Những nét chính và thành quả của chính sách phát triển nông thôn do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đề xướng

LGT: Bài viết này nói về những nét chính của chính sách phát triển nông thôn do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phác họa trong bài diễn văn nhậm chức gởi đồng bào các giới nông-ngư-lâm-mục nhân dịp Lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nhiệm Kỳ 1971-1975 sau những thành quả đầy khích lệ về ngành nông nghiệp mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã gặt hái được trong bốn năm đầu của nền Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1971) dưới sự lãnh đạo của ông.

Nền Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam (1967-1975) dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đề ra những chính sách tích cực và những nổ lực phi thường trong ngành nông nghiệp mặc dầu đất nước thuở ấy còn trong hoàn cảnh chiến tranh. Mục đích các chính sách này là cải tạo đời sống kinh tế xã hội tại các vùng nông thôn.

Mục đích tối hậu của các chính sách kinh tế chung cho toàn quốc và những nổ lực của chính quyền thời Đệ Nhị Cộng Hòa là thực hiện cuộc cách mạng kinh tế và xã hội sâu rộng hầu đem lại an ninh, thịnh vượng và công bằng xã hội. Chính sách phát triển nông nghiệp là một phần trong chính sách phát triển kinh tế và xã hội chung cho toàn quốc trong đó có ba điểm trọng yếu:

  1. Phát triển kinh tế được tiến hành song song với việc thực thi công bằng xã hội, tức là tất cả mọi người dân phải được thụ hưởng sự phồn thịnh đến từ những sự phát triển kinh tế;
  2. Trong một xã hội công bằng và một nền kinh tế tiến bộ, những công cuộc phát triển kinh tế sau đó sẽ nhắm vào việc xây dựng một xã hội mới trong đó mọi người dân trở nên khá giả và giới trung lưu trong đó có khối nông dân sẽ là thành phần đa số của xã hội; và
  3. Khi dân chúng đầy đủ cơm ăn áo mặc, quốc gia sẽ tiến đến tự túc về thực phẩm và về nguyên liệu để giảm thiểu nhập cảng và khởi sự giai đoạn kỹ nghệ hóa và canh tân đất nước.

Điểm thứ 2 nêu trên nhấn mạnh thành phần nông dân trong sự phát triển kinh tế. Vì vậy, trong lãnh vực nông nghiệp, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ đã phát động và nổ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn nhằm vào ba mục tiêu chính, đó là:

  1. Tăng gia sản xuất nông sản, ngư sản và gia súc cần thiết để thỏa mãn nhu cầu trong nước;
  2. Nâng cao mức sống của nông dân và ngư dân; và
  3. Tăng gia sản xuất các loại nông sản, ngư sản và gia súc để xuất cảng hầu thu nhập thêm cũng như tiết kiệm ngoại tệ.

Để đạt được các mục tiêu về nông nghiệp nêu trên, chính quyền đã đề ra các chính sách thức thời hầu tận dụng khả năng của đất đai, canh tân nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng gia tăng và phức tạp của dân chúng, và tìm thị trường tiêu thụ.

TẬN DỤNG KHẢ NĂNG ĐẤT ĐAi

Các cơ qua chuyên môn hướng dẫn nông dân việc xử dụng hạt giống, phân bón, thuốc sát trùng, trồng xen kẻ hay trồng lua^n phiên nhiều loại hoa quả trên cùng một thửa đất hầu tăng gia thu hoạch hoa lợi và tạo công ăn việc làm quanh năm.

CANH TÂN NÔNG NGHiỆP

Các biện pháp nhằm canh tân nông nghiệp bao gồm:

. Đẩy mạnh việc xử dụng máy móc và các kỹ thuật tiến bộ trong việc canh tác, chăn nuôi, đánh cá và khai thác lâm sảnhầu giảm thời gian làm việc, bớt hao phí sức lao động, hạ giảm tổn phí sản xuất và gia tăng thu hoạch,

. Xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu để yểm trợ khu vực nông nghiệp như thực hiện các công trình thủy nông, xây dựng kho vựa tồn trữ, xây dựng bến cá, thành lập chợ búa, làm thêm đường xá để giúp cho việc vận tải và buôn bán các sản phẩm được thuận tiện, nhanh chóng và tránh được sự hư hỏng.

. Mở thêm các ngân hàng nông thôn, hiệp hội nông dân, hợp tác xã để đồng bào tại các xã ấp có đầy đủ vốn liếng và có những đoàn thể đủ sức mạnh trong các công tác thương thảo mua bán cơ giới, phân bón, sản phẩm.

ĐÁP ỨNG NHU CẦU DiNH DƯỠNG

Nhu cầu dinh dưỡng của nhân loại nói chung và dân chúng Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng và thêm phức tạp cho nên chính phủ có các biện pháp khuyến khích việc sản xuất các nông sản, ngư sản và gia súc khác nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế, giảm thiểu ảnh hưởng tai hại của việc thay đổi bất thường của giá cả. Các cơ quan chuyên môn sẽ đảm nhiệm việc phân tách những điều kiện thiên nhiên của mỗi địa phương như khí hậu, đất đai, sông ngòi nhằm ấn định các vùng nông nghiệp thích hợp cho các loại hoa màu và gia súc. Sự phát triển theo vùng cũng tạo sự thuận lợi cho các phương tiện tồn trữ, chuyên chở, mua bán các sản phẩm và tạo sự dễ dàng cho chính quyền trong những nổ lực yểm trợ cần thiết.

CHÚ TRỌNG ViỆC TìM THỊ TRƯỜNG TiÊU THỤ

Tìm thêm thị trường tiêu thụ nội địa và ngoại quốc vì sản phẩm có bán được nông dân, ngư dân, các nhà chăn nuôi và sản xuất lâm sản mới được hưởng lợi nhuận, mới tồn tại và tiếp tục sản xuất.

THÀNH QUẢ PHÁT TRiỂN NÔNG NGHiỆP 1967-1971

Dầu tình trạng chiến tranh ngày càng khốc liệt trong bốn năm đầu của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy vẫn nổ lực thực hiện các chương trình tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp bên cạnh những nổ lực bình định xứ sở, xây dựng nền móng chính trị dân chủ cho quốc gia. Thành quả của các chương trình cho nông nghiệp được thống kê như sau:

1. Chương trình lúa gạo

Dân chúng được gíúp đỡ trồng lúa Thần Nông là loại lúa có năng suất cao, trung bình mỗi mẫu sản xuất trên 5 tấn so với 2 tấn mỗi mẫu của các giống lúa cổ truyền. Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng chương trình khuyến nông này nên diện tích trồng lúa Thần Nông tăng từ 40 ngàn mẫu của năm 1968 lên đến 700 ngàn mẫu vào năm 1971, và sản lượng của loại lúa này tăng từ 176 ngàn tấn lên đến 2 triệu 300 ngàn tấn trong cùng một thời gian.

Song song với lúa Thần Nông, chương trình cải Cách Điền Đia cũng làm gia tăng diện tích canh tác và sản lượng các loại lúa khác. Từ năm 1967 đến 1971, diện tích ruộng được cày cấy tăng từ 2 triệu 300 ngàn mẫu lên gần 2 triệu 500 ngàn mẫu, và sản lượng lúa sản xuất tăng từ 4 triệu 700 ngàn tấn lên đến khoảng 6 triệu tấn.

2. Phát triển chăn nuôi

Phong trào nuôi gà được phát động từ năm 1968 và tính đến năm 1970 đạt kết quả như sau: (i) nhập cảng trên 4 triệu gà con loại gà thịt; (ii) nhập cảng trên 1 triệu gà con loại gà đẻ; và (iii) gần 200 ngàn gà con thuộc loại gà giống.

Năm 1970, toàn quốc có 40 trại gà sản xuất trung bình mỗi tháng 100 ngàn gà con loại gà thịt cho nên năm 1971 chính phủ ngưng việc nhập cảng loại gà con này.

Việc nuôi heo được giúp đỡ và khuyến khích cải tiến kỹ thuật. Năm 1969 có nhiều trại heo lớn được thành lập và đến năm 1970 toàn quốc có được gầ 4 triệu con heo.

Theo đà số heo và gà ngày càng tăng, các nhà máy sản xuất thực phẩm gia súc được xây dựng nhanh chóng. Năm 1967 chỉ có 2 nhà máy (1 của chính phủ và 1 của tư nhân), nhung đến năm 1971 đã có 15 nhà máy, sản xuất khoảng 12 ngàn tấn thực phẩm gia súc mỗi tháng. Ngoài ra còn có 5 nhà máy khác sắp hoạt động.

Các lượng thuốc chữa và tiêm ngừa bảo vệ gia súc cũng gia tăng gấp bội. Năm 1967, các nhà chăn nuôi tiêu thu. Gần 8 triệu liều thuốc. Tính đến tháng 7 năm 1971, gần 16 triệu liều đã được bán ra.

Kết quả rõ rệt nhất của chương trình phát triển chăn nuôi là từ năm 1969 việc nhập cảng heo và gà đông lạnh đã ngừng lại.

3. Phát triển ngư nghiệp

Chương trình quan trọng nhất là chương trình đánh cá ngoài khơi được khởi sự cuối năm 1968. Một tàu khảo cứu Nhật Bản với đầy đủ chuyên viên và dụng cu thí nghiệm thực hiện 30 chuyến khảo sát vùng biển giữa Việt Nam và Nam Dương. Ngoài ra, chính phủ Hoà Lan viện trợ một tàu khảo cứu thứ hai vào giữa năm 1969 và đã thực hiện 19 chuyến khảo sát để tìm những vùng biển nhiều tôm cá và giúp ngư dân xử dụng những ngư cụ tối tân. Nhiều ngư dân đã mạnh dạn mua nhiều tàu đánh cá lớn từ 100 đến 300 tấn và các loại lưới và cào lớn. Năm 1969, có 6 tàu thu hoạch được 950 tấn hải sản; đến năm 1970 số tàu lên đến 13 tàu và thu hoạch trên 2700 tấn tôm cá.

Việc trang bi máy móc cho các ngư thuyền loại nhỏ cũng được xúc tiến mạnh mẽ. Năm 1967, có trên 23 ngàn ngư thuyền được trang bị; và tính đến tháng 7/1971 thì con số này lên đến 46 ngàn 300, tức là tăng gấp đôi.

Kết quả là số ngư phủ và ngư sản cũng gia tăng mạnh. Về ngư phủ, năm 1967 có 270 ngàn 500 ngư dân; nhưng đến tháng 7 năm 1971, có đến 319 ngàn người. Về ngư sản, năm 1967 thu hoạch được gần 411 ngàn tấn; và vào năm 1970, thu hoạch tăng lên trên 577 ngàn tấn.

Số ngư sản biến chế như khô và nước mắm do đó cũng tăng lên. Về cá khô, năm 1967 lượng sản xuất là 14 ngàn tấn; năm 1970, sản lượng cá khô vượt trên 25 ngàn tấn. Lượng sản xuất nước mắm năm 1967 là 61 triệu lít; nhưng đến năm 1970, lượng sản xuất lên đến 64 triệu lít.

4. Lâm sản

Từ năm 1969, việc khai thác lâm sản có tiến triển đôi chút nhờ tình hình an ninh khá hơn. Lượng gỗ khai thác tăng là 286 ngàn 500 thước khối vào năm 1968 và con số này lên đến 400 ngàn thước khối vào năm 1970.

5. Yểm trợ sản xuất

Từ năm 1967 đến năm 1971, chính phủ tiến hành mạnh mẽ các chương trình yểm trợ sản xuất như sau:

– Về thủy nông

Điều hoà và cung cấp đầy đủ nước là yếu tố quan trọng trong nông nghiệp cho nên chính phủ đã thực hiện nhiều công tác xây đập, tạo hồ trữ nước, ngăn và nâng cao mực nước để dẫn nước tưới ruộng đất, đắp đê ngăn lụt, đào và đắp kinh dẫn nước, đào kinh thoát nước, xã phèn và xã muối.

Năm 1967, chính phủ thực hiện 49 công tác đào kinh đắp đập giúp cho trên 17 ngàn mẫu ruộng được hưởng lợi. Năm 1971, chính phủ thực hiện được 109 công tác, nâng diện tích hưởng lợi lên đến 52 ngàn mẫu.

– Về các tổ chức nông dân

Phong trào hiệp hội nông dân và hợp tác xã hoạt động yếu kém nhũng năm trước 1967 do chiến tranh tàn phá và an ninh sút giảm. Từ năm 1967, chính phủ chấn chỉnh và tổ chức được 76 Quận Hội Hiệp Hội Nông Dân với trên 95 ngàn 410 hội viên và 587 Hợp Tác Xã với trên 186 ngàn 500 xã viên. Năm 1970, số Quận Hội Hiệp Hội Nông Dân lên đến 82 với trên 112 ngàn hội viên, và số Hợp Tác Xã lên đến 625 Hợp Tác Xã với 190 ngàn xã viên.

– Về nông cụ và ngư cụ

Trong năm 1968 chính phủ nhập cảng và bán ra cho nông dân và ngư dân tổng số máy móc lên đến 117 ngàn mã lực. Đến năm 1970, con số này lên đến 392 ngàn mã lực.

-Về tín dụng cho nông nghiệp

Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng để phát triển nông nghiệp như như các chương trình giúp vốn cho nông dân, ngư dân và các nhà chăn nuôi gia súc để trồng lúa Thần Nông, lúa miến, mía, nuôi heo gà, cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển ngư nghiệp; các chương trình yểm trợ công cuộc sản xuất giúp các nhà sản xuất bán các sản phẩm ra thị trường, phát triển các tổ chức nông dân. Ngoài ra chính phủ cũng có tổ chức tiếp tế gạo cho miền Trung.

Để có thêm vốn cho đồng bào vay, ngoài các Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp chính phủ cũng thành lập các Ngân Hàng Nông Thôn. Năm 1970, 5 Ngân Hàng Nông Thôn được thành lập tại Thốt Nốt, Cửu Long, Đức Tu, Mỹ Xuyên và Sông Kiên. Tính đến cuối tháng 10 năm 1971 đã có thêm 15 Ngân Hàng Nông Thôn tại Hoà Vang, Đông Hà, Cam Ranh, Bửu Sơn, Hải Long, Lái Thiêu, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức, Phú Khương, Phong Phú, Phụng Hiệp, Thuận Trung, Phú Vinh, và Tiền Giang. Sau đó, từ tháng 10 năm 1971 đến cuối năm 1971 chính phủ lại khai trương thêm 7 Ngân Hàng Nông Thôn tại Hốc Môn, Long Thành, Vũng Tàu, Hiếu Thiện, Cái Mơn, Vĩnh Châu và Cái Răng. Như vậy, tính đến năm 1972, Việt Nam Cộng Hòa có 27 Ngân Hàng Nông Thôn.

THAY LỜi KẾT

Xây dựng một quốc gia phú cường bao giờ cũng đầy dẫy khó khăn. Người có tâm, có ý và có tài đề ra các chính sách có lợi ích lâu dài cho nhân quần xã hội thì hiếm, nhưng sự phá hỏng các chính sách tốt đẹp và sự phá hoại các thành quả gặt hái được trong ngành nông nghiệp của nền Đệ Nhị Chộng Hòa của Việt Nam Cộng Hòa thì nhiều khiến cho kinh tế Việt Nam bị tụt hậu trong một thời gian khá dài sau năm 1975, vì thế nếp sống khổ cực của dân chúng miền thôn quê Việt Nam vẫn bàng bạc trong sách báo, các mạng xã hội và trên truyền hình, truyền thanh. Đó là một thật tế đáng buồn đàng sau những hình ảnh thị thành hoa hoè tráng lệ của Việt Nam thời kỳ “đổi mới” trong cái gọi là nền kinh tế “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Hy vọng qua bài viết này người viết đã sưu tầm và nêu lên được nhiều điểm son của các chính sách về nông nghiệp do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đề ra từ lúc ông đứng ra nhận lãnh vai trò lãnh đạo chính quyền nền Đệ Nhị Cộng Hoà từ năm 1967 đến năm 1975. Điều này nhắm vào việc tẩy sạch những từ ngữ phân ly như “ngụy quyền”, “chính quyền ba que”, “Mỹ ngụy” trong những trí não cuồng tín đầy giáo điều cộng sản, và hầu cho cái sự “độc quyền yêu nước” theo sau đó là cái lập luận “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” không còn lý do để tồn tại tại chốn học đường.

Cuối cùng, như một lời tạ lỗi, người viết rất tiếc không tìm được các dữ kiện về những thành quả phát triển nông thôn của bốn năm cuối của nền Đệ Nhị Cộng Hòa (từ năm 1971 đến năm 1975) để có thể những kết luận hay những minh chứng đầy đủ hơn về thành quả của những chính sách đã dẫn như trên cùng với kết quả của chính sách cải cách điền địa Người Cày có Ruộng được thực thi từ sau tháng 3 năm 1970 (theo đạo luật 003/70). Theo Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông tin tưởng và quyết cố gắng cùng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thời đó mở một kỷ nguyên mới cho đồng bào nông thôn, một kỷ nguyên thanh bình và thịnh vượng với quyền sở hữu đất đai được bảo đảm, với vốn liếng dồi dào, với nhiều máy móc giúp đỡ chân tay, với những kỹ thuật và phương tiện tân tiến, nông-lâm-ngư dân sẽ làm việc ít vất vả hơn, thu hoạch được nhiều hơn, lợi tức gia tăng gấp bội, đời sống sẽ sung túc sáng sủa, với những tiện nghi vật chất tối thiểu như thôn dân tại các nước tiến bộ.

Ngọc Luân

Related posts