Olympic Bắc Kinh và hai bộ mặt của một Trung Quốc đương đại

Olympic Bắc Kinh và hai bộ mặt của một Trung Quốc đương đại. (Ảnh: Tổng hợp)

Người phụ nữ sinh hạ cho chồng 8 đứa con ngày nay ở Giang Tô không rõ đã được hưởng ngày nào của tình nghĩa phu thê. Ngược lại, cái người được xã hội gọi là “chồng” của cô đã biến cô thành công cụ sinh sản, công cụ dục tính, bị quàng xích vào cổ trong nhà kho suốt nhiều năm, lạnh và đói, ăn cháo cầm hơi vì răng đã gãy hết, bị lũ con thờ ơ, chính quyền địa phương cũng lờ như không thấy. Thử hỏi tình người ở đâu? Tính người ở đâu? Công lý ở đâu? Nhân quyền ở đâu?

Khuôn mặt nhà nước và khuôn mặt nhân dân

Khi ngọn đuốc Olympic đã yên vị trên giá đỡ, tiếng nhạc trỗi dậy, trên sân khấu, ánh sáng điện bừng lên ở bông hoa tuyết lớn có ngọn đuốc bên trong, lan tỏa sang một hình trái tim khổng lồ ôm lấy nó, rồi bùng lên từng đợt từng đợt như nhịp đập của trái tim lan tỏa khắp năm châu. Cùng lúc đó hàng loạt pháo hoa bắn lên không trung tạo hình chữ “Spring” (Mùa xuân) rực rỡ.

Trong tiếng hát hân hoan của dàn đồng ca trẻ tuổi là lời của người dẫn chương trình: “ngọn đuốc giữa những bông tuyết thắp sáng tinh thần Olympic”. Người MC này còn trích dẫn hai câu thơ của đại thi hào Lý Bạch để minh họa:

“Núi Yên Chi hoa tuyết lớn như những chiếc chiếu
Từng mảng từng mảng thổi sập đài Hiên Viên” Lí Bạch

Tổng đạo diễn Trương Nghệ Mưu giải thích rằng “mỗi một đóa hoa tuyết, mỗi một quốc gia và khu vực đều tập trung tại Bắc Kinh, và trở thành một đóa hoa tuyết rực rỡ nhất.” Đó là lý do xuất hiện của câu thơ từ danh phẩm “Bắc phong hành” của Lý Bạch: “Yên sơn tuyết hoa đại như tịch/ Phiến phiến xuy lạc Hiên Viên đài”… trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Màn diễn lãng mạn ấn tượng này là nỗ lực thể hiện sự vượt trội của một “thiên triều thượng quốc”, nơi “năm châu chầu về”. Thực ra, nếu tất cả mọi thứ đều đẹp đẽ lãng mạn như thế, thì không có gì đáng nói.

Nhưng cách đó chỉ hơn chục cây số, là những trại tra tấn những học viên Pháp Luân Công. Xa hơn nữa chừng nghìn cây số, tại huyện Phong, tỉnh Giang Tô, là nơi khiến dân chúng Trung Quốc xáo động vì một clip quay cảnh người phụ nữ trung tuổi với dây xích quấn cổ, run rẩy, móm mém, gần như không thể nói được câu nào. Cô bị chính người chồng của mình xích trong nhà kho suốt nhiều năm. 8 đứa con cô cũng làm ngơ trước tình cảnh của mẹ chúng. Không rõ trong hoàn cảnh ấy, người công dân đáng thương của “thiên triều thượng quốc” Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa này đang nghĩ gì.

Đó là hai bộ mặt của một Trung Quốc đương đại.

Lại nói, những người yêu Đường thi đều hiểu rằng bài “Bắc Phong hành” không phải được giải nghĩa như thế. Nó cũng nói về tâm trạng của một người phụ nữ.

Có những nỗi đau hơn cả sinh ly tử biệt

Bài thơ “Bắc Phong hành” được Lý Bạch sáng tác vào khoảng năm 752, tức năm Thiên Bảo thứ 11 thời Đường Huyền Tông. Lý Bạch từ quan, giã biệt triều đình của Đường Huyền Tông vào năm 745 để sống đời phiêu bạt giang hồ. Năm đó, bước chân phiêu du đưa ông tới U Châu (ngày nay ở gần Bắc Kinh), viết bài “Bắc Phong hành” trong gió tuyết phương Bắc. U Châu là căn cứ địa của “Loạn An Sử”, xảy ra mấy năm sau thời điểm ra đời bài thơ này.

“Bắc Phong hành” thuộc dòng thơ biên tái thời Đường. Dòng thơ này mô tả lòng can đảm, chí khí của tướng sĩ biên cương; ở phương diện đối nghịch nó cũng nói lên nỗi đau khổ của con người thời loạn, trong đó có rất nhiều nỗi buồn chinh phụ. 

Bài thơ là tâm trạng buồn đau của người phụ nữ có chồng chết trận ở biên ải. Người phụ nữ tựa cửa, đăm đắm ngóng chồng ngày qua ngày, nhưng chồng nàng làm sao về được nữa, vì thân xác đã tàn rữa nơi đồng hoang cỏ nội. Do đó, người vợ hy vọng rằng hoa tuyết ở núi Yên Sơn có thể thay chiếu đắp lên thi thể người chồng quá cố, đã mất mạng trong trận chiến với người Hồ.

Người Hồ ở phía Bắc là đối thủ truyền kiếp hàng nghìn năm của người Hoa Hạ ở Trung Nguyên. Khi Trung Nguyên mạnh thì người Hồ quy phục, khi Trung Nguyên suy yếu thì người Hồ xâm lăng. Chiến tranh xưa lấy đi tính mạng con người, nhưng không lấy đi tình người, và tính người. Người phụ nữ U Châu thời xưa khóc than cho người chồng đáng thương, là vì con người thì có tình cảm của con người, có đạo nghĩa vợ chồng là lẽ tất nhiên.

Người phụ nữ sinh hạ cho chồng 8 đứa con ngày nay ở Giang Tô không rõ đã được hưởng ngày nào của tình nghĩa phu thê. Ngược lại, cái người được xã hội gọi là “chồng” của cô đã biến cô thành công cụ sinh sản, công cụ dục tính, bị quàng xích vào cổ trong nhà kho suốt nhiều năm, lạnh và đói, ăn cháo cầm hơi vì răng đã gãy hết, bị lũ con thờ ơ, chính quyền địa phương cũng lờ như không thấy. Thử hỏi tình người ở đâu? Tính người ở đâu? Công lý ở đâu? Nhân quyền ở đâu?

Chẳng phải còn đau hơn cả nỗi đau sinh ly tử biệt? 

Tội ác lớn nhất của chính quyền Trung Quốc – Hủy diệt tính người

Sự việc bà mẹ 8 con bị ngược đãi ở Giang Tô mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm cự đại của nạn bắt cóc, buôn người, cướp mổ và buôn bán nội tạng… được chính các quan chức nhà nước Trung Quốc thao túng, đỡ đầu. Chẳng hạn trong vụ việc này, có nhiều nhân chứng ở địa phương cho rằng, người mẹ bị xích cổ chính là đã bị bắt cóc từ nhỏ, bị hãm hiếp và bán đi làm nô lệ tình dục. Tiến sĩ Tạ Điền thuộc đại học Nam Carolina nhận được nguồn tin cho rằng, người phụ nữ này bị bắt cóc lúc 14 tuổi, bị cả thôn bao gồm cả trưởng thôn và bí thư xã hãm hiếp, sau đó chuyển cho một người cha và hai người con trai để làm nô lệ tình dục.

Người phụ nữ 8 con bị xích cổ ở huyện Phong, Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình)

Thử hỏi, những sự việc này làm sao qua mắt được chính sách quản lý gắt gao của chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ví như về quản lý hộ khẩu hay về việc nhận con nuôi chẳng hạn?

Những tội ác khởi từ thượng tầng chính trị đã được hợp lý hóa, bình thường hóa khi xóa bỏ khía cạnh đạo đức hay giẫm đè trên pháp luật. Chẳng hạn như việc Giang Miên Hằng – con trai của cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân – đã ba lần ghép thận để phục vụ cho thú truy hoan bất tận, vì thế hại chết tới 5 người (vụ việc được tỷ phú lưu vong Quách Văn Quý tiết lộ). Nếu đích thân người trong chính quyền đạo diễn, tiếp tay cho tội ác, nó sẽ khó có thể bị truy ra ánh sáng để lấy lại công bằng cho người dân thấp cổ bé họng, chừng nào hệ thống này còn tồn tại.

Trong một tội ác như bắt cóc, buôn người, các cá nhân hay băng nhóm chuyên bắt cóc có thể không thuộc chính quyền, nhưng để hợp lý hóa về thủ tục giấy tờ, để vận chuyển, hay quản lý dân sự, hợp pháp hóa nhân thân… chắc chắn phải có bàn tay của quan chức chính quyền, thậm chí liên kết thành một đường dây có kẻ cỡ bự đỡ đầu. Hoặc tội ác cướp mổ nội tạng phải có bàn tay chuyên nghiệp của các cán bộ y tế trong các bệnh viện lớn mới đủ trình độ để cắt và ghép nội tạng. 

Nếu ĐCSTQ đại diện cho tội ác, dối gạt và sự hủ bại, dĩ nhiên nó chỉ coi con người là công cụ để chiếm lợi riêng, nó quan tâm tới việc người dân là người tốt hay xấu ở khía cạnh đem lại lợi ích cho riêng nó. Thậm chí, nó còn muốn con người tồi tệ hơn, mới càng dễ khống chế. Bởi vậy, có nhiều người nói rằng ĐCSTQ sợ nhất là người tốt, có lòng can đảm bảo vệ chính nghĩa, lương tri.

Người chồng ngược đãi vợ trong câu chuyện này không những không bị bắt mà thậm chí còn nổi tiếng hơn trên mạng xã hội, có những người còn ca ngợi ông ta. Một số người còn mời ông ta làm người phát ngôn cho quảng cáo của mình. Ngược lại, đã có gần 100 người lên tiếng ủng hộ bà mẹ 8 con đã bị nhân viên công lực bắt tạm giam và ngược đãi. Vì đối với ĐCSTQ, con người chỉ là công cụ, nên dư luận sẽ được phép lên tiếng hay im miệng, tùy theo kết quả sự đấu đá phe nhóm trên thượng tầng.

Thời Chiến Quốc, Thương Ưởng biến pháp ở nước Tần, áp dụng Pháp gia để trị quốc. Sau khi luật pháp đã được thiết lập, người dân chê bai chính sách sẽ bị giết, mà khen ngợi cũng bị giết, im miệng làm con rối của nhà nước thì được tạm yên. Có ngày Thương Ưởng chém chết đến 700 người, máu chảy đỏ cả sông Vị. Về sau, Thương Ưởng chết vì chính nghiêm hình khốc pháp của mình đặt ra.

Nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử cho rằng ĐCSTQ ngày nay là truyền nhân của Pháp gia, nhưng Pháp gia dẫu hà khắc vẫn còn luật pháp để căn cứ. Còn chính quyền ĐCSTQ ư? Không có điều gì giữ nguyên vẹn như nó tuyên bố hết. Khi trước Mao Trạch Đông đã chẳng từng nói: “Một cuộc cách mạng không giống như mời mọi người đến ăn tối, hoặc viết một bài luận, hoặc vẽ tranh, hoặc thêu hoa; nó không thể là bất cứ điều gì tinh tế, bình tĩnh và nhẹ nhàng.” 

Thực ra, những thứ “lãng mạn, tinh tế” chỉ là lớp vỏ che đậy quyền mưu chính trị của ĐCSTQ. Cuộc sống của những người dân Hoa lục như bà mẹ 8 con bị ngược đãi; những đứa trẻ bị bắt cóc; những nạn nhân của căn bệnh viêm phổi xuất phát từ Vũ Hán; những người chết đuối trong đường hầm Trịnh Châu; những tù nhân trong trại tập trung Tân Cương; những học viên Pháp Luân Công bị cướp mổ nội tạng; những người dân Hong Kong bị đàn áp; hàng chục triệu người đã thiệt mạng trong các cuộc vận động chính trị v.v. mới là bộ mặt thật của nó. Và chúng ta quay lại lễ khai mạc cầu kỳ của Olympic Bắc Kinh 2022.

Những dấu hiệu ở Olympic Bắc Kinh là điềm báo kết cục của ĐCSTQ?

Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh cũng được một số người khen là lãng mạn, tinh tế. Đó là một bộ mặt mà ĐCSTQ muốn chưng ra để thiên hạ nhận diện. Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy có những dấu hiệu bất thường, giống như điềm gở của nước chủ nhà trong suốt cả kỳ Thế Vận Hội này.

Điềm gở đầu tiên là hình ảnh buồn thảm trong bài thơ “Bắc Phong hành”: chiến tranh, xác người chết trận không ai chôn cất giữa trời gió bấc gào thét, tuyết đổ từng cơn to như chiếu, như tấm vải liệm phủ lên tử thi. Lịch sử cho thấy, vài năm sau bài “Bắc Phong hành” thì có loạn An Sử.

“Yên sơn tuyết hoa đại như tịch”. Chữ “tịch” này còn đồng âm với chữ “Tập” trong tên của nguyên thủ quốc gia này.

Điềm gở thứ hai là chương trình đếm ngược 24 tiết khí trong ngày khai mạc mùng 4 tháng 2, mà số 4 (tứ) rất bị kiêng kỵ trong văn hóa Trung Quốc vì nó đồng âm với “chết” (tử).

Điềm gở thứ ba là ban tổ chức không thắp đuốc để khai hỏa ngọn lửa lớn như thông lệ, mà ngọn lửa Olympic leo lét như ngọn nến trước gió, như sinh mệnh sắp tàn.

Điềm gở thứ tư, đó là lễ bế mạc được thực hiện như một lễ mặc niệm.

Điềm gở thứ năm, đó là trong lễ bế mạc, đạo diễn Trương Nghệ Mưu tuyên bố rằng “tất cả mọi người đều sẵn sàng đến lễ bế mạc và tham gia lễ hội cuối cùng này…”

Có phải ĐCSTQ đã đi đến những ngày tháng cuối cùng của nó? Và Thế vận hội mùa đông 2022 là “lễ hội cuối cùng” nó được góp mặt cùng cộng đồng nhân loại? Thực ra cũng chẳng đợi đến sự kiện này, những năm gần đây, điềm gở, tai họa liên tiếp xuất hiện ở Trung Quốc, Thiên ý triển hiện rõ ràng. Có lẽ, ông Trời cũng chỉ đợi lòng người minh bạch mà thôi.

Nguyên Vũ

Related posts