Bryan Jung
Nhà sản xuất phân bón của Na Uy, Yara International cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 01/03 rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang bắt đầu đe dọa nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.
Công ty Na Uy khuyến nghị cộng đồng quốc tế cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô của Nga để sản xuất phân bón nông nghiệp.
Giá phân bón đã tăng mạnh vào cuối năm 2021, theo sau chi phí khí đốt tự nhiên.
Nga sản xuất 25% nguồn cung cấp nitơ, kali, và photphat của Âu Châu, là những nguyên liệu chính để sản xuất phân bón gốc nitơ; cùng với hơn 40% khí tự nhiên của khu vực này.
Yara, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, là nhà cung cấp cho ngành nông nghiệp Ukraine và là một bên mua chủ yếu các nguyên liệu dùng làm phân bón, chẳng hạn như phân lân và kali, từ Nga.
Nga cũng cung cấp khí đốt tự nhiên dùng làm phân bón.
Ukraine và Nga đều là những nước xuất cảng thực phẩm căn bản lớn, chiếm khoảng 29% xuất cảng lúa mì toàn cầu, 19% nguồn cung ngô thế giới và 80% xuất cảng dầu hướng dương thế giới.
Nga cũng là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của các kim loại chiến lược như titan, vàng, coban, sắt và bạch kim. Nước này cung cấp 6% nhôm của thế giới, 40% palladium và 30% sản lượng kim cương toàn cầu vào năm 2021.
Yara cho biết: “Với điều kiện địa chính trị mất cân bằng, các nguồn nguyên liệu thô lớn nhất cho sản xuất lương thực của Âu Châu đang bị hạn chế và không có lựa chọn thay thế ngắn hạn nào.”
Yara cảnh báo, giá lương thực cao hơn có thể dẫn đến nạn đói cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Yara cho biết: “Một hậu quả tiềm tàng là chỉ có bộ phận được ưu đãi nhất của dân số thế giới mới được tiếp cận đủ lương thực,” cho biết thêm rằng trong khi giá cao có thể có tác động tích cực trong ngắn hạn tới lợi nhuận, về lâu dài sẽ khiến hệ thống lương thực thiếu bền vững, dẫn đến nạn đói và xung đột.
Yara nói, “Do đó, điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải hợp tác và làm việc để bảo đảm sản xuất lương thực thế giới và giảm sự phụ thuộc vào Nga, mặc dù số lượng các lựa chọn thay thế ngày nay là hạn chế.”
Xuất cảng đã bị ngừng lại ở Ukraine, do các hạn chế đối với các tàu thương mại ở Biển Azov, điều này đã làm gián đoạn các chuyến hàng thực phẩm.
Giá lúa mì kỳ hạn đã tăng vọt kể từ tuần trước do lo ngại rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ tiếp tục làm gián đoạn các chuyến hàng ngũ cốc từ khu vực Biển Đen
Những hạn chế hơn nữa trong nguồn cung lúa mì có thể làm tăng giá ở một số nơi trên thế giới, bao gồm Úc, Argentina, và miền Trung Tây Hoa Kỳ.
Ukraine là một trong những nước xuất cảng ngũ cốc lớn nhất thế giới, trong đó Trung Quốc và Liên minh Âu Châu là những nước tiêu thụ lớn nhất.
Theo các chuyên gia, nếu nông dân Ukraine không thể chăm sóc cây trồng của họ trong mùa thu hoạch trong bốn tháng, do các hoạt động quân sự, hoặc nếu các cảng và cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng.
Giám đốc Điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông David Beasley, cho biết trên Twitter, “Ngay khi quý vị nghĩ rằng tình hình không thể tồi tệ hơn nữa. … Bây giờ, thực phẩm, nhiên liệu và chi phí vận chuyển sẽ tăng vọt. Một thảm họa tuyệt đối,” vì chiến tranh có thể có tác động đáng kể đến khả năng của tổ chức này trong việc tiếp cận 120 triệu người phụ thuộc vào viện trợ lương thực của tổ chức này.
Tính đến sáng ngày 01/03, giá lúa mì đỏ mềm vụ mùa đông ở Chicago lên tới 9.84 USD/giạ, cao nhất kể từ năm 2008 và cao hơn 27% so với đầu năm.
Lúa mì đỏ cứng vượt mốc 10 USD/giạ và giá lúa mì xay xát tại Paris đang ở gần mức cao nhất mọi thời đại.
Giá ngô kỳ hạn cũng tăng với tốc độ đáng kinh ngạc, tăng gần 22% trong năm nay ở mức cao nhất kể từ tháng 05/2021.
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Nhật Thăng biên dịch