Frank Fang
Đô đốc Charles Richard, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ phải cấp bách để có khả năng phòng thủ đồng thời chống lại Nga và Trung Quốc.
Ông Richard nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm 01/03: “Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với hai đối thủ ngang hàng có năng lực hạt nhân, những nước có khả năng đơn phương leo thang xung đột lên bất kỳ mức độ bạo lực nào ở bất kỳ khu vực nào trên toàn thế giới, bằng bất kỳ công cụ quyền lực quốc gia nào, và điều đó có ý nghĩa lịch sử.”
Ông chỉ ra rằng trong khi nhu cầu cùng lúc ngăn chặn cả Trung Quốc và Nga chỉ ở mức độ lo ngại lớn hồi tháng Tư năm ngoái, thì mối lo ngại này “giờ đã trở thành hiện thực”.
“Hiện giờ nhu cầu đó rất cấp bách.”
Hồi tháng 04/2021, ông nói với các nhà lập pháp tại một phiên điều trần khác của Quốc hội (pdf) rằng lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ “cùng lúc sẽ phải đối mặt với hai đối thủ ngang hàng về mặt chiến lược, sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Mấy tháng sau, ông cho biết Hoa Kỳ đã “chứng kiến một sự đột phá chiến lược của Trung Quốc,” đồng thời nói thêm rằng “sự phát triển chớp nhoáng và hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân và thông thường” của nhà cầm quyền Trung Quốc là điều “ngoạn mục”.
“Mùa thu năm ngoái, tôi đã chính thức báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng về đột phá chiến lược của CHND [Cộng hòa Nhân dân] Trung Hoa,” ông Richard nói. “Chỉ riêng việc mở rộng và hiện đại hóa của họ trong năm 2021 đã là một điều ngoạn mục rồi.”
Trung Quốc và Nga đang là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hơn bao giờ hết, vì hai quốc gia láng giềng hiện đang tự đắc về quan hệ đối tác “không có giới hạn”, theo một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 04/02.
Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm các hỏa tiễn siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, khiến Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, nói rằng các cuộc thử nghiệm này diễn ra rất giống với “thời điểm Sputnik”. Ngoài ra, còn có tin cho hay Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm hầm chứa hạt nhân mới.
Tháng 11/2021, Ngũ Giác Đài đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sở hữu tới 1,000 hỏa tiễn hạt nhân có thể chuyển giao vào năm 2030.
Theo Tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ, cho đến nay, Trung Quốc không hề giảm tốc trong việc theo đuổi vũ khí siêu thanh.
“Họ đang ráo riết theo đuổi vũ khí siêu thanh, gấp mười lần những gì chúng ta đã làm về thử nghiệm trong năm ngoái hoặc trước đó nữa, vượt xa chúng ta một cách đáng kể với các vũ khí của họ,” ông Richard nói tại phiên điều trần.
Đối với thế trận phòng thủ hiện tại của Hoa Kỳ, ông Richard cho biết ông cảm thấy khá tự tin.
“Tôi hài lòng với thế trận của lực lượng mình. Tôi không đưa ra khuyến nghị nào để thực hiện bất kỳ thay đổi nào,” ông nói. “Bộ chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của quốc gia nằm trong đội hình được bảo vệ vững chắc nhất, kiên cường nhất từng có trong lịch sử.”
Tuy nhiên, ông Richard nói với các nhà lập pháp rằng điều quan trọng là phải tiếp tục theo dõi sự phát triển của Trung Quốc.
Ông cho hay: “Chúng ta không biết mốc cuối cùng mà Trung Quốc muốn đạt được về phương diện các năng lực mà nước này đang phát triển và các vũ khí mà họ đang phát triển.”
“Mặc dù tôi rất tự tin rằng chúng ta sẽ thành công với một chiến lược rất tốt, nhưng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một câu hỏi mà chúng ta phải tiếp tục tự vấn khi biết Trung Quốc tiến triển đến đâu, cũng như thấy những quốc gia khác sẽ hướng tới đâu. Các vũ khí và năng lực tổng thể mà Hoa Kỳ cần để thực hiện chiến lược đó chống lại một mối đe dọa đang thay đổi là gì.”
“Chúng ta sẽ phải hỏi câu hỏi đó thường xuyên hơn nhiều so với trước đây.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
An Nhiên biên dịch