Các công ty Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine, sau khi Bắc Kinh gia tăng áp lực, cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ dẫn đến giá cả tăng cao.
Tờ Financial Times hôm thứ Sáu (11/3) đưa tin, khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine cách đây hai tuần, Jane Yan, giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty sản xuất linh kiện máy móc ở miền đông Trung Quốc, cho biết bà không quá lo ngại về tác động của chiến tranh. Thực tế, người mua Nga và Ukraine chỉ chiếm chưa đến 5% doanh số bán hàng ở nước ngoài của công ty vào năm ngoái.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể khi Nga tiến hành một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Ukraine. Các khách hàng quan trọng ở các nước như Ba Lan và Đức đã hủy đơn đặt hàng với công ty có trụ sở tại Chiết Giang.
Một khách hàng ở Munich đã viết cho bà rằng: “Cảm giác thật tồi tệ khi đưa tiền đến một đất nước khoan nhượng với cuộc chiến ở Ukraine – Tôi xin lỗi”. Bà Yan không muốn tiết lộ danh tính chủ nhân bức thư.
Bà nói thêm rằng các yêu cầu từ người mua Châu Âu cũng giảm mạnh kể từ khi xung đột bắt đầu, “Tôi hy vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc”, bà nói.
Truyền thông nước ngoài: Trung Quốc là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi chiến tranh
Tờ Financial Times cho biết trong số các nền kinh tế lớn, Trung Quốc là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nhất. Ngoài sự tẩy chay từ phương Tây, với tư cách là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, loại hình kinh tế của Trung Quốc cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc không thể xoay chuyển.
Giá dầu thô, vốn đã ở mức cao, đã tăng 27% kể từ khi chiến tranh bắt đầu, và các hợp đồng quặng sắt của Trung Quốc đã tăng 25% trong 10 ngày đầu tiên sau khi xung đột bắt đầu.
Quy mô của nhu cầu năng lượng và tài nguyên của Trung Quốc là đáng kinh ngạc. Năm 2021, nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã đạt 200.000 nhân dân tệ, và nhập khẩu quặng sắt lên tới 120.000 nhân dân tệ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhập khẩu khoảng 70% dầu và 40% khí đốt tự nhiên.
Tác động lên lương thực có thể rõ ràng hơn. Giá lúa mì và giá ngô kỳ hạn ở Trung Quốc cũng đang ở mức cao trong lịch sử, và ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu về tầm quan trọng của an ninh lương thực trước các đại biểu tham dự Phiên họp thứ hai của ĐCSTQ vào ngày 6/3.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2022 dự kiến sẽ tăng ít nhất 50% so với mức trung bình ba năm trước đó lên 9,5 triệu tấn.
Từ Ba Lãnh (Xu Poling), Giám đốc Đơn vị Kinh tế Nga tại Viện Nghiên cứu Đông Âu và Trung Á của Nga thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chuyên gia tư vấn hàng đầu của ĐCSTQ, cho biết xung đột ở Ukraine không có lợi cho Bắc Kinh.
Ông Từ nói: “Trung Quốc sẽ không được hưởng lợi từ cuộc chiến Nga-Ukraine”, đồng thời nói thêm rằng “cuộc xung đột làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mà nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào. Thương mại của Trung Quốc với Nga nhỏ hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU)”.
Theo số liệu chính thức từ ĐCSTQ, thương mại của Trung Quốc với Nga đã đạt 147 tỷ USD vào năm 2021, trong khi thương mại của Trung Quốc với EU và Hoa Kỳ lần lượt là 828 tỷ USD và 756 tỷ USD.
Một giám đốc điều hành ngành công nghiệp Trung Quốc, xin giấu tên, nói với Financial Times rằng: “Với giá dầu trên 100 USD, ai là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – Trung Quốc. Giá khí đốt tự nhiên rất cao, ai là người có nhiều khí đá phiến – Hoa Kỳ. Giá lúa mì đang tăng cao, điều này làm tổn hại đến Trung Quốc. Tôi có thể bảo đảm với bạn rằng phía Nga sẽ yêu cầu giá thị trường”.
Lãnh đạo ĐCSTQ bị mắc vào hai vòng khủng hoảng đan xen nhau
Khi Nga tăng cường ném bom vào các khu vực đô thị ở Ukraine, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhận thấy mình có khả năng đối mặt với hai cuộc khủng hoảng đan xen nhau.
Trong cuộc gặp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức vào ngày 8/3, ông Tập Cận Bình kêu gọi “kiềm chế mức độ tối đa” vấn đề ở Ukraine, và nói rằng họ nên cùng nhau ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev, Ông Tập cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây, ám chỉ những biện pháp trừng phạt đang làm trầm trọng thêm sự gia tăng giá hàng hóa.
Vào ngày 11/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không nói rõ liệu Trung Quốc có hỗ trợ Nga về mặt kinh tế hay không trong cuộc họp báo tại Phiên họp thứ hai của ĐCSTQ, nói rằng Trung Quốc ủng hộ “tất cả các nỗ lực có lợi cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình”.
Ông nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tờ Financial Times đưa tin: “Là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất và là người mua lương thực lớn toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự xáo trộn thị trường do chiến tranh và các lệnh trừng phạt tiếp theo. Nước này cũng phải đối mặt với nguy cơ bị phản ứng ngoại giao sâu sắc, đặc biệt là ở Châu Âu, nơi mà nhiều quốc gia coi (ĐCSTQ) gần như là đồng phạm với cuộc xâm lược của (Nga)”.
Hiện tại, một số chính trị gia và quan chức chính phủ ở Mỹ, Châu Âu, Úc và Nhật Bản đã mô tả Bắc Kinh là trụ cột phía đông của trục độc tài trải dài khắp Âu-Á.
Mặt khác, trong khi Trung Quốc kêu gọi một giải pháp thương lượng cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và tìm cách đóng vai trò trung gian trong cuộc chiến, nhưng các quan chức phương Tây nhận thấy ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang xem xét lại mối quan hệ thân thiết với Nga. Nhưng họ cũng tin rằng áp lực đối với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đang gia tăng.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) Bill Burns cho biết, ông Tập và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mất cảnh giác trước cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ông Burns phát biểu trước Quốc hội tuần này: “Họ không thoải mái với những thiệt hại tiềm tàng về danh tiếng và ở mức độ thấp hơn là hậu quả kinh tế từ mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin”. Ông nói thêm rằng, họ cũng rất ngạc nhiên khi ông Putin đã đưa Châu Âu và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn.
Một quan chức Mỹ nói với Financial Times rằng: “Trung Quốc muốn giữ chiếc bánh của mình và ăn nó. Họ vẫn âm thầm liên kết với Nga, nhưng ở nơi công cộng họ không muốn bị bôi nhọ bởi trách nhiệm liên đới”.
Giải pháp ngoại giao của Bắc Kinh cho cuộc khủng hoảng bị chỉ trích là luận điệu cũ rích
Sheena Greitens, một phó giáo sư thuộc Đại học Texas tại Austin, cho biết tình hình ở Ukraine đã khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế bất lợi, và cái gọi là sự ủng hộ của Trung Quốc đối với một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là một “luận điệu cũ rích”.
Bà cho rằng Bắc Kinh đang viện dẫn luận điệu ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng thực tế Ukraine đang bị Nga xâm phạm một cách trắng trợn trước thế giới.
Bà nói thêm rằng, ngay cả khi một số quan chức Trung Quốc muốn điều chỉnh lại mối quan hệ của họ với Nga, họ sẽ gặp rắc rối vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt một “dấu ấn rất riêng” trong quan hệ Trung-Nga.
Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings cho biết, cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh lập trường đối với Nga.
“Bắc Kinh đang tiếp tục nghiêng về phía Moscow, ngay cả khi họ cố gắng thể hiện mình trung lập trong các luận điệu của mình”. Ông nói: “Người Trung Quốc đang tự nhủ rằng Ukraine là một vấn đề xa vời mà họ có thể tránh bị vướng vào”.
Các quan chức Trung Quốc vẫn tiếp tục công khai gọi Nga là “đối tác chiến lược quan trọng nhất” của ĐCSTQ.
Theo The Epoch Times