Lời toà soạn: ‘Chiến sự Ukraine’ là loạt bài đưa ra phân tích, góc nhìn của các chuyên gia có uy tín; đồng thời cũng kèm theo những chia sẻ mang hơi hướng văn hoá, đời sống để quý độc giả có một cái nhìn khách quan, đa chiều về tình hình ở Ukraine.
- Loạt bài Chiến sự Ukraine
Trong Thế chiến 2, người Pháp đầu hàng nước Đức vì không muốn các công trình kiến trúc nghệ thuật ở Paris và các thành phố khác bị huỷ.
Vó ngựa đại quân Mông Cổ đi đến đâu, cỏ khó mọc đến đó. Khi tây chinh đến Kiev, họ thấy nơi đây giáo đường vô cùng lộng lẫy nên khuyên người dân đầu hàng. Kết quả người Ukraine đã giết sứ giả, kháng cự đến cùng, ‘thà ngọc nát còn hơn ngói lành’…
Lịch sử chiến đấu ngoan cường của người dân Ukraine
Ban đầu Putin tính toán chiếm Kiev trong 48 tiếng, trong đó có 24 tiếng chiến đấu, 24 tiếng sau thành lập chính phủ bù nhìn, nhưng ‘người tính không bằng Trời tính’. Quân đội Nga gặp phải sự kháng cự ngoan cường của tổng thống và người dân nơi đây.
Tổng thống Zelensky không rời Kiev mà ở lại chỉ huy chiến đấu chống quân Nga. Dù mới 44 tuổi và là một diễn viên hài trước khi làm tổng thống, nhưng Zelensky đã thể hiện ra được khí khái anh hùng, khiến những cư dân mạng người Hoa và các chuyên gia phải cảm khái thốt lên rằng: “Thiên tử tồn vong cùng xã tắc. Không thành công cũng thành nhân”.
Trong cuộc chiến ở Ukraine còn có một điều khiến người ta thán phục, đó là tổng thống Zelensky cấp súng cho người dân và những ai tham chiến để bảo vệ Ukraine.
Đây phải là chính phủ dân tuyển mới có thể làm được như vậy. Chính phủ là do dân cử nên người dân tin tưởng chính phủ, đồng thời chính phủ cũng tin tưởng người dân nên mới dám cấp súng.
Điều này làm một nhà bình luận người Hoa – Giáo sư Chương Thiên Lượng cảm khái nói rằng: “Tôi nghĩ chuyện này rất khó, thậm chí không thể xảy ra ở Trung Quốc. Giả sử Mỹ đánh Trung Quốc, rất nhiều người sẽ [nguyện ý ] ‘dẫn đường’ [cho Mỹ]. Nếu có súng, người ta sẽ vác đến Trung Nam Hải!… Nếu thật sự giao súng cho quân đội, ĐCSTQ thật sự không biết khi nào quân đội sẽ ‘quay mũi giáo’”.
Người dân Ukraine giống như tổng thống Zelensky, cũng chiến đấu vô cùng ngoan cường.
Trên Twitter ngày 25/2 có đăng một câu chuyện rất cảm động, kể rằng một ông lão 80 tuổi xách cặp da lên đường nhập ngũ. Trong cặp ông có 2 chiếc áo T – shirt, 1 chiếc quần dài, 1 bàn chải đánh răng và vài lát bánh mỳ sandwich cho bữa trưa. Ông nói sẽ chiến đấu cùng với cháu trai. Những chuyện tương tự như vậy có rất nhiều.
Cánh tả làm con người coi trọng hưởng thụ vật chất, ‘nằm thẳng’, ‘thà đánh đổi tự do để có được sự phóng túng’… do đó ‘chủ nghĩa anh hùng’ của tổng thống và người dân Ukraine thật sự nhận được sự tôn trọng từ người dân thế giới.
Trên thực tế, Ukraine đã có lịch sử kháng chiến ngoan cường.
Trước khi thành lập nhà Nguyên, người Mông Cổ đã có 3 cuộc ‘tây chinh’ (chinh chiến về hướng tây). Cuộc tây chinh thứ nhất là khi Thành Cát Tư Hãn đang tại vị. Cuộc tây chinh thứ hai là cuộc chinh chiến với châu Âu. Cuộc tây chinh thứ ba là khi Mông Ca làm Đại Hãn (Hoàng đế Mông Cổ), khi đó quân Mông Cổ tấn công bán đảo Ả-rập thuộc địa khu Trung Đông.
Cuộc tây chinh thứ hai gọi là ‘cuộc tây chinh của con trai trưởng’ (trưởng tử tây chinh). Thành Cát Tư Hãn có 4 người con trai do 4 đại phi của ông sinh ra gồm: Thuật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài và Đà Lôi. Con trai trưởng 4 của người con trai đó tấn công châu Âu nên mới gọi là ‘trưởng tử tây chinh’.
Thời ấy, khi tấn công châu Âu, con trai cả của Đà Lôi là Mông Ca đã tấn công Kiev, cuộc chiến diễn ra vô cùng kịch liệt.
Quân Mông Cổ đánh trận rất ác liệt, họ dùng pháo công thành, nhưng không làm thế với Kiev vì nơi đây có nhiều giáo đường rất đẹp. Khi Mông Ca đang nhìn từ xa thành phố Kiev, thấy những giáo đường tráng lệ và đẹp huy hoàng, ông không muốn hủy đốt thành phố như vậy nên đã cử sứ giả đi thuyết phục người dân nơi đây đầu hàng. Kết quả sứ giả bị quân phòng thủ Kiev giết.
Mùa đông năm đó, quân đội Mông Cổ vượt sông băng công hạ Kiev. Tướng thủ thành là Dmitry bị thương và bị bắt. Anh ta đã chiến đấu cho đến phút cuối cùng chứ không đầu hàng. Mông Ca cảm phục sự dũng cảm của Dmitry nên không giết, sau đó lưu vị tướng này lại.
Sự kiên cường của người dân Ukraine đã có từ thời ấy chứ không phải bây giờ mới triển hiện. Người dân Ukraine hiểu rằng, Putin muốn khôi phục vinh quang Liên Xô, mà thời ấy Stalin cướp lương thực khiến 20 triệu người dân Ukraine chết đói, đồng thời có những lần thanh trừng vô cùng tàn khốc, do đó người dân Ukraine càng chiến đấu mạnh mẽ để lịch sử đau buồn ấy không phải lặp lại.
Putin phải trả giá đắt nếu thành lập chính phủ bù nhìn
Nếu sa lầy ở Ukraine, hình ảnh mạnh mẽ của Putin sẽ sụp đổ. Điều này là cái cớ cho các đối thủ chính trị công kích ông. Nếu Putin dùng vũ khí hạt nhân thì dễ dẫn đến đảo chính.
Hiện nay ông Putin đã 70 tuổi, còn 2 năm so với tuổi thọ trung bình của người Nga. Putin muốn dùng vũ khí hạt nhân, chắc chắn các tướng lĩnh trong quân đội sẽ không đồng ý, bởi vì họ không muốn dành phần đời còn lại của mình để chịu sự trừng phạt của thế giới.
Dù cho Nga có chiếm được Ukraine lập nên chính phủ bù nhìn, thì khi nhìn vào sự phản kháng của người dân Ukraine, chắc chắn chính phủ bù nhìn sẽ bị đầu phiếu phổ thông lật đổ. Cho dù lập được thì cái giá phải trả cũng rất cao.
Minh Thành Tổ Chu Đệ triều Minh từng có vài trận chiến với An Nam (Việt Nam ngày nay). Thời đó Minh Thành Tổ phái đại tướng Trương Phụ đi thu phục nơi đây. Trong trận chiến Tĩnh Nam (Tĩnh Nan chi dịch), Minh Thành Tổ có 2 đại công thần là Chu Năng và Trương Ngọc. Trương Phụ chính là con trai của Trương Ngọc.
Trương Phụ là một người rất có tài cán. Thời ấy, An Nam dùng ‘tượng quân’, tức quân đội voi để tác chiến bởi vì An Nam là vùng đất nhiều núi cao rừng rậm. Trương Phụ đã đối phó bằng cách bọc da sư tử lên chiến mã, đồng thời sử dụng thêm súng kíp. Vì voi chưa từng thấy súng, nên khi nghe súng nổ liền bỏ chạy. An Nam đã được bình định như thế.
Trương Phụ là tướng tài, nhưng khi ông quay lại triều đình thì An Nam lại phản loạn. Hễ Trương Phụ đi thì bình định được. Hễ ông trở về thì lại xảy ra phản loạn…
Sau vài lần như vậy, triều Minh cảm thấy quá phiền phức, nên đến thời Minh Tuyên Tông đành phải cho An Nam độc lập.
Từ câu chuyện trên thấy rằng, khống chế một địa khu thật sự là việc rất khó khăn, nếu bách tính nơi đó không phục cộng với xa trung ương tập quyền thì khống chế bằng quân sự quả thực phải trả một cái giá rất cao.
Trong Thiên Tác chiến thuộc sách ‘Binh pháp Tôn Tử’, Tôn Vũ viết: “Phàm cách dụng binh, xe ruổi nghìn bộ, xe da (xe nặng) nghìn cỗ, quân mặc áo giáp mười vạn, nghìn dặm mang lương thực đi; thì khoản phí ở trong ngoài, khoản dùng về tân khách, khoản chi về sơn nhựa, khoản tiêu về xe giáp, mỗi ngày tốn đến nghìn vàng. Có đủ như thế thì mới có thể đem được đạo quân 10 vạn”.
Nhìn vào tình huống nước Nga, kinh tế quốc gia chủ yếu dựa vào buôn bán tài nguyên như dầu, khí thiên nhiên… các ngành kinh tế khác như sản xuất chip, công nghiệp chế tạo thật sự không sánh được với Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Đức. Khi Nga bị loại khỏi SWIFT thì coi như quốc gia này mất đi sinh kế.
Mà chiến tranh lại là đốt tiền, do đó kinh tế nước Nga không thể chống chịu nổi.
Hơn nữa Ukraine là quốc gia rộng lớn (gấp 2 lần Việt Nam, gấp 16 lần Đài Loan) với dân số 44 triệu người, các nhà quân sự tính toán Nga cần 500 nghìn quân mới khống chế được cục diện nhưng trong tay Putin chỉ có khoảng 300 nghìn quân.
Cho dù chiếm được cả Ukraine thì Nga cũng không nuốt trôi vì kinh tế khánh kiệt, nếu lập ra chính phủ bù nhìn cũng bị 44 triệu người dân phản kháng, Nga lại phải mất thêm chi phí quân sự ‘nghìn vàng’, khiến kinh tế kiệt quệ. Do đó lần này Tổng thống Nga Putin đã đi một nước cờ quá mạo hiểm, ‘cái được chả bõ cho cái mất’.
Mạn Vũ