cùng nhau quá ba năm, hay năm năm. Lại có những người cả đời chưa từng nói lời yêu với nhau, nhưng lại chung thuỷ bên nhau cả đời. Mặc dù cảm tình đương nhiên rất quan trọng, nhưng làm thế nào để quản lý tốt một cuộc hôn nhân còn quan trọng hơn. Trong dòng sông dài của cuộc đời, mỗi người duy trì cuộc hôn nhân của mình theo những cách khác nhau, và cuối cùng những người đã trải qua toàn bộ quá trình – họ đều có những câu chuyện của riêng mình.
Chưa bao giờ nói lời yêu, chưa bao giờ cãi vã
Mọi người thường có thể thấy một cặp vợ chồng già người Thượng Hải trên đường phố, trong công viên, hoặc tại các nhà hàng. Họ dìu dắt nhau, luôn quan tâm đến nhau. Hành động của họ khiến nhiều người cảm động: cặp vợ chồng già thật hạnh phúc và ấm áp.
Họ sống trên cùng một con phố, là bạn với nhau từ nhỏ. Thuở còn trẻ, bà là một cô gái rất xinh đẹp, và ông cũng rất đẹp trai, cuối cùng sau khi theo đuổi không ngừng, ông cũng có được trái tim của cô gái xinh đẹp. 25 tuổi cô kết hôn với một chàng trai hơn cô hai tuổi. Khi hỏi bà tại sao lại lấy ông, bà cho biết: “Lúc đó, anh ấy không chỉ đẹp trai, mà còn có công việc với thu nhập khá, và quan trọng hơn là anh ấy thật thà, không hút thuốc, không uống rượu. Nếu hút và uống rượu thì tôi sẽ không bao giờ lấy anh ấy”.
Và như thế, đôi vợ chồng già đã bên nhau gần 60 năm.
Đôi vợ chồng già trông rất hòa nhã và thân thiện, cụ bà thì hay nói hơn, cụ ông ở bên cạnh thi thoảng nói vài câu, có vẻ rất điềm đạm và hòa thuận. Hiện vẫn có thể thấy vóc dáng thướt tha của cụ bà, và vẫn có thể thấy nét dung mạo xinh đẹp khi còn trẻ của bà, đúng như lời ông lão tự hào nói: “Khi còn trẻ, bà rất xinh đẹp, nếu không ông đã không theo đuổi bà nhiều như vậy”.
Khi ai đó hỏi cụ bà, ông lão của bà và anh chàng đẹp trai khi còn trẻ đã thay đổi thế nào, bà lão nói đùa: “Haha, tóc ông ấy đã bạc trắng, răng đã rụng, lại còn mất trí nhớ”.
Ông lão nghe vậy chỉ cười và không giải thích bất cứ điều gì. Bà cụ còn nói thêm rằng: “Vì trí nhớ của ông ấy kém, nên bây giờ tiền lương giao cho tôi giữ, trước đây là tự ông ấy giữ”.
Cặp vợ chồng lấy nhau 59 năm, chưa bao giờ nấu ăn
Hai cụ không tự nấu ăn mà đều mua đồ ăn ở ngoài, vì cả hai đều không giỏi nấu nướng. Bà lão nói, đồ ăn bà nấu nếu không sống thì cũng không ngon, chồng bà không thích ăn, bản thân bà cũng không thích. Ông lão cũng không nấu được, nên họ cứ ăn ở ngoài, hoặc mua thứ gì đó ở nhà hàng về ăn. Bếp ở nhà căn bản không dùng đến, điều kiện kinh tế của họ có thể chi trả được cho việc ăn ở ngoài. Hơn nữa hai ông bà căn bản không ở nhà, mỗi ngày đều phải ra ngoài, họ nói sinh hoạt như vậy sẽ không mắc bệnh Alzheimer.
Nhường nhịn là quan trọng nhất, tình yêu để ở trong tim
Khi có người hỏi họ có cãi nhau không, bà cụ nói: “Sống một đời đâu dễ, cuộc sống đẹp như vậy, tại sao phải cãi nhau. Hồi còn trẻ mà cãi nhau với chồng thì ông ấy sẽ không an tâm làm việc được, trong lòng mà không an định thì làm sao làm việc tốt được. Tôi cần hỗ trợ ông ấy làm tốt công việc của mình. Trước khi nghỉ hưu, ông ấy thường làm thêm giờ, một hai ngày không về nhà, tôi chưa bao giờ ngăn cản ông ấy”.
Khi được hỏi làm thế nào mà cả đời họ không cãi vã nhau, câu trả lời của họ là: “Nhường nhịn, điều quan trọng nhất là cả hai phải nhường nhịn nhau”.
Khi được hỏi liệu hai người có nói “yêu” với nhau hay không, cả hai ông bà đều nói rằng họ không. Nhưng cả hai người đều nói rằng: “Yêu, tôi để trong lòng”.
Một câu chuyện tình yêu đẹp ở Tòa Bạch Ốc
Tình yêu sét đánh hay tình yêu vượt thời gian? Đây là tiêu đề của một bài văn miêu tả mối tình của Nancy và Reagan. Họ không chỉ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, mà còn yêu nhau sâu đậm theo thời gian. Ronald Wilson Reagan là vị Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ. Ông từng là một diễn viên nổi tiếng của Hollywood. Khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ, ông đã 70 tuổi. Cho đến ngày nay, ông vẫn là một trong những vị tổng thống vĩ đại trong lòng người dân Mỹ. Bà Nancy là vợ của Reagan, trước khi kết hôn với Reagan, bà cũng là một diễn viên ở Hollywood.
Họ gặp nhau trong một chuyến đi tàu du lịch tới Bờ Đông, và hai năm sau, vào ngày 4 tháng 3 năm 1952, họ đã kết hôn tại Nhà thờ Little Brown ở Thung lũng San Fernando. Bà Nancy từng nói: “Làm vợ anh ấy là vai diễn mà tôi mong muốn đóng nhất trong đời. Cuộc đời tôi chỉ bắt đầu từ khi tôi lấy chồng”.
Reagan yêu bà, đúng như ông đã từng nói: “Anh yêu em, không có em thì không có hạnh phúc nào để nói tới”.
Trong cuốn tự truyện của Reagan, có lời mở đầu rằng: “Gửi tới người vợ vĩ đại nhất của tôi, Nancy, không có cô ấy tôi không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao”.
Nancy thực sự không thích chồng mình bước vào giới chính trị, nhưng sau khi chồng bà đưa ra quyết định tranh cử, bà đã chọn cách ủng hộ chồng, và tích cực tham gia trong chiến dịch tranh cử của chồng. Stuart Spencer, cố vấn chiến dịch tranh cử của tổng thống Reagan, đã mô tả vợ chồng tổng thống Reagan rằng “họ là một đội nhóm”. “Chương trình nghị sự” chính của Nancy là hỗ trợ chồng.
Sau này, khi Tổng thống Reagan tham gia chính trị, khi thực hiện các chính sách và chủ trương của mình, ông đã gặp phải nhiều sự phản đối từ những người trong nội bộ Đảng Cộng hòa, những ý tưởng chính trị của ông gặp phải sự phản kháng, ông cần phải tiếp tục thuyết phục những người Cộng hòa này ủng hộ mình, điều này khiến ông cảm thấy rất mệt mỏi. Ông từng nói: “Khi về đến nhà, tôi biết Nancy đang ở trong phòng nào”.
Vào ngày kỷ niệm 25 năm ngày cưới của họ, Reagan đã tặng Nancy một món quà là đôi găng tay, và viết trên trên tấm thiệp mừng rằng: “Anh hy vọng đôi găng tay này sẽ sưởi ấm đôi tay của em, giống như em đã luôn sưởi ấm trái tim anh trong 25 năm qua”.
“Món quà em tặng anh không thể mua bảo hiểm được, bởi vì không ai có thể ước tính được giá trị của nó. Ai có thể ước tính được sự vui mừng và mong đợi của anh khi về nhà? Ai có thể ước tính được giá trị của cảm giác được đón chào khi anh bước nhanh về nhà? Chỉ cần thức dậy vào buổi sáng sẽ là một niềm an ủi ấm áp vì em đang ở bên cạnh. Và ngôi nhà này sẽ thật hoang vắng khi không có em”.
Vào ngày 5 tháng 11 năm 1994, trong một bức thư, Tổng thống Reagan thông báo với công chúng Mỹ rằng, ông mắc bệnh Alzheimer. Kể từ đó, bà Nancy sống chủ yếu trong nhà, hết lòng chăm lo cho cuộc sống của Reagan, và điều hành các nghiên cứu về bệnh Alzheimer trên khắp thế giới. Sau khi Reagan bị bệnh Alzheimer, ông vẫn tiếp tục thói quen viết thư cho Nancy, cho đến khi bệnh tình trở nặng. Đối với Nancy, mọi hành động của Reagan đều khiến bà hạnh phúc. Trong những ngày đầu Reagan bị bệnh, mặc dù nói đã rất khó khăn, những ông vẫn thỉnh thoảng có thể đi dạo.
Một lần, khi Reagan đi dạo về cùng một vệ sĩ, ông dừng xe trước một ngôi nhà có cửa khóa trong sân, và ông cố gắng mở cánh cửa đang khóa chặt. Người vệ sĩ tưởng ông nhầm cửa, nên nhẹ nhàng kéo tay ông và nói: “Tổng thống, đây không phải là nhà của chúng ta”.
Câu trả lời của Reagan đã khiến người vệ sĩ bất ngờ, và khiến Nancy bật khóc hạnh phúc, ông đã dồn hết sức để nói: “Tôi biết… Tôi chỉ muốn hái một bông hồng tặng người yêu của tôi”.
Kỷ niệm 51 năm ngày cưới của Reagan và Nancy, Reagan bị ốm rất nặng, và Nancy không nhận được những lá thư mà Reagan sẽ viết cho bà vào mỗi dịp kỷ niệm ngày cưới như thường lệ. Lần đó, Nancy thực sự cảm thấy cô đơn. Bà đã nói: “Chúng tôi đã cùng nhau trải qua một cuộc sống phi thường, nhưng sau khi bệnh tình tới, nó đã đảo lộn tất cả, có rất nhiều hồi ức mà tôi không thể chia sẻ với anh ấy, điều này thật khó chấp nhận. Khi sự việc xảy ra, bạn chỉ có thể một mình đối mặt với nó, tình huống mỗi ngày đều khác nhau, buổi sáng sau khi thức dậy và bước tiếp từng bước, miễn là có yêu thương là đủ rồi”.
Con gái Patty kể lại rằng, trước khi cha cô qua đời, ông đột nhiên mở mắt và nhìn chằm chằm vào Nancy: “Đôi mắt không mờ đục hay vô hồn, mà trong xanh và tràn đầy tình yêu thương”.
Bà Nancy tin chắc rằng, vào thời khắc đó Reagan đã nhận ra bà và cái nhìn cuối cùng này, là “món quà tuyệt vời nhất” ông dành tặng cho bà trước khi ông rời đi.
Giờ đây, Nancy cuối cùng đã được trở lại trong vòng tay của người mình yêu. Họ đã để lại cho những người còn sống niềm hy vọng, và những theo đuổi bất diệt của họ đối với tình yêu và hôn nhân.
Tâm nguyện cuối cùng
Không mong cầu sinh vào cùng ngày cùng năm, nhưng mong được chết vào cùng ngày cùng năm. Một cặp vợ chồng già độ tuổi 90 ở Hoa Kỳ, dường như đã làm được điều đó. Trước lễ kỷ niệm 75 năm ngày cưới, cả hai đã qua đời cách nhau 24 giờ, và họ đã hoàn thành ước nguyện cả đời của mình và ôm nhau khi ra đi.
Thời thơ ấu của ông Alexander và bà Janet Totsko sống ở San Diego, California. Người chồng đã ra đi trong vòng tay của người vợ, và ngày hôm sau, người vợ cũng ra đi sau đó chưa đầy 24 giờ.
Ông Alexander và bà Janet đều là hậu duệ của những người nhập cư Ba Lan. Họ kết hôn năm 1940. Trong Thế chiến thứ II, ông Alexander gia nhập Hải quân Hoa Kỳ. Sau chiến tranh, ông làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và cuối cùng thành lập công ty của riêng mình, với vợ ông là Janet là nhà thiết kế chính.
Họ luôn sát cánh cùng nhau, và người chồng luôn giữ một bức ảnh của vợ trong ví. Như những đứa con của họ đã nói: “Từ thuở ban đầu trong ký ức của tôi, tôi nhớ trái tim của cha mẹ đã cùng chung nhịp đập”.
Trong khi ông Alexander bị ngã khi chơi gôn, phải nằm liệt giường và sức khỏe sa sút nghiêm trọng, thì sức khỏe của bà Janet cũng đồng thời ngày một xấu đi. Hai người được xếp ở cùng một phòng trong bệnh viện. “Họ muốn lúc lâm chung được cùng nằm trên một chiếc giường, ôm nhau và nắm tay nhau”.
Các con của họ đã làm theo tâm nguyện của cha mẹ và đã mua cho cha mẹ những quả bóng bay và hoa để kỷ niệm 75 năm ngày cưới của họ. Con gái của họ nói: “Như nguyện ước của cha, ông đã ra đi trong vòng tay của mẹ chúng tôi. Khi chúng tôi bước vào và nói với mẹ rằng cha đã mất, bà đã ôm lấy ông và nói: ‘Nhìn kìa, mong ước của ông đã thành sự thật, ông đã ra đi trong vòng tay của tôi. Em yêu anh, hãy đợi em, tôi sẽ đến ngay’”.
Bà Janet đã qua đời vào ngày hôm sau, chưa đầy 24 giờ sau khi chồng bà qua đời.
Ông Alexander thọ 95 tuổi, và bà Janet thọ 96 tuổi. Cuối cùng họ cũng đã hoàn thành tâm nguyện, và dường như đã hoàn thành chặng đường 75 năm chung sống cùng nhau.
Minh An
Theo SOH