Allan Stein
Lên án quyết định xâm lược là ‘tồi tệ’
Hôm 02/03, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án việc Nga xâm lược Ukraine đồng thời kêu gọi một cuộc rút quân hòa bình toàn bộ quân đội ngay lập tức.
Kết quả bỏ phiếu với tỷ lệ 141 – 5, với 35 trong số 193 thành viên của cơ quan này bỏ phiếu trắng. Đây là lần đầu tiên hội đồng này tổ chức phiên họp khẩn cấp kể từ năm 1997.
Các nghị quyết của hội đồng không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng chúng có ảnh hưởng trong việc phản ánh quan điểm quốc tế.
Hôm 25/02, lá phiếu phủ quyết của Nga đã làm mất giá trị một nghị quyết tương tự của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc quyền lực hơn, nhưng hội đồng này không cho phép phủ quyết.
Theo các quy định của phiên họp khẩn cấp đặc biệt, một nghị quyết cần có sự chấp thuận của đa số hai phần ba số quốc gia đang bỏ phiếu, và số phiếu trắng không được tính.
Trong nghị quyết đó, hội đồng đã lên án “Cuộc xâm lược Ukraine” của Nga, và tái khẳng định “tầm tối quan trọng” của Liên Hiệp Quốc trong việc “thúc đẩy pháp quyền giữa các quốc gia.”
Hơn 90 quốc gia đã đồng bảo trợ cho bản nghị quyết hội đồng này.
Nghị quyết này “lên án” sự xâm lược của Nga “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất,” và yêu cầu tất cả các lực lượng Nga rút ngay lập tức khỏi khu vực biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine.
Nghị quyết dài ba trang này cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Nga đảo ngược quyết định công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine — cả hai khu vực này đều có cộng đồng người Nga hoặc nói tiếng Nga khá lớn — là độc lập.
Nghị quyết này lên án tuyên bố hôm 24/02/2022 của Liên bang Nga về một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Nghị quyết bày tỏ “sự lo ngại nghiêm trọng” trước các báo cáo về các cuộc tấn công vào các công trình dân sự, nhà ở, trường học, và bệnh viện, cũng như những thương vong của dân thường.
Nghị quyết cũng thừa nhận rằng chiến dịch quân sự bên trong Ukraine này là “trên quy mô mà cộng đồng quốc tế chưa từng thấy ở Âu Châu trong nhiều thập niên và rằng cần thiết phải có hành động khẩn cấp để cứu thế hệ này khỏi tai họa chiến tranh.”
Các quốc gia phản đối nghị quyết này bao gồm Nga, Belarus, Cuba, Bắc Hàn, và Syria.
Trình bày trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong một phiên họp hôm 01/03, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng các dấu hiệu cho thấy phương Tây chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại đất nước ông và Nga là rõ ràng.
“Lấy cớ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở các nước láng giềng, một nhóm quân sự được thành lập bề ngoài là để bảo vệ biên giới khỏi dòng người nhập cư bất hợp pháp. Nhóm đó đã vượt quá 30,000 người,” ông Lukashenko cho biết, theo hãng thông tấn BelTA.
Ông nói: “Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực Polseye để huấn luyện quân đội của họ cho một chiến dịch ở hướng Belarus và bắt đầu trang bị vũ khí cho các nhóm dân tộc chủ nghĩa với cùng một mục đích.
Trong các bình luận công khai, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các mục tiêu chính của chiến dịch quân sự nhiều ngày này là “thanh trừng Chủ nghĩa Quốc Xã” và phi quân sự hóa quân đội Ukraine.
Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, ông Putin đã tăng cường khả năng sẵn sàng sử dụng nguyên tử cho các lực lượng của mình, một quyết định mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng lên án trong nghị quyết của mình.
Ông Allan Stein là một phóng viên của The Epoch Times chuyên đưa tin về tiểu bang Arizona.
Cẩm An biên dịch