Ảnh chụp từ vệ tinh Maxar: Nga tái điều động đoàn xe ở Kyiv
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh của công ty Maxar cho thấy đoàn xe khổng lồ của Nga bị sa lầy bên ngoài thủ đô Ukraine kể từ tuần trước dường như đã giải tán.
Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy một đoàn phương tiện, xe tăng và pháo dài 40 dặm (64 km) đã chia nhỏ ra và được tái điều động, với các đơn vị thiết giáp được nhìn thấy ở các thị trấn gần phi trường Antonov ở phía bắc thành phố. Một số phương tiện đã di chuyển vào rừng, theo ghi nhận của Maxar.
Đoàn xe đã đổ bộ ồ ạt bên ngoài thành phố hồi đầu tuần trước (28/02-06/03), nhưng bước tiến của họ dường như đã bị đình trệ trong bối cảnh có các tin tức về tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết quân đội Ukraine cũng nhắm mục tiêu vào đoàn xe này bằng các hỏa tiễn chống tăng.
WHO cho biết đã khuyên Ukraine tiêu diệt mầm bệnh trong các phòng thí nghiệm y tế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyên Ukraine tiêu diệt mầm bệnh có mối đe dọa cao được đặt trong các phòng thí nghiệm y tế công cộng của nước này nhằm ngăn chặn “bất kỳ sự cố tràn ra” nào có thể lây lan dịch bệnh trong dân số, cơ quan này nói với Reuters hôm thứ Năm (10/03).
Các chuyên gia an toàn sinh học cho biết việc Nga di chuyển quân vào Ukraine và bắn phá các thành phố của nước này đã làm tăng nguy cơ mầm bệnh thoát ra nếu bất kỳ cơ sở nào trong số đó bị hư hại.
Giống như nhiều quốc gia khác, Ukraine có các phòng thí nghiệm y tế công cộng nghiên cứu cách giảm thiểu các mối đe dọa từ các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến cả động vật và con người, kể cả gần đây nhất là bệnh COVID-19. Các phòng thí nghiệm của nước này đã nhận được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và WHO.
Trả lời câu hỏi của Reuters về công việc của họ với Ukraine trước và trong khi diễn ra cuộc xâm lược của Nga, WHO cho biết trong một thư điện tử rằng họ đã hợp tác với các phòng thí nghiệm y tế công cộng của Ukraine trong vài năm để thúc đẩy các giao thức an toàn giúp ngăn chặn “việc phát tán mầm bệnh một cách ngẫu nhiên hoặc cố ý.”
WHO, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Một phần của công việc này là việc WHO đã khuyến nghị mạnh mẽ Bộ Y tế Ukraine và các cơ quan có trách nhiệm khác tiêu diệt các mầm bệnh có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn bất kỳ sự lây lan nào có thể xảy ra.”
WHO không cho biết họ đã khuyến nghị khi nào cũng như không cung cấp chi tiết cụ thể về các loại mầm bệnh hoặc chất độc được đặt trong các phòng thí nghiệm của Ukraine. Cơ quan này cũng không trả lời câu hỏi về việc liệu các khuyến nghị của họ có được tuân thủ hay không.
Các quan chức Ukraine ở Kyiv và tại đại sứ quán Ukraine ở Hoa Thịnh Đốn đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Tổng thống Zelensky cho biết 100,000 người trong vòng vây đã được di tản
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 100,000 người đã được di tản trong hai ngày qua khỏi bảy thành phố bị Nga bao vây ở phía bắc và trung tâm đất nước, kể cả vùng ngoại ô Kyiv.
Tuy nhiên, ông nói rằng việc Nga từ chối cho phép di tản người dân khỏi Mariupol, một thành phố cảng ở phía nam, “hoàn toàn là hành vi khủng bố.”
“Rõ ràng là họ có lệnh giữ Mariupol làm con tin, chế giễu thành phố này, liên tục ném bom và pháo kích,” ông Zelensky nói trong bài diễn văn hàng đêm trước toàn quốc. Ông cho biết người Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công bằng xe tăng ngay tại nơi được cho là có hành lang nhân đạo.
Thành phố 430,000 người đã không có nguồn cung cấp thực phẩm, nước sinh hoạt và điện trong 10 ngày. Các quan chức Ukraine cho biết khoảng 1,300 người đã thiệt mạng, trong đó có ba người tử vong trong vụ đánh bom một bệnh viện nhi-phụ sản hôm thứ Tư (09/03).
Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập về ‘các hoạt động sinh học’ ở Ukraine
Nga đã kêu gọi một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về “các hoạt động sinh học quân sự” ở Ukraine.
Ông Dmitry Polyanskiy, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 10/03 rằng, “Phái bộ Nga đã yêu cầu một cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 11/03 để thảo luận về các hoạt động sinh học quân sự của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Ukraine.”
Reuters đưa tin cho biết các nhà ngoại giao đã bày tỏ rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ triệu tập vào thứ Sáu (11/03) về vấn đề này.
Cuối ngày 09/03, Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc của Nga rằng Hoa Thịnh Đốn đang điều hành các phòng thí nghiệm ở Ukraine nhằm phát triển vũ khí sinh học.
Hôm 08/03, Nga đã nhắc lại cáo buộc của mình rằng Hoa Kỳ đang làm việc với các phòng thí nghiệm của Ukraine để phát triển vũ khí sinh học.
Hoa Kỳ và Ukraine khẳng định rằng các phòng thí nghiệm này đang tìm cách ngăn chặn vũ khí sinh học và mầm bệnh, chứ không phải phát triển chúng. Giống như nhiều quốc gia khác, Ukraine có các phòng thí nghiệm y tế công cộng để nghiên cứu cách giảm thiểu các mối đe dọa từ các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến con người và động vật.
Các tờ thông tin được đăng trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine, có thể tìm thấy qua thư viện số Internet Archive, liên kết đến một số tài liệu nêu chi tiết những khoản đầu tư của chính phủ Hoa Kỳ cho một số phòng thí nghiệm ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao về Các vấn đề Chính trị Victoria Nuland cho biết hôm 08/03 rằng Ukraine có “các cơ sở nghiên cứu sinh học” và Hoa Kỳ đang nỗ lực ngăn chặn người Nga kiểm soát chúng.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 09/03, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Nga “đang phát minh ra những cái cớ giả tạo để biện minh cho các hành động khủng khiếp của họ ở Ukraine.”
Tổng thống Putin: Hoa Kỳ không nên đổ lỗi cho Nga về giá khí đốt
Hôm thứ Năm (10/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây không nên đổ lỗi cho Nga và cuộc xung đột với Ukraine về giá khí đốt cao trong nước.
Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, ông Putin cho biết hôm thứ Năm rằng, “Nguồn cung dầu của Nga cho thị trường Hoa Kỳ không vượt quá 3%. Đây là một sản lượng không đáng là bao. Và giá của họ đang tăng lên. Chúng tôi hoàn toàn không liên quan gì đến việc đó.”
Ông Putin cũng nói thêm rằng Tòa Bạch Ốc đang cố gắng đổ lỗi những thất bại kinh tế của chính mình lên Nga, đồng thời nói thêm rằng họ “chỉ ẩn mình đằng sau những quyết định này để một lần nữa đánh lừa người dân của họ.”
Thủ tướng Trudeau: Canada sẽ nhận nhiều người tị nạn nhất có thể, đồng thời chuyển tiền quyên góp của người dân cho Ukraine
Hôm thứ Năm (10/03), Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết trong chuyến thăm Ba Lan rằng đất nước ông sẽ tiếp nhận “nhiều nhất có thể” người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine.
“Canada sẽ giúp, Canada ở đó để giúp,” ông Trudeau nói tại Ba Lan, thành viên NATO là láng giềng của Ukraine và đã mở cửa biên giới của mình cho những người tị nạn.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Mateusz Morawiecki, ông Trudeau bày tỏ sự ủng hộ đối với sự cởi mở của Ba Lan dành cho những người tị nạn và thảo luận về các cách thức hỗ trợ Ukraine và tiếp tục các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga.
“Chúng tôi sẽ cho phép họ học tập và làm việc khi họ đến đây,” ông Trudeau nói trong cuộc họp báo chung với ông Duda.
“Nhiều người trong số họ hy vọng sẽ có thể trở về Ukraine sau cuộc xung đột này, nhiều người cũng sẽ chọn tiếp tục cuộc sống của họ ở Canada và chúng tôi mong được chào đón nhiều người nhất có thể,” ông Trudeau cho biết.
Ông Duda cảm ơn ông vì đã là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên kêu gọi và đề nghị giúp đỡ Ba Lan trong những ngày căng thẳng trước cuộc xâm lược của Nga.
Cũng trong cùng ngày, Thủ tướng Canada cho biết sẽ chuyển số tiền quyên góp cá nhân nhằm hỗ trợ Ukraine mà người dân gửi cho Hội Chữ Thập Đỏ Canada cho Ukraine. Số tiền lên đến 30 triệu USD.
Ông Trudeau nói rằng điều này đang được thực hiện “bởi vì người Canada đã rất hào phóng trong việc quan tâm đến người dân Ukraine.”
Cam kết ban đầu của Canada là hỗ trợ các khoản đóng góp lên tới 10 triệu USD.