Công ty dầu hỏa Lukoil của Nga kêu gọi chấm dứt chiến tranh Ukraine vì phải gánh chịu tổn thất

Bryan Jung

Một công nhân đang siết chặt các bu lông của một đường ống trên bệ cố định chống băng LSP-1 của công ty Nga Lukoil, được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Astrakhansky Korabel và dùng để khoan và vận hành các giếng cũng như thu thập và xử lý sơ bộ dầu trong hồ chứa tại mỏ dầu Korchagins ở khu vực biển Caspian của Nga, cách Astrakhan 180 km (112 dặm). (Ảnh: Mikhail Mordasov/AFP/Getty Images)

Hôm 03/03, người đứng đầu công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Nga, công ty Lukoil, đã kêu gọi ngừng ngay lập tức chiến sự ở Ukraine, trong một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ đang dần suy yếu của một số nhà tài phiệt có ảnh hưởng của Nga dành cho cuộc xung đột này.

Đại công ty dầu mỏ này là công ty lớn đầu tiên của Nga lên tiếng phản đối quyết định xâm lược nước láng giềng của ông Putin.

Ông Vagit Alekperov, tỷ phú sáng lập kiêm chủ tịch công ty dầu khí này của Nga, đã đưa ra một thông cáo báo chí, kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch và bày tỏ lo ngại về cuộc xung đột đang mở rộng này, trong khi áp lực ngày càng gia tăng do các lệnh trừng phạt.

Công ty năng lượng Nga này “bày tỏ mối lo ngại về những sự kiện bi thảm đang diễn ra ở Ukraine và sự cảm thông sâu sắc nhất đối với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này,” ông Alekperov nói. “Chúng tôi ủng hộ việc chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột vũ trang này và hoàn toàn ủng hộ việc chấm dứt nó thông qua quá trình đàm phán và thông qua các biện pháp ngoại giao.”

Tổng thống Vladimir Putin đang thúc đẩy cuộc tấn công của ông ở Ukraine, bắt đầu vào tuần trước (hôm 24/02), bất chấp những lời cảnh báo của phương Tây và các đồng minh về các lệnh trừng phạt tiềm năng sẽ tác động đến nền kinh tế Nga.

Các biện pháp trừng phạt trên diện rộng này đã khiến cho đồng rúp giảm giá mạnh, khiến sàn giao dịch chứng khoán Moscow phải đóng cửa trong vài ngày, và đưa nước Nga vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 20 năm qua.

Cuộc khủng hoảng này đã xóa sổ hàng tỷ USD tài sản của ông Alekperov, làm tăng thêm số lượng các nhà tài phiệt lo ngại về tác động kinh tế của cuộc xâm lược này, bao gồm cả một số người trong vòng tròn nội bộ của ông Putin.

Nhiều nhà tài phiệt Nga tỏ ra khó chịu sau khi vài người trong số họ bị các quốc gia phương Tây tịch thu hoặc phong tỏa tài sản theo các lệnh trừng phạt mới.

Tuyên bố của ông Alekperov về cuộc xung đột Ukraine diễn ra sau bình luận của hai trong số các nhà tài phiệt quyền lực của Nga, ông Mikhail Fridman và ông Oleg Deripaska.

Ông Fridman, người đồng sáng lập Alfa-Bank, một người thân tín của ông Putin và là một trong những chủ ngân hàng tư nhân lớn nhất của đất nước này, cho biết cuộc xâm lược này là một “thảm kịch” đối với cả người Ukraine và người Nga, nói rằng “chiến tranh không bao giờ có thể là câu trả lời.”

Ông Deripaska, người sáng lập tập đoàn nhôm khổng lồ Rusal, nói rằng “các cuộc đàm phán phải bắt đầu càng sớm càng tốt,” đồng thời cho biết thêm rằng “hòa bình là ưu tiên hàng đầu.”

Chính phủ Anh (Whitehall) đang cân nhắc việc thâu tóm các tài sản thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt ở Anh có liên kết với Điện Kremlin để gây áp lực lên chính phủ Nga.

Hôm 03/03, chính phủ Pháp cho biết, họ đã thu giữ một siêu du thuyền thuộc sở hữu của một công ty có liên kết với ông Igor Sechin, giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosneft của Nga và là một đồng minh thân cận của ông Putin.

Trong khi đó, công ty Lukoil có hàng ngàn trạm xăng đang hoạt động trên toàn thế giới, bao gồm một số trạm xăng ở Hoa Kỳ.

Tại Newark, New Jersey, hôm 02/03 thành phố đã thông qua một nghị quyết nhằm đình chỉ giấy phép hoạt động kinh doanh của các trạm xăng Lukoil để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine.

Người đứng đầu công ty Naftogaz, ông Yuriy Vitrenko, người điều hành công ty năng lượng lớn nhất Ukraine nói rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nên được tăng cường và nhắm trực tiếp vào xuất cảng năng lượng của nước này.

Ông Vitrenko nói rằng việc Đức đình chỉ đường ống Nord Stream 2 là không đủ.

Các quốc gia phương Tây “nên khiến việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga là một lựa chọn rất rõ ràng” “quý vị phải tin tưởng như thể quý vị đang có chiến tranh với Nga” để ngăn chặn cuộc chiến này lan rộng, ông Vitrenko nói với BBC.

Tại Hoa Thịnh Đốn, Quốc hội đang cân nhắc xem sẽ thực hiện các bước nào nếu các biện pháp trừng phạt năng lượng được áp đặt, với cả hai đảng đều bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi đối với các hạn chế dành cho năng lượng của Nga.

Hôm 03/03, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã trình bày một bản kế hoạch để Liên minh Âu Châu cắt giảm ⅓ lượng hàng nhập cảng của Nga trong vòng một năm và thúc giục Liên minh Châu Âu không ký hợp đồng cung cấp mới với công ty khí đốt lớn nhất của Nga Gazprom.

“Không một ai còn bị ảo tưởng nữa. Việc Nga sử dụng các nguồn khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí kinh tế và chính trị cho thấy Âu Châu cần phải nhanh chóng hành động để sẵn sàng đối mặt với sự không chắc chắn đáng kể về nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào mùa đông tới,” Giám đốc Điều hành IEA, ông Fatih Birol cho biết.

S&P đã ước tính rằng các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm giảm một nửa dự trữ ngoại hối sẵn có của Điện Kremlin, khiến hệ thống ngân hàng của họ bị hạn chế khả năng tiếp cận với các cấu trúc tài chính toàn cầu.

Hôm 02/03, cơ quan xếp hạng này đã hạ mức nợ công của Nga xuống tình trạng mất khả năng thanh toán, với mức xếp hạng CCC- và cảnh báo rằng nước này có thể bị vỡ nợ.

Lukoil khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực “cung cấp nguồn cung ứng năng lượng đáng tin cậy cho người tiêu dùng trên toàn thế giới” “cam kết tăng cường hòa bình, quan hệ quốc tế, và quan hệ nhân đạo.”

Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.

Related posts