Hoa Kỳ bật đèn xanh cho Ba Lan gửi chiến đấu cơ đến Ukraine
Katabella Roberts
Hôm 06/03, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ đã “bật đèn xanh” cho Ba Lan, một thành viên của NATO, để gửi chiến đấu cơ cho Ukraine, như một phần của viện trợ quân sự nhằm hỗ trợ nước này phòng thủ chống lại sự xâm lược của Nga.
“Việc đó đã được bật đèn xanh,” ông Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Face the Nation” trên kênh CBS News khi được hỏi liệu chính phủ Ba Lan, với tư cách là một thành viên của NATO, có thể gửi các chiến đấu cơ đến Ukraine hay không.
Ông Blinken cho biết thêm, “Trên thực tế, ngay bây giờ chúng tôi đang nói chuyện với những người bạn Ba Lan của chúng tôi về những gì chúng tôi có thể làm để đáp ứng các nhu cầu của họ nếu họ thực sự chọn cung cấp các chiến đấu cơ này cho Ukraine. Chúng tôi có thể làm những gì? Làm cách nào chúng tôi có thể giúp để bảo đảm rằng họ có thứ gì đó để bù đắp cho chỗ phi cơ mà họ đang giao cho Ukraine?”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, cũng nhắc lại nhận xét của ông Blinken trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “This Week” của đài ABC.
“Chúng tôi đã tham vấn chặt chẽ với chính phủ Ba Lan cũng như với các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này. Chúng tôi không phản đối việc chính phủ Ba Lan cung cấp các phản lực cơ này cho Ukraine theo bất kỳ cách nào, và chúng tôi đang làm việc, như quý vị đã lưu ý, để xem chúng tôi có thể bù đắp trở lại như thế nào,” bà Thomas-Greenfield nói.
Khi được hỏi liệu chiến đấu cơ của Mỹ có thể được cung cấp cho Ba Lan và các quốc gia NATO khác hay không, bà Thomas-Greenfield cho biết các quan chức vẫn đang thảo luận vấn đề này với Ba Lan.
Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, bà Oksana Markarova, nói với chương trình “Face the Nation” rằng bà hy vọng Ukraine sẽ nhận được chiến đấu cơ từ Ba Lan “càng sớm càng tốt.”
Bà nói: “Chúng tôi đang làm việc với các bằng hữu và đồng minh của chúng tôi, đặc biệt là người Mỹ, về việc cung cấp ổn định tất cả các loại đạn dược và vũ khí phòng không, vũ khí chống tăng, và phi cơ để có thể bảo vệ đất nước của chúng tôi một cách hiệu quả.”
Cũng trong ngày Chủ Nhật (06/03), Ngoại trưởng Blinken cho biết trong cuộc họp báo với Tổng thống Moldova, bà Maia Sandu rằng Hoa Thịnh Đốn đang thảo luận với Warsaw về một đề xướng thỏa thuận ba bên cho phép Ukraine mua chiến đấu cơ từ nước này.
Theo thỏa thuận được đề xướng, Ba Lan sẽ cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ Mikoyan MiG-29, loại chiến đấu cơ mà nước này đã không còn sử dụng từ đầu những năm 2000, đổi lại Hoa Kỳ sẽ trang bị cho các kho chứa của Ba Lan các phi cơ F-16 do Mỹ sản xuất.
Không quân Ba Lan đã dần dần không còn dùng các phi cơ MiG-29 và thay vào đó mua F-16 trong 15 năm qua khi nước này tiến hành hiện đại hóa kho vũ khí và giảm sự phụ thuộc vào trang thiết bị của Nga.
Ngoại trưởng Blinken cho biết: “Chúng tôi đang xem xét tích cực câu hỏi về các phi cơ mà Ba Lan có thể cung cấp cho Ukraine hiện nay và xem xét cách chúng tôi có thể tiếp tế nếu Ba Lan quyết định sử dụng những phi cơ đó – để cung cấp các chiến cơ đó. Tôi không thể nói về lịch trình cụ thể, nhưng tôi chỉ có thể nói với ngài rằng chúng tôi đang xem xét rất, rất tích cực việc này.”
Ông Blinken cho biết thêm rằng Hoa Thịnh Đốn đã cung cấp hỗ trợ an ninh cho Kyiv trong năm qua với hơn 1 tỷ USD và tiếp tục làm việc với các quan chức Ukraine để “có được đánh giá cập nhật từng phút về nhu cầu của họ.”
Các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh các quan chức phương Tây đang chịu áp lực tăng cường vũ khí và đạn dược cho Ukraine để Ukraine có thể tự vệ trong cuộc tấn công của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đây đã nói rằng ông cần “đạn dược, chứ không phải một chuyến di tản,” khi Hoa Kỳ đề nghị ông tị nạn sau khi quân đội Nga xâm lược đất nước.
Theo Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), trong cuộc gọi Zoom hôm thứ Bảy (05/03) với các nhà lập pháp Hoa Kỳ, ông Zelensky một lần nữa nhắc lại rằng Ukraine cần phi cơ quân sự, và đặc biệt yêu cầu phi cơ do Nga sản xuất.
“Tổng thống Zelensky đã đưa ra lời khẩn cầu tuyệt vọng để các nước Đông Âu cung cấp phi cơ do Nga sản xuất cho Ukraine,” ông Schumer cho biết. “Những phi cơ này là rất cần thiết. Và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao những phi cơ này.”
Việt Phương biên dịch
Thử nghiệm tốc độ Internet vệ tinh Starlink tại Ukraine: Kết quả đầy ấn tượng
Dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX đã được “kích hoạt” tại Ukraine không lâu sau khi Nga bắt đầu thực hiện cuộc tấn công nhắm vào quốc gia này.
Ở thời điểm chiến sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra căng thẳng có thể gây ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng viễn thông của Ukraine, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk được xem như một sự cứu cánh với người dân nước này. Tuy nhiên, liệu trải nghiệm sử dụng thực tế sẽ ra sao? Mới đây, Oleg Kutkov, người dùng hiện đang cư trú tại Thủ đô Kyiv của Ukraine, đã đăng tải video thử nghiệm tốc độ của Starlink dựa trên công cụ Speedtest.net.
Trong đoạn video, chúng ta có thể thấy rằng Starlink đạt tốc độ tải xuống (download) chạm ngưỡng 200 Mbps. Đây là một con số cực kỳ ấn tượng, vượt qua cả nhiều hệ thống mạng Internet thông qua dây cáp truyền thống. Tốc độ tải lên (upload) đạt gần 14 Mbps, nhưng từng đó cũng là quá đủ cho nhu cầu truy cập Internet cơ bản của người dùng.
Mức ping 75 ms của Starlink khá cao so với các dịch vụ Internet truyền thống, tuy nhiên Oleg Kutkov vẫn cảm thấy hoàn toàn hài lòng với chất lượng dịch vụ. Dù vậy, cũng cần phải nói rằng anh này chỉ coi Starlink là một phương pháp kết nối dự phòng, khi mạng cáp quang và mạng di động hiện vẫn đang hoạt động tại Kyiv.
“Thật không thể tin được. Nhiều người đã nhận xét về độ trễ ping. Nhưng đừng quên rằng đây là một kết nối vệ tinh hoạt động trong điều kiện không tối ưu. Starlink chỉ một kênh dự phòng đối với tôi, và tôi không có gì phải phàn nàn. Hiện tại mạng cáp quang nhanh và rẻ, cũng như mạng LTE vẫn đang hoạt động ở đây”, Oleg cho biết.
Tỉ phú Elon Musk, CEO SpaceX, tuyên bố hôm 26/2 vừa qua rằng dịch vụ Intenet vệ tinh Starlink của công ty đã được “kích hoạt” ở Ukraine sau khi Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov lên tiếng đề nghị hỗ trợ. Ông cho biết thêm rằng SpaceX đang gửi thêm các thiết bị đầu cuối (terminal) đến Ukraine, nơi mạng Internet đã bị gián đoạn do cuộc tấn công của Nga. Kết quả là, chỉ khoảng 2 ngày sau phát biểu trên, thiết bị đã được gửi tới. Thông tin này đã được ông Fedorov xác nhận trên Twitter.
Cụ thể, trên mạng xã hội Twitter, Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov đã đăng tấm hình chụp các thiết bị SpaceX gửi đến Ukraine. “Thiết bị Starlink đây rồi. Cảm ơn Elon Musk”, ông Fedorov viết.
Dù vậy, ông Elon Musk đã lên tiếng cảnh báo rằng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của công ty đã được kích hoạt ở Ukraine rất có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Ông cho biết trên Twitter: “Cảnh báo quan trọng: Starlink là hệ thống thông tin liên lạc duy nhất không phải của Nga vẫn đang hoạt động ở một số vùng của Ukraine, do đó, khả năng trở thành mục tiêu [bị tấn công] là rất cao. Hãy sử dụng một cách thận trọng”.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khuyến cáo từ một nhà nghiên cứu bảo mật Internet. Người này cho biết cách đây vài ngày rằng các thiết bị được sử dụng để liên lạc vệ tinh có thể là “đèn hiệu” bị nhắm mục tiêu bởi các cuộc không kích của Nga. Ông Musk yêu cầu người dùng “chỉ bật Starlink khi cần thiết và đặt ăng-ten ở nơi xa người nhất có thể”. Ông cũng đề nghị rằng hãy đặt vật ngụy trang màu nhạt trên ăng-ten để tránh bị phát hiện.
Phan Anh (tổng hợp)
Các ngân hàng Nga phát hành thẻ qua UnionPay của Trung Quốc khi Visa, Mastercard cắt đứt liên hệ
Ngân hàng trung ương Nga cho biết hôm Chủ Nhật (06/03), thẻ tín dụng do các ngân hàng Nga phát hành sử dụng hệ thống thanh toán Visa và Mastercard sẽ ngừng hoạt động ở ngoại quốc sau ngày 09/03, đồng thời cho biết thêm rằng một số công ty cho vay địa phương sẽ sử dụng hệ thống UnionPay của Trung Quốc để thay thế.
Ngân hàng cho biết thẻ Mastercard và Visa do Nga phát hành sẽ được chấp nhận tại Nga cho đến khi chúng hết hạn.
Ngân hàng cho hay lệnh cấm ở ngoại quốc cũng áp dụng đối với thẻ do các công ty con của ngân hàng nước ngoài phát hành.
Thông báo của họ được đưa ra sau khi các công ty thanh toán Hoa Kỳ Visa Inc. và Mastercard Inc. cho biết họ đang tạm ngừng hoạt động ở Nga, gia nhập danh sách các công ty đang cắt đứt liên kết kinh doanh với Nga.
Ngân hàng trung ương cho biết thêm rằng nhiều ngân hàng Nga có kế hoạch phát hành thẻ bằng UnionPay, một hệ thống mà họ cho biết đã được kích hoạt ở 180 quốc gia.
Họ cho biết thêm, trong khi một số ngân hàng Nga đã sử dụng UnionPay, những ngân hàng khác bao gồm Sberbank và Tinkoff có thể bắt đầu phát hành thẻ đồng ký hiệu hệ thống thanh toán Mir nội địa của Nga với UnionPay.
Hàng ngàn người Nga, bao gồm cả những người đi nghỉ, đang bị mắc kẹt ở ngoại quốc sau khi nhiều nước đóng cửa không phận đối với phi cơ Nga trong khi Nga trả đũa bằng lệnh cấm bay đối với nhiều hãng hàng không ngoại quốc.
Ngân hàng trung ương khuyến cáo công dân hiện đang ở ngoại quốc rút tiền mặt trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Nhật Thăng biên dịch
Báo cáo của ông Lý Khắc Cường mở đường cho nhiệm kỳ mới của ông Tập
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu báo cáo công tác của chính phủ tại Kỳ họp thứ 5 của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Đại hội Toàn quốc) khóa 13. Trong phần trình bày của mình, ông đã dành nhiều lời khen ngợi quá mức cho ông Tập Cận Bình. Theo phân tích bên ngoài, ý định của ông Lý Khắc Cường là mở đường cho nhiệm kỳ mới của ông Tập Cận Bình lên nắm “quyền lực tuyệt đối”.
Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc vào ngày 5/3. Ông Lý Khắc Cường đã báo cáo về công tác của chính phủ. Toàn bài vẫn lấy sự “ổn định” do Chủ tịch Tập Cận Bình đặt định làm trục điều hành chính, và gần như “bỏ qua” các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu như chiến tranh Nga-Ukraine.
Trong những đoạn điểm lại công việc và công tác ngoại giao năm qua, có nhiều lời khen ngợi quá mức dành cho ông Tập Cận Bình. Ví dụ, trong báo cáo của mình, ông Lý Khắc Cường yêu cầu chính quyền các cấp phải “nhận thức sâu sắc” ý nghĩa của “2 xác lập”, để đạt được “2 duy hộ”, và duy trì “mức độ nhất quán cao” với “Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt.”
“2 xác lập” chỉ việc xác lập ông Tập Cận Bình làm nòng cốt của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và nòng cốt của toàn ĐCSTQ; đồng thời xác lập quan điểm chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Kỳ thực là nhằm tâng bốc “thành quả chính trị quan trọng” từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ đến nay.
“2 duy hộ” là khẩu hiệu mà ông Tập đưa ra trong thời gian cầm quyền của mình, đề cập đến việc giữ vững vị trí nòng cốt của ông Tập trong Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và trong toàn Đảng; đồng thời giữ vững quyền lực và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ.
Trong báo cáo công việc của chính phủ do ông Lý Khắc Cường đưa ra lần này, ông đề cập rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến cho năm nay là khoảng 5,5%. Đây là mức thấp nhất trong kế hoạch kinh tế của ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ. Năm ngoái nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng vẫn được đặt ở mức 6%.
Một số kênh truyền thông cho rằng đánh giá từ bài phát biểu của ông Lý Khắc Cường cho thấy, việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử dường như đã không thành vấn đề.
Theo phân tích của “New York Times”, ngoài nỗi lo toàn cầu về cuộc chiến đang nhấn chìm Ukraine, Trung Quốc đã đặt nền kinh tế năm 2022 của mình trên con đường mở rộng ổn định, ưu tiên tăng trưởng, tạo việc làm và tăng phúc lợi xã hội. Trong đó dường như có ẩn ý rằng:
Trung Quốc có thể vượt qua tình trạng hỗn loạn ở châu Âu và cam kết ổn định nền kinh tế trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 quan trọng của ĐCSTQ vào mùa thu này. Ông Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ kéo dài thời gian cầm quyền của mình vào khi đó.
Ông Lý Khắc Cường cho biết trong báo cáo công tác của chính phủ rằng cần tăng cường huấn luyện quân đội và khả năng sẵn sàng chiến đấu; đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý và hậu cần quân đội.
Quân đội ĐCSTQ đang phát triển nhiều loại vũ khí, từ máy bay chiến đấu tàng hình đến hàng không mẫu hạm. Theo báo cáo ngân sách do chính phủ ĐCSTQ đệ trình, chi tiêu quốc phòng năm nay là 1.450,4 tỷ nhân dân tệ (NDT, tương đương 229,5 tỷ USD), tăng 7,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng của năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2019.
Tờ “New York Times” cho rằng trước tình hình bất ổn toàn cầu do dịch bệnh và cuộc chiến ở Ukraine gây ra, báo cáo nhấn mạnh chính phủ chú trọng việc duy trì sự tăng trưởng. Ông Lý Khắc Cường đã khiến những người nghĩ rằng ông sẽ lên tiếng về Ukraine cảm thấy thất vọng. Nhưng ngân sách quân sự tăng 7,1% dường như cũng cho thấy rằng họ đang chuẩn bị cho một thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
Trang BBC tiếng Trung dẫn lời ông Takashi Kawakami, giáo sư tại Viện Các vấn đề hải ngoại thuộc Đại học Takushoku của Nhật Bản, đã phân tích rằng bước tiếp theo mà ngoại giới chú ý là cách Hoa Kỳ phản ứng với sự tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, nhưng ông mô tả tình hình hiện tại “dường như đã hình thành một cuộc chạy đua vũ trang.”
Một mối quan tâm khác trong báo cáo công tác chính phủ của ông Lý Khắc Cường là cách diễn đạt bằng văn bản liên quan đến Hồng Kông và Đài Loan. Ông Lý Khắc Cường nói rằng năm nay Trung Quốc sẽ thực hiện quản trị toàn diện đối với Hồng Kông và Ma Cao.
Về Đài Loan, ông cho rằng công tác về Đài Loan cần quán triệt theo “chiến lược tổng thể của đảng về giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời kỳ mới”, tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” và “Đồng thuận năm 1992”, thúc đẩy “phát triển hòa bình và thống nhất” các mối quan hệ xuyên eo biển, và kiên quyết “phản đối hành động ly khai Đài Loan độc lập” và “sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.”
Ông Lý Khắc Cường không nêu tên các thế lực bên ngoài, nhưng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đã trở nên thân thiết trong những năm gần đây. Ủy ban các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố về báo cáo công việc của ông Lý Khắc Cường, đặc biệt đề cập đến tuyên bố “giải quyết vấn đề Đài Loan”, rằng nếu chính quyền Bắc Kinh không phản ứng cụ thể, cộng đồng quốc tế sẽ cảnh giác trước mối đe dọa của họ đối với an ninh của eo biển Đài Loan, và bất kỳ cuộc thảo luận chính sách, thiết lập lý luận, hay nền pháp chế đơn phương nào, v.v. đều là vô căn cứ.
Miêu Vi / Vision Times
Trung Quốc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng ca ngợi mối quan hệ với Nga
Hôm thứ Hai (7/3), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Hội Chữ Thập Đỏ nước này sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine “càng sớm càng tốt”, nhưng cũng ca ngợi tình hữu nghị của Bắc Kinh với Moscow “vững chãi như đá”.
Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, cũng như từ chối gọi đây là một cuộc xâm lược, đồng thời yêu cầu các nước phương Tây tôn trọng “các mối quan tâm an ninh chính đáng” của Nga.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng nguyên nhân của “tình hình Ukraine” là “phức tạp” và không thể xảy ra trong một sớm một chiều.
Ông phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc: “Giải quyết các vấn đề phức tạp cần sự bình tĩnh và hợp lý, hơn là đổ thêm dầu vào lửa và làm gia tăng mâu thuẫn”.
Ông Vương nói, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ của nước này sẽ “sớm nhất có thể” cung cấp một đợt viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vài giờ trước khi bắt đầu Thế vận hội Mùa đông vào tháng trước tại Bắc Kinh và hai bên đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” nhằm chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Ông Vương nói rằng tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga là “vững như đá” và triển vọng hợp tác vẫn tươi sáng.
Ông nói: “Dù tình hình quốc tế có nguy hiểm đến đâu, cả Trung Quốc và Nga sẽ giữ vững quyết tâm chiến lược và không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp trong thời kỳ mới”.
Ngân Hà (theo Reuters)