Bryan Jung
Theo một báo cáo (pdf) của Bộ Lao động Hoa Kỳ hôm 24/02, số lượng người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 52 năm trong tuần kết thúc hôm 19/02, sau một sự sụt giảm khác về số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước đã giảm 17,000, từ 249,000 xuống 232,000, nhưng vẫn ở trên mức thấp nhất trong đại dịch là 188,000 được báo cáo hôm 4/12.
Mức trung bình trong 4 tuần cho số đơn xin trợ cấp thất nghiêp, bù đắp cho sự biến động hàng tuần, cũng giảm 7,250 xuống 236,250.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần thứ 3 liên tiếp xuống còn 1.576 triệu, sau khi tăng trong 5 tuần liên tiếp sau khi biến thể Omicron xuất hiện vào mùa đông năm nay, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh ở nhiều nơi trên cả nước.
Con số này là mức đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp nhất kể từ hôm 30/06/1973, khi ở quanh mức 1.57 triệu người nộp đơn.
Sự gia tăng đột biến về lây nhiễm [Covid] trong mùa đông trong một thời gian ngắn đã cản trở sự phục hồi của đất nước từ cuộc suy thoái đại dịch năm 2020, nhưng các nhà tuyển dụng tỏ ra tự tin vào sự tăng trưởng dài hạn và háo hức tuyển dụng hơn.
Theo Bộ Lao động, tổng cộng 1,476,000 người Mỹ đang nhận tiền bồi thường thất nghiệp cho tuần kết thúc hôm 12/02, giảm khoảng 112,000 người so với tuần trước, và là mức thấp nhất kể từ hôm 14/03/1970, khi con số này là 1,456,000.
Các đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu thực tế chưa điều chỉnh theo các chương trình tiểu bang tổng cộng là 214,873 trong tuần kết thúc hôm 19/02, giảm 24,824, tương đương 10.4%, so với tuần trước.
Các yếu tố thời vụ dự kiến giảm 7.928, tương đương 3,3% so với tuần trước.
Các đơn đăng ký thất nghiệp lần đầu, vốn là yếu tố thể hiện tốc độ sa thải, đã lùi xuống mức trước đại dịch.
Bộ Lao động đã báo cáo vào đầu tháng Hai về một đợt tuyển dụng bất ngờ vào tháng Một, với các nhà tuyển dụng bổ sung thêm 467,000 việc làm, và đã điều chỉnh ước tính của Bộ này lên trong tháng 11 và tháng 12/2021 để có được tổng cộng 709,000 việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ từ 3.9% lên 4% do ngày càng có nhiều người tìm việc nhưng không phải tất cả đều có việc làm ngay lập tức.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Michelle Bowman cho biết trong một bài phát biểu hôm 21/02: “Thị trường lao động tiếp tục thắt chặt cho thấy áp lực tăng lương và các khoản bồi thường việc làm khác không có khả năng sớm dịu đi.”
Bà Bowman cho biết: “Ngay cả khi thị trường lao động đang được cải thiện, tôi vẫn nghe các doanh nghiệp nói rằng rất khó tìm được lao động có trình độ, và tình trạng thiếu lao động vẫn là lực cản đối với việc tuyển dụng và tăng trưởng kinh tế.”
Các biện pháp kích thích lớn của chính phủ và việc mở cửa trở lại đất nước sau các đợt phong tỏa đã thúc đẩy nền kinh tế, khi các nhà tuyển dụng tăng thêm mức kỷ lục 6.4 triệu việc làm vào năm 2021.
Nền kinh tế Mỹ tăng 5.7% vào năm 2021, tăng trưởng với tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ khi tăng 7.2% vào năm 1984 khi kết thúc một cuộc suy thoái.
Theo Bộ Thương mại trong ước tính GDP thứ hai của mình, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng với tốc độ 7% hàng năm trong quý cuối cùng của năm 2021, , tăng nhẹ so với tốc độ 6.9% được báo cáo trước đó.
Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 2.3% trong quý 3 năm 2021.
Lạm phát cũng ở mức cao nhất trong năm là 7.5%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1982, khiến Cục Dự trữ Liên bang giảm bớt sự hỗ trợ về tiền tệ cho nền kinh tế.
Fed đã báo hiệu rằng họ sẽ bắt đầu một loạt các đợt tăng lãi suất vào tháng 3 và sẽ đảo ngược các chính sách thời kỳ đại dịch đã kích thích tăng trưởng kinh tế.
Vẫn chưa rõ liệu cuộc khủng hoảng ở Ukraine có gây ra bất kỳ tác động nào có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ hay không, như báo cáo được tổng hợp vào tuần trước.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Vân Du biên dịch