Viện Hudson: Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ phổ biến trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời

Nathan Worcester

Công nhân lắp đặt các tấm quang năng tại một nhà máy quang điện ở Hami, thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc hôm 22/08/2011. (Ảnh: Chinatopix qua AP)

Một cuộc thảo luận của Viện Hudson hôm 09/03 đã tái thu hút sự chú ý vào vai trò của lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ trong chuỗi cung ứng các tấm quang năng và các công nghệ liên quan mà Trung Quốc chiếm ưu thế.

Ông Nury Turkel, một viện sĩ cao cấp của viện Hudson, đã nói chuyện với bà Laura Murphy, đồng tác giả một báo cáo năm 2021, có nhan đề “In Broad Daylight” (Giữa Thanh Thiên Bạch Nhật), để làm sáng tỏ điểm yếu lớn của ngành năng lượng mặt trời trước vấn nạn lao động cưỡng bức.

Bà Murphy, một giáo sư về nhân quyền và chế độ nô lệ đương đại tại Đại học Sheffield Hallam của Vương quốc Anh, đã viết trong báo cáo đó rằng khu vực Tân Cương của Trung Quốc là nơi cung cấp 45% silicon đa tinh thể của thế giới, loại vật liệu được sử dụng trong 19 trong số 20 module quang năng.

Theo bản báo cáo, ngành công nghiệp silic đa tinh thể của Trung Quốc đã chuyển sang Tân Cương khoảng 5 năm trước, một phần là vì sức hút của nguồn năng lượng than giá rẻ, ngoài ra cũng do các ưu đãi về tài chính và thuế, bao gồm cả các khoản trợ cấp cho việc sử dụng “số lao động thặng dư” bị cưỡng ép của dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

“Tất cả các nhà sản xuất silicon đa tinh thể ở Vùng Duy Ngô Nhĩ đã báo cáo về việc họ tham gia vào [các chương trình] chuyển giao [lao động] và/hoặc được các công ty cung cấp nguyên liệu thô cung ứng,” một bản tóm tắt của báo cáo nêu rõ.

“Chúng ta phải khảo sát xem các tập đoàn dính líu đến các hoạt động cưỡng bức lao động của Trung Quốc có thể làm gì để tự thoát khỏi sự thông đồng trong cuộc khủng hoảng nhân quyền này,” ông Turkel nói trong phần mở đầu của cuộc đàm luận, vốn diễn ra hai ngày sau khi một báo cáo giám sát cáo buộc rằng nhiều nhà cung cấp của Amazon dựa vào lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Ông ca ngợi đạo luật mới do Hoa Kỳ ban hành tên là Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ. Đạo luật này cấm các hàng hóa có nguồn gốc hoặc được sản xuất ở khu vực Tân Cương.

“Đây là một hệ thống lao động cưỡng bức chưa từng có mà tôi nghĩ rằng chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây trên thế giới này, và chúng ta chỉ đang học cách giải quyết,” bà Murphy nói. “Cách duy nhất để làm một việc có trách nhiệm với tư cách là một công ty hiện nay là rút lui hoàn toàn khỏi khu vực đó.”

“Các chính sách áp bức đang dần dần được đưa ra, kể cả việc cưỡng bức lao động này — nhưng cũng có những chiến lược cưỡng chế khác mà chính quyền đã sử dụng, bao gồm việc tước hộ chiếu của mỗi người dân, từ chối cho họ quyền cầu nguyện hoặc nhịn ăn [theo phong tục Hồi giáo, và] hạn chế sự đi lại của người dân,” bà Murphy cho biết.

“Tất cả những điều này đã đang diễn ra một cách từ từ vì thế giới không chú ý.”

Ông Turkel, một trong bốn quan chức tự do tôn giáo của Hoa Kỳ bị Bắc Kinh trừng phạt hồi năm ngoái, đã hỏi bà Murphy tại sao các tập đoàn nhanh chóng rút khỏi Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine nhưng lại quá chậm chạp trong việc rút khỏi Tân Cương.

“Các giám đốc điều hành da trắng, đầy quyền lực thấy đồng cảm với người da trắng — và đó là một vấn đề. Nhưng vấn đề khác là về căn bản chính quyền Trung Quốc đã chiếm được thị trường của rất nhiều hàng hóa mà chúng ta tiêu thụ trên khắp thế giới,” bà trả lời. “Họ thực sự là những kẻ hèn nhát — những kẻ thực sự hèn nhát.”

Trong một sự kiện trước đó của viện Hudson, các chuyên gia đã thảo luận về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ảnh hưởng lên nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như an ninh quốc gia thông qua việc Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng cho các loại pin quan trọng đối với quốc phòng.

“Có phải vấn đề về pin và chuỗi cung ứng đã vấp phải sai lầm đến mức giờ đây chúng ta bị chuyển từ cạnh tranh kinh tế ‘bình thường’ sang cưỡng ép kinh tế và chiến tranh kinh tế không?” ông Anthony Vinci, một thành viên không thường trực của Trung tâm An ninh Mỹ Mới, người từng là trưởng phòng công nghệ của Cơ quan Tình báo-Không gian Địa lý Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết.

“Tôi nghĩ chúng ta chưa hoàn toàn tới mức đó, nhưng chúng ta đang ở trong một trạng thái mà tôi gọi là ‘chuẩn bị nghênh chiến.’”

Ông Nathan Worcester là một phóng viên về môi trường tại The Epoch Times.

Cẩm An biên dịch

Related posts