Tin thế giới tối thứ Hai

Trung Quốc có thể đối mặt với vụ lúa mì tồi tệ nhất trong lịch sử

Một công nhân bên một chiếc máy vận chuyển thóc mới thu hoạch đến kho bảo quản ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 25/10/2019. (Ảnh: Stringer/Reuters)

BẮC KINH – Hôm thứ Bảy (05/03), Bộ trưởng nông nghiệp Trung Quốc cho biết, tình trạng lúa mì vụ đông của Trung Quốc có thể là “tồi tệ nhất trong lịch sử”, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp ngũ cốc ở quốc gia tiêu thụ lúa mì lớn nhất thế giới này.

Trình bày với giới báo chí bên lề kỳ họp chính trị thường niên của chính quyền Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Đường Nhân Kiện (Tang Renjian) cho biết lượng mưa lớn năm ngoái (2021) đã làm trì hoãn việc gieo trồng khoảng 1/3 diện tích lúa mì bình thường của nước này.

Ông Đường cho biết, một cuộc khảo sát về lúa mì vụ đông được thực hiện trước khi mùa đông đến cho thấy sản lượng của cây trồng chính và cây trồng phụ đã giảm hơn 20 điểm phần trăm.

Ông nói: “Cách đây không lâu, chúng tôi đã đến cơ sở để khảo sát và nhiều chuyên gia, cũng như người có chuyên môn kỹ thuật canh tác nói với chúng tôi rằng điều kiện vụ mùa năm nay có thể là tồi tệ nhất trong lịch sử. Việc sản xuất ngũ cốc năm nay thực sự đang đối mặt với những khó khăn rất lớn.”

Bình luận của Bộ trưởng nhấn mạnh những lo ngại về nguồn cung cấp ngũ cốc của Trung Quốc cùng lúc với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vốn chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất cảng lúa mì toàn cầu, đã làm biến động chuỗi cung ứng [lương thực] khiến giá lúa mì vọt lên mức đỉnh điểm trong 14 năm.

Được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, giá lúa mì tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tuần này giữa những lo ngại hiện hữu về nguồn cung ứng nội địa.

(Quy đổi: 1 USD = 6.3188 NDT Trung Quốc)

Vân Du biên dịch

Ông Elon Musk hối thúc Hoa Kỳ ‘lập tức’ tăng sản lượng dầu, khí đốt

Katabella Roberts

Người đứng đầu Tesla, ông Elon Musk, nói chuyện với giới báo chí khi ông đến để xem địa điểm xây dựng nhà máy Tesla Gigafactory mới ở Berlin gần Gruenheide, Đức, vào ngày 03/09/2020 (Ảnh: Maja Hitij/Getty Images)

Giám đốc Điều hành Tesla Elon Musk đã nói rằng Hoa Kỳ cần phải “lập tức” tăng sản lượng dầu và khí đốt sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, mặc dù thừa nhận việc này sẽ có tác động “tiêu cực” đến công ty xe điện của ông.

Ông Musk đã lên Twitter hôm 05/03 để chia sẻ suy nghĩ của mình về việc Hoa Kỳ tăng cường sản xuất trong nước nhằm nỗ lực trở nên ít phụ thuộc hơn vào dầu của Nga, khi các tổ chức trên toàn thế giới rời xa Tổng thống Vladimir Putin và các hành động của ông.

Vị doanh nhân này viết: “Tôi ghét phải nói ra điều này, nhưng chúng ta cần tăng sản lượng dầu khí ngay lập tức. Những thời điểm đặc biệt đòi hỏi phải có những biện pháp đặc biệt. Rõ ràng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Tesla, nhưng các giải pháp năng lượng bền vững không thể phản ứng tức thời để bù đắp cho xuất cảng dầu và khí đốt của Nga.”

Trong một dòng tweet tiếp theo, ông Musk nói thêm rằng việc tăng cả sản lượng dầu và khí đốt ở Hoa Kỳ “trong ngắn hạn là rất quan trọng nếu không mọi người trên khắp thế giới sẽ bị áp lực rất lớn” và lưu ý rằng “đây không phải là vấn đề tiền bạc, mà là vấn đề về việc có đủ năng lượng để cung cấp điện cho các quốc gia văn minh.”

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên toàn cầu sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nga chiếm 11% tổng thị phần thế giới, trong khi Hoa Kỳ chiếm 20%.

Trong năm 2021, Hoa Kỳ đã nhập cảng trung bình 209,000 thùng dầu thô/ngày và 500,000 thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ khác từ Nga, theo số liệu của hiệp hội thương mại các Nhà sản xuất Nhiên liệu và Hóa dầu Mỹ (AFPM).

Tuy nhiên, các dòng tweet của ông Musk được đưa ra sau các bản tin cho biết Hoa Kỳ vẫn mua 650,000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga bất chấp cuộc xâm lược do Moscow dẫn đầu nhằm vào nước láng giềng, khiến các nhà phê bình buộc tội Hoa Kỳ về căn bản đang giúp tài trợ cho các hành động của ông Putin ở Ukraine. 

Mặc dù chính phủ của Tổng thống Biden đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với nước này nhắm tới mọi thứ, từ nợ công cho đến những người trong vòng quyền lực của ông Putin, nhưng cho đến nay, họ vẫn nói rằng việc bán dầu không bị trừng phạt.

Mặc dù vậy, hàng chục công ty trên khắp Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới bao gồm cả các công ty dầu khí, đã tẩy chay các doanh nghiệp Nga và các sản phẩm do Nga sản xuất, thực sự đã loại bỏ chúng khỏi các kệ hàng.

Quang cảnh cho thấy một nhà máy xử lý dầu tại Mỏ dầu Yarakta, thuộc sở hữu của Công ty Dầu Irkutsk (INK), ở Vùng Irkutsk, Nga, hôm 10/03/2019. (Ảnh: Vasily Fedosenko/Reuters)

Hôm Chủ nhật (06/03), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết hạ viện đang “xem xét” luật cấm nhập cảng dầu của Nga và cô lập nước này hơn nữa về mặt tài chính với phần còn lại của thế giới.

Bà Pelosi cho biết trong một bức thư: “Hạ viện hiện đang xem xét các luật mạnh mẽ để cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu. Dự luật của chúng tôi sẽ cấm nhập cảng dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga vào Hoa Kỳ, hủy bỏ liên kết thương mại bình thường với Nga và Belarus, và thực hiện bước đầu tiên để chặn Nga khỏi các hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới.”

Bà Pelosi nói, quốc hội cũng dự định viện trợ 10 tỷ USD cho Ukraine để đáp trả cuộc xâm lược quân sự của Nga.

Trong một diễn biến khác hôm Chủ nhật, ông Musk, người trước đây đã thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, kêu gọi nước này “giữ vững kiên cường.”

Ông Musk, người đã cung cấp Internet cho người dân Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga hồi tháng trước thông qua Starlink, một dịch vụ băng thông rộng vệ tinh của SpaceX, nói thêm rằng, “Và cũng chia sẻ sự đồng cảm của tôi với những người dân tuyệt vời nước Nga, những người không mong muốn cuộc chiến này.”

Bà Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.

Vân Du biên dịch

Nga bị đình chỉ tham gia Nhóm điều phối của WTO

Naveen Athrappully

Trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 04/03/2021. (Ảnh: Denis Balibouse/Reuters)

Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã thông báo đình chỉ Nga khỏi Nhóm điều phối các nước phát triển thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì cuộc tấn công “vô cớ và phi lý” nhằm vào Ukraine của Moscow.

Cả Hoa Kỳ và EU đều tin rằng việc cho phép Nga tiếp tục là một phần của nhóm do các hành động của họ trong cuộc xâm lược Ukraina là “không còn phù hợp”, theo một bức thư chung vào ngày 04/03 được đệ trình lên Chủ tịch Tổng Hội đồng WTO. Hậu quả của việc đình chỉ này là các ứng cử viên Nga sẽ không còn được xem xét khi nhóm này quyết định bổ nhiệm làm chủ tịch các cơ quan của WTO.

“Chúng tôi lên án hành động tấn công đáng trách vào Ukraine của Liên bang Nga. Chúng tôi cho rằng các hành động của Liên bang Nga là một cuộc tấn công vô cớ, được lên kế hoạch trước nhằm vào một quốc gia dân chủ, có chủ quyền, và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc căn bản về hòa bình và an ninh quốc tế.”

EU cũng đang có kế hoạch loại bỏ quy chế Tối huệ quốc (MFN) của Nga khỏi WTO, một hành động, nếu có kết quả, sẽ làm gián đoạn kim ngạch xuất cảng hàng năm trị giá 105 tỷ USD của Moscow với khối này. Việc chấm dứt quy chế MFN của Nga sẽ khiến hàng hóa xuất cảng của nước này sang EU trở nên đắt đỏ hơn, vì bất kỳ công ty nào trong khối làm ăn với Moscow sẽ cần phải trả thêm thuế quan.

Đối tác thương mại lớn nhất của Nga là EU, chiếm khoảng 37% kim ngạch thương mại hàng hóa của Moscow vào năm 2020. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên trị giá 174.3 tỷ EUR, trong đó kim ngạch nhập cảng xăng dầu của EU chiếm 67 tỉ EUR.

Phát ngôn viên Ủy ban Âu Châu, bà Miriam Garcia Ferrer, nói với Bloomberg: “Chúng tôi đang thảo luận về các lựa chọn có sẵn cho chúng tôi trong bối cảnh WTO. Điều này bao gồm khả năng loại bỏ đối xử MFN đối với Nga trên cơ sở ngoại lệ về an ninh quốc gia của WTO.”

Ukraine đã sử dụng quy tắc ngoại lệ về an ninh quốc gia này, vốn cho phép một quốc gia thực hiện “bất kỳ hành động nào” được cho là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của mình, để rút lại các lợi ích của WTO đối với Nga.

Canada gần đây đã thu hồi quy chế MFN đối với Nga và Belarus. Tại Hoa Kỳ, các nhà lập pháp đã đề xướng luật chấm dứt vĩnh viễn quy chế quan hệ thương mại bình thường của Nga. Họ cũng đã yêu cầu Tổng thống Joe Biden nỗ lực hướng tới việc đình chỉ tư cách thành viên của Moscow trong WTO.

Nga đang phải chịu áp lực to lớn từ nhiều lệnh trừng phạt do phương Tây công bố. Hoa Thịnh Đốn đã loại bỏ ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, và 25 công ty con khỏi việc sử dụng hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.

Các ngân hàng Nga Alfa-Bank và Bank Otkritie đã bị cấm phát hành trái phiếu, cổ phiếu, hoặc các khoản cho vay ở các nước thuộc Liên minh Âu Châu. Nhiều quốc gia đã đóng băng tài sản của các ngân hàng Nga như BTV, Promsvyazbank, và Rossiya Bank, và nhiều ngân hàng khác.

Các công ty Nga như công ty Gazprom, công ty Đường sắt Nga (Russian Railways), và công ty Thủy điện Nga (RusHydro), những công ty trọng yếu đối với nền kinh tế của nước này, đã bị hạn chế huy động tiền tại các thị trường Hoa Kỳ. Gazprom là công ty về khí thiên nhiên lớn nhất trên thế giới, trong khi RusHydro là một công ty điện lực chủ đạo.

Liên minh Âu Châu đã cấm các công ty trong khối xuất cảng công nghệ cho nhà sản xuất vũ khí Nga, Công ty cổ phần Kalashnikov, cũng như các đơn vị liên lạc quân sự, công ty dược phẩm, v.v.

Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.

Hoàn Nguyên biên dịch

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu người Mỹ rời Nga ngay lập tức

Naveen Athrappully

Người tị nạn, chủ yếu là phụ nữ đi cùng trẻ em, đến cửa khẩu ở Medyka, Ba Lan, hôm 05/03/2022. (Ảnh: AP Photo/Visar Kryeziu)

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu người Mỹ đang cư trú tại Nga rời khỏi nước này càng sớm càng tốt, đưa ra cảnh báo “Cấp độ 4: Không đi lại”, cảnh báo các công dân Hoa Kỳ không đi đến Nga.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga hôm 05/03, các công dân Mỹ ở Nga phải đối mặt với nguy cơ bị các quan chức an ninh của chính phủ Nga sách nhiễu. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nga có “khả năng hạn chế” trong việc hỗ trợ công dân Hoa Kỳ ở nước này. Bộ cũng viện dẫn COVID-19 và các hạn chế nhập cảnh liên quan, các chuyến bay hạn chế ra vào đất nước, chủ nghĩa khủng bố, và việc thi hành luật pháp địa phương một cách tùy tiện để kêu gọi công dân Hoa Kỳ “ngay lập tức” rời khỏi Nga.

Bộ cho biết, người dân nên tránh đi đến các vùng như Chechnya, Núi Elbrus, và Bắc Caucasus vì nguy cơ xảy ra bất ổn dân sự, bắt cóc, và khủng bố. Ở Crimea, họ có nguy cơ bị lạm dụng bởi chính phủ Nga đang chiếm đóng, dẫn đến việc bộ ban hành hướng dẫn Không Đi Lại.

“Nếu quý vị muốn rời Nga, thì quý vị nên tự mình thu xếp càng sớm càng tốt. Nếu quý vị có kế hoạch ở lại Nga, hãy hiểu rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ có những hạn chế khắt khe về khả năng hỗ trợ công dân Hoa Kỳ, và các điều kiện, bao gồm cả các lựa chọn đi lại, có thể thay đổi đột ngột,” hướng dẫn này cho biết. “Công dân Hoa Kỳ có thể rời Nga đến một quốc gia khác và ai cần hỗ trợ khẩn cấp khi đến nơi có thể liên lạc với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Hoa Kỳ tại quốc gia đó.”

Các biện pháp trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn đối với Nga đã gây khó khăn cho việc đổi tiền mặt cho các mục đích giao dịch hàng ngày. Hướng dẫn nói trên cảnh báo người Mỹ rằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của họ có thể bị từ chối do các hạn chế về kinh tế. Hướng dẫn khuyên các công dân Hoa Kỳ nên lập một “kế hoạch thay thế để tiếp cận tiền bạc và tài chính” trong trường hợp họ chọn ở lại Nga.

Theo Bộ Ngoại giao, một số lượng có hạn các chuyến bay thương mại vẫn có sẵn để xuất cảnh, trong khi các tuyến đường bộ bằng xe buýt và xe hơi vẫn tiếp tục mở. Nhiều hãng hàng không quốc tế đang tiếp tục hủy các chuyến bay đến và đi từ Nga. Những người Mỹ sống ở các khu vực của Nga gần với Ukraine được cảnh báo rằng tình hình dọc biên giới rất khó lường và nguy hiểm.

Bản hướng dẫn khuyến nghị, “Do xung đột vũ trang đang diễn ra, công dân Mỹ được khuyến cáo không nên đi đường bộ từ Nga đến Ukraine. Ngoài ra, hành vi quấy rối người ngoại quốc có khả năng xảy ra trên khắp nước Nga, bao gồm cả thông qua các quy định đặc biệt nhắm thẳng vào người ngoại quốc.”

Theo Bộ Ngoại giao, một số công dân Mỹ đã bị bắt vì “các cáo buộc giả” và bị các cơ quan an ninh Nga từ chối đối xử công bằng và minh bạch. Một số người Mỹ đã bị kết án trong các phiên tòa bí mật với ít hoặc không có bằng chứng đáng tin cậy.

Cựu Thủy quân Lục chiến Mỹ Trevor Reed đã bị kết án chín năm tù tại Nga vào năm 2020 với tội danh hành hung một sĩ quan cảnh sát, mà Hoa Thịnh Đốn cho rằng đó là án tù oan.

Các nhà chức trách Nga có thể trì hoãn việc tiếp cận lãnh sự đối với người Mỹ. Moscow cũng có thể từ chối thừa nhận hai quốc tịch, cho phép chính phủ ngăn không cho người Mỹ có quốc tịch ở cả hai quốc gia rời khỏi Nga.

Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh tế và thế giới cho The Epoch Times.

Việt Phương biên dịch

Related posts