Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Hình ảnh trích từ một đoạn video do nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia công bố cho thấy vật thể sáng bừng rơi xuống trong khuôn viên của nhà máy điện hạt nhân ở Enerhodar, Ukraine, vào thứ Sáu, hôm 04/03/2022. (Ảnh: Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia/ AP) Tây Dương

Tổng thư ký NATO phản ứng trước việc Nga tấn công nhà máy điện hạt nhân Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án việc Nga tấn công một nhà máy điện hạt nhân ở miền đông nam Ukraine và đang thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin rút quân xâm lược của mình khỏi nước này.

Ông Stoltenberg nói vụ pháo kích vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia “chỉ cho thấy sự liều lĩnh của cuộc chiến này, tầm quan trọng của việc kết thúc nó và tầm quan trọng của việc Nga rút toàn bộ binh lực và tham gia một cách có thiện chí vào các nỗ lực ngoại giao.”

Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân nói trên, nhà máy lớn nhất thuộc loại này ở Âu Châu.

Những nhận xét của ông Stoltenberg được đưa ra trước khi ông chủ trì cuộc họp hôm thứ Sáu (04/03) giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và những người đồng cấp NATO để xem xét phản ứng của phương Tây đối với việc Nga xâm lược Ukraine.

Ông Blinken dự kiếp gỡ các ngoại trưởng từ Liên minh Âu Châu vào cuối hôm thứ Sáu (04/03).


NATO bác bỏ yêu cầu của Ukraine về vùng cấm bay

Hôm 4/3, các đồng minh NATO đã bác bỏ yêu cầu của Ukraine về một vùng cấm bay, nói rằng họ đang tăng cường hỗ trợ nhưng việc can thiệp trực tiếp sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn và thậm chí tàn khốc hơn.

“Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này và chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo nó không leo thang và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đó đã kêu gọi các cường quốc phương Tây thực thi vùng cấm bay kể từ khi cuộc xâm lược của Moscow bắt đầu cách đây 9 ngày, với việc Nga pháo kích vào các thành phố của Ukraine và chiếm giữ nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu.

“Chúng tôi hiểu sự tuyệt vọng [của Ukraine] nhưng chúng tôi cũng tin rằng nếu chúng tôi làm điều đó (vùng cấm bay), nó có thể dẫn đến một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu, liên quan đến nhiều quốc gia hơn và nhiều người hơn sẽ phải hứng chịu đau thương”, ông Stoltenberg nói thêm.

Ông nói, cách duy nhất để NATO thực hiện vùng cấm bay là cử máy bay NATO bắn hạ máy bay của Nga, đồng thời cho biết thêm rằng nguy cơ leo thang sẽ là quá lớn.

“Các đồng minh đồng ý rằng chúng tôi không nên để máy bay NATO hoạt động trên không phận Ukraine hoặc quân đội NATO hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.”

Hôm thứ Năm, Tổng thống Zelenskiy nói rằng nếu các đồng minh NATO không đáp ứng yêu cầu của ông về việc bảo vệ không gian Ukraine, thì họ hãy cung cấp cho Kyiv nhiều máy bay chiến đấu hơn.

Các thành viên NATO đã gửi vũ khí đến Ukraine, nhưng luôn khẳng định sẽ không có hành động quân sự có thể khiến họ rơi vào xung đột trực tiếp với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết liên minh sẽ bảo vệ “từng inch” lãnh thổ NATO khỏi bị tấn công. “Chúng tôi là một liên minh phòng thủ. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Nhưng nếu xung đột xảy đến với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng đối phó”, ông Blinken nói.


Nga dọa bỏ tù lên tới 15 năm với những người đưa “tin giả” về xung đột Ukraine

Quốc hội Nga hôm thứ Sáu (4/3) đã thông qua đạo luật áp dụng án tù lên đến 15 năm đối với những ai cố tình phát tán tin tức “giả” về quân đội Nga. Đây được cho là bước đi nhằm thúc đẩy cuộc chiến thông tin về cuộc xung đột ở Ukraine của Moscow.

Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng “thông tin sai lệch” đã được những kẻ thù của Nga như Hoa Kỳ và các đồng minh Tây Âu phát tán nhằm gây bất hòa trong công chúng Nga.

Các nhà làm luật Nga do đó đã thông qua các sửa đổi đối với Bộ luật Hình sự, theo đó người bị cáo buộc lan truyền thông tin “giả mạo” có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù. Họ cũng đưa ra các khoản tiền phạt đối với những lời kêu gọi công khai các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Hạ viện Nga (Duma) cho biết: “Nếu hành vi tung tin giả mạo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ có nguy cơ bị phạt tù lên đến 15 năm.”

Các sửa đổi nói trên dường như sẽ mang lại cho nhà nước Nga nhiều quyền lực hơn nhiều để đàn áp người dân.

“Ngày mai, luật này sẽ trừng phạt – và trừng phạt rất cứng rắn – đối với những kẻ tung tin giả và đưa ra những tuyên bố làm mất uy tín lực lượng vũ trang của chúng ta”, Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin cho biết.

Tổng thống Vladimir Putin đã sử dụng từ “hoạt động quân sự đặc biệt” khi đề cập đến cuộc xâm lược vào Ukraine. Tại Nga, các quan chức không sử dụng từ “xâm lược” và nói rằng truyền thông phương Tây đã không đưa tin về những gì họ cho là “tội ác diệt chủng” những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Các sửa đổi của luật sẽ phải được Thượng viện thông qua trước khi được Tổng thống Putin ký thành luật.

Cơ quan giám sát truyền thông của Nga cũng cắt quyền truy cập vào các trang web của một số tổ chức tin tức nước ngoài, bao gồm BBC và Deutsche Welle, vì phát tán những gì họ cho là “thông tin sai lệch” về cuộc chiến ở Ukraine.

“Quyền truy cập đã bị hạn chế đối với một loạt các nguồn cấp thông tin do người nước ngoài sở hữu”, cơ quan giám sát Nga, được gọi là Roskomnadzor, cho biết trong một tuyên bố.

Nga đã nhiều lần phàn nàn rằng các tổ chức truyền thông phương Tây đưa ra cái nhìn phiến diện, và thường là chống Nga, trong khi bao che cho các nhà lãnh đạo của chính họ về các cuộc chiến tranh ở nước ngoài như Iraq và nạn tham nhũng.

Đài BBC của Anh cho biết tiếp cận thông tin chính xác là quyền cơ bản của con người và hãng sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa tin tức của mình đến với người dân Nga.

Xuân Thành


Tổng thống Zelensky kêu gọi hành động khẩn cấp sau cuộc tấn công của Nga vào nhà máy điện hạt nhân

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã thông báo cho các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Anh, Liên minh Âu Châu, và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về mối đe dọa thảm họa hạt nhân tàn khốc sau khi quân đội Nga bắn phá một nhà máy điện hạt nhân.

“Nếu có một vụ nổ — thì đó là dấu chấm hết cho tất cả mọi người. Là dấu chấm hết cho Âu Châu. Là cuộc di tản khỏi Âu Châu,” ông nói trong một bài diễn văn đầy cảm xúc vào nửa đêm.

“Chỉ có hành động khẩn cấp của Âu Châu mới có thể ngăn chặn quân đội Nga. Đừng để Âu Châu diệt vong vì một thảm họa ở một nhà máy điện hạt nhân,” ông nói.

Ông đang kêu gọi các chính trị gia và người dân gây áp lực lên lãnh đạo Nga để ngăn chặn quân đội Nga.


Quân đội Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Hôm thứ Sáu (04/03), các nhà chức trách Ukraine tại địa phương nói rằng quân đội Nga đã chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, sau những gì mà các quan chức cho rằng là một trận hỏa hoạn tạm thời gây ra bởi pháo kích tại địa điểm này trước đó trong ngày.

Một thông báo được đăng hôm thứ Sáu (04/03) trên trang web của Cơ quan Thanh tra Quản lý Hạt nhân Quốc gia Ukraine có đoạn: “Nhà máy Zaporizhzhia NPP đã bị lực lượng quân sự của Liên bang Nga chiếm đóng.”

Cơ quan này cho biết các lực lượng Nga đã “pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia NPP” hôm thứ Sáu (04/03), gây ra hỏa hoạn tại địa điểm này. Thông báo trên cho biết “Đám cháy đã được dập tắt bởi các đơn vị của Bộ Tình huống Khẩn cấp Ukraine. Chưa có thông tin về thương vong.”


Ukraine cho biết vụ cháy tại nhà máy điện hạt nhân đã được kiểm soát

Các nhà chức trách Ukraine cho biết hôm thứ Sáu (04/03) rằng đám cháy tại nhà máy hạt nhân lớn nhất Âu Châu do pháo kích của Nga đã được dập tắt và quân đội Nga đã kiểm soát địa điểm này.

Cơ quan quản lý quân sự khu vực cho biết trong một tuyên bố, đám cháy tại nhà máy Zaporizhzhia ở Enerhodar đã được dập tắt và khoang của lò phản ứng số 1 đã bị thiệt hại nhưng không gây ảnh hưởng đến sự an toàn của đơn vị điện năng này.

Chưa có ngay thông tin sẵn có về con số thương vong.

Cơ quan quản lý quân sự cho biết quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy này và các nhân viên tác chiến đang bảo đảm hoạt động an toàn của nó.

Trước đó, các quan chức nhà máy nói rằng pháo kích đã tấn công một tòa nhà hành chính và lò phản ứng số 1.

Thị trưởng Enerhodar và Bộ Tình huống Khẩn cấp cũng cho biết ngọn lửa đã được dập tắt.


Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu ở Ukraine bốc cháy sau trận pháo kích

Quân đội Nga đã nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu vào sáng sớm ngày thứ Sáu (04/03) trong trận chiến giành quyền kiểm soát một thành phố sản xuất năng lượng quan trọng, và nhà máy điện này đã bốc cháy.

Phát ngôn viên của nhà máy Andriy Tuz nói với truyền hình Ukraine rằng các quả đạn pháo đã rơi trực tiếp vào nhà máy Zaporizhzhia và đã làm cháy một trong sáu lò phản ứng của cơ sở này. Lò phản ứng đó đang được cải tiến và không hoạt động, nhưng có nhiên liệu hạt nhân bên trong, ông nói.

Các nhân viên cứu hỏa không thể đến gần đám cháy vì họ đang bị bắn, ông Tuz cho biết.

Một quan chức chính phủ nói với hãng thông tấn AP rằng mức độ bức xạ tăng cao đã được phát hiện gần vị trí của nhà máy này, nơi cung cấp khoảng 25% sản lượng điện của Ukraine. Quan chức này giấu tên vì thông tin vẫn chưa được công bố rộng rãi.

Ông Tuz cho biết cần phải ngừng giao tranh khẩn cấp để dập lửa.


Quan chức Nga phản đối lời kêu gọi ám sát Tổng thống Putin của một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ

Hôm 04/03, Nga mô tả lời kêu gọi ám sát Tổng thống Nga Putin của một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ là vô trách nhiệm.

Ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, nói rằng những nhận xét đó là “vô trách nhiệm và nguy hiểm.”

Ông Antonov cho biết trong một tuyên bố của Đại sứ quán Nga rằng, “Mức độ bài Nga và sự căm ghét ở Hoa Kỳ đối với Nga là không đâu bằng. Thật không thể tin được rằng một thượng nghị sĩ của một đất nước rao giảng các giá trị đạo đức của mình như một ‘vì sao dẫn đường’ cho toàn nhân loại lại có thể kêu gọi hành động khủng bố như một cách để đạt được các mục tiêu của Hoa Thịnh Đốn trên trường quốc tế.”

Ông cũng nói rằng, “Thật đáng sợ cho số phận của Hoa Kỳ, nơi có các chính trị gia vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp như vậy ở vị trí lãnh đạo,” đồng thời yêu cầu một lời giải thích chính thức và một lời lên án dứt khoát đối với bình luận của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina).


Nga cấm các trang web tin tức ngoại quốc để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các hãng thông tấn nội địa

Cơ quan quản lý truyền thông nhà nước Roskomnadzor của Nga đang chặn quyền truy cập vào các trang web của năm tổ chức truyền thông quốc tế.

Hôm thứ Sáu (04/03), hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin cho hay các trang web bị chặn bao gồm các trang web của BBC, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, và Đài Âu Châu Tự Do/Đài Tự Do.

Các trang web đã bị chặn vì lưu trữ những gì mà Roskomnadzor nói với RIA là “thông tin sai lệch” về các hành động quân sự của Nga ở Ukraine, bao gồm cả tin tức về các cuộc tấn công nhắm vào thường dân và các tổn thất của quân đội Nga.

Năm tổ chức được nêu danh, trong đó có trang web tiếng Nga Meduza có trụ sở tại Latvia và đài truyền hình Đức Deutsche Welle, nằm trong số những hãng thông tấn ngoại quốc lớn nhất có hoạt động đưa tin bằng tiếng Nga.


Google đình chỉ tất cả quảng cáo bán hàng ở Nga

Google đang tạm ngừng bán quảng cáo trực tuyến ở Nga sau khi cơ quan quản lý truyền thông của Nga yêu cầu đại công ty công nghệ này ngừng phát tán thứ mà Moscow gọi là thông tin sai lệch về quân đội Nga ở Ukraine thông qua quảng cáo.

Công ty này cho biết vào cuối ngày thứ Năm (03/03) rằng cuộc đình chỉ bao gồm YouTube, quảng cáo tìm kiếm (search ad) và quảng cáo hiển thị (display ad).

Google là một trong những nhà bán quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới.

Roskomnadzor, cơ quan quản lý của Nga, đã đưa ra một số thông báo cho Google trong tuần này, cảnh báo công ty về việc phát tán thông tin sai lệch hoặc yêu cầu họ giảm bớt các hạn chế đối với các kênh YouTube do truyền thông Nga điều hành.

Trong một diễn biến khác, Giám đốc Điều hành Airbnb Brian Chesky đã tweet rằng trang web đặt phòng lưu trú ngắn hạn này đang tạm dừng mọi hoạt động ở Nga và đồng minh láng giềng của nước này là Belarus. Ông Chesky không cho biết thêm chi tiết về quyết định của mình.

Related posts