Úc tham gia IEA trong việc xuất kho dầu dự trữ để ổn định thị trường toàn cầu

Daniel Y. Teng

Một mê cung gồm các ống và van dầu thô được chụp lại trong một chuyến tham quan của Bộ Năng lượng tại Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở Freeport, Texas, Hoa Kỳ vào ngày 09/06/2016. (Ảnh: REUTERS/Richard Carson)

Úc sẽ cùng 31 thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) xuất 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.

Ông Angus Taylor, Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng, cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu “có dấu hiệu bất ổn” trong bối cảnh Nga đang tiếp tục xâm lược Ukraine.

Ông nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang tiếp tục làm việc tích cực với các đối tác của mình để tạo niềm tin trên thị trường và giúp ổn định giá cả.” 

Ông nói thêm: “Úc sẽ đóng góp vào hành động tập thể và xuất trữ lượng dầu mà chúng tôi nắm giữ từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ.”

“Hành động quan trọng này – một trong bốn hành động từng được IEA thực hiện – sẽ làm tăng nguồn cung cho thị trường, giúp giảm áp lực lên giá cả trên toàn cầu và tại Úc.”

Các hành động tập thể trước đây đã được thực hiện vào các năm 1991, 2005 và 2011.

Hiện tại, IEA đang nắm giữ 1.5 tỷ thùng và việc xuất kho dự kiến ​​sẽ làm tăng nguồn cung và hạ giá xăng dầu.

Bộ trưởng cũng cho biết thị trường khí đốt quốc tế cũng bị ảnh hưởng.

Ông nói: “Úc có thể được tin tưởng để tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ hợp đồng của chúng ta và đóng góp tính thanh khoản quan trọng cho thị trường khí đốt toàn cầu.”

Hành động này diễn ra sau cuộc họp khẩn được tổ chức vào hôm 01/03 để phản ứng với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Cuộc tấn công quân sự này đã làm nổi bật sự phụ thuộc của Âu Châu và toàn cầu vào các nguồn năng lượng của Nga và cách điều đó có thể được tận dụng nếu xảy ra tranh chấp, với vị thế hùng mạnh của Nga như một nhà cung cấp năng lượng lớn của thế giới.

Trên thực tế, trong suốt tuần trước, Thủ tướng Đức đương nhiệm Olaf Scholz đã buộc phải thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với chính sách năng lượng của chính phủ. Ông tuyên bố hôm 27/02 rằng Đức sẽ xây dựng hai bến đỗ để nhập cảng LNG từ các nguồn khác, bắt đầu xây dựng kho dự trữ khí đốt quốc gia, và xem xét việc kéo dài thời gian vận hành các nhà máy điện hạt nhân và điện than — vốn đã có lộ trình ngừng hoạt động hoàn toàn vào năm 2030.

Nga là nhà sản xuất và xuất cảng dầu lớn thứ ba thế giới – bán 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% trao đổi mậu dịch toàn cầu. Nước này cũng xuất cảng 2.85 triệu thùng các sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày, chiếm khoảng 15% thương mại quốc tế.

Ngoài ra, khoảng 60% lượng dầu xuất cảng của Nga là sang Âu Châu và 20% khác sang Trung Quốc.

Ông Daniel Y. Teng có trụ sở tại Sydney. Ông tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19 và quan hệ Úc-Trung. Liên hệ với ông ấy tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Hoàn Nguyên biên dịch

Related posts