Trần Tuấn
Anna Akhmatova (1889-1966) nữ thi sĩ kiệt xuất người Ukraine từng được đề cử giải Nobel năm 1962. “Bạn không còn sống nữa/Và cũng chẳng thể nào đứng lên từ đống tuyết/Năm viên đạn lạnh lùng/Hai mươi tám nhát lê đẫm huyết/Bộ quần áo hẩm hiu/Tôi khâu cho bạn đấy…” (Bạn không còn sống nữa/ Nguyễn Văn Minh dịch).
Iuri Levitanxki (1922-1996) nhà thơ sinh ra tại thủ đô Kiev (Ukraine) từng sát cánh chiến đấu cùng những người lính Xô Viết chống phát xít Đức trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Thơ của ông được phổ nhạc trong bộ phim nổi tiếng “Matxcơva không tin vào giọt nước mắt” đoạt giải Oscar năm 1980. Chiến tranh trong mắt ông: “Thế là thêm một nấm mồ dưới bầu trời rộng lớn/Những ngôi sao gỗ bìa, những tấm bia, chẳng có cách ngăn/Nửa đêm tuyết trắng ngần trên đất Panteon/Nơi chẳng phân chia nấm mồ những người chính nghĩa…” (Tưởng nhớ bạn đồng niên/Nguyễn Huy Hoàng dịch).
Borix Xlutski (1919-1986) thi sĩ sinh ra lớn lên tại Donbas (Ukraine) vùng đất những ngày này đang ngập trong lửa đạn của quân đội Nga. Bỏ dở đại học vào lính, ông chiến đấu trong màu áo Hồng quân khắp các mặt trận và bị thương nặng. “Trao công hàm tuyên chiến/Ông đại sứ hiểu rằng/Tên lửa sẽ trùm lên ông và bộ trưởng/Thành phố và thế giới này sẽ bị tiêu tan” (Tuyên chiến/Nguyễn Văn Minh dịch).
Còn đây, nhà thơ Nga chính gốc Konxtantin Ximonov (1915-1979) sinh ra lớn lên tại cố đô Saint Peterburg từng cùng những người đồng đội Ukraine chinh chiến khắp các mặt trận chống phát xít, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Đợi anh về”: “Ừ, chiến tranh không phải như là chúng tôi tả nó/Mà là một sự đắng cay…” (Trích trong nhật ký/Nguyễn Huy Hoàng dịch).
Đọc lại những câu thơ đẫm máu và nước mắt của những người từng sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu vệ quốc ngót 80 năm trước, để ngậm ngùi đau đớn cho những gì đang xảy hôm nay. Khi bom đạn từ quân đội Nga đang dữ dội trút xuống đất nước láng giềng Uknaine. Hàng vạn lính Nga đang siết chặt vòng vây thủ đô Kiev. Giao tranh ác liệt, hàng ngàn người đã ngã xuống chỉ trong ba ngày qua, cả những người lính hai bên. Cũng đều là dân. Matxcơva giờ có tin, và giờ đang nghĩ gì về nước mắt?
Sử gia lừng danh Yuval Noah Harari có vẻ như đã sai, khi mới đây còn khá tự tin cho rằng “khái niệm “hòa bình” cuối cùng đã mang nghĩa “chiến tranh là bất khả thi“. Rằng “nhiều quốc gia ngày nay khó lòng hình dung được là họ có thể bị xâm lược và chinh phục bởi các nước láng giềng”. Hiến chương Liên Hiệp Quốc từ lâu đã không cho phép các nước xâm chiếm lãnh thổ của nhau. Những cuộc chiến chinh phạt giành đất đai tưởng chấm dứt, nay chuyển sang hình thái mới là những cuộc trừng phạt. Cũng vẫn bằng đạn bom, tên lửa mang sức mạnh tổng lực tối tân nhất, kể cả lên nòng hạt nhân. Tạo tiền lệ nguy hiểm cho bao nhiêu cuộc “trừng phạt” bằng bom đạn của kẻ mạnh.
Đã thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, những tưởng những cuộc chiến tranh mông muội với bom rơi đạn nổ, xác người, máu chảy ngập tràn sẽ được thay thế bằng những cuộc chiến thông minh trên mặt trận kinh tế, ngoại giao, truyền thông, số hóa. Nhưng chúng ta đã nhầm! Giữa lúc thế giới vẫn từng ngày đối mặt với căng thẳng và áp lực ngày càng lớn về thảm họa biến đổi khí hâu, đói nghèo, dịch bệnh…
Hy vọng nhân loại tiến bộ vẫn còn tin vào những giọt nước mắt. Để chung tay đoàn kết, ngăn chặn mọi nỗi chết chóc đau thương, chặn đứng chủ nghĩa bá quyền nước lớn đe dọa sự tồn vong của các dân tộc và cả thế giới này. Như là hy vọng cuối cùng…