Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga, đánh dấu một bước đi mạnh mẽ mới của Mỹ trong bối cảnh các đồng minh châu Âu vẫn chần chừ vì sự phụ thuộc vào Nga.
Trong bài phát biểu lúc hai giờ 30 phút sáng ngày 9/3 (giờ Sydney), Tổng thống Biden nhấn mạnh lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga không chỉ bao gồm dầu mỏ mà còn khí đốt.
“Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận ở các cảng của Mỹ và người Mỹ sẽ giáng thêm một đòn mạnh mẽ nữa vào cỗ máy chiến tranh của Nga”, ông Biden giải thích.
Tổng thống Mỹ thừa nhận hành động này sẽ ảnh hưởng đến người dân Mỹ, vốn đã chịu giá nhiên liệu tăng vọt và lạm phát đẩy giá nhiều mặt hàng khác lên cao.
Lệnh cấm nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, theo ông Biden. Mỹ cũng đã tham vấn với các đồng minh trước khi thông báo tiến hành.
Trong thông điệp gửi đến người dân, ông Biden khẳng định chính cuộc chiến của Nga đã đẩy giá nhiên liệu lên cao: “Cuộc chiến này là lời nhắc nhở cho chúng ta phải độc lập về năng lượng”, ông Biden nói.
“Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông ấy có thể chiếm được một thành phố, nhưng sẽ không bao giờ có thể giữ được đất của nước đó. Và nếu chúng ta không đáp trả cuộc tấn công của Nga vào nền hòa bình và ổn định toàn cầu ngày hôm nay, cái giá phải trả cho tự do và cho người dân Mỹ sẽ còn lớn hơn trong tương lai”, Tổng thống Biden nói và ca ngợi sự dũng cảm của người Ukraine.
Trong bài phát biểu dài hơn 12 phút, ông Biden cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine.
Từ khi truyền thông phát đi thông tin Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, giá dầu Brent trên thị trường đã nhích lên.
Giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của chiến dịch quân sự đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt. Mặc dù Mỹ không phải là nước mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Tổng thống Biden đã làm việc với các đồng minh ở châu Âu trong những ngày vừa qua để tìm cách cô lập nền kinh tế dựa vào xuất khẩu năng lượng của Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20.4 triệu thùng dầu thô và tinh chế mỗi tháng từ Nga vào năm 2021. Con số này tương đương khoảng 8% lượng nhiên liệu lỏng nhập khẩu của Mỹ, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ.
Bất kỳ lệnh cấm nào đều có khả năng làm tăng giá xăng dầu và khiến lạm phát tại Mỹ thêm tồi tệ hơn nữa, theo hãng tin Reuters.
“Chúng ta sẽ chứng kiến giá xăng tăng ở Mỹ. Người dân châu Âu cũng sẽ thấy giá tăng đáng kể. Đó là cái giá phải trả cho việc đứng lên vì tự do và sát cánh cùng người dân Ukraine”, Thượng nghị sĩ Chris Coons nói.
Khác với Mỹ, châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập cảng từ Nga. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Moscow có thể đóng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 nếu phương Tây cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ủng hộ lệnh cấm dầu cũng như tăng thuế đối với các hàng hóa khác của Nga để “cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu.”
Tuy nhiên theo bà Pelosi, cần có các bước để giảm giá dầu, bao gồm việc giải phóng thêm dầu thô từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ.
Trong động thái nỗ lực bù đắp nguồn thiếu hụt từ Nga, Mỹ đã cử một đoàn quan chức tới Venezuela để thảo luận về “an ninh năng lượng” và một số vấn đề khác.