Chi phí phân bón tăng do chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến giá lương thực trên toàn thế giới

Nicholas Dolinger

Người lao động chất những bao tải phân bón lên một chiếc xe tải tại một nhà ga ở ngoại ô Amritsar, Ấn Độ hôm 01/05/2020 (Ảnh: Narinder Nanu/AFP/Getty Images)

Chi phí phân bón đã tăng lên đáng kể kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, và việc chi phí tăng dự kiến ​​sẽ dẫn đến hóa đơn thực phẩm cao hơn và giá thực phẩm tiếp tục lạm phát.

Nga, phần lớn là do diện tích khổng lồ và sự đa dạng về địa lý, là nước xuất cảng nhiều chất dinh dưỡng cây trồng không đâu bằng. Nga sản xuất 25% nguồn cung cấp các thành phần phân bón chính là nitơ, kali và photphat của Âu Châu, và bất kỳ sự gián đoạn nào đối với các hoạt động xuất cảng này có thể gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất lương thực trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ và NATO cố gắng làm tê liệt nền kinh tế Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, các biện pháp trừng phạt này chắc chắn sẽ gây ra những tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu, góp phần làm tăng lạm phát đối với các nhu yếu phẩm như nhiên liệu và thực phẩm.

Trong khi nhiều giấy mực đã được đổ dồn về việc xuất cảng khí đốt tự nhiên từ Nga sang Âu Châu, một hậu quả có thể bị bỏ qua của các lệnh trừng phạt là tác động của các lệnh này lên giá phân bón, dẫn đến giá lương thực trên toàn thế giới cao hơn đáng kể.

Hôm thứ Sáu (04/03), Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nga khuyến nghị các nhà sản xuất phân bón của nước này ngừng xuất cảng, với lý do không chắc liệu những mặt hàng xuất cảng này có tiếp cận được thị trường ngoại quốc hay không.

Ngay cả trước khi xảy ra cuộc xâm lược, giá phân bón đã tăng chóng mặt, phần lớn là do giá khí đốt cần thiết để vận chuyển phân bón qua các quốc gia và châu lục tăng. Tại New Orleans, phân đạm urê thông thường tăng 29% lên 705 USD/tấn Mỹ, lập kỷ lục về lạm phát giá trong một ngày trong lịch sử 45 năm của dữ liệu về giá mặt hàng này. Vào thời điểm mở cửa thị trường hôm thứ Hai (07/03), giá đã tiếp tục tăng lên 850 USD/tấn Mỹ và xu hướng này không có dấu hiệu giảm xuống khi xuất cảng phân bón của Nga tiếp tục vắng bóng một cách đáng lo ngại trên thị trường toàn cầu.

Tính cấp thiết của việc giải quyết tình trạng khan hiếm phân bón đã thúc đẩy một số chuyên gia hình dung ra những sản phẩm thay thế sáng tạo — và đối với nhiều người, không được ưa chuộng.

Trong những năm gần đây, ba tiểu bang đã thông qua đạo luật hợp pháp hóa việc khử hữu cơ tự nhiên, hay còn được gọi là “phân hủy xác người”, một phương tiện mới và gây tranh cãi để xử lý xác người bằng cách hòa tan thi thể người trong nước để dùng làm phân bón. Đối với những người ủng hộ, đó là một cách hợp lý về mặt sinh thái để đưa thân thể con người về lại với môi trường; đối với các nhà phê bình, đó là một sự thiếu tôn trọng kỳ lạ và mất nhân tính đối với những người đã khuất.

Quá trình phân hủy xác người vẫn còn lâu mới trở thành một yếu tố quan trọng trong ngành công nghiệp phân bón, và các quy trình như vậy còn xa so với những tác động tức thời của cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, nếu giá phân bón vẫn căng thẳng về mặt địa chính trị do xung đột kéo dài ở Đông Âu, thì điều tự nhiên là các nguồn phân bón thay thế có thể trở nên hấp dẫn hơn.

Trong tương lai gần, hậu quả sẽ thể hiện dưới hình thức giá lương thực tăng cao — một gánh nặng sẽ không chừa một ai, vì ảnh hưởng đến một trong những nhu cầu thiết yếu nhất đối với cuộc sống của con người. Đối với người tiêu dùng, việc không có phân bón của Nga có thể ảnh hưởng trực tiếp, khiến các gia đình chịu thiệt thòi khi phải dành ra một phần ngày càng nhiều hơn trong thu nhập của họ để chi cho thực phẩm.

Ông Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times và là người tạo ra podcast “The Beautiful Toilet”.

Chánh Tín biên dịch

Related posts