Trong khi Nga xâm lược Ukraine, ĐCSTQ đang chơi trò chơi hai mặt có thể khiến chính mình bị ‘bỏng tay’.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, một mặt ĐCSTQ đã ủng hộ Nga, hôm 7/3 Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Nga hợp tác sâu rộng và có nhiều triển vọng; mặt khác, ĐCSTQ đang cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Các chuyên gia cho rằng ĐCSTQ đang chơi trò chơi hai mặt, có thể dẫn đến ‘bỏng tay’.
Vương Nghị nhấn mạnh tăng cường hợp tác Trung-Nga. Hồ Bình: ĐCSTQ rõ ràng đứng về phía Nga
Ngày 7/3 là ngày thứ 12 Nga xâm lược Ukraine. Cả hai bên đều có thương vong nặng nề. Tuy nhiên, đoàn xe quy mô lớn của quân đội Nga tới Kiev, thủ đô Ukraine, vẫn bị đình trệ và đại sứ quán Trung Quốc tại Uzbekistan đã đưa ra “thông báo khẩn cấp” nói rằng tình hình ‘có khả năng leo thang căng thẳng”.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang xem xét gia tăng hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/3 nhấn mạnh rằng tình hữu nghị Trung-Nga là “vững như bàn thạch” và Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, “triển vọng hợp tác trong tương lai là rất lớn”.
Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh, nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ rõ ràng đứng về phía Nga. Ông Hồ Bình nói: “Không giống như suy đoán của nhiều người rằng ông Tập Cận Bình không biết và bị ông Putin lừa, không có nghi ngờ gì về việc ông Putin đã nói chuyện rõ ràng với ông Tập Cận Bình trước khi chiến tranh bắt đầu”.
Ông Hồ Bình nói rằng bài phát biểu của ông Vương Nghị, cho dù đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, hay vai trò của ĐCSTQ trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga, có lẽ đã cho thế giới hiểu rõ hơn.
Juscelino Colares, giáo sư khoa học chính trị và luật kinh doanh tại Đại học Case Western Reserve, trước đó nói với VOA rằng: “(Bắc Kinh) kêu gọi sự thận trọng và kêu gọi ‘hòa bình’, nhưng cản trở hoặc bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với các lệnh trừng phạt chống lại Nga”.
“[Đây] là một ví dụ khác về một vòng phối hợp chặt chẽ độc hại giữa hai chế độ tàn sát”, ông Colares nói.
Ông Colares cho biết quyết định của Bắc Kinh mua than, dầu và khí đốt của Nga trên quy mô lớn diễn ra vào thời điểm các nước khác đang trừng phạt Nga.
Thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và dự kiến đạt 200 tỷ USD vào năm 2024, theo dữ liệu của Reuters.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày thứ Bảy (5/3). Ông Blinken cảnh báo rằng thế giới đang theo dõi xem quốc gia nào giữ vững các nguyên tắc tự do, tự quyết và chủ quyền trước hành động gây hấn của Moscow.
Làm thế nào mà ĐCSTQ có thể đóng vai trò trung gian trong khi hỗ trợ kẻ xâm lược?
Trong khi tuyên bố rằng tình hữu nghị Trung-Nga là “vững như bàn thạch” và ủng hộ Nga, ông Vương Nghị cũng muốn đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tại cuộc họp báo của hai kỳ họp, ông Vương Nghị cũng cho rằng vào thời điểm quan trọng này, các nước cần đoàn kết hơn là chia rẽ, đối thoại hơn là đối đầu. Trung Quốc hy vọng vòng đàm phán thứ ba sắp tới sẽ đạt được tiến triển mới.
Hôm 7/3, Ukraine và Nga lần thứ ba ngồi vào bàn đàm phán. Địa điểm đàm phán vẫn là Belarus. Đến khoảng 6 giờ tối hôm đó, cuộc đàm phán giữa hai bên kết thúc.
Phái đoàn Ukraine cho biết sau các cuộc đàm phán rằng có rất ít tiến bộ trong việc cải thiện hậu cần của các hành lang nhân đạo và “không có kết quả quan trọng” nào về việc ngừng bắn và ngừng các hoạt động quân sự.
Thỏa thuận ngừng bắn do Nga đề xuất yêu cầu Ukraine công nhận Crimea thuộc về Nga, cũng như sự độc lập của Donbass, đồng thời hứa sẽ vô hiệu hóa và không gia nhập NATO.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nói thẳng vào ngày 7/3 rằng Bắc Kinh là nhân tố chính trong việc thay đổi xung đột giữa Ukraine và Nga, “không quốc gia nào có thể có ảnh hưởng đối với Nga hơn Trung Quốc”.
Ông Morrison kêu gọi Bắc Kinh đứng lên lên án Nga, ngừng hỗ trợ kinh tế và chính trị cho Nga.
Ông Hồ Bình nói rằng nhiều người hy vọng Bắc Kinh có thể đóng vai trò trung gian trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng làm thế nào để làm trung gian? “Đương nhiên là không thích hợp”.
Phân tích: Trò chơi hai mặt của ĐCSTQ có thể dẫn đến ‘bỏng tay’
Trong cuộc chiến Nga-Ukraine này, mặc dù có sự chênh lệch rất lớn về sức mạnh quân sự giữa Nga và Ukraine, nhưng hiệu quả hoạt động của quân đội Nga lại kém xa so với dự kiến của thế giới. Vài ngày trước, trên internet đã lan truyền thông tin tình báo của một nhà phân tích tình báo thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết cuộc chiến chống Ukraine của ông Putin sẽ là một “thất bại hoàn toàn”.
Giáo sư Colares nói với VOA rằng trò chơi hai mặt của Bắc Kinh có thể phản tác dụng khi cộng đồng quốc tế có thể bắt đầu trừng phạt Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh đang lo lắng. ĐCSTQ kêu gọi hoà bình trong khi ủng hộ những người khởi xướng chiến tranh.
Tuần trước, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với các biện pháp đáp trả của Mỹ nếu họ cố gắng giúp Moscow né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.
Hoa Kỳ cũng đang cảnh báo ĐCSTQ “đừng noi gương Nga và xâm lược Đài Loan”. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Biden đã cử một phái đoàn lưỡng đảng đến Đài Loan, và cựu Ngoại trưởng Pompeo cũng đã đến thăm Đài Loan, như một lời cảnh báo rõ ràng đối với ĐCSTQ.
Ông Colares nói với VOA rằng : “[Nga và Trung Quốc] hợp tác công khai và bí mật trong lĩnh vực kinh tế và chính trị khu vực, và ĐCSTQ lo ngại rằng cuộc xung đột hiện tại có thể dẫn đến lệnh trừng phạt kinh tế thứ hai nhắm vào Trung Quốc vì nước này không muốn ngừng kinh doanh với Nga”.
Các biện pháp trừng phạt quốc tế hiện nay đối với Nga là chưa từng có, bao gồm các lĩnh vực như tài chính, quân sự, công nghệ, thể thao và xuất khẩu hàng hóa khác. Bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, đồng rúp của Nga đã mất giá mạnh, thị trường chứng khoán Nga giảm xuống mức giới hạn, dòng vốn nước ngoài rời đi, một cuộc khủng hoảng tài chính và suy sụp kinh tế sắp xảy ra.
Theo Epoch Times