Thanh Đoàn
Có vẻ như mối quan hệ ‘đồng minh’ giữa Nga – Trung Quốc không vượt qua được lo ngại ảnh hưởng kinh tế – tài chính. Theo tin từ Bloomberg, Các ngân hàng phát triển quốc tế do Trung Quốc hậu thuẫn đã dừng cho Nga và Belarus vay vốn giữa cơn bão ‘trừng phạt kinh tế -tài chính’ của Mỹ và châu Âu.
Theo tin từ Bloomberg, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á do Trung Quốc hậu thuẫn đã tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh với Nga và Belarus trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Một dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận thận trọng của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ tài chính cho Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt.
Ngân hàng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng “tất cả các hoạt động liên quan đến Nga và Belarus đang được tạm trì hoãn lại để xem xét”. Lý do AIIB đưa ra ngân hàng này đang cố gắng làm hết sức mình để bảo vệ tính toàn vẹn tài chính. Trong khi bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chiến, tuyên bố không lên án chiến tranh hoặc thông báo thêm bất kỳ biện pháp nào chống lại Nga và Belarus.
Trung Quốc được coi là đồng minh quan trọng của Nga. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây cho biết họ hy vọng sẽ duy trì hoạt động thương mại bình thường với cả Nga và Ukraine. Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không ủng hộ các biện pháp trừng phạt tài chính đơn phương đối với Nga và sẽ không tham gia cùng các quốc gia phương Tây trong việc áp đặt các hạn chế. Trước đó, Nga và Trung Quốc đã ký thoả thuận thương mại về dầu khí lên tới hơn 100 tỷ USD; khoản thoả thuận được cho là đủ để Nga vượt qua các đòn trừng phạt cấm bán dầu, khí đốt sang châu Âu.
Mặc dù vậy, lo ngại sự mất giá phi mã của đồng RUB, các ngân hàng và thực thể kinh tế Trung Quốc bắt đầu có động thái né tránh giao dịch với các thực thể kinh tế của Nga; trong đó có cả sản phẩm mà Trung Quốc đang khan hàng là than đá.
Không chỉ AIIB, Ngân hàng phát triển mới (NDB), được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng; vốn đang được Trung Quốc phát triển mạnh mẽ qua Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI), cũng đã tạm dừng các giao dịch ở Nga với lý do “có nhiều bất ổn và hạn chế đang bộc lộ”.
Trung Quốc có cổ phần đáng kể trong hai ngân hàng này, với hơn 30% cổ phần trong AIIB và 19% trong NDB. Úc, hầu hết các quốc gia châu Âu cũng như Nga là thành viên của AIIB, trong khi Ukraine thì không.
Như vậy, các động thái của hai ngân hàng phát triển hậu thuẫn bởi Trung Quốc, đã theo chân các ngân hàng lớn trong đại lục, hạn chế tài chính mua hàng hoá từ Nga. Ngoài lo ngại về giá trị đồng RUB, các ngân hàng này còn lo ngại bị trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Ông Gabriel Wildau, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Teneo Holdings có trụ sở tại New York, cho biết bất kỳ sự hỗ trợ, mối quan hệ tài chính nào từ các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc với Nga có thể sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Hoa Kỳ và EU. Các ngân hàng chính sách của Trung Quốc chủ yếu dựa vào hệ thống thanh toán SWIFT của Mỹ bởi vì Trung Quốc hiện cung cấp các khoản vay cho BRI chủ yếu bằng đồng USD, theo Bloomberg.
AIIB có hai dự án đã được phê duyệt ở Nga với tổng số vốn vay là 800 triệu USD, theo trang web của ngân hàng. Một trong những cơ sở cho vay đã được mở rộng cho chính phủ Nga để “cải thiện kết nối mạng lưới đường bộ trong các hành lang kinh tế trọng điểm”. Giải pháp còn lại nhằm bổ sung vốn lưu động của nhà cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt Russian Railways JSC do ảnh hưởng của Covid-19.
Thanh Đoàn
(Theo Bloomberg)