Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine


“Tôi có một ước mơ” – bài phát biểu lịch sử, đầy sức mạnh của Zelensky trước Quốc hội Mỹ 

Vào sáng thứ Tư (giờ Washington DC, Hoa Kỳ), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ, trước khi  đọc bài phát biểu trực tuyến trước lưỡng viện Mỹ. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở đầu bài phát biểu bằng lời ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Ukraine, và tuyên bố “vận mệnh” của quốc gia đang được quyết định ngay trong bối cảnh Nga xâm lược.

“Tôi có vinh dự được chào quý vị thay mặt cho đồng bào Ukraine dũng cảm, yêu tự do, những người trong 8 năm qua bền bỉ chống lại sự gây hấn của Nga,” Tổng thống Ukraine nói. “Đó là những người đã trao những đứa con trai, con gái, tốt đẹp nhất của họ đi ngăn chặn cuộc xâm lược toàn diện của Nga.” 

“Ngay lúc này, vận mệnh quốc gia chúng tôi đang được quyết định. Vận mệnh của người dân chúng tôi, nơi người Ukraine sẽ được tự do, cho dù  họ  sẽ có thể bảo tồn nền dân chủ của mình hay không. Nga đã tấn công không chỉ chúng tôi, không chỉ đất nước của chúng tôi, không chỉ những thành phố chúng tôi, mà còn tấn công tàn bạo vào các giá trị của chúng tôi, những giá trị căn bản của con người,” lãnh đạo Ukraine nói. “Họ ném xe tăng, phi cơ chống lại sự tự do của chúng tôi, chống lại quyền được sống tự trên quốc gia chúng tôi, quyền lựa chọn tương lai của chúng tôi. Chống lại khát vọng hạnh  phúc, chống lại những ước mơ quốc gia chúng tôi, cũng giống như những ước mơ của quý vị, quý vị, những người Mỹ, cũng giống như bất cứ ai khác ở Hoa Kỳ.”

Zelensky nhắc lại lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, điều mà các nhà lập pháp lưỡng đảng do dự và cân nhắc vì hành động này có thể đẩy Mỹ tới đối đầu trực tiếp với Nga. 

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Ukraine chiếu cho Quốc hội Mỹ xem những đoạn băng cho thấy giao tranh đang diễn ra, cũng như các cuộc tấn công của Nga. 

Zelensky cũng nhắc đến Mount Rushmore, cuộc tấn công Trân Châu Cảng và những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. 

“Tôi nhớ đến Đài tưởng niệm quốc gia của quý vị ở Rushmore, những khuôn mặt các tổng thống vĩ đại của quý vị, những người đã đặt nền móng cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày hôm nay, dân chủ, độc lập, tự do và quan tâm đến mọi người, vì tất cả mọi người, vì bất cứ ai làm việc cần cù siêng năng, sống trung thực, và tôn trọng luật pháp,” Zelensky nói. 

Ông cũng kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ nhớ đến những cuộc tấn công Trân Châu Cảng trong Đệ nhị Thế chiến, và vào Trung tâm Thương mại  Thế giới vào năm 2001 khi cân nhắc yêu cầu hỗ trợ từ Ukraine. “Cũng giống như không ai mong đợi, quý vị không thể ngăn cản được. Quốc gia chúng tôi cũng trải qua như vậy mỗi ngày,” Zelensky nói.

Tổng thống Ukraine cũng nhắc đến những câu nổi tiếng của Mục sư Martin Luther King khi yêu cầu hỗ trợ quân sự. “Tôi có có một ước mơ, những từ này mỗi một quý vị đều biết, và vào hôm nay tôi có thể nói. Tôi có một nhu cầu, tôi cần bảo vệ bầu trời. Tôi cần quyết định của quý vị, sự giúp đỡ của quý vị, điều hoàn toàn giống, giống hệt cảm nhận của quý vị khi quý vị nghe những chữ ‘Tôi có một ước mơ.’” 

Tổng thống Ukraine kêu gọi Mỹ cần trừng phạt Nga hơn nữa. Trong phần kết thúc bài diễn văn trực tuyến đầy sức mạnh trước Quốc hội Mỹ, Zelensky chuyển từ tiếng Ukraine sang tiếng Anh. 

 Ông gởi lời kêu gọi trực tiếp đến Tổng thống Joe Biden, “Tôi thấy cuộc sống không có ý nghĩa nếu không thể ngăn chặn những cái chết. Và đây là vấn đề chính của tôi với tư cách là nhà lãnh đạo của nhân dân, những người Ukraine vĩ đại, và với tư cách là nhà lãnh đạo của quốc gia chúng tôi. Tôi đang nói với Tổng thống Joe Biden: Ông là nhà lãnh đạo của quốc gia, của quốc gia vĩ đại của quý vị. Tôi mong muốn ông trở thành nhà lãnh đạo của thế giới. Trở thành nhà lãnh đạo của thế giới có nghĩa là nhà lãnh đạo hòa bình.” 

“Ngày nay, trở thành nhà lãnh đạo quốc gia thôi chưa đủ … Trở thành nhà lãnh đạo thế giới có nghĩa là trở thành nhà lãnh đạo hòa bình. Hòa bình trên đất nước của quý vị không còn phụ thuộc chỉ vào quý vị, đồng bào quý vị, mà phụ thuộc vào những người bên cạnh quý vị, những người mạnh mẽ. Mạnh mẽ không có nghĩa yếu đuối. Mạnh mẽ là dũng cảm, và sẵn sàng chiến đấu vì cuộc sống của nhân dân mình, và người dân trên thế giới. Vì quyền con người, vì tự do, vì quyền được sống tử tế, và chết khi đến lúc, chứ không phải khi người khác muốn, bởi người hàng xóm của quý vị.”

Tổng thống Zelensky nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt khác khi kết thúc bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội Hoa Kỳ. 

Hương Giang 

Ngoại trưởng Nga lạc quan về vòng đàm phán với Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trình bày trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hy Lạp tại Bộ Ngoại giao Hy Lạp ở Athens, hôm 26/10/2020. (Ảnh: Costas Baltas/Pool/AFP/Getty Images) Tây Dương

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng một “bầu không khí giống như làm kinh doanh” đang xuất hiện tại các cuộc đàm phán với Ukraine mà giờ đây đang tập trung vào một trạng thái trung lập cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

“Một trạng thái trung lập đang được thảo luận nghiêm túc liên quan đến các bảo đảm an ninh,” ông Lavrov cho biết hôm thứ Tư (16/03) trên kênh RBK TV của Nga. “Có những định nghĩa cụ thể mà theo quan điểm của tôi là đã gần đạt đến sự tương hợp.”

Ông không nói rõ, nhưng cho biết “bầu không khí giống như làm kinh doanh” bắt đầu xuất hiện trong các cuộc đàm phán “mang lại hy vọng rằng chúng tôi có thể đồng thuận về vấn đề này.”

Trưởng đoàn đàm phán của Nga trong vòng đàm phán mới nhất với Ukraine, bắt đầu vào thứ Hai (14/03) và dự kiến ​​tiếp tục vào thứ Tư (16/03), cho biết trước đó các bên đang thảo luận về một ý tưởng thỏa hiệp khả thi cho một đất nước Ukraine với một quân đội tinh gọn hơn, không liên kết với bất kỳ bên nào trong tương lai.

Theo các hãng thông tấn Nga, nhà đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết: “Toàn bộ các vấn đề liên quan đến quy mô quân đội của Ukraine đang được thảo luận.”

Chưa có bình luận nào từ các quan chức Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Ba (15/03) rằng nước này đã nhận ra họ không thể gia nhập NATO. Việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự phương Tây này là một điểm chướng ngại đối với Moscow.


Các nhà lãnh đạo trở về EU một cách an toàn sau chuyến thăm Kyiv giữa các cuộc tấn công

Các thủ tướng của Ba Lan, Cộng hòa Séc, và Slovenia đã trở về an toàn sau chuyến thăm Kyiv.

Chuyến thăm này nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine khi nước này đang hứng chịu những đợt oanh tạc dữ dội.

Các nhà lãnh đạo đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Ba (15/03) để gửi thông điệp rằng Ukraine không đơn độc và họ ủng hộ nguyện vọng của quốc gia này là một ngày nào đó sẽ gia nhập Liên minh Âu Châu.

Họ đã tiến hành chuyến đi tàu kéo dài hàng giờ đồng hồ bất chấp những lo lắng trong Liên minh Âu Châu về những rủi ro an ninh khi đi lại trong vùng chiến sự.

Sáng thứ Tư (16/03), phát ngôn viên chính phủ Ba Lan Piotr Mueller cho biết họ đã trở về Ba Lan an toàn.

Các quan chức không cho biết chi tiết về lịch trình của họ vì lý do an ninh.


Thủ tướng Johnson cho biết Ukraine sẽ không gia nhập NATO ‘trong tương lai gần’

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói Ukraine sẽ không gia nhập NATO “trong tương lai gần”, sau khi tổng thống nước này thừa nhận Ukraine sẽ không trở thành một phần của liên minh quân sự phương Tây này.

Tổng thống Vladimir Putin từ lâu đã coi khát vọng gia nhập NATO của Ukraine là mối đe dọa đối với Nga, điều mà liên minh này phủ nhận.

Hôm thứ Ba (15/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã nhận ra rằng họ không thể gia nhập NATO. Đây là sự thừa nhận rõ ràng nhất của ông cho đến nay rằng mục tiêu được ghi trong hiến pháp của Ukraine này khó có thể được đáp ứng.

Việc này diễn ra khi Nga và Ukraine tổ chức một vòng đàm phán mới, với việc ông Zelensky nói hôm thứ Tư (16/03) rằng các yêu cầu của Nga đang trở nên “thực tế hơn”.

Hôm thứ Tư, ông Johnson — một trong những người phương Tây ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất — cho biết “tình hình thực tế” “không có chuyện Ukraine sẽ sm gia nhập NATO trong tương lai gần.” Nhưng ông cho biết quyết định này phải do Ukraine thực hiện.


Ukraine cho biết chiến hạm Nga bắn hỏa tiễn

Các binh sĩ đứng tập trung khi chiến hạm của Hải quân Nga tham gia Ngày Hải Quân tại St. Petersburg hôm 25/07/2021. (Ảnh: Olga Maltseva/AFP/Getty Images)

Cố vấn Bộ Nội vụ Anton Gerashchenko cho biết các chiến hạm Nga đã bắn hỏa tiễn và pháo vào bờ biển Ukraine gần Tuzla, phía nam Odesa, vào khoảng nửa đêm.

Ông nói trên Facebook: “Họ đã bắn một lượng lớn đạn dược từ một khoảng cách rất xa.”

Ông Gerashchenko cho biết Nga muốn thử nghiệm hệ thống phòng thủ bờ biển của Ukraine.

Ông nói rằng không có nỗ lực đổ bộ quân. Ông không cho biết liệu các vụ pháo kích có bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào hay không.


Ukraine cho biết tướng Nga thứ tư đã thiệt mạng

Ukraine cho biết một vị tướng thứ tư của Nga đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh.

Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho biết, Thiếu tướng Oleg Mityaev đã thiệt mạng hôm thứ Ba (15/03). Ông Gerashchenko đã công bố một bức ảnh trên Telegram mà ông nói là ảnh của viên sĩ quan này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo về sự thiệt mạng của một vị tướng Nga khác trong bài diễn văn vào ban đêm nhưng không nêu tên người này.

Ông Gerashchenko cho biết, tướng Mityaev, 46 tuổi, là chỉ huy sư đoàn súng trường cơ giới số 150 và đã từng tham chiến ở Syria.

Phía Nga không xác nhận về trường hợp thiệt mạng này.


Tổng thống Zelensky cho biết các yêu cầu của Nga đang trở nên ‘thực tế hơn’

Vào đầu ngày thứ Tư (16/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết những yêu cầu của Nga trong các cuộc đàm phán đang trở nên “thực tế hơn” sau gần ba tuần giao tranh. Ông cho biết cần có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán, được tổ chức bằng hội nghị qua video.

“Vẫn cần có sự nỗ lực, cần có sự kiên nhẫn,” ông nói trong bài diễn văn ban đêm trước toàn quốc. “Bất kỳ cuộc chiến nào cũng kết thúc bằng một thỏa thuận.”

Ông Zelensky, người sẽ có bài diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư (16/03), đã cảm ơn Tổng thống Joe Biden và “tất cả những người bạn của Ukraine” về khoản hỗ trợ mới trị giá 13.6 tỷ USD trong một dự luật chi tiêu mà ông Biden đã ký.

Ông kêu gọi có thêm nhiều vũ khí và biện pháp trừng phạt hơn để trừng phạt Nga, đồng thời lặp lại lời kêu gọi “đóng cửa bầu trời Ukraine trước các hỏa tiễn và phi cơ của Nga.”

Ông cho biết hôm thứ Ba (15/03) quân đội Nga đã không thể tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine và tiếp tục pháo kích dữ dội vào các thành phố.


Tổng thống Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo Bắc Âu cung cấp thêm vũ khí

Tổng thống Ukraine đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Bắc Âu cung cấp thêm vũ khí để chống lại cuộc xâm lược của Nga vào đất nước ông.

Nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Lực lượng Viễn chinh Chung (JEF) qua video trực tuyến hôm thứ Ba (15/03), Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Ukraine đang nhanh chóng sử dụng hết vũ khí và các cương liệu khác mà các quốc gia phương Tây đã chuyển đến đất nước của ông.

Ông cũng kêu gọi một lệnh cấm vận thương mại hoàn toàn đối với Nga, khi nói rằng các lệnh trừng phạt không đủ để chống lại bước tiến của Nga.

“Chúng ta phải thừa nhận rằng Nga là một quốc gia bất hảo và phải có một lệnh cấm vận thương mại với Nga,” ông Zelensky nói. “Đây là điều mà chúng tôi cần và các vị cũng cần, cũng như phần còn lại của thế giới, để bảo đảm cho hòa bình ở Âu Châu và Ukraine.”

Ông Zelensky cũng nhắc lại sự thất vọng của mình với NATO về việc họ từ chối khai triển vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine khi ông diễn thuyết trước các nhà lãnh đạo JEF trong cuộc họp hôm thứ Ba (15/03) tại London.

JEF do Vương quốc Anh đứng đầu là một nhóm gồm 10 quốc gia bắc Đại Tây Dương được thành lập để phản ứng nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng quốc tế. Lực lượng này bao gồm các thành viên NATO như Anh và các quốc gia Baltic, cũng như các nước không thuộc NATO như Thụy Điển và Phần Lan.


Nga-Ukraine tiếp tục đàm phán vào 16/03

Một nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine cho biết các cuộc đàm phán với Nga sẽ tiếp tục vào thứ Tư (16/03).

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã nói chuyện với các nhà đàm phán Nga qua liên kết video hôm thứ Hai và thứ Ba, mô tả các cuộc đàm phán là “rất khó khăn và bầy nhầy.”

Ông nói rằng “có những mâu thuẫn căn bản,” nhưng cho biết thêm rằng “chắc chắn có chỗ cho sự thỏa hiệp.”

Các cuộc đàm phán qua liên kết video trong tuần này tiếp nối ba vòng đàm phán ở Belarus mà không đạt được bất kỳ tiến triển rõ rệt nào.

Cả hai nhà đàm phán Nga và Ukraine đều bày tỏ sự lạc quan thận trọng nhưng không nói rõ bất kỳ chi tiết nào của cuộc đàm phán.


Hai ký giả làm việc cho Fox News thiệt mạng ở Ukraine

Một nhà quay phim kỳ cựu và một ký giả Ukraine 24 tuổi làm việc cho Fox News đều đã thiệt mạng khi phương tiện của họ bị đánh bom ở ngoại ô Kyiv, mạng truyền hình này cho biết hôm thứ Ba (15/03).

Lúc đó ông Pierre Zakrzewski, 55 tuổi, và cô Oleksandra “Sasha” Kuvshynova đang đi trên đường hôm thứ Hai (14/03) ở Horenka cùng với phóng viên của Fox News, anh Benjamin Hall, người vẫn đang nằm viện.

“Hôm nay là một ngày đau lòng đối với Fox News Media và tất cả các ký giả đang mạo hiểm tính mạng của mình để đưa tin,” giám đốc điều hành của mạng truyền hình này, bà Suzanne Scott, cho biết trong một bản ghi nhớ gửi tới nhân viên.

Ông Zakrzewski, một công dân Ailen sống ở London, là một nhiếp ảnh gia chiến tranh kỳ cựu, người đã đưa tin về các cuộc xung đột ở Iraq, Afghanistan và Syria cho Fox. Ông được trao giải thưởng nội bộ “anh hùng thầm lặng” vì đóng vai trò quan trọng trong việc đưa những người làm nghề tự do của Fox và gia đình họ rời khỏi Afghanistan sau cuộc rút lui của Hoa Kỳ. Ông đã làm việc ở Ukraine từ tháng Hai.

Cô Kuvshynova là một ký giả địa phương, được biết đến trong các khu vực chiến tranh. Cô đã dẫn đường cho nhóm làm việc của Fox xung quanh khu vực Kyiv, thu thập thông tin, và nói chuyện với các nguồn tin. Cô có niềm đam mê với âm nhạc, nghệ thuật, và nhiếp ảnh, bà Scott cho biết trong bản ghi nhớ.

Đây là vụ ký giả thiệt mạng thứ hai ở Ukraine trong hai ngày, sau cái chết của nhà làm phim tài liệu Brent Renaud.


EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu Chelsea Roman Abramovich

Hôm thứ Ba (15/03), Liên minh Âu Châu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea Roman Abramovich, như một phần của gói biện pháp mới nhằm vào Nga và các đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin.

EU đã đưa nhà tài phiệt Nga vào danh sách cập nhật các cá nhân đối mặt với việc phong tỏa tài sản và cấm đi lại vì vai trò của họ trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Ông Abramovich, 55 tuổi, đã bị chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson trừng phạt ở Anh vào tuần trước (07-13/03). Ông trùm nhôm nằm trong số bảy người Nga giàu có đã bị phong tỏa tài sản dưới các lệnh trừng phạt của Anh để đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Ông Abramovich cũng đã bị đình chỉ chức vụ giám đốc câu lạc bộ Premier League.

EU cho biết ông Abramovich “đã có đặc quyền tiếp cận tổng thống [Nga] và đã duy trì mối quan hệ rất tốt với ông ấy. Mối liên hệ này với nhà lãnh đạo Nga đã giúp ông duy trì khối tài sản đáng kể của mình.”

Hội đồng Âu Châu đã thêm 15 cá nhân và 9 tổ chức vào danh sách những người và cơ quan bị trừng phạt.


Người đứng đầu NATO cảnh báo về việc Nga vô tình tấn công các đồng minh của Hoa Kỳ

Hôm thứ Ba (15/03), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo về khả năng Nga vô tình tấn công vào một quốc gia láng giềng của NATO, đồng thời kêu gọi bổ sung lực lượng phòng không ở Âu Châu.

Hoa Kỳ đã gửi các khẩu đội hỏa tiễn đất đối không Patriot tới biên giới của Ba Lan sau khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai.

Ông Stoltenberg nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ và phòng thủ từng tấc lãnh thổ của các đồng minh NATO.” Nhưng ông cảnh báo, “Khi chúng ta thấy nhiều hoạt động quân sự hơn, khi chúng ta thấy giao tranh thực sự đang diễn ra gần biên giới NATO, thì luôn có nguy cơ xảy ra sự cố và tai nạn.”

Do rủi ro ngày càng cao nên “chúng ta phải cố gắng hết sức để ngăn chặn những sự cố và tai nạn kiểu như vậy và nếu chúng xảy ra, để bảo đảm rằng chúng không vượt quá tầm kiểm soát và tạo ra những tình huống thực sự nguy hiểm,” ông nói thêm.


Giáo sư Đại học Illinois: Ông Putin đã dự đoán sai về người dân Ukraine

Theo một giáo sư tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, kỳ vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin về cách Ukraine sẽ phản ứng với một cuộc xâm lược đã sai và thay vào đó, người dân Ukraine chưa bao giờ đoàn kết hơn.

“Tại thời điểm này, hiệu ứng ‘tập hợp xung quanh ngọn cờ’, ý tưởng xích lại gần nhau và ý tưởng đoàn kết xã hội ở Ukraine thực sự chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, và điều này hoàn toàn trái ngược với những gì ông Putin dự đoán,” Giáo sư xã hội học Cynthia Buckley cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/03 với phóng viên Kevin Hogan của NTD News.

Bà nói: “Ông ta đã dự đoán sự hỗn loạn và người dân sẽ chạy tán loạn. Điều này không xảy ra.”

Bà Buckley nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là tập hợp người dân của mình để chống lại quân đội Nga.

“Quý vị đã chứng kiến sự xuất hiện của một nhân cách lãnh đạo hết sức thuyết phục ở ông Zelensky,” bà nói. “Việc ông ấy ở lại làm việc với quân đội và hiện đang ở Kyiv có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố sự đoàn kết, thiết lập ý tưởng về lòng yêu nước, và thực sự gắn kết người dân Ukraine lại với nhau.”


Nga dịu giọng trong các cuộc đàm phán

Một trợ lý cao cấp của Tổng thống Ukraine nói rằng Nga đã làm dịu lập trường của mình trong các cuộc đàm phán về một giải pháp tiềm năng.

Ông Ihor Zhovkva, một phó chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết hôm thứ Ba (15/03) rằng các cuộc đàm phán giữa các đại diện của Nga và Ukraine đã trở nên “có tính xây dựng hơn” và Nga đã thay đổi giọng điệu và ngừng yêu cầu Ukraine đầu hàng — điều mà Nga đã nhấn mạnh trong suốt các giai đoạn trước của các vòng đàm phán.

Ba vòng đàm phán ở Belarus đã diễn ra hồi đầu tháng, theo sau là các cuộc gọi video giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine, bao gồm cả cuộc đàm phán vào thứ Ba (15/03).

Ông Zhovkva nói rằng các đại diện Ukraine cảm thấy “lạc quan ở mức độ vừa phải” sau cuộc đàm phán này, đồng thời cho biết thêm rằng Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin cần gặp nhau để đạt được tiến triển lớn.


Tổng thống Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo NATO tại Brussels vào tuần tới

Các nhà lãnh đạo NATO sẽ gặp nhau tại Brussels vào ngày 24/03 trong một hội nghị thượng đỉnh “đặc biệt” để thảo luận về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, người đứng đầu liên minh này cho biết hôm thứ Ba (15/03), khi Tòa Bạch Ốc xác nhận Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng sẽ tham dự.

“Chúng ta sẽ bàn về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng ta đối với Ukraine, và việc tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của NATO. Vào thời điểm quan trọng này, Bắc Mỹ và Âu Châu phải tiếp tục sát cánh bên nhau,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viết trên Twitter.

Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki xác nhận ông Biden sẽ tham dự cuộc họp tại trụ sở NATO này.

“Mục tiêu của ông ấy là gặp trực tiếp và nói chuyện cũng như đánh giá xem chúng ta đang ở đâu tại thời điểm này trong cuộc xung đột,” bà nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo. “Cho đến nay, chúng ta đã liên kết vô cùng chặt chẽ. Điều đó không xảy ra ngẫu nhiên.”

Khi được hỏi liệu ông Biden cũng sẽ đến thăm Ba Lan, làm điều gì đó liên quan đến người tị nạn Ukraine hoặc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay không, bà Psaki từ chối bình luận, nói rằng chi tiết của chuyến đi vẫn đang được thảo luận.


Moscow trừng phạt Thủ tướng Trudeau và các nhà lãnh đạo Canada

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Bộ trưởng Ngoại giao Melanie Joly, Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand và các quan chức Canada khác đã bị đưa vào danh sách trừng phạt.

Bộ cho biết trong tuyên bố hôm thứ Ba (15/03) rằng họ đã bị cấm nhập cảnh vào Nga để đáp trả các lệnh trừng phạt của Canada đối với giới lãnh đạo Nga. Các biện pháp trừng phạt của Nga cũng nhắm vào các nhà lập pháp Canada.

Bộ cho biết quyết định này là một hành động họ phải buộc lòng thực hiện để đáp trả “các hành động thù địch của chính phủ Canada đương nhiệm vốn từ lâu đã thử thách sự kiên nhẫn của chúng tôi.” Quyết định này được đưa ra sau thông báo về các lệnh trừng phạt của Nga đối với Tổng thống Joe Biden và các thành viên cao cấp trong chính phủ của ông.


Nga trừng phạt Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinke

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, và các quan chức cao cấp khác của chính phủ ông Biden đã bị Nga đưa vào danh sách trừng phạt.

Bộ cho biết trong tuyên bố hôm thứ Ba (15/03) rằng biện pháp này là một sự đáp trả đối với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ áp đặt lên giới lãnh đạo Nga.

Đồng thời, họ lưu ý rằng Nga có thể không từ bỏ các mối liên hệ chính thức với các quan chức Hoa Kỳ bị nhắm mục tiêu bởi lệnh trừng phạt này, nếu những mối liên hệ đó thuộc về lợi ích quốc gia của nước này.

Related posts