Ngoại trưởng Lavrov: Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine cho đến cùng
Hôm thứ Năm (03/03), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông tin rằng một số nhà lãnh đạo ngoại quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh chống lại Nga và Moscow sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho “đến cùng”.
Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga không có ý nghĩ nào về chiến tranh hạt nhân.
Ông cũng cho biết ông không nghi ngờ gì về việc một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ được tìm thấy và một vòng đàm phán mới sắp bắt đầu giữa các quan chức Ukraine và Nga.
Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc đối thoại của Nga với phương Tây phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời cáo buộc NATO đang tìm cách duy trì uy thế tối cao và cho rằng Nga có rất nhiều thiện chí nhưng không thể để bất kỳ ai phá hoại lợi ích của mình.
Moscow sẽ không để Ukraine giữ cơ sở hạ tầng đe dọa Nga, ông nói.
Moscow cũng không thể dung thứ cho những gì ông nói là một mối đe dọa quân sự từ Ukraine, ông nói và cho biết thêm rằng ông tin Nga đúng trong vấn đề Ukraine.
Ông nói: “Ý nghĩ về hạt nhân liên tục xoay trong đầu các chính trị gia phương Tây nhưng không phải trong đầu người Nga. Tôi bảo đảm với quý vị rằng chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ hình thức khiêu khích nào làm chúng tôi mất cân bằng.”
Ông nói, Nga không cảm thấy bị cô lập về mặt chính trị, và câu hỏi về cuộc sống của Ukraine như thế nào nên được người dân nước này xác định.
Các nhà sản xuất vaccine chuẩn bị ứng phó với những rắc rối liên quan tới Nga
Một công ty dược phẩm của Nam Hàn sản xuất vaccine COVID-19 của Nga cho biết họ đang chuẩn bị ứng phó với những phức tạp trong kinh doanh khi phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu leo thang các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt mở rộng gần đây của Hoa Kỳ bao gồm các biện pháp có tính nhắm thẳng hướng đến Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga, một quỹ tài sản quốc gia do một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladmir Putin điều hành chuyên tiếp thị vaccine Sputnik trên toàn cầu.
Ông Kim Gi-young, một quan chức của công ty GL Rapha có trụ sở tại Seoul, cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ không trực tiếp cản trở việc sản xuất các mũi vaccine này vì các biện pháp này không nhằm vào các nguồn cung cấp y tế thiết yếu.
Tuy nhiên, công ty này lo ngại về các vấn đề tiềm ẩn gia tăng từ khía cạnh tài chính khi Nam Hàn tham gia cùng Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Âu Châu để loại các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu.
“Hiện tại, chúng tôi đang theo dõi tình hình diễn biến ra sao,” ông Kim nói.
UAE cho biết người Ukraine vẫn có thể nhập cảnh mà không cần thị thực
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cho biết những người mang hộ chiếu Ukraine sẽ vẫn đủ điều kiện để được cấp thị thực khi đến quốc gia vùng Vịnh này.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao UAE hôm thứ Năm (03/03) được đưa ra để đáp lại việc truyền thông dẫn lời Đại sứ quán Ukraine tại UAE nói rằng quốc gia vùng Vịnh này đang áp dụng lại các yêu cầu về thị thực đối với người Ukraine và đình chỉ thỏa thuận đi lại miễn thị thực giữa hai nước.
Phụ thuộc vào xuất cảng lúa mì của Nga và Ukraine, đất nước UAE giàu năng lượng là nơi cư ngụ của khoảng 15,000 cư dân Ukraine trong số khoảng 8 triệu người ngoại quốc và 1 triệu công dân của Tiểu Vương Quốc. Trước đại dịch virus corona, khoảng 250,000 du khách Ukraine đã đến thăm UAE.
UAE, giống như các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác, không công nhận các cá nhân đào thoát khỏi chiến tranh và không cho phép người tị nạn từ Syria, Iraq, và từ các cuộc chiến tranh khác xin tị nạn hoặc tìm kiếm tái định cư.
UAE, nơi tọa lạc của các thành phố Abu Dhabi và Dubai, hồi cuối tuần trước đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm lên án cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. UAE cũng là chủ tịch của Hội đồng Bảo an.
Một thành viên của OSCE thiệt mạng trong trận pháo kích ở Kharkiv
Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu (OSCE) cho biết một trong những thành viên của họ đã thiệt mạng trong trận pháo kích ở thành phố Kharkiv của Ukraine.
Bà Maryna Fenina đã thiệt mạng khi đang đi lấy nhu yếu phẩm cho gia đình mình, OSCE cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư (02/03). Bà Fenina đã làm việc với phái đoàn giám sát của tổ chức này tại Ukraine.
Thông cáo báo chí trên cho biết: “Tại Kharkiv và các thành phố và thị trấn khác ở Ukraine, hỏa tiễn, đạn pháo, và rocket đang tấn công các tòa nhà dân cư và các trung khu thành thị, tước đi sinh mạng và làm bị thương thường dân vô tội — cả phụ nữ, đàn ông, và trẻ em.”
Chủ tịch OSCE, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau, và Tổng thư ký Helga Maria Schmid đã gửi lời chia buồn của họ.
“Chúng tôi gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất đến gia đình bà Maryna. Bà Maryna là một thành viên quan trọng của Phái đoàn Giám sát Đặc biệt (SMM), và các đồng sự của chúng tôi ở Ukraine vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với gia đình bà ấy để cung cấp sự hỗ trợ của chúng tôi,” thông cáo báo chí cho biết.
Tổ chức này đã thành lập phái đoàn giám sát ở Ukraine vào năm 2014 theo yêu cầu của chính phủ Ukraine và sự đồng thuận của 57 quốc gia thành viên. Phái đoàn này quan sát và báo cáo về tình hình Ukraine và nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại.
Thị trưởng cho biết quân đội Nga đang ở Kherson
Quân đội Nga đang ở thành phố Kherson thuộc miền nam Ukraine và tiến vào tòa nhà hội đồng thành phố, thị trưởng cho biết sau một ngày tranh cãi về việc liệu Moscow đã chiếm được thành phố lớn đầu tiên của Ukraine trong cuộc xâm lược đã kéo dài tám ngày của họ hay chưa.
Thành phố cảng Kherson ở Biển Đen, một thủ phủ của miền nam Ukraine với khoảng 250,000 dân, có vị trí chiến lược vì là nơi sông Dnipro chảy vào Biển Đen và sẽ là thành phố quan trọng đầu tiên rơi vào tay Moscow.
Sáng hôm thứ Tư (02/03), Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã chiếm được Kherson, nhưng vài giờ sau, một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky trả lời rằng phía Ukraine vẫn đang cố thủ địa điểm này.
Cuối ngày thứ Tư, Thị trưởng Igor Kolykhayev cho biết quân đội Nga đã tiến vào các tuyến đường của thành phố.
“Hôm nay có những vị khách có vũ trang đến ủy ban điều hành thành phố,” ông nói trong một tuyên bố. “Tôi không hứa với họ bất cứ điều gì… Tôi chỉ yêu cầu họ không bắn người dân.”
Ông kêu gọi thường dân chỉ nên đi bộ trên các đường phố dưới ánh sáng ban ngày và theo nhóm nhỏ.
Lượng người Ukraine tị nạn vượt mức 1 triệu trong vòng 7 ngày
Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết 1 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu cách đây chưa đầy một tuần vào ngày 24/02, một cuộc di cư chưa từng có tiền lệ trong thế kỷ này vì tốc độ của nó.
Con số từ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho thấy lên tới hơn 2% dân số Ukraine đang chạy nạn trong vòng chưa đầy một tuần. Ngân hàng Thế giới thống kê dân số nước này ở mức 44 triệu người vào cuối năm 2020.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc này đã dự đoán rằng có tới 4 triệu người cuối cùng có thể sẽ rời Ukraine nhưng cảnh báo rằng dự báo đó thậm chí còn có thể được điều chỉnh thêm lên.
Trong một thư điện tử, phát ngôn viên Joung-ah Ghedini-Williams của UNHCR cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy chúng ta đã vượt mốc 1 triệu” tính đến nửa đêm ở Trung u, dựa trên số liệu do chính phủ các quốc gia thu thập.
Trên Twitter, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn Filippo Grandi viết: “Chỉ trong bảy ngày, chúng ta đã chứng kiến cuộc di cư của một triệu người tị nạn từ Ukraine sang các nước láng giềng.”
Tổng thống Biden ca ngợi việc Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hoan nghênh cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm thứ Tư (02/03) của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm yêu cầu Moscow ngừng ngay lập tức cuộc tấn công vào Ukraine và rút toàn bộ quân đội Nga, nói rằng điều đó “thể hiện mức độ phẫn nộ của toàn cầu trước cuộc tấn công khủng khiếp của Nga vào một nước láng giềng có chủ quyền.”
Trong một tuyên bố vào tối ngày thứ Tư (02/03), ông Biden cho biết cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc công nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “tấn công chính nền tảng của hòa bình và an ninh toàn cầu — và tất cả những gì Liên Hiệp Quốc đại diện cho.”
Cuộc bỏ phiếu về nghị quyết có tên “Cuộc xâm lược Ukraine” cho ra kết quả 141-5, với 35 phiếu trắng.
Trình bày tại bài diễn văn Thông điệp Liên bang hôm thứ Ba (01/03), Tổng thống Biden cho biết: “Cùng nhau, chúng ta phải — và chúng ta sẽ — buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Chúng ta sẽ chứng minh rằng tự do luôn chiến thắng chuyên chế.”
Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra về tội ác chiến tranh tiềm tàng ở Ukraine
Hôm thứ Tư (02/03), công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Haye, Hà Lan đã mở cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh, tội ác phản nhân loại hoặc tội diệt chủng tiềm tàng ở Ukraine kể từ năm 2013, trong đó cũng gồm xung đột do cuộc xâm lược của Nga gây nên.
Công tố viên Karim Khan cho biết ông đã bắt đầu cuộc điều tra sau khi 39 quốc gia thành viên của tòa án này yêu cầu điều tra, trong một quy trình được gọi là quy trình giới thiệu.
“Những giấy giới thiệu này cho phép Văn phòng của tôi tiến hành mở cuộc điều tra về Tình hình ở Ukraine từ ngày 21/11/2013 trở đi, do đó bao gồm mọi cáo buộc trong quá khứ và hiện tại về tội ác chiến tranh, tội ác phản nhân loại hoặc tội diệt chủng được thực hiện trên bất kỳ phần nào của lãnh thổ Ukraine bởi bất kỳ cá nhân nào,” ông Khan nói trong một tuyên bố.
Ông cho biết thêm: “Công việc của chúng tôi trong việc thu thập bằng chứng đã bắt đầu.”
Nhà sản xuất bia Ukraine đổi bia lấy bom xăng trong cuộc chiến chống Nga xâm lược
Một nhà sản xuất bia Ukraine đã đổi bia thủ công để lấy cocktail Molotov trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược quân sự của Nga.
Diễn biến này xảy ra sau khi người dân ở thủ đô Kyiv của Ukraine được yêu cầu “chế tạo bom xăng” hồi tháng trước sau cuộc xâm lược của Nga.
“Chúng tôi yêu cầu công dân thông báo về sự di chuyển của thiết bị [Nga]! Hãy chế tạo bom xăng, vô hiệu hóa những kẻ xâm lược! Hỡi những cư dân hòa bình — hãy cẩn thận! Đừng ra khỏi nhà!” Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên Twitter, theo một bản dịch.
Hoa Kỳ trì hoãn phóng thử hỏa tiễn để hạ nhiệt căng thẳng hạt nhân với Nga
Hoa Kỳ đã hoãn một hoạt động phóng thử hỏa tiễn để cố gắng chứng minh không có ý định tham gia một cuộc chiến tranh hạt nhân, quân đội cho biết hôm 02/03.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói với các phóng viên rằng, “Trong một nỗ lực cho thấy chúng ta không có ý định tham gia bất kỳ hành động nào có thể bị hiểu nhầm hoặc hiểu sai, Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ thị rằng hoạt động phóng thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III lần này của chúng tôi, vốn được lên lịch vào tuần này, sẽ được hoãn lại.”
Hoạt động phóng hỏa tiễn sẽ do Không quân tổ chức. Các quan chức quân đội từ chối cho biết sự kiện này sẽ được tổ chức khi nào hoặc ở đâu.
Thụy Điển cáo buộc Nga xâm phạm không phận
Hôm thứ Tư (02/03), các quan chức Thụy Điển cáo buộc rằng bốn chiến đấu cơ Nga đã xâm phạm không phận của họ trên Biển Baltic.
Theo Lực lượng Vũ trang Thụy Điển, các phản lực cơ nói trên, được xác định là hai chiếc chiến đấu cơ SU-27 và hai chiếc chiến đấu cơ SU-24, đã bay qua không phận Thụy Điển gần Đảo Gotland. Vụ việc xảy ra trước đó hôm thứ Tư.
“Với tình hình của bối cảnh hiện tại, chúng tôi rất coi trọng sự việc này. Hành vi của Nga là thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm,” Chỉ huy Lực lượng Không quân Thụy Điển Carl-Johan Edstrom cho biết trong một tuyên bố.
Nền kinh tế Nga hứng chịu ‘những tổn thất nghiêm trọng’
Giới chức hàng đầu của Nga thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra những “tổn thất nghiêm trọng” cho nền kinh tế Nga, trong bối cảnh Moscow tiếp tục tấn công Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với CNN và các hãng thông tấn khác hôm thứ Tư (02/03) rằng, “Nền kinh tế Nga đang hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng.”
“Nhưng có một mức độ an toàn nhất định, một vài kế hoạch, công việc có tiềm năng đang được tiến hành,” ông cho biết thêm.
Kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và các quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với nền kinh tế Nga, trong đó có Ngân hàng Trung ương, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và các nhà tài phiệt của nước này.
Trung Quốc sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt đối với Nga
Trung Quốc sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt đối với Nga do phương Tây dẫn đầu, cơ quan quản lý ngân hàng của nước này cho biết hôm thứ Tư (02/03).
“Liên quan đến các biện pháp trừng phạt tài chính, chúng tôi không chấp thuận những điều này, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt đơn phương được đưa ra vì chúng không hoạt động hiệu quả và không có cơ sở pháp lý,” ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), Chủ tịch Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo.
“Chúng tôi sẽ không tham gia các biện pháp trừng phạt như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với các bên liên quan,” ông cho hay.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu yêu cầu Nga ngừng chiến ở Ukraine
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu tại một phiên họp đặc biệt khẩn cấp hôm thứ Tư (02/03) để yêu cầu ngừng ngay lập tức cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine và rút toàn bộ quân đội Nga, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ 193 quốc gia thành viên của tổ chức thế giới đã làm dấy lên những tràng pháo tay liên tục.
Cuộc bỏ phiếu về nghị quyết, mang tên “Cuộc xâm lược Ukraine,” đã có kết quả 141–5 với 35 phiếu trắng.
Nga chỉ nhận được sự ủng hộ đối với lời kêu gọi bỏ phiếu chống lại nghị quyết từ Belarus, Syria, Bắc Hàn, và Eritrea.
Không giống như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, các nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng chúng có ảnh hưởng trong việc phản ánh quan điểm quốc tế. Theo các quy định của phiên họp khẩn cấp đặc biệt, một nghị quyết cần được 2/3 số quốc gia bỏ phiếu tán thành và số phiếu trắng không được tính.
Sau khi Nga phủ quyết một nghị quyết tương tự tại Hội đồng Bảo an vào ngày 25/02, Ukraine và những nước ủng hộ đã giành được sự chấp thuận cho một phiên họp khẩn cấp đặc biệt — lần đầu tiên kể từ năm 1997 — để cố nêu rõ sự phản đối đối với cuộc xâm lược của Nga.
Nghị quyết nêu rõ các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine “ở quy mô mà cộng đồng quốc tế chưa từng thấy ở Âu Châu trong nhiều thập niên và cần phải có hành động khẩn cấp để cứu thế hệ này khỏi tai họa chiến tranh.” Nghị quyết “thúc giục việc lập tức giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình” và tái khẳng định cam kết của hội đồng “đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận.”
Nga, Ukraine sẽ đàm phán vào ngày 03/03/2022
Một phụ tá hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết phái đoàn Ukraine đang trên đường tới Belarus để tham dự các cuộc đàm phán đã được lên lịch vào hôm thứ Năm (03/03).
“Theo những gì tôi biết, phái đoàn Ukraine đã khởi hành từ Kyiv, đang trên đường… Chúng tôi đang chờ đợi họ vào ngày mai,” trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky nói với các phóng viên vào tối ngày thứ Tư (02/03).
Theo ông Medinsky, hai bên đã đồng ý chọn khu vực Brest của Belarus, giáp với Ba Lan, làm địa điểm cho các cuộc đàm phán.
Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận với hãng thông tấn AP rằng phái đoàn đang trên đường nhưng không cho biết thêm chi tiết về thời gian họ sẽ đến nơi.
Nga bác bỏ tuyên bố về ‘tổn thất không đếm xuể’
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đã có 498 binh sĩ Nga thiệt mạng ở Ukraine và 1,597 người khác bị thương.
Hôm thứ Tư (02/03), Thiếu tướng Igor Konashenkov đã bác bỏ các tin tức về những “tổn thất không đếm xuể” của quân Nga, gọi đó là “thông tin sai lệch” và tiết lộ thương vong quân sự của Nga ở Ukraine lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược hôm thứ Năm tuần trước (24/02). Ông bảo đảm rằng gia đình của những người thiệt mạng đang nhận được mọi hỗ trợ cần thiết.
Ông Konashenkov cũng nói rằng cả lính nghĩa vụ và thiếu sinh quân đều không tham gia vào hoạt động ở Ukraine, bác bỏ các tin tức của truyền thông tuyên bố khác.
Ông Konashenkov cũng cho biết hơn 2,870 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và khoảng 3,700 người khác bị thương, trong khi 572 người đã bị Nga bắt giữ. Các quan chức Ukraine vẫn chưa bình luận về tuyên bố này và The Epoch Times chưa thể xác minh ngay lập tức.
Tổng thống Biden cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng cấm nhập cảng dầu từ Nga
Hôm thứ Tư (02/03), Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẵn sàng cấm nhập cảng dầu từ Nga để trừng phạt cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.
“Ngài có đang xem xét cấm nhập cảng dầu từ Nga không?” một phóng viên đã hỏi ông Biden trên bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc vào sáng thứ Tư. “Không có gì không nằm trong lựa chọn,” tổng thống nói.
Sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, lãnh đạo Nga Vladimir Putin, và các ngân hàng hàng đầu của Nga, trong khi một số tập đoàn tư nhân, công ty vận tải biển, liên đoàn thể thao và công ty công nghệ cho biết họ sẽ từ chối kinh doanh ở Nga.
Ukraine bác bỏ thông tin Kherson bị Nga chiếm
Hôm thứ Tư (02/03), một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga chưa chiếm được Kherson, một thành phố cảng phía nam mà trước đó Nga cho biết họ đã chiếm giữ.
Ông Oleksiy Arestovych cho biết các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn tại thủ phủ của tỉnh với khoảng 250 triệu dân này, vốn tọa lạc ở cửa sông Dnipro vào Biển Đen.
“Thành phố này chưa thất thủ, phe của chúng tôi đang tiếp tục phòng thủ,” ông Arestovych nói trong một cuộc họp báo trực tiếp được phát sóng trên trang web của văn phòng tổng thống. “Giao tranh trên các con phố vẫn đang tiếp diễn.”
“Thông tin rằng Kherson đã thất thủ và v.v. — điều đó không đúng. Quân đội và các cư dân địa phương của chúng tôi vẫn đang kháng cự trong thành phố và xung quanh nó.”
Các vận động viên Nga tham gia tranh tài với tư cách ‘vận động viên trung lập’ tại Paralympic
Hôm thứ Tư (02/03), Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) cho biết, các vận động viên Nga và Belarus tại Thế vận hội Paralympic Mùa Đông ở Bắc Kinh sẽ tranh tài với tư cách là “vận động viên trung lập” vì vai trò của quốc gia họ trong cuộc chiến nhằm vào Ukraine.
Các vận động viên Nga được dự kiến sẽ tham gia thi đấu dưới danh hiệu RPC, viết tắt của Russian Paralympic Committee (Ủy ban Paralympic Nga), như là một hình phạt vì vụ bê bối doping do nhà nước hậu thuẫn tại Thế vận hội Sochi 2014 và hoạt động che đậy sau đó.
IPC đã thêm nhiều hạn chế hơn khi Paralympic khai mạc hôm thứ Sáu tới (04/03), nhưng đã không đi xa tới mức truất quyền thi đấu. Belarus đã bị trừng phạt vì đã hỗ trợ cuộc xâm lược và cuộc chiến tranh của Nga nhằm vào Ukraine.
Cả hai đoàn sẽ bị loại khỏi bảng tổng sắp huy chương và IPC cho biết họ sẽ không tổ chức các sự kiện ở cả hai quốc gia “khi tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn.”
Các vận động viên đến từ Nga và Belarus sẽ thi đấu dưới lá cờ của Paralympic và bài hát của Paralympic thay vì quốc kỳ và quốc ca của nước mình. Phái đoàn RPC phải che biểu tượng “RPC” trên đồng phục trong tất cả các sự kiện và buổi lễ. Tương tự, phái đoàn Belarus phải che quốc kỳ của mình trên đồng phục.
Tổng thống Belarus có thể đã chia sẻ bản đồ kế hoạch xâm lược của Nga
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko dường như đã đứng trước một tấm bản đồ cho thấy kế hoạch xâm chiếm khu vực ly khai Transnistria ở Moldova, khi ông đang tổ chức một cuộc họp với các quan chức được phát sóng qua truyền hình nhà nước.
“Tại cuộc họp hội đồng an ninh ngày hôm nay, Tổng thống Lukashenko đã cho thấy những gì trông giống như một tấm bản đồ xâm lược trên thực tế,” ký giả người Belarus Tadeusz Giczan viết hôm thứ Ba (01/03). “Nó cho thấy các cơ sở quân sự của Ukraine bị phá hủy bởi hỏa tiễn từ Belarus, các hướng tấn công… Ngoài ra, Ukraine được chia thành bốn khu vực.”
Bản đồ này dường như cho thấy các hoạt động di chuyển của quân đội, bao gồm cả một cuộc tấn công hoặc chiếm đóng rõ ràng nơi dường như là Transnistria từ Odesa, một thành phố nằm ở tây nam Ukraine. Quân đội Nga được cho là có quân đồn trú tại khu vực này.
Trong chương trình phát sóng, có thể nghe thấy tiếng ông Lukashenko nói với các quan chức của mình: “Họ đã cảnh báo chúng ta, và theo đúng nghĩa đen, sáu giờ trước khi phóng hỏa tiễn, chúng ta đã phát hiện ra điều này,” theo một bản dịch.
Nga tăng cường tấn công Ukraine, hai bên đều cho biết sẵn sàng tham gia nhiều cuộc đàm phán hơn
Hôm thứ Tư (02/03), Nga đã một lần nữa tiến công nhằm vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine trong một cuộc tấn công mạnh mẽ làm thắp sáng đường chân trời với những quả bóng lửa bên trên các khu vực đông dân cư, ngay cả khi hai bên đều cho biết họ đã sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh tàn khốc mới ở Âu Châu này.
Sự leo thang của các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố đông đúc diễn ra sau vòng đàm phán đầu tiên giữa Ukraine và cường quốc hạt nhân Nga hôm thứ Hai (28/02), vốn chỉ mang lại lời hứa gặp nhau một lần nữa. Không rõ khi nào thì vòng đàm phán mới có thể diễn ra — hoặc sẽ mang lại kết quả gì. Lãnh đạo Ukraine trước đó cho biết Nga phải ngừng ném bom trước khi có một cuộc gặp khác.
Nga vẫn tiếp tục bắn phá vào hôm thứ Tư (02/03). Hãng thông tấn UNIAN của Ukraine dẫn lời người đứng đầu cơ quan y tế của thành phố Chernihiv thuộc miền bắc nước này cho biết, hai hỏa tiễn hành trình đã bắn trúng một bệnh viện ở đó.
Ông Serhiy Pivovar cho biết tòa nhà chính của bệnh viện đã bị hư hại và các nhà chức trách đang làm việc để xác định con số thương vong. Chưa có thêm thông tin nào khác ngay lúc này.
Một cuộc không kích của Nga cũng nhằm vào các trụ sở tình báo và cảnh sát khu vực ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine với dân số khoảng 1.5 triệu người, khiến bốn người thiệt mạng và một số người bị thương, Bộ Tình huống Khẩn cấp của Ukraine cho biết. Bộ nói thêm rằng các tòa nhà dân cư cũng bị ảnh hưởng, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Theo các video và hình ảnh do bộ công bố, một vụ nổ đã thổi bay mái nhà của sở cảnh sát năm tầng và khiến tầng cao nhất bốc cháy. Các mảnh vỡ của tòa nhà nằm rải rác trên các con phố gần đó.
Ford đình chỉ hoạt động tại Nga
Hôm thứ Ba (01/03), nhà sản xuất xe hơi Mỹ Ford cho biết họ đã đình chỉ hoạt động tại Nga. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, cho đến khi có thông báo mới.
“Ford lo ngại sâu sắc về cuộc xâm lược Ukraine và các mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định. Tình hình đã buộc chúng tôi phải đánh giá lại các hoạt động của mình ở Nga,” Ford cho biết.
Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố Kherson của Ukraine
Một tuần sau khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, Nga cho biết các lực lượng của họ đã kiểm soát thành phố lớn đầu tiên vào thứ Tư (02/03), chiếm Kherson ở phía nam, khi giao tranh diễn ra khắp đất nước và các quốc gia phương Tây thắt chặt thòng lọng kinh tế xung quanh Nga.
Hơn nửa triệu người Ukraine đã chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng phía nam của ông gần một tuần trước (24/02).
Các cuộc pháo kích của Nga vào các thành phố của Ukraine vẫn tiếp tục, với các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các tòa nhà bị hư hại nặng nề xung quanh thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkiv.
“Mặc dù ông ta có thể đạt được lợi ích trên chiến trường, nhưng ông ta sẽ phải trả một cái giá đắt liên tục trong dài hạn,” Tổng thống Joe Biden nói trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang. Không theo văn bản đã được chuẩn bị sẵn, Tổng thống Biden cho biết thêm, “Ông ta không biết điều gì sẽ xảy ra.” Ông cho biết mà không giải thích gì thêm.
Các cuộc tiến công của quân xâm lược đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng Ukraine và một đoàn xe quân sự Nga dài hàng dặm ở phía bắc Kyiv đã có tiến độ chậm chạp hướng về thủ đô.
Tổng thống Biden đã tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, khi cùng Liên minh Âu Châu và Canada cấm các phi cơ Nga bay vào không phận Hoa Kỳ.
Ông cũng cho biết Bộ Tư pháp sẽ tìm cách thu giữ các du thuyền, căn hộ sang trọng, và phản lực cơ riêng của giới nhà giàu Nga có quan hệ với ông Putin.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát Kherson, thành phố gần 1/4 triệu dân ở phía bắc Crimea, bán đảo bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Nằm ở vị trí chiến lược trên sông Dnepr, tỉnh lỵ này là thành phố lớn nhất rơi vào tay quân Nga cho đến nay.
Thành phố phía đông nam Mariupol đã bị pháo kích dữ dội kể từ cuối ngày thứ Ba (01/03) và không thể di tản những người bị thương, theo thị trưởng thành phố.
Âm mưu ám sát Tổng thống Ukraine đổ bể
Một quan chức hàng đầu của Ukraine cho biết, một âm mưu ám sát nhắm vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky của người Chechnya đã đổ bể.
Một “nhóm tinh nhuệ” người Chechnya đã đến thủ đô Kyiv của Ukraine để ám sát Tổng thống Zelensky, ông Oleksiy Danilov, thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, cho biết trong một cuộc họp báo, theo một bài đăng trên Telegram của Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Ukraine, một văn phòng chính phủ.
Nhóm đặc nhiệm Kadyrovtsy — được tạo thành từ các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Chechnya — được cho là đã được cử đến để ám sát tổng thống Ukraine, và nhóm này đã bị tách ra làm hai nhóm, ông Danilov nói. Một nửa bị tiêu diệt ở Hostomel, một thị trấn phía Tây Bắc Kyiv, và nửa còn lại đang bị lực lượng Ukraine “bắn hạ”.
“Chúng tôi biết rõ về chiến dịch đặc biệt do các thành viên nhóm Kadyrovtsy trực tiếp thực hiện nhằm ám sát tổng thống của chúng tôi,” ông Danilov cho biết.
Sberbank rút khỏi Âu Châu giữa các lệnh trừng phạt
Hôm thứ Tư (02/03), ngân hàng hàng đầu của Nga Sberbank thông báo họ sẽ rút khỏi thị trường Âu Châu trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đang dần thắt chặt hơn vì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ngân hàng này cho biết các công ty con của họ ở Âu Châu đang phải đối mặt với “dòng tiền chảy ra bất thường và mối đe dọa đối với sự an toàn của nhân viên và các chi nhánh,” theo các hãng thông tấn Nga. Họ không cung cấp chi tiết về mối đe dọa này.
Các nhà chức trách ở Áo và Cộng hòa Séc trong những ngày gần đây đã có những hành động chống lại các hoạt động của Sberbank ở Âu Châu.
Bước đi này là hậu quả mới nhất của cuộc xâm lược của Nga vào tuần trước (24/02-đến nay), dẫn đến chiến tranh trên khắp Ukraine và các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây nhằm cô lập nền kinh tế Nga.
Sony quyên góp 2 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine
Sony sẽ quyên góp 2 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine thông qua Cơ quan của Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn và nhóm Save the Children.
Công ty giải trí và điện tử Nhật Bản này cho biết họ sẽ ngừng phát hành phim chiếu rạp ở Nga. Trong số các bộ phim sắp tới có Morbius, một câu chuyện về anh hùng truyện tranh Marvel.
“Những suy nghĩ và cầu nguyện của chúng tôi hướng tới tất cả những người bị ảnh hưởng và hy vọng cuộc khủng hoảng này sẽ mau chóng được giải quyết,” Sony Pictures cho biết trong một tuyên bố.
Đầu tuần này (28-06/02), ông Mickey Mikitani, giám đốc điều hành của nhà bán lẻ trực tuyến Nhật Bản Rakuten, đã quyên góp 1 tỷ yên (8.7 triệu USD) cho chính phủ Ukraine thông qua đại sứ quán của nước này tại Nhật Bản.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đại sứ quán của Nhật tại Kyiv đang tạm thời đóng cửa, các hoạt động được chuyển đến một văn phòng ở Lviv, miền tây Ukraine.
Nga tìm giải pháp né tránh các lệnh trừng phạt bằng năng lượng, vàng, và mã kim
Các biện pháp trừng phạt hà khắc áp đặt lên Nga dẫn đến sự sụp đổ của đồng rúp đã khiến Điện Kremlin phải cố gắng duy trì hoạt động của nền kinh tế đất nước. Với ông Vladimir Putin, điều đó có nghĩa là phải tìm cách giải quyết sự phong tỏa kinh tế của phương Tây ngay cả khi lực lượng của ông đang tiếp tục xâm lược Ukraine.
Các cựu quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và các chuyên gia về các biện pháp trừng phạt dự đoán Nga sẽ cố gắng giảm thiểu tác động của các hình phạt tài chính bằng cách dựa vào doanh số tiêu thụ năng lượng và dựa vào dự trữ của nước này bằng vàng và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ông Putin cũng dự kiến sẽ chuyển tiền thông qua các ngân hàng nhỏ hơn và tài khoản của các gia đình thuộc giới tinh hoa không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, giao dịch bằng mã kim (cryptocurrency), đồng thời dựa vào mối quan hệ của Nga với Trung Quốc.
Ông John Smith, cựu giám đốc bộ phận thực thi và tình báo tài chính của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, cho biết, hiện tại “hai giải pháp lớn nhất mà Nga có là Trung Quốc và năng lượng.”
Nga sẽ bị cấm bay vào không phận Hoa Kỳ
Tổng thống Joe Biden dự định sẽ ra thông báo rằng Hoa Kỳ cấm phi cơ của Nga bay vào không phận của mình để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine, theo hai người có biết rõ về vấn đề này.
Thông báo này được đưa ra sau các hành động tương tự của Canada và Liên minh Âu Châu và dự kiến sẽ được đưa ra trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang vào tối hôm thứ Ba (01/03).
Hai nguồn tin đã đồng ý nói chuyện với điều kiện ẩn danh để tiết lộ trước về bài diễn văn này.
Apple ngừng bán sản phẩm tại Nga
Hôm thứ Ba (01/03), các thương hiệu lớn của Hoa Kỳ trong đó có Apple, Google, và Harley-Davidson cắt giảm doanh số bán hàng và tránh xa Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, gia nhập danh sách ngày càng đông các doanh nghiệp từ các nhà vận tải, các nhà sản xuất xe hơi đến các công ty năng lượng xa lánh đất nước này.
Apple Inc. cho biết họ đã ngừng bán iPhone và các sản phẩm khác ở Nga và Harley-Davidson Inc. đã đình chỉ hoạt động kinh doanh và các lô hàng xe mô tô của mình.
Hôm thứ Ba (01/03), các hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, MSC và Maersk, cũng đã đình chỉ vận chuyển container đến và đi từ Nga, làm tăng thêm sự cô lập của nước này.
Phương Tây đã áp đặt những hạn chế nặng nề đối với Nga nhằm đóng cửa nền kinh tế của nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, khiến các công ty phải ngừng bán hàng, cắt đứt quan hệ, và bán phá giá các khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD.
“Chúng tôi vô cùng lo ngại về việc Nga xâm lược Ukraine và đứng về phía tất cả những người đang chịu hậu quả của bạo lực,” Apple cho biết trong một tuyên bố thông báo một đợt tạm ngừng bán hàng ở Nga và các biện pháp khác bao gồm hạn chế Apple Pay và loại bỏ khả năng tải ứng dụng RT News bên ngoài nước Nga.
Công ty này cho biết thêm rằng, “Chúng tôi đã vô hiệu hóa cả thông tin về lưu lượng giao thông lẫn về các sự kiện trực tiếp ở Ukraine trên Apple Maps như một biện pháp phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho các công dân Ukraine.”
Hoa Kỳ và đồng minh công bố xuất 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ
Hôm thứ Ba (01/03), Tổng thống Joe Biden ủy quyền cho Bộ Năng lượng (DOE) xuất 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của Hoa Kỳ, chiếm một nửa trong đợt phối hợp xuất 60 triệu thùng từ các quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Hành động này diễn ra như một phần trong nỗ lực ổn định các thị trường dầu trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Nga cung cấp 10% nguồn cung ứng khí đốt và dầu tự nhiên trên toàn cầu và khoảng 40% nguồn cung ứng của Liên minh Âu Châu.
Giá dầu thô đã tăng liên tục vào cuối tuần qua và vào hôm thứ Ba (01/03) đã ở mức hơn 104 USD một thùng — mức cao nhất kể từ năm 2014.