Trà Nguyễn
Theo số liệu từ Hội đồng vàng thế giới, dự trữ vàng ở Ngân hàng liên bang Nga tăng lên 2298,53 tấn trong quý 3 năm 2021 từ mức 2292,31 tấn trong quý 2 năm 2021.(Stevebidmead / Pixabay)
Theo số liệu từ Hội đồng vàng thế giới, Ngân hàng Trung ương Nga đang giữ lượng vàng dự trữ liên tới 140 tỷ USD. Nga là quốc gia có vàng dự trữ lớn thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc gia này đang bị cấm vận, khả năng Nga bán khoản dự trữ không dễ dàng. Bản thân các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đang tìm cách vô hiệu khả năng bán hoặc cầm cố khối vàng này của Nga trên thị trường tài chính toàn cầu.
Theo số liệu từ Hội đồng vàng thế giới, dự trữ vàng ở Ngân hàng liên bang Nga tăng lên 2298,53 tấn trong quý 3 năm 2021 từ mức 2292,31 tấn trong quý 2 năm 2021. Nga đã tăng mức dự trữ vàng lên gấp 6 lần trong 2 thập kỷ qua; hiện là quốc gia có lượng vàng dự trữ lớn thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao do khủng hoảng Ukraine – Nga, lượng vàng dự trữ này trở thành cứu cánh cho giá trị đồng RUB. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lượng vàng này không dễ dàng thanh khoản bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU.
Về lý thuyết, vàng là tài sản hoàn hảo nhất trong giai đoạn này mà Nga có thể bán để nâng cao giá trị đồng RUB đang trượt giá sau khi nền kinh tế Nga bị cô lập vì xâm lược Ukraine. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% trong ngày 28/2/2022, 4 ngày sau cuộc chiến với Ukraine, vì đồng RUB đã mất giá với mức kỷ lục.
Tuy nhiên, Mỹ và EU đã cấm các tổ chức của họ kinh doanh với ngân hàng trung ương Nga, điều này sẽ khiến khối vàng dự trữ của Nga khó thanh khoản hơn. Dù vậy, đó chỉ là lý thuyết. Nga cũng có đồng minh của mình là Trung Quốc, các quốc gia và tổ chức thân nga ở Trung Đông. Đây là kênh thanh khoản vàng, dầu khí tốt với Nga.
Các thương nhân và ngân hàng ở Mỹ và phương tây sẽ buộc phải cảnh giác với việc mua gián tiếp vàng miếng của Nga vì sợ bị tổn hại danh tiếng hoặc phạm phải các hình phạt. Và các thượng nghị sĩ ở Washington muốn có các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai mua hoặc bán vàng của Nga. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt này chưa được phê chuẩn.
Trả lời câu hỏi của Bloomberg, ông Jeff Christian, Đối tác quản lý của Tập đoàn CPM, chuyên gia nghiên cứu về vàng từ năm 1970, cho rằng Moscow có thể cần hướng tới các ngân hàng trung ương ở các quốc gia như Ấn Độ hoặc Trung Quốc để bán vàng hoặc bảo đảm các khoản vay bằng cách sử dụng nó.
Christian cho biết trong một cuộc phỏng vấn từ New York: “Họ có thể mua vàng với giá chiết khấu [tức là giá thấp hơn giá trên thị trường] từ Nga. Nga cũng có thể bán thông qua Sở giao dịch vàng Thượng Hải, nơi có các ngân hàng thương mại là thành viên, mặc dù bất kỳ doanh số bán hàng nào có thể sẽ nhỏ”, ông nói.
Tuy nhiên, một nhóm các nghị sỹ lưỡng đảng ở Hoa Kỳ đang đệ trình các biện pháp trừng phạt nhằm cản trở thêm các giao dịch vàng với bên thứ 3; điều này có thể ngăn cản các ngân hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ mua vàng hoặc cho Nga vay có đảm bảo bằng vàng. Bắc Kinh muốn tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trong chiến tranh. Điều đó càng làm giảm các lựa chọn của Nga.
Trong một ví dụ khác về cách phương Tây đang nhắm mục tiêu vào hoạt động thương mại vàng của Nga, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) và Tập đoàn CME đã loại các nhà máy lọc dầu của Nga khỏi danh sách được công nhận của họ, dẫn đến lệnh cấm vàng thỏi có nguồn gốc từ Nga xuất hiện ở các thị trường chính của London và Hoa Kỳ (theo Bloomberg).
Lệnh trừng phạt tương tự đã nhắm vào Kyrgyzstan, khi các nhà máy lọc dầu của quốc gia này bị loại khỏi LBMA. Năm ngoái, Kyzgyzstan đã phải đề nghị các nhà máy lọc dầu của Thuỵ Sỹ xử lý vàng từ NHTW Kyrgyzstan; tức là xử lý vàng dự trữ gián tiếp qua nhà máy lọc dầu của Thuỵ Sỹ, đảm bảo vàng của nước bị phạt có thể thanh khoản trên thị trường tài chính thế giới. Ít nhất một nhà máy lọc dầu của Thuỵ Sỹ đã từ chối đề nghị của chính phủ Kyzgyzstan vì lo ngại bị trừng phạt bởi LBMA.
Khi đối diện với lệnh trừng phạt kinh tế – tài chính, các quốc gia đều tăng cường dự trữ vàng. Nhà độc tài Moammar Qaddafi đã bán một phần dự trữ vàng của Libya để chi trả cho quân đội trong một cuộc nổi dậy, theo cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Farhat Bengdara. Và một bản cáo trạng của Hoa Kỳ chống lại ngân hàng Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 đã mô tả cách các khoản tiền của Iran ở đó được chuyển đổi thành vàng, xuất khẩu sang Dubai và sau đó được bán lấy tiền mặt.
Venezuela đã đấu tranh để tiếp cận số vàng được cất giữ trong kho tiền của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) khi lãnh đạo phe đối lập của Vương quốc Anh công nhận Juan Guaido làm tổng thống. BOE là một địa chỉ phổ biến giữ hộ vàng của NHTW các nước trên khắp toàn cầu vì vị trí thuận tiện của nó trên thị trường giao dịch vàng thỏi ở London.
Bản thân Nga đã tăng cường mua vàng từ nước thứ 3 trong bối cảnh một nửa khoản dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương Nga (khoảng 630 tỷ USD, gồm cả vàng) bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương tây.
Theo tin từ Reuters, Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ sẽ tạm ngừng mua vàng từ các ngân hàng kể từ ngày 15/3, nhưng không cho biết sự thay đổi này sẽ kéo dài bao lâu. Lý do Nga dừng mua vàng vì với khoản dự trữ ngoại hối có khả năng tiếp cận khoảng 300 tỷ USD, thì vàng đã chiếm tới 40% tổng tài sản dự trữ. Lúc này, việc tăng cường dự trữ vàng là không còn cần thiết, đặc biệt khi giá vàng thế giới đang ở đỉnh cao.
Lo ngại đồng RUB mất giá, người dân Nga cũng tăng cường mua và dự trữ vàng miếng; điều này giúp thu hồi lượng tiền RUB mất giá đang ngập tràn nền kinh tế Nga.
Citigroup Inc. cho biết, nếu Nga trở nên tuyệt vọng, họ có thể bán vàng miếng trong nước để trao đổi với đồng RUB. Nếu vàng được neo theo giá cố định với RUB, điều đó sẽ tương đương với bản vị vàng nội bộ.
Chiến lược gia Zoltan Pozsar của Credit Suisse Group AG cho biết trên Bloomberg: “Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, về cơ bản bạn có thể neo tiền nội địa vào một đống vàng”. “Bạn cần một mỏ neo trong những tình huống như thế này.”
Trà Nguyễn
(Theo Bloomberg)