Andrew Moran
Nhiều tổ chức và nhà phân tích cho biết khả năng Nga không trả được nợ nước ngoài ngày càng tăng khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài.
Với việc cộng đồng quốc tế đang gây áp lực lên Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine, nền kinh tế của quốc gia này chuẩn bị suy thoái ở mức hai con số, khiến Điện Kremlin liên tục áp dụng các biện pháp đặc biệt để giảm bớt những tác động từ suy thoái kinh tế.
Trong tháng tới, chính phủ Nga có hơn 700 triệu USD trái phiếu đến kỳ hạn thanh toán. Bất chấp kho dự trữ trị giá 630 tỷ USD, việc áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt và hạn chế đang đóng băng nhiều tài sản của nước này có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của Moscow.
Ngân hàng Trung ương Nga hôm 01/03 thông báo sẽ tạm thời cấm thanh toán lãi trái phiếu cho các chủ sở hữu ngoại quốc của trái phiếu bằng đồng rúp, còn được gọi là OFZ.
Trong một email mà Bloomberg thu thập được, các quan chức đã gửi hướng dẫn tới các cơ quan đăng ký và lưu ký rằng việc bán chứng khoán nội địa của người ngoại quốc sẽ bị đình chỉ. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư ngoại quốc phải gánh khoản nợ khoảng 29 tỷ USD mà họ sẽ không thể thu được lợi tức từ việc nắm giữ.
Tổ chức này viết: “Các tổ chức phát hành có quyền đưa ra quyết định về việc trả cổ tức và thực hiện các khoản thanh toán khác đối với chứng khoán và chuyển chúng vào hệ thống kế toán. Tuy nhiên, bản thân các khoản thanh toán sẽ không được thực hiện bởi các cơ quan lưu ký và đăng ký cho các khách hàng ngoại quốc. Điều này cũng áp dụng cho OFZ.”
Ngân hàng trung ương không làm rõ lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong bao lâu.
Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia (NSD), Clearstream và Euroclear sẽ giới hạn các tùy chọn thanh toán đối với chứng khoán Nga cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư ngoại quốc, tuân thủ hiệu quả sắc lệnh của ngân hàng. Trong khi ngân hàng trung ương lưu ý rằng bước đi này nhằm hỗ trợ thị trường trong nước, các chuyên gia tài chính lại cho rằng đây là sự vỡ nợ kỹ thuật đối với các khoản thanh toán lãi và kỳ hạn sắp tới.
Ngày quan trọng đầu tiên là ngày 16/03, khi hai lần thanh toán lãi trái phiếu được ấn định. Nhưng có thời gian ân hạn 30 ngày được áp dụng cho các công cụ này, làm trì hoãn thời hạn chính thức vỡ nợ đến ngày 15/04. Ngày 04/04 là lần thanh toán gốc đầu tiên khi trái phiếu trị giá 2 tỷ USD đáo hạn.
Nga đã thanh toán thành công một khoản lãi trái phiếu bằng đồng rúp hôm 02/03. Tuy nhiên, vấn đề chính đối với các chủ sở hữu ngoại quốc, chẳng hạn như BlackRock và The Vanguard Group, là việc tiếp cận tiền mặt sau lệnh cấm chuyển khoản cho các nhà đầu tư ngoại quốc.
Các ước tính còn cho thấy rằng các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) trị giá gần 6 tỷ USD mà các trái chủ đã mua được dưới dạng cơ chế bảo hiểm sẽ yêu cầu các khoản thanh toán.
JPMorgan Chase tuyên bố trong một lưu ý cho khách hàng: “Việc Hoa Kỳ trừng phạt các tổ chức chính phủ Nga, các biện pháp ứng phó trong phạm vi Nga để hạn chế thanh toán ra ngoại quốc và sự gián đoạn của chuỗi thanh toán là những trở ngại lớn đối với Nga trong việc thanh toán trái phiếu ở nước ngoài. Các biện pháp trừng phạt đã làm tăng đáng kể khả năng chính phủ Nga vỡ nợ trái phiếu bằng ngoại tệ mạnh.”
Điều này sẽ buộc Fitch và Moody’s, các cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu, phải hạ điểm xếp hạng tín nhiệm đạt chuẩn đầu tư của Moscow.
Moody’s Investors Service cho biết trong một tuyên bố: “Quyết tâm của các chính phủ phương Tây loại Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, kết hợp với việc chính phủ Nga có khả năng ít sẵn sàng hơn trong việc trả nợ đúng hạn và đầy đủ, làm tăng khả năng xảy ra các kết quả tín dụng nghiêm trọng hơn đối với các chủ sở hữu ngoại quốc của Chứng khoán nợ của Nga.”
Trong một báo cáo riêng biệt, Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một hiệp hội của ngành dịch vụ tài chính toàn cầu, cho biết một nửa dự trữ ngoại hối tại ngân hàng trung ương nằm ở các quốc gia đã thực hiện phong tỏa tài sản.
Các quan chức lưu ý rằng Nga sẽ ưu tiên thanh toán cho những người tiết kiệm trong nước hơn các nhà đầu tư ngoại quốc. Bà Elina Ribakova, phó trưởng kinh tế của IIF, tuyên bố rằng một vụ vỡ nợ nước ngoài là “rất có thể xảy ra”, nhưng quy mô nhỏ của các khoản đầu tư ngoại quốc sẽ hạn chế thiệt hại tài chính.
Số liệu của Dịch vụ Dữ liệu ICE cho thấy CDS bảo hiểm 10 triệu USD trái phiếu chính phủ trong 5 năm được báo giá khoảng 4 triệu USD trả trước và 100,000 USD mỗi năm. Điều này báo hiệu khả năng vỡ nợ là 56%.
Các nhà phân tích của CreditSights viết trong một ghi chú: “Nếu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn được thực hiện nhằm cấm nắm giữ tất cả các khoản nợ công hiện có của Nga, điều này có thể có tác động đáng kể đến khả năng thị trường CDS tổ chức đấu giá hoặc thanh toán trong trường hợp có bất kỳ sự kiện tín dụng nào kích hoạt.”
Đồng thời, IIF lưu ý rằng Moscow sở hữu một loạt các công cụ để giảm bớt sự biến động của thị trường. Chiến lược đáng chú ý nhất có thể là tăng lãi suất một lần nữa, bơm thêm thanh khoản cho các ngân hàng, và giảm dòng vốn. Nga cũng có thể thiết lập các ngày nghỉ ngân hàng để tránh tình trạng rút tiền ồ ạt trong thời kỳ hỗn loạn.
Tuần này, ngân hàng trung ương đã thông qua việc tăng 10.5% đối với lãi suất chuẩn, nâng lên mức 20%.
Capital Economics cũng đưa ra báo động vỡ nợ hôm 02/03, giải thích rằng việc đó sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các nhà đầu tư quốc tế, những người nắm giữ 20 tỷ USD nợ chính phủ bằng đồng USD và đồng rúp. Nhưng một hành động như vậy sẽ làm tổn hại vĩnh viễn danh tiếng của Nga trên thị trường tài chính toàn cầu.
Ông William Jackson, trưởng nhóm kinh tế thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết: “Khả năng chính phủ và các công ty không thể hoặc không sẵn sàng trả nợ nước ngoài (bên cạnh những khoản nợ đã bị ảnh hưởng) đã tăng lên đáng kể. Trong khi sự chú ý đang tập trung vào nợ công, một điểm mấu chốt là cho đến nay, các khoản nợ nước ngoài lớn nhất ở Nga thuộc về khu vực doanh nghiệp.”
Trái phiếu kho bạc OFZ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong bảy năm là gần 13%. Nhưng thị trường trái phiếu đang có khối lượng giao dịch mỏng trong bối cảnh hoạt động của Sở giao dịch Moscow bị đình chỉ. 7 tỷ USD trái phiếu của Nga đến hạn vào tháng 06/2047 đã giảm xuống dưới 68 cent.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “The War on Cash” (“Cuộc chiến về tiền mặt”).
Nhật Thăng biên dịch