Các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ được đưa ra hôm 24/02, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, không trực tiếp ngăn chặn việc nhập cảng dầu và khí đốt của Nga.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình thông báo về các lệnh trừng phạt: “Các công ty dầu khí của Mỹ không nên — không nên — lợi dụng thời điểm này để tăng giá nhằm tăng lợi nhuận. Trong gói các biện pháp trừng phạt của mình, chúng tôi đã thiết kế đặc biệt [nó] để cho phép tiếp tục các khoản thanh toán năng lượng. Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp năng lượng để xem có bất kỳ sự gián đoạn nào. Chúng tôi đã và đang phối hợp với các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu vì lợi ích chung của chúng ta để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu.”
Ông Biden lưu ý rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng giải phóng nhiều dầu hơn từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình “khi điều kiện cho phép.”
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, được nêu chi tiết trong một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, nhằm vào các tổ chức tài chính khác nhau của Nga. Chúng cũng bao gồm các hạn chế tài chính đối với “giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình của họ”, cùng với các giới hạn về nợ và vốn chủ sở hữu đối với các công ty năng lượng Nga, bao gồm công ty do nhà nước kiểm soát Gazprom và công ty con, Gazprom Neft, cũng như công ty đường ống Transneft.
Các biện pháp trừng phạt không nhắm vào Rosneft, một công ty năng lượng tích hợp của Nga.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden cho biết chính phủ của ông đang sử dụng “mọi công cụ mà chúng tôi có” để hạn chế tác động lên giá xăng, nhưng lưu ý rằng giá xăng đối với người Mỹ có khả năng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt tương tự từ EU, được đưa ra hôm 23/02, nhằm vào 351 thành viên Duma Quốc gia đã bỏ phiếu công nhận nền độc lập của các khu vực Donetsk và Luhansk. Các biện pháp trừng phạt của EU cũng cấm nhập cảng từ các khu vực Donetsk và Luhansk không thuộc quyền kiểm soát của Ukraine.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đó còn hạn chế nguồn tài chính của EU cho Nga .
EU cho biết trong một tuyên bố: “Hội đồng đã quyết định đưa ra lệnh cấm cung cấp tài chính cho Liên bang Nga, chính phủ, và Ngân hàng Trung ương của Liên bang Nga. Bằng cách hạn chế khả năng của nhà nước và chính phủ Nga trong việc tiếp cận vốn, thị trường tài chính và dịch vụ của EU, EU nhắm mục tiêu hạn chế việc cấp vốn cho các chính sách leo thang và gây hấn.”
Thời báo The Epoch Times đã liên hệ với EU về các lệnh trừng phạt của khối này và tác động dự kiến của chúng đối với ngành năng lượng Nga.
Một người trong chính phủ Biden giấu tên nói với Politico rằng giá năng lượng đang ảnh hưởng đến các hành động của chính phủ đối với Nga.
Các quan chức Ukraine đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba, viết trên Twitter hôm 24/02: “Hiện giờ, ông Putin đang đẩy Âu Châu vào thời kỳ đen tối nhất kể từ năm 1939. Bất kỳ chính phủ nào hy vọng ngồi ngoài điều này đều là ngây thơ. Đừng lặp lại những sai lầm của quá khứ. Hãy tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc ngay bây giờ. Giúp Ukraine hỗ trợ quân sự và tài chính. Cùng nhau, chúng ta có thể ngăn sự hiếu chiến của Nga (#StopRussianAggression).”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã viết trên Twitter hôm 24/02 rằng “một gói các biện pháp trừng phạt cứng rắn bổ sung chống lại Nga từ EU đang đến gần. Thảo luận tất cả các chi tiết với [Tổng thống Pháp Emmanuel Macron]. Chúng tôi yêu cầu cắt đứt liên lạc của Nga khỏi SWIFT, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine và các bước hiệu quả khác để ngăn chặn kẻ xâm lược.”
Hoa Kỳ đã trở thành một nước tiêu thụ dầu lớn của Nga. Thống kê từ Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy Hoa Kỳ đã nhập cảng hơn 17.8 triệu thùng dầu của Nga vào tháng 11/2021, tháng cuối cùng mà số liệu thống kê có sẵn.
EU phụ thuộc vào Nga tới 40% lượng khí đốt của mình.
Ông Paul Copello, chủ tịch của IIR Energy, cho biết trong một email gửi tới The Epoch Times: “Hành động của ông Biden về việc không giới hạn xuất cảng của Nga giữ cho các thùng dầu của Nga tiếp tục được bán trên thị trường, và nâng giá bằng cách không cắt giảm 9 triệu thùng ra khỏi lượng hàng. Hành động này làm giảm khả năng bị gián đoạn nguồn cung do phương Tây cấm mua dầu và khí đốt tự nhiên vào Âu Châu hoặc các nơi khác, và là lý do chính khiến dầu bị bán tháo so với mức cao ngày hôm nay.”
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times.
Bình Nguyên biên dịch