Nga: Các nước cho phép Ukraine sử dụng phi trường ‘có thể bị coi’ là tham gia xung đột

Jack Phillips

Chiến đấu cơ phản lực Rafale của Không quân Pháp tuần tra không phận Ba Lan hôm 04/03/2022, trong khuôn khổ hệ thống giám sát của NATO. (Ảnh: Nicolas Tucat/AFP/Getty Images)

Hôm Chủ Nhật (07/03), Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào cho phép quân đội Ukraine sử dụng các phi trường của mình để tấn công vào các tài sản của Nga đều có thể bị coi là đã tham gia vào cuộc xung đột.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với hãng thông tấn Interfax vào tối Chủ Nhật theo giờ địa phương: “Việc sử dụng mạng lưới phi trường của các quốc gia này để làm căn cứ cho phi cơ quân sự Ukraine và sau đó sử dụng chúng để chống lại lực lượng vũ trang Nga có thể được coi là những quốc gia này đang can dự vào một cuộc xung đột vũ trang.”

Ông Konashenkov nói rằng, các quan chức Nga đã biết về việc “các phi cơ tác chiến của Ukraine trước đó đã bay tới Romania và các nước láng giềng khác,” mà không đi vào chi tiết.

Kể từ khi cuộc xung đột này nổ ra vào ngày 24/02, Hoa Kỳ, các đồng minh NATO, và các quốc gia Âu Châu khác đã tràn vào Ukraine với hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn đạn đạo chống tăng, đạn dược, vũ khí, và các vật tư tiếp tế khác. Cũng có nhiều bản tin cho rằng các nước Âu Châu và NATO đang làm việc để gửi chiến đấu cơ đến Ukraine.

Trong khi đó, một bài báo từ Financial Times dẫn lời một quan chức Tòa Bạch Ốc ẩn danh cho biết Hoa Kỳ đang làm việc với các quan chức Ba Lan để gửi phản lực cơ đến quân đội Ukraine, nhưng chính phủ Ba Lan bác bỏ những bài báo đó là sai sự thật.

Khói dày đặc bốc lên trên đầu các phương tiện đang chặn một con đường ở Enerhodar, Ukraine, hôm 03/03/2022. (AP/Ảnh chụp màn hình/The Epoch Times)

“TIN GIẢ! Thật không may, quý vị đang lan truyền thông tin sai lệch với trích dẫn từ ngày 27/02/2022. Ba Lan sẽ không gửi chiến đấu cơ đến Ukraine cũng như cho phép sử dụng phi trường của mình. Chúng tôi giúp đỡ đáng kể trong nhiều lĩnh vực khác,” văn phòng thủ tướng Ba Lan đã viết vào sáng Chủ Nhật trong một bài đăng trên Twitter cho hãng thông tấn NEXTA thân Kyiv, vốn lặp đi lặp lại tuyên bố cho rằng Ba Lan và Hoa Kỳ đang cố gắng gửi chiến đấu cơ đến Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ và NATO cung cấp phản lực cơ hoặc thực thi vùng cấm bay, thúc giục các thành viên Quốc hội Mỹ một lần nữa làm như vậy trong một lời kêu gọi qua Zoom hôm thứ Sáu (04/03).

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg và các quan chức hàng đầu của Tòa Bạch Ốc đã nói rằng khu vực cấm bay không được xem xét đối với Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của NATO, vì hành động này sẽ kéo theo việc phi cơ Hoa Kỳ hoặc NATO bắn hạ phi cơ của quân đội Nga hoặc tấn công vào tài sản ở Ukraine và bên trong Nga. Vào cuối tuần trước, ông Stoltenberg đã cảnh báo rằng hành động này sẽ dẫn đến sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc xung đột với Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Bất chấp những rủi ro này, một số thành viên Quốc hội, bao gồm cả Dân biểu sắp mãn nhiệm Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois), đã kêu gọi thực thi một khu vực cấm bay đối với quốc gia Đông Âu này.

Vào sáng Chủ Nhật, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) nói với ABC News rằng vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc thế chiến khác.

“Vùng cấm bay đã trở thành một câu cửa miệng. Tôi không chắc nhiều người hiểu hết điều đó có nghĩa là gì,” ông Rubio nói với ABC News. “Điều đó có nghĩa là vạn hành hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không (AWACS) 24 giờ một ngày, nghĩa là sẵn sàng bắn hạ và giao chiến với phi cơ Nga trên bầu trời. Điều đó có nghĩa là, thẳng thắn mà nói, quý vị không thể đưa những chiếc phi cơ đó lên bầu trời trừ khi chúng sẵn sàng loại bỏ các hệ thống phòng không mà người Nga đang khai triển, và không chỉ ở Ukraine, mà cả Nga và cả Belarus,” ông Rubio cho hay.

Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.

Hồng Ân biên dịch

Related posts